PDA

View Full Version : Bài dự thi của Thanh Lê


ThanhLê
07-11-2007, 09:04
Bài 1. 1. Mời bằng hữu viết một bài thơ theo thể loạt song thất lục bát. Nội dung viết về trận chiến thắng chống quân Nguyên Mông vào thời nhà Trần trên sông Bạch Đằng. Trong thơ cần nêu bật được vai trò của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Yêu cầu thơ có độ dài tối thiểu 15 câu.

Bài làm:

Chiến tích Bạch Đằng

Từ cửa ải giặc đông nghìn nghịt
Tới hải biên kìn kịt thuyền giăng,
Quân Nguyên sát khí đằng đằng
Mộng đồ bá chủ san bằng nước Nam.

Hai lần giặc tham lam xâm lược
Đại Việt không lùi trước chông gai,
Hai lần đuổi giặc chạy dài,
Quân thù thất trận vẫn hoài lăm le.

Hịch Tướng Sĩ lời thề dũng khí
Hội Diên Hồng ý chí toàn dân,
Phá cường địch, Báo hoàng ân
Tinh thần Sát Thát vang lần thứ ba!

Đứng trước cảnh sơn hà nguy biến
Hưng Đạo Vương trận chiến ngẫm suy,
Nếu so quân số khó bì,
Binh thư lược kế từ khi Ngô Quyền.

Gọi tướng sĩ lệnh truyền trấn thủ
Bạch Đằng giang cửa ngõ sơn hà:
Vào năm Mậu Tý tháng ba
Thuyền lương địch ắt phải qua lối này.

Trương Văn Hổ chở đầy lương thực
Ô Mã Nhi tiếp sức thủy quân,
Tướng ta Nguyễn Khoái giữ chân
Ngoài khơi khiêu chiến đợi dần triều dâng.

Triều dâng sóng mêng mang nước bạc
Ta vờ thua dụ giặc vào sông,
Khi triều rút, giặc vô tròng
Trận mai phục, ngàn mũi chông rào rào.

Giặc thua chạy mà nào chạy được
Cọc nhấp nhô đáy nước tủa lên,
Lưới trời giăng bủa lửa tên
Sông ngàn cọc nhọn, đắm thuyền, trốn đâu?!

Trần Hưng Đạo dẫn đầu binh sĩ
Nhịp trống dồn dũng khí xông pha,
Bạch Đằng giang – bản hùng ca
Sóng cuồn cuộn cuốn thây ma quân thù!

Giữa vang dội Nghịch thù Sát Thát!
Ô Mã Nhi bị bắt tròng gông,
Khải hoàn ca - khúc chiến công
Tin vui thắng trận cờ hồng trống chiêng!

Đại Việt mãi hùng thiêng lịch sử
Trận Bạch Đằng lưu giữ hào quang,
Hàn ôn chiến tích vẻ vang,
Cháu con lớp lớp tiếp trang sử vàng!

Thanh Lê!

Hịch Tướng Sĩ của Trần Hương Đạo viết để khuyên răn tướng sĩ
http://vi.wikisource.org/wiki/H%E1%BB%8Bch_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_s%C4%A9_NTT
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_H%C6%B0ng_%C4%90%E1%BA%A1o
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_H%C6%B0ng_%C4%90%E1%BA%A1o

Hội Nghị Diên Hồng
http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1ng_chi%E1%BA%BFn_ch%E1%BB%91ng_Nguy%C3%AAn _M%C3%B4ng#B.E1.BB.91i_c.E1.BA.A3nh

Hội Nghị Bình Than và lá cờ thuê sáu chữ vàng Phá cường địch, Báo hoàng ân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1ng_chi%E1%BA%BFn_ch%E1%BB%91ng_Nguy%C3%AAn _M%C3%B4ng#H.E1.BB.99i_ngh.E1.BB.8B_B.C3.ACnh_Than .2C_h.E1.BB.99i_ngh.E1.BB.8B_Di.C3.AAn_H.E1.BB.93n g

Sát Thát – Giết Quân Nguyên – hai chữ được thích vào cánh tay quân Đại Việt
http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1ng_chi%E1%BA%BFn_ch%E1%BB%91ng_Nguy%C3%AAn _M%C3%B4ng#H.E1.BB.99i_ngh.E1.BB.8B_B.C3.ACnh_Than .2C_h.E1.BB.99i_ngh.E1.BB.8B_Di.C3.AAn_H.E1.BB.93n g

Binh Thư Yếu Lược của Trần Hương Đạo viết về nghệ thuật quân sự
http://vi.wikipedia.org/wiki/Binh_gia_di%E1%BB%87u_l%C3%BD_y%E1%BA%BFu_l%C6%B0% E1%BB%A3c

*Trận Bạch Đằng diễn ra ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý 1288.
**Trương Văn Hổ và Ô Mã Nhi là hai tướng giặc Nguyên
*** Kế chôn cọc và mai phục trận Bạch Đằng đã được dùng thời Ngô Quyền chống Nam Hán. Trước đây Bạch Đằng còn là nơi Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n1ntn4ntn31n343tq83 a3q3m3237n1n0n

Cuộc thi viết về lịch sử của Đông Tây Kim Cổ. Quận Chúa Quỳnh Anh
http://www.luongsonbac.com/forum/archive/index.php?t-134259033.html

Nam Quốc Sơn Hà
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_qu%E1%BB%91c_s%C6%A1n_h%C3%A0

Ngô Quyền
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_Quy%E1%BB%81n

ThanhLê
07-11-2007, 09:45
Bài 2. Bằng hữu đã biết & yêu mến trang web Lương Sơn Bạc như thế nào ? Hãy miêu tả lại cảm xúc của bằng hữu
2.1. Bằng một bài thơ, yêu cầu thơ có đội dài tối thiểu 20 câu.
Hoặc
2.2. Bằng vài dòng hồi ký, với độ dài tối thiểu 500 chữ.

Bài làm


Lương Sơn Bạc - Điểm hẹn kỳ ảo
(Khúc hồi tưởng trên xe bus)

- Than Lee, I bet you’ll miss your bus stop again.
- Hey, my name is …
- Ok, Lee, like Bruce Lee, or Li like Jet Li?
- No, Lê, Thanh Lê.
- Sorry, Lee…Li..

Thanh Lê cùng mấy đứa bạn vui vẻ kéo nhau lên xe bus. Trên xe chỉ còn lác đác mấy người. Thanh Lê dựa vào thành cửa sổ lơ lãng nhìn ra, còn mấy bến nữa mới tới nhà. Trời nhá nhem, trên phố xe cộ thưa dần, chỉ còn đôi làn gió lùa trong những vòm cây. Những chùm lá phong đung đưa… đung đưa,… rồi dần dần la đà, la đà như những khóm trúc xanh… Đâu đây thấp thoáng một trang viên xinh xắn: Lương Sơn Thanh Trúc Trà. Đôi hàng câu đối tươi rói được tạc trên vách bởi một thư pháp thanh thoát và điêu luyện:

Lương Sơn Thanh Trúc chốn kia, gợi hồn kẻ Thi nhân.
Thủy Bạc Hồng Trà nơi đây, ru lòng người Phiêu lãng.*

Thanh Lê đang chăm chút lau những chiếc tách hạt mít trên bàn, chợt có tiếng bay xẹt vút ngang tai. Thanh Lê giật mình quay lại nhìn: con chim sơn ca của nàng vừa bay vút lên cành trúc, dáng chừng còn run rẩy. Dưới đất, một chú mèo con đeo chiếc nơ xanh lơ đang tròn mắt ngơ ngẩn nhìn theo. Thanh Lê thất thanh:
- Blue, tiểu nhị sao không trông mèo?

- Mừng quá, vậy là con mèo của tại hạ còn chạy nhảy được. Hôm nọ Cùng Nho huynh vô tình dẫm phải nó! Blue đang cẩn thận chắt những giọt sương trên lá sen để pha trà, ngó lên nhìn rồi vui vẻ trả lời.

Quên luôn chuyện xuýt xoa con chim sơn ca, Thanh Lê mỉm cười nhìn ra rừng trúc. Hôm nọ đúng là có Tú Yên, Quỷ Tửu, ‘Tiểu Quỷ’ Bằng Lăng và cả sư huynh Cùng Nho tới. Hôm đó vui thật là vui mặc dù cả đám khách chủ chỉ tranh cãi vặt vãnh nào giá khuyến mại của Blue, kiến lửa đốt Blue, cún của Tú Yên và mèo của Blue đuổi nhau ngoài sân, Bằng Lăng cải trang làm Tiểu Quỷ, và sư huynh đề thơ lên vách quán...

Đang chìm vào chút huyên náo của buổi hôm qua, Thanh Lê chợt nhìn lại. Blue đang xếp những chiếc ấm tách để pha trà. Ấm tách va vào nhau lách cách rất vui tai.

- Cả ngày hôm nay quán vắng quá, Thanh Lê chắc lại mong ai rồi! Mà cô chủ muốn trà gì đây?
- Đâu có ai. Kinh đô đang thi cử, hay ta pha trà Đại Hồng Bào, chúc khách đi thi đỗ đạt. Còn Blue, chắc Blue đang ngóng khách má hồng nào phải không?

Blue vui vẻ cười đáp: “Không biết có huynh huynh nào nhớ quán không nhưng quả là nhiều cô nương nhớ tại hạ nên tới đây, để xem nào…” Blue nháy mắt rồi nhìn lên các đốt ngón tay miệng nhẩm tên các tiểu thư: “Tú Yên lãng mạn mỹ miều, Bằng Lăng nhí nhảnh yêu kiều, Kim Liên sắc sảo nóng bỏng, Tuyết Liên kiều diễm dễ thương, Tử Yên thông thái kiêu sa, Tường Vân quốc sắc và thiên tư...”

Blue còn đang thao thao bất tuyệt thì ngoài ngõ vang lên một giọng vui vẻ, trẻ trung:

Bầu rượu hêt rồi uống chi đây
Thôi đành ghé quán Thanh Trà vậy
Dăm chén chè xanh dịu cõi lòng
Lưng chừng mây núi gợi ý thơ…**

- Aha, Blue tính tả vị khách này sao đây? Thanh Lê nhí nhảnh nói - Blue ra tiếp khách đi, để Thanh Lê pha trà nha.

Vị khách này hóa là chàng Quỷ Tửu, tiểu nhị bên Thi Tửu Lâu. Blue và vị khách trẻ chuyện trò rất vui. Thanh Lê lẩm nhẩm mấy vần thơ của Quỷ Tửu thế nào lóng ngóng bị nước trà bắn vô ngón tay. Nàng vội chạy xuống bếp rửa tay, chỉ nghe loáng thoáng hai huynh đệ vui chuyện bên Thi Tửu quán với cô chủ Tú Yên và Hoa Thi lâu chỗ Bằng Lăng Tím. Lát sau, Blue báo vội: Thanh Lê à, chưa giai nhân nào tới, tại hạ đi kiếm khách cho cô chủ nha. Rồi vội vàng bước theo Quỷ Tửu.

Thanh Lê chỉ kịp thấy bụi mịt mù tung lên sau những vòng bánh xe ngựa của Quỷ Tửu, và nghe vang vang giọng ca của chàng Blue giữa chập chùng đồi núi.

Hôm nay trà quán sao vắng quá
Vắng cả giai nhân cả nổi lòng
Ta mãi phiêu du chân trời lạ
Bao giờ mới thỏa nỗi niềm mong.***

Thanh Lê đặt ấm Đại Hồng Đào mới pha lên bàn, khẽ nhíu mày “Mọi người đi chơi vui quá. Chắc mai mình cũng sang mấy quán đó chơi cho vui. Còn bây giờ không biết nên chờ người quay lại hay chờ ai sắp tới!” Thanh Lê đưa mắt nhìn theo ánh chiều óng ả ươm vàng những đốt trúc. Nàng vô tư lự lang thang dạo gót.

Rừng trúc hiu hiu. Khói chiều mờ dâng… Chợt cả trang viên đang vắng lặng như bừng tỉnh theo tiếng ngựa hý vang. Một thư sinh hào hoa phong nhã, mắt sáng mày ngài, tay ôm túi sách, tay dắt ngựa tới trước cổng trang viên. Nghĩ thế nào, chàng tiến đến trước rừng trúc ngắm nghía, quyến luyến theo ánh tà dương vàng óng, phiêu lãng theo tiếng chim chiều ríu rít và tiếng sáo réo rắt cất lên đâu đó. Thư sinh treo tấm lụa mang theo lên mấy cành trúc. Chàng nhấc chiếc bút lông ra và khinh công bay lên vẽ trên dải lụa một bức tranh thơ tuyệt đẹp. Trên tấm lụa óng mướt hiện dần lên cảnh rừng chiều hoang vắng, những cành trúc biếc xanh, một quán thơ nho nhỏ và bên đường hoa cỏ thanh tao. Chỉ thấy thư sinh thân pháp tuyệt hảo đi những chiêu như Vân Thủ,.. Đơn Tiên,.. Song Phong Quán Nhĩ,.. Bạch Hạc Lượng Xí,.. trên tay chàng trai chiếc bút lông lướt như long bay phụng múa. Cạnh bức tranh là một bài thơ Thất Ngôn:

Bước tới Lương Sơn một thoáng chiều
Ngập ngàn hoa cỏ gót chân phiêu
Phất phơ dưới gió vài cành trúc
Thánh thót bên ngàn mấy tiếng tiêu

Chếnh choáng thi nhân liêu xiêu bước
Mơ màng lãng tử lửng lờ yêu
Lương Sơn Thanh Trúc Trà luyến ghé
Trút một thoáng buồn kiếp cô liêu****

Gửi cô chủ nhỏ xinh.
Lê Nguyễn – cảm tác trên đường xuôi Kinh dự thi!

…. Khí chiều se lạnh. Sáo trúc ngừng vi vu và chim chiều đã lặng hót. Thanh Lê trở về và ngất ngây ngắm bức tranh thơ trải ngay ngắn trên bàn trà. Trong khay trà là một chiếc tách nhỏ và chiếc ấm Đại Hồng Bào Trà còn chưa nguội hẳn. Nàng thán phục: “Quả là một tao nhân, tiếc ta chưa kịp gặp!”

Thanh Lê nhìn ra: ngõ vắng quạnh hiu, chỉ còn lóc cóc, lóc cóc tiếng vó câu từ xa vọng lại, những cành trúc lao xao lao xao…

- Thanh Lê, Thaanh Lê, Than Lee …

- Blue, hồi nãy vừa có khách… Thanh Lê lơ mơ trả lời.

- Blue What? It is your stop. Wake up!

Thì ra là tiếng một đứa bạn nhắc. Thanh Lê chỉ kịp chào mấy người bạn rồi nhảy ào xuống xe!

Trời tối, làn gió mát lạnh phả lên hai má. Thanh Lê xõa tóc mái tóc dài ra, rồi đưa hai bàn tay lên cặp lại. Nàng nhìn quanh. Những dãy phố đại lộ Tây Phương khang trang hiện đại đã trở thành thân quen mà hình như vẫn chưa bao giờ hoàn toàn hết xa lạ. Nơi đây ngày ngày Thanh Lê vẫn nghe những đứa bạn khác xứ ngọng nghịu gọi tên mình. Cuộc sống xa xứ sẽ buồn đi biết bao nếu thiếu những người bạn đồng hương thân thiết, những người bạn cùng chuyện trò chia sẻ tâm tư với Thanh Lê và hiểu được những suy tư tình cảm phong phú tế nhị mà Thanh Lê chỉ có thể diễn tả bằng Tiếng Việt thân yêu. Tại Lương Sơn Bạc, Thanh Lê đã được gặp gỡ và kết bạn, vừa được chuyện trò thư giãn vừa có dịp học hỏi trao đổi với những người bạn dù đang sống tại muôn phương trời nhưng cùng tự hào mang chung dòng máu Việt Nam. Từ bao giờ nhỉ, Lương Sơn Bạc đã trở thành một điểm hẹn kỳ ảo, một điểm hẹn thơ mộng giúp Thanh Lê cảm thấy được gần gũi hơn với Quê Hương Việt Nam.

Thanh Lê!


* Câu Đối Cùng Nho sư huynh tặng http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134291891
**Thơ Quỷ Tửu http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134291891&page=4
*** Thơ LoveBlue http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134291891&page=12
**** Thơ Lê Nguyễn http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134291891&page=22

ThanhLê
07-11-2007, 10:56
3.1. Nếu bằng hữu là Quản lý của một mục nhất định ( ghi rõ tên mục mà bằng hữu chọn ) trên Lương Sơn diễn đàn, bằng hữu sẽ có những phương hướng/hoạt động như thế nào để thu hút thành viên tham gia mục đó. Hãy đưa ra tối thiếu 03 điểm mà bằng hữu cho là cần thiết nhất & giải thích rõ tại sao ? Yêu cầu tối thiểu 500 chữ.

Hoặc ....

Bài làm


Thanh Lê tham gia cuộc thi này không phải với mục đích để trở thành quản lý. Nay Ban Giám Khảo đã hỏi, Thanh Lê xin trình bày mấy ý nghĩ chân tình. Vì mới gia nhập diễn đàn Lương Sơn Bạc có mấy tháng, ‘đi lại’ chưa nhiều, Thanh Lê thấy Tụ Nghĩa Đường là nơi thân quen nhất. Vậy Thanh Lê xin mạo muội nêu ba ý như sau:

-Thứ nhất, nếu tham gia cùng quản lý diễn đàn này, Thanh Lê sẽ cố gắng làm theo lời khuyên răn thứ nhất của vị đại thần Ức Trai Nguyễn Trãi trong lời mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Tụ Nghĩa Đường là cửa ngõ của Lương Sơn, nơi các bằng hữu nhập gia, đăng sơn, quần tụ với nhiều nhu cầu ước muốn: trước thì làm quen và kết bạn, sau còn giao lưu và duy trì tình bằng hữu để chia sẻ, học hỏi, và bàn bạc, hay để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà v.v. Ngoài ra, Tụ Nghĩa Đường còn nên là nơi hướng dẫn giúp đỡ các bằng hữu về ‘đường thôn lối xóm’ để bằng hữu tìm đến các chuyên mục khác thích hợp, gặp gỡ các bạn cùng sở thích và mối quan tâm. Mỗi người có một nguyện vọng, phong cách nói chuyện và giao lưu khác nhau. Lấy 'dân làm gốc', người quản lý nơi đây nên bình dân, chan hòa, tìm hiểu về nhu cầu, và học hỏi về diễn đàn để giúp đỡ tất cả các thành viên và phục vụ các yêu cầu chính đáng như Làm quen, Giao lưu và Tìm hiểu. Hoạt động cụ thể hơn là sáng tạo, lập các chủ đề hoạt động thú vị thu hút các thành viên tham gia, để các bằng hữu có dịp nói chuyện vui vẻ hòa đồng với nhau, nâng đỡ các thành viên mới, và học hỏi thêm về các hoạt động khác của diễn đàn. Ví dụ, chúng ta nên duy trì Nghênh Tân Tửu Lâu để đón tiếp bằng hữu mới, giúp bằng hữu làm quen và hỏi ‘đường xá’ hay xin hướng dẫn cách dùng các chức năng v.v.. Hay chúng ta có thể mở thêm một quán café chọn lựa mỗi ngày một bài hát, cho mọi người thấy thư giãn, thân thiện và từ đó tự giúp đỡ với nhau.
- Thứ hai là làm theo lời khuyên răn thứ hai của vị đại thần Ức Trai Nguyễn Trãi: “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Thanh Lê không có ý ám chỉ cá nhân nào hết, chỉ là trên tinh thần xây dựng diễn đàn mà thôi. Thanh Lê chỉ nghĩ đơn thuần là ai ai cũng có quyền bình đẳng khi tham gia diễn đàn trên cơ sở đoàn kết tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đến với nhau trên Lương Sơn không phải để chuốc thêm ưu phiền, bực dọc, hay căng thẳng. Vì thế làm quản lý là làm gương góp phần cùng với các thành viên tạo được một không khí diễn đàn lành mạnh, yên vui, và an toàn cho mọi người. Ban quản lý nên liên tục phát triển và thi hành các biện pháp công minh để xử lý các hoạt động phá hoại (gửi virus, hình ảnh đồi trụy v.v.) hay các bài gây hiềm khích xúc phạm tới các thành viên khác. Các biện pháp này phải áp dụng với tất cả mọi người một cách bình đẳng và công minh. Đấy là một việc nói dễ nhưng vô cùng khó làm, khó xử. Thanh Lê nghĩ bước đầu là nên tránh các đề tài dễ gây xích mích, nghe lời khuyên hợp lý hợp tình của bằng hữu, luôn tin vào sự hướng thiện của con người mà dùng lời lẽ dung hòa phân xử. Con người mỗi người mỗi ý, ai cũng có ý hay và ai không có thiếu sót. Quan trọng là trong khi giao lưu hay lúc phân xử, ai cũng phải thấy mình được tôn trọng. Còn các biện pháp khác như giam vào Thuỷ Lao chỉ dùng khi không còn cách nào khác, nhưng cũng là cần thiết khi gặp những thành viên cố tình phá hoại. Thứ nhất là để duy trì một diễn đàn lành mạnh, thân ái và an toàn, để giữ chân các hiền nhân hiền tài, và bảo vệ những bạn yếu, nhút nhát. Thứ hai là để chúng ta không hổ thẹn với các thế hệ sau của Lương Sơn hay bạn hữu ngao du trên mạng đặt chân đến đây khinh chê những lời nói bất nhã không thanh lịch văn hóa của chúng ta. Có thế chúng ta mới giữ được các thành viên cũ và thu hút các thành viên mới.
- Thứ ba là đoàn kết và trao đổi với các thành viên khác cũng như ban quản lý để các đề tài và hoạt động trong các diễn đàn lưu giữ được truyền thống đặc trưng của Lương Sơn Bạc và mang chung một hướng đi – một tầm nhìn. Dù là việc nâng cấp giao diện chức năng kỹ thuật hay quảng cáo diễn đàn, phát triển hay mở chương mục v.v. việc nào cũng phải nằm trong một tầm nhìn, chung một hướng đi. Thanh Lê nghĩ hoạt động trước hết là cùng bàn với nhau ví dụ tham khảo các bài làm 3.2 của kỳ thi này với ban quản lý, hay tổ chức trưng cầu dân ý xem điều gì ở Lương Sơn Bạc hấp dẫn mọi người, khác với các nơi khác, từ các chuyên mục, giá trị hữu ích của thông tin, tới sự chan hòa vui vẻ của bằng hữu, cách xưng hô, tinh thần bác ái v.v. cũng như điều gì bạn chưa hài lòng với hai mục đích để phát huy thế mạnh và sửa chữa thiếu sót. Lương Sơn Bạc có thể tổ chức các chủ để để đoàn kết giúp đỡ và hướng dẫn dìu dắt các quản lý hay các thành viên có tâm nguyện đóng góp. Có thu hút và đào tạo được một đội ngũ các thành viên tiên phong và tâm nguyện như vậy mới thu hút được các thành viên khác cùng tham gia diễn đàn và các chuyện mục khác nhau nơi các thanh viên này tham gia.

Thanh Lê nghĩ mình tài mọn, sức nữ nhi, tính tình ôn nhu chỉ có vài thiển ý chân tình, xin kính dâng!

Lương Sơn Bạc muội tử Thanh Lê kính bút!

LSB-NgoDung
11-12-2007, 05:12
Câu 1: Bài thơ đã thành công trong việc vẽ lại chiến thắng hào hùng của dân tộc ta chống quân Nguyên Mông thời Trần. Cũng như đã nêu bật được vai trò lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Qua bài thơ của Thanh Lê từng chi tiết của trận chiến như dần hiện ra trước mắt. Người đọc như mãi còn nghe:
" Nhịp trống dồn dũng khí xông pha, "

Với kỹ thuật cao, cách chọn từ thích hợp, không quá hoa hòe, sáo rỗng, có tính chân mộc. Lời thơ nhẹ nhàng mà không kém phần hào hùng, dứt khoát.
Bài thơ còn vài lỗi chính tả nhỏ, đặc biệt lỗi chấm, phẩy. Vài chỗ còn sai luật bằng, trắc. 25/30 điểm.

Câu 2: Đây là một bài "hồi ký" hơi... kỳ lạ. Có lẽ nên gọi đây là một truyện ngắn của một tác giả có trí tưởng tượng phong phú sẽ thích hợp hơn.
Tuy có đôi chút lạc đề thi, nhưng bổn quân sư đánh giá cao thời gian, công sức mà thí sinh đã bỏ ra cho bài thi này, và khuyến khích thí sinh lần sau nên chú ý hơn vào đề thi, đôi lúc không nên để trí tưởng tượng bay quá xa. 20/30 điểm.

Câu 3: Việc áp dụng thành thạo binh pháp vào việc tề gia, trị quốc xưa nay vốn chỉ bậc trí giả mới làm nổi, nay Thanh Lê ở diễn đàn ta cũng có thể từ "Bình Ngô đại cáo" của cao hiền Nguyễn Trãi mà chỉ ra các điểm còn thiếu sót của diễn đàn, lại còn có thể vén áng mây mù chỉ cho bổn trại thấy trời xanh. Đọc hết bài thi bổn quân sư thật không thể không đập bàn mà khen hay vậy. Bổn trại xin thu nhận các góp ý của bạn và mong sẽ có thể sớm triển khai các góp ý này để hoàn thiện diễn đàn hơn. 35/40 điểm.


Tổng cộng: 80 điểm.

Cùng Nho
11-12-2007, 21:42
Câu 1: Bài thơ rất hay, nêu bật được chiến tích anh hùng của quân dân ta trong kháng chiến chống quân Nguyên, đồng thời nêu bật được vai trò của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Dẫn chứng rõ ràng. Nhưng thể loại song thất lục bát lại dùng thành từng đoạn 4 rời rạc là nhược điểm. Điểm 25/30.

Câu 2: Chuyện hay, giàu cảm xúc, có đầu tư và có tâm huyết với LSB. 25/30.

Câu 3: Bài phân tích có nhiều ý hay, có những ý kiến đóng góp thiết thực vào việc xây dựng LSB. Bài khá thú vị ở chỗ dựa trên Bình Ngô Đại Cáo. Điểm 35/40.

Tổng: 85/100.