PDA

View Full Version : Tết nguyên đán bắt đầu từ đâu?


Tiêu Dao
10-01-2008, 21:12
Sắp đến Tết con chuột nhắt rồi. Chư vị ai có thông tin gì thì mở mang kiến thức cho mọi người với.
Tết nguyên đán bắt đầu từ lúc nào và từ đâu?
Tại hạ nghĩ chắc là từ Trung quốc. nhưng từ lúc nào và ai đặt ra thì không biết.

Lạc Y Khách
11-01-2008, 04:07
Theo tại hạ được biết thì Tết Nguyên Đán đúng là bắt nguồn từ Trung Quốc. VN chịu ảnh hưởng văn hóa TQ nên cũng có Tết Nguyên Đán này.
"Tết Nguyên Đán" ( hay gọi đơn giản là "Tết" ) bắt đầu từ đời Ngũ Đế, Tam Vương. Ngũ Đế là Thiếu Hiệu, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Còn Tam Vương là Hạ (Vũ) , Thương (Thành Thang) , Chu (Văn-Võ), tức là Tết Nguyên Đán có từ khoảng 2000 năm trước công nguyên.

Quận Chúa Quỳnh Anh
13-01-2008, 10:00
QA post một đoạn có liên quan tới vấn đề mà TDCS hỏi tới, QA đọc được từ bài viết của N.V. Cường.

Dân tộc ta bắt chước Trung Hoa mừng Tết Nguyên Đán ?

Tết Nguyên Đán là Tiết lễ đầu tiên của năm.

Tết: do chữ Tiết (thời tiết) mà ra.

Nguyên: bắt đầu.

Đán: buổi sáng sớm.

Vậy Tết Nguyên Đán tức là Tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới.

Một câu hỏi đôi khi được đặt ra: Tại sao tiền nhân chúng ta không chọn tháng 3 để tổ chức Tết Nguyên Đán, như các dân tộc Miên, Thái hoặc Lào hoặc một tháng nào đó trong năm mà lại chọn đúng vào ngày đầu tháng Giêng âm lịch giống như dân tộc Trung Hoa? Vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này thêm vào sự liên hệ giữa hai dân tộc Hoa - Việt vốn đã có hàng nghìn năm trước khi Trung Hoa đô hộ nước ta nên nhiều người vội cho rằng dân tộc ta bắt chước người Trung Hoa về thời gian mừng Tết Nguyên Đán.

Thật ra, đây chỉ là sự ngộ nhận.

Dựa vào lịch sử Trung Hoa, trải qua nhiều triều đại, chúng ta được biết người Trung Hoa có tục lệ mừng Tết Nguyên Đán không phải vào đầu tháng Giêng âm lịch như hiện nay mà thật ra thời gian được chọn để tổ chức mừng Xuân được thay đi đổi lại rất nhiều lần. Chẳng hạn, vào đời Tam Vương nhà Hạ, người Trung hoa chọn tháng Dần đầu năm để mừng xuân. Đến đời nhà Thương người ta đổi lại tháng Sửu tức tháng Chạp. Qua đời nhà Chu, người ta lại chọn tháng Tý, tức tháng Một. Ba vị vua trên đây không phải vô cớ, tùy hứng mà chọn những tháng đó, mà là họ đã dựa vào ý nghĩa tốt xấu, căn cứ theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa. Họ tin tưởng giờ Tý là giờ thành, giờ Sửu đất nở và giờ Dần sinh ra người. Đến đời nhà Đông Chu, Khổng Tử một lần nữa noi theo nhà Hạ, đổi lại ngày Tết vào tháng Dần. Qua đời nhà Tần người ta lại thay ngày Tết vào tháng Hợi tức tháng Mười. Cuối cùng, khi nhà Hán lên ngôi, bấy giờ người Trung Hoa lại noi theo gương Khổng Tử chọn ngày đầu tháng Dần, tức tháng Giêng để mừng Tết.

Trong khi đó, nước ta trải qua rất nhiều triều đại, không thấy có tài liệu lịch sử nào ghi chép lại cho biết là dân tộc ta đã chọn những tháng khác ngoài tháng Giêng để mừng xuân. Mừng xuân vào dịp đầu năm âm lịch nói là của người Trung hoa là hoàn toàn không chấp nhận được.

Tiền nhân chúng ta khôn ngoan, lại xuất thân từ giới nông dân. Sở dĩ các ngài chọn ngày đầu năm âm lịch để tổ chức Tết Nguyên Đán, vì thời gian này nhằm vào đúng mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong năm với thời tiết mát mẻ, dịu dàng, cây cối đâm chồi nẩy lộc, khoe thắm sắc hương và mang một màu sắc xinh tươi, mới mẻ rất thích hợp trong việc thăm viếng bà con, thân thuộc, bạn bè.

Đây cũng là khoảng thời gian mà mọi công việc đồng áng đã hoàn tất, lúa gặt xong và được đem chứa vào những lẫm lúa. Người nông dân châm lắm tay bùn, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, giờ đây được thảnh thơi hoàn toàn có thể cùng nhau hội hợp, liên hoan, ăn uống vui vẻ với nhau để tỏ lòng biết ơn đối với Trời Đất và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu ruột thịt đã qua đời!


**Đọc cái này thấy khoái hơn, nước mình đâu thèm bắt chước, tổ tiên của mình khôn ngoan có thừa mà :D

Lê Nguyễn
13-01-2008, 11:21
Nước mình vốn là một vùng đất của cây lúa nước. Trước đây, dân mình làm lúa chỉ có 1 vụ thôi. Do nhu cầu phát triển, lúa nước bây giờ trồng đến 2 vụ, có nơi đến 3 vụ một năm. Và cũng vì lý do này, mới xuất hiện cái gọi là "lúa mùa" và "lúa sớm".

Khi làm lúa mùa, thường người ta kết thúc mùa vụ vào tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), từ việc gặt lúa, suốt lúa, đến phơi lúa. Nhớ lúc nhỏ, có những năm gặt lúa trễ, đến sáng 30 Tết rồi mà nhà LN vẫn còn đem lúa ra phơi, hic, ko được đi chơi Tết, đi khoe áo mới với bạn bè :p

Sau Tết, người ta sử dụng đất để làm màu, nhằm sử dụng tốt nguồn đất, cũng như tạo sự màu mở trở lại cho đất.

Xong vụ màu thì cũng đến lúc vào vụ lúa. Xong vụ lúa thì người ta bắt đầu vui chơi. Và cứ như thế, cuộc sống dân mình cứ êm đềm trôi....

Có bài thơ thế này:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Ðể cho ta lại làm mùa tháng Năm
Sớm ngày đem lúc ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta
Ðến khi lên mạ, thì ta nhổ về
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai
Ruộng thấp đóng một gầu giai
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng
Chờ cho lúa trổ đòng đòng
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi :D
Mới có câu: Ra Giêng anh cưới em.
(Đó là ngày xưa, còn bây giờ, mới tháng Chạp thôi là đi đám cưới muốn đừ luôn rồi. Trong năm lãnh lương thì còn nghĩ đến việc mua sắm, chứ cuối năm rồi thì chẳng dám nghĩ, nội nghĩ việc đủ tiền đi đám cưới không thôi đã đủ mệt rùi :p)
Riêng điểm này cũng thấy rõ nét văn hóa của dân tộc ta rồi.

Tết là dịp để ăn và chơi sau những ngày làm mùa vất vả. Theo như kinh nghiệm trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm của dân mình, thì tháng Giêng là dịp thích hợp nhất để người dân ăn Tết. Như QCQA có đề cập đến trong bài viết, Tết đúng vào mùa của trăm hoa đua nở, mùa của sự sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc....

Mình là mình khoái nhất cái sắc rực rỡ của mai vàng ngày Tết lắm lắm :)

TC NGUYỄN
18-01-2008, 11:03
Vài phong tục ngày tết VN

Ngày tết Nguyên đán (đầu năm), để thêm phần trịnh trọng, ông cha ta đặc ra nhiều mỹ tục có thể gọi là thuần phong như:

- Khai bút đầu năm
- Hái lộc
- Chúc tết
- Du xuân
- Mừng thọ…

Những điều nêu trên, là người VN ai cũng biết…Chỉ xin nêu ra một vài phong tục tiêu biểu có thể xem như nét đặc thù của cái tết VN.

Tống cựu nghinh tân:
- Trên ý niệm này việc đầu tiên chuẩn bị cho ngày tết cho có phần mới mẻ, thoáng… là gia đình xúm nhau quét dọn làm sạch nhà cửa…,từ trong ra ngoài để chuẩn bị đón hồn ông bà…về ăn tết, phù trợ cho con cháu…
- Nhắc nhở con cháu (ngay cả chính mình) luôn luôn ôn nhu trong ba ngày tết, còn nếu không thì mang xúi quẩy cho năm mới…
- Chúc nhau những điều tốt lành…

Khai bút đầu năm:
- Đây là những câu đối viết bằng chữ Nho bay bướm trong ba ngày viết dán lên cột như cụ Tế Xương…, để tư khen hay chữ lấy chính mình, hay tự trào…cho ông bà chứng giám và cho người lé mắt nhìn chơi cái phong lưu gọi là…, ngày nay người ta dùng thư pháp thế vào cũng đắt tiền khối!?...

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi
- Hái lộc - -> Lộc tự nhiên tới thi tốt, nhưng chờ thì nhiều khi không…, nên người ta chủ động đi tìm bằng cách hái lá non đầu năm vào Lăng chùa xin thầy bói…, làm giàu cho thầy bói, chỉ tội cho các cây ở Lăng chùa đã trụi lại càng trụi thêm…
- Xông nhà - -> ngày mùng một gia chủ thường để ý người khách nào đến nhà chúc tết mình đầu năm thì người đó xông nhà và công việc làm ăn, sức khỏe hanh thông mọi việc trong năm mới của gia chủ, thì người xông nhà được ca tụng còn ngược lại thì ôi thôi! vậy đầu năm nhiều người nằm nhà, hay đi chơi đâu đó đến chiều đến mới thăm bạn bè bà con…thì chắc ăn, làm cho buổi sớm mai mùng một tết đáng lý vui vẻ ấm cúng vì người người thăm nhau thì nhiều khi tẻ lạnh vì kiên kỵ... có khi dông ngay cả ngày... Nhiều chủ nhà nhờ người cho là “ nhẹ vía?” đến xông nhà dùm mình cho hên suốt năm!...
- Chúc tết - -> Sau giao thừa con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ…và con cháu được chút tiền còm của người trên thưởng trong bao đỏ(tàu!)…, cũng là cái vui của trẻ con!- Và đây cũng là dịp “lại quả” thú vị cho các quan Tham!...
- Chúc thọ:- -> Đúng ra chúc thọ phải đúng vào ngày sinh, nhưng các cụ ta thì ngày sinh tháng đẻ của mình u mờ lắm! ( không có khai sinh…), chỉ nhớ mình sinh ra năm Tí, Mẹo, Dần …gì đó là tốt rồi, cho nên các cụ làm cho tiện, nhân ngày xuân (đầu năm) con cháu tụ tập đông đủ- có lục, thất, bát, cửu tuần…- thì các cụ cho con cháu chúc thọ, luôn tiện lì xì cho đở tốn công hao tiền cũng là lưỡng tiện…

Còn vài tuần nữa đến năm con Chuột, san sẻ với các bạn về một vài phong tục của ngày tết, và xen vào một vài ý nghĩ về không khí của cái tết có tính “ hàm thụ “ lảng bảng của không và thời gian…

lảng nhách yến thanh
18-01-2008, 18:22
theo mình nghỉ phong tuc việt nam ta vẩn còn lac hậu về vấn đề song nhà . vì họ còn vẩn để vấn đề bói toán lên hàng đầu mình thi ko phải ko tin nhưng chỉ tin vào nhửng cái gì mà mình cho là đáng tin mà thôi . còn thầy bói chẳng qua củng chỉ nói về điều hay thôi chứ co noi điều xấu bao nhiêu đâu .

__Phi*Tuyết__
20-01-2008, 13:27
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ thời Ngũ Đế, Tam Vương.
Đời Tam Vương, Anh Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, nhằm tháng Dần (con cọp) làm tháng đầu năm, do đó Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần.
Nhà Thượng, thích màu trắng nên chọn tháng Sửu (con trâu) tức tháng chạp làm tháng đầu năm.
Đến thời nhà Chu ( 1056- 256 trước công nguyên) ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý (con chuột ) tức tháng Mười Một làm tháng Tết.
Các vui nói trên, theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa: Nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh ra loài người mà đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến đời Đông Chu, Khổng phụ Tử ra đời, đổi ngày Tết và một tháng nhất định: tháng Dần.
Mãi đến đời Tần ( thế kỷ III trước công nguyên), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi ( con lợn), tức tháng Mười.
Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế ( 140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần ( tức tháng Giêng) từ đời Hạ và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông phương Sóc, ông cho rằng tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ bốn sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế ngày Tết được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy.

Tiêu Dao
21-01-2008, 20:47
Đa tạ các huynh đệ đã đóng góp nhiều kiến thức cho mọi người mở mang. Thế nhưng rút lại thì Tết của ta có giống (hay bắt nguồn) từ Tết của Trung quốc không? Theo tớ biết (không biết chính xác không) thì lúc xưa TQ ăn tết Rằm tháng giêng (thượng nguyên) còn lớn hơn cả Tết nguyên đán.

TC NGUYỄN
23-01-2008, 17:29
Vài phong tục…(tiếp)

Cúng giao thừa ngoài trời:
Giao thừa (nửa đêm 30 tết) trời tối đen như mực, chỉ có đầy sao lấp lánh thắp sáng lấp lánh như những ngọn nến lửng lơ nhìn thêm hoang dã rờn rợn của không khí đổi thay đất trời…, thì chính là lúc người ta bày biện hoa quả đồ cúng ngoài sân để cúng…, tục lệ này có từ xa xưa ở bên Tàu…, vì với Tàu, nhà trời cũng tổ chức giống như hạ giới, có quan quân tướng sĩ…, vua trời hay Ngọc Hoàng Thượng Đế có quyền năng khắp chốn nhân gian, bằng cách phân bổ bô hạ xuống cai quản (cõi linh) hằng năm đến giao thừa là giờ đổi phiên, Ngọc Hoàng bổ nhiệm một quan Khâm Sai mới (governor) cùng với thuộc hạ (tân bổ) xuống trần thay phiên.

Các cụ ta tưởng tượng đây là giờ phút giao thoa, quan quân nhà trời theo lệnh…lên xuống như mắc cửi, giờ phút bận rộn này các vị nhà trời có thể không đủ thời giờ ăn uống, cho nên muốn đem chút lòng thành bày biện cúng giữa trời để các quan sai tiện ghé mà ăn…, Lưỡng tiện nhớ mặt gia chủ cúng kiến… sẽ ban phúc trong năm làm ăn yên ổn không bị quấy rầy, vì các cụ quan viên nhà trời cũng nhũng lạm như thế gian…, nếu năm nào gặp quan viên nhà trời thanh liêm và lo cho nhân gian thì năm ấy được mùa thịnh trị, an lành hạnh phúc…

Tục kiên hốt rác trong ba ngày tết:
Ba ngày tết có tục không được quét dọn hốt rác vi sơ hốt trúng thần tài đổ đi thì nghèo khó suốt năm. Câu chuyện được ghi lại trong “Sưu thần ký” của Tàu, kể có một người lái buôn tên là Âu Minh, một hôm đi ngan qua hồ Thanh Thảo được một thủy thần hiện ra cho hắn ta một con hầu tên Như Nguyện, đem về nhà được vài năm tự dưng nhà phát giàu to…, nhưng sau đó bạc đãi đánh đập nó đúng vào ngày mồng một tết, nó chun trốn vào đống rác rồi biến mất, kể từ đó Âu Minh trở thành nghèo khốn…Nhân tích này dân gian kiêng không hốt rác trong ba ngày tết sợ xui…

Như các bạn thấy, hầu hết các phong tục chính trong ba ngày tết hầu như xuất phát tư Tàu…mà cái gì trở thành phong tục thì làm sao thay đổi đây, nhưng với tinh thần tư cường, VN ta vẫn có tinh thần ăn tết riêng của ta chứ…thử bàn xem.

Tiêu Dao
03-02-2008, 07:10
Vài phong tục ... (tiếp)

- Đi thăm mộ tổ tiên

Bắt đầu từ ngày 23 cho đến 30 tháng Chạp, con cháu thu xếp công việc về đông đủ cùng đi thăm và quét dọn, sơn phết lại mồ mã ông bà. Bây giờ do công việc bận rộn thì phong tục này cũng nhạt dần, thấy chỉ còn người trông coi hương hỏa của dòng họ làm việc này.

- Dựng cây nêu: phong tục này bây giờ ít thấy lắm, họa chăng là còn ở một vài vùng nông thôn. Tương truyền ngày xưa có con quỷ tranh giành đất đai với con người, sau nhiều lần thua phép Phật nó bị đày ... đến nơi nào không biết. Mỗi năm chỉ được lên mặt đất trong 3 ngày Tết. Để con quỷ này không làm hại trong những ngày nó được "tự do tại ngoại" ở cõi nhân gian, người ta dựng cây nêu trước sân nhà vào ngày 30 và hạ xuống vào ngày mùng 7 gọi là Khai hạ ( chấm dứt Tết).
Cây nêu là 1 cây tre, trúc, chặt nhánh sạch chỉ chừa vài tua trên chót, trên đó treo trầu, cau, lá "bùa" bằng giấy vàng, cái chuông (khánh) nhỏ .... (mấy món phụ tùng này sao thấy mỗi nơi mỗi khác). Nếu ở đình làng thì có cây cờ phướn ngũ sắc.

tienlagi_07
05-02-2008, 20:48
Nguồn gốc Tết cổ truyền Việt Nam

Đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết dân tộc Việt bắt đầu ăn Tết từ bao giờ và tại sao có ngày Tết. Sách “Việt sử đại toàn” đã ghi lại việc này, tuy không cụ thể nhưng qua phân tích ta có thể suy đoán một cách tương đối về thời gian hình thành mỹ tục ăn Tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Truyền thuyết và lịch sử cho thấy: Họ Hồng Bàng dựng n­ước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trư­ớc công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dư­ơng Vư­ơng sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vư­ơng. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chư­ng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vư­ơng 6. Có thể nói, nư­ớc ta sớm hình thành một nền văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của ngư­ời Việt. Nền văn hoá với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nư­ớc, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo - thứ thực phẩm chính nuôi sống con ngư­ời, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp đ­ược chọn để làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm. Thực ra, cho đến nay, nói một cách chính xác dân ta ăn Tết bắt đầu từ khi nào không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Hoa viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang - quan nư­ớc Tàu sang n­ước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng: Tr­ước khi ngư­ời Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có sinh hoạt văn hoá nền nếp và đặc sắc.


Thứ nhất: Vua Hùng không giống các vị hoàng đế Trung Hoa - nhất nhất theo Khổng giáo. Việc truyền ngôi cho con trai thứ 18 đã chứng tỏ sự khác biệt của dân tộc Việt với dân tộc Hoa. Thông thường các hoàng đế truyền lại ngôi cho vị hoàng tử cả như­ng Hùng V­ương thứ 6 của n­ước Văn Lang không theo nguyên tắc đó, ông chọn ngư­ời kế vị trị vì đất nư­ớc thay mình là ng­ười hiền đức, bất luận đó là cả hay thứ.


Thứ hai: Lang Liêu là một hoàng tử, đư­ơng nhiên phải là ngư­ời đư­ợc tiếp thu, thấm nhuần văn hoá dân tộc và tư­ duy theo cách của đồng bào mình. Theo đó, thấy rằng, dân tộc Việt ta có cách nghĩ thực tế hơn so với ngư­ời Hoa. Bánh chư­ng vuông tư­ợng trư­ng cho đất. Đất ở đây không có nghĩa là trái đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn - nơi người dân trồng cây lúa nư­ớc nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn không có nghĩa là bầu trời hình tròn, mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp. Ngư­ời Hoa th­ường giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu t­ượng, đôi khi như­ ma thuật rất xa xôi, khó hình dung.


Như­ vậy, có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam phải hình thành từ trư­ớc thế kỷ thứ nhất, không phải do ngư­ời Hoa khai hoá hay đồng hoá. Tuy nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau nên không thể không mang những ảnh hư­ởng của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nư­ớc ta nhiều năm liền những ảnh h­ưởng đó càng lớn hơn. Song về cơ bản bánh chư­ng, bánh giày là đặc tr­ưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ song không thể không có bánh ch­ưng xanh để cúng tế tổ tiên.:D

tienlagi_07
10-02-2008, 19:41
Đất nước ta đã từng chịu 1000 năm Bắc thuộc, nên ít nhiều nền văn hoá của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nước ta. Và tể Nguyên Đán cũng không ngoại lệ. Thật ra tết Nguyên đán không phải là tết của Việt Nam mà là Tết ăn theo Trung Quốc. Tết dân tộc ngày xưa là sự khởi đầu một mùa sản xuất, khi vừa chấm dứt mùa khô, khi cơn mùa đầu mùa đến (khoảng tháng 3).
Tết của Việt Nam được tính theo lịch âm và tết Trung Quốc cũng được tính như thế, nên tết của hai đất nước láng giềng này gần như sát nhau. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia sẽ có những nền văn hoá khác nhau, dù Việt Nam ảnh hưởng nền văn hoá Trung Quốc nhưng nhân dân ta đã sáng tạo, tạo nên một bản sắc văn hoá rẩ riêng Việt Nam.
Những ngày tết, những công việc cách thức đón tết của Việt Nam và Trung Quốc không khác nhau nhiều chỉ khác chăng là cách cúng lễ. ví dụ cả hai nước đều đưa ông Táo lên trời vào ngày 23/12 âm lịch nhưng ở Việt Nam thì cho ông Táo về trời bằng cá chép, còn Trung Quốc cho ông về bằng ngựa nên họ đốt rơm cắt khúc làm thức ăn cho ngựa.
Ngày xưa ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều treo câu đối đỏ, và đốt pháo nhưng ngày nay thì cả hai tục lệ này đều không còn nữa ở Việt Nam.
Điều quan trọng trong ngày tết của cả hai nước là việc đoàn tụ gia đình, vì vậy con cháu từ khắp mọi nơi đều trở về nhà, tham dự bữa cơm gia đình. Giao thừa xong thì con cháu sẽ chúc tết ông bà, cha mẹ và ông bà cha mẹ sẽ có phong bao đỏ lì xì cho con cháu…
Nhìn chung, tết Trung Quốc và tểt Việt Nam không khác nhau nhiều, sự giống nhau về tết Nguyên Đán của hai nước đó là nhờ vào sự giao lưu văn hoá, và sự giao lưu văn hoá tốt đẹp này sẽ được lưu giữ mãi đến ngày sau. :D