PDA

View Full Version : Để nhớ


Quận Chúa Quỳnh Anh
18-05-2007, 11:12
Nếu bạn hỏi tôi: "Có biết Hồ Chí Minh là ai không?". Câu trả lời của tôi: "Dưới mái trường XHCN, bất cứ một học sinh nào cũng phải học, để biết HCM là ai. Theo sách vở, Bác là vị lãnh tụ tài ba , đã có công kêu gọi và phát động phong trào yêu nước, toàn dân lao vào cuộc kháng chiến thần thánh đánh đuổi thực dân Pháp vào năm 1946. Còn có một tên gọi rất thân tình là vị cha già của dân tộc. Là bác Hồ kính yêu của thiếu niên nhi đồng."

- Có biết mặt Bác không?

- Tôi biết mặt Bác qua tấm ảnh được treo trên tường ở trong nhà tôi và ở trong lớp học.

- Có yêu thương Bác không?

- Không thương cũng không ghét. Tôi với Bác có quen biết và quan hệ gì đâu nào, câu này nỡm thế?

- Có ấn tượng gì nhất về Bác?

- Hồi cấp một, chúng tôi đã rất cố gắng để dành cho bằng được danh hiệu Cháu ngoan bác Hồ. Phần tôi cố gắng không phải vì Bác, mà vì cục gôm bé xíu được cô giáo thưởng sau đó. Nhưng...

- Cứ nói.

- Nhưng, hồi nhỏ tôi sợ Bác lắm, nhất là vào những đêm cúp điện.

- Tại sao?

- Trong ánh đèn dầu leo lét, chao qua lắc lại, mặt Bác ở trong ảnh với râu dài tóc bạc làm cho tôi sợ.

- Sợ gì?

- Xin lỗi, miễn trả lời, được hông?

- Cho qua. Có quan tâm tìm hiểu những huyền thoại chung quanh về Bác không?

- Tôi đọc cũng nhiều, nhưng không tha thiết lắm. Chết bảy còn ba.

-Hôm nay, định làm gì?

- Ông BG có nói là bữa nào thảnh thơi ổng đòi leo lên trời định làm gì đó, còn tôi cũng nhại theo ông. Tôi định trong bụng là bữa nào quởn quởn, thì tôi sẽ leo lên trên đầu tủ sách, ngồi đọc thơ bác và ghi ghi chép chép. Hôm nay tôi type ra nè. (Xin nói thêm quởn quởn là từ người miền Nam thường dùng, ám chỉ rảnh rỗi).

Chẳng mấy khi mà chúng ta nghe nhắc tới thơ bác nữa. Thế hệ @ hôm nay, phần nhiều đã không còn ai muốn nhắc tới bác chứ đừng nói chi lôi thơ bác ra đọc. Vì thế, những bài viết trong topic này, coi như là một hình thức "Để nhớ" , và hiểu vì sao đã được tôi lấy đặt thành tiêu đề.

Rào trước đón sau

Tôi, sung sướng được mang giòng máu Việt, bày tỏ những suy tư "không - đùa" về thơ của một người yêu nước như bác. Tôi không phải đang làm cái việc phân tích, vì phân tích đòi hỏi tính khách quan. Tôi chỉ nêu lên ấn tượng khi đọc thơ phát huy bằng cảm thụ chủ quan của mình và còn được tăng cường thêm những tư liệu khác (trong những đoạn chữ nghiêng ) để hầu làm đa dạng phong phú thêm cho những gì liên quan tới mọi vấn đề từ cuộc sống, và mong nhận được những chia sẻ qua thơ Bác về ấn tượng cảm quan từ các bạn. Xin cám ơn thật nhiều.

Tại sao tôi phải rào trước đón sau như trên? Thật là dài dòng phải không? Mà xét cho đúng ra, điều gì cần đến sự cân nhắc thận trọng, nhưng vẫn giữ được quan điểm riêng thì tôi thường bị vấp phải vào sự dài dòng (mệt hơi). Tôi không ngại các bạn chê bài tôi dở, tôi chỉ lo sự diễn đạt của tôi có đem lại cho các bạn một sự thoải mái nào không? Tôi hy vọng không có bạn nào phải cau mày, và tôi mong muốn các bạn hãy cười. Cười ha ha, cười mỉm, cười hô hố, cười giễu cợt... cười kiểu gì thì cũng là những niềm vui hơn hẳn một cái cau mày lại. Không cười, chán ghê lắm. Các bạn nghĩ sao?

Quận Chúa Quỳnh Anh
18-05-2007, 11:18
Tư chiến sĩ

Canh thâm lộ cấp như thu vũ
Thần tảo sương nùng tự hải vân
Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ
Dương quang hoà noãn báo tân xuân.

Nhớ chiến sĩ (Người dịch: Sóng Hồng)

Đêm khuya móc tựa mưa thu
Sớm sương dày đặc mây mù biển giăng
Mau mau gửi các chiến trường
Áo cho chiến sĩ trên đường lập công
Mặt trời toả sáng nắng hồng
Báo tin xuân đến mùa đông sắp tàn.

Qua bài thơ trên, nói lên Bác rất quan tâm tới các chiến sĩ nơi sa trường dù cho Bác ngày đêm bận bịu trăm công nghìn việc lo kíu nước kíu dân. Bác thúc hối hậu phương yểm trợ áo ấm cho chiến sĩ đang chiến đấu chống ngoại xâm. Chiến sĩ sống rất khổ cực là sự thật, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vẫn chiến đấu rất anh dũng hăng say, ai mà chưa từng nghe qua những lời này:

Áo anh rách vai
Quần tôi có hai mảnh vá
Miệng cười buốt gía
Chân không giày…
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

Tôi cứ thấy xót xót cái câu "chân không giầy" thấy thương các anh quá đi. Sách vở ghi lại, mãi sau mới có dép Bình Trị Thiên, còn được gọi là dép râu. Tôi nghe mấy bác chạy xích lô đạp trong Sài Gòn nói, họ thích loại dép này lắm, vừa mát đôi chân giữa trời nắng gắt và lại bền lâu hư. Thế những chiếc áo ấm đó có tới tay các chiến sĩ và có đủ cho tất cả không? Chưa thấy một con số thống kê chính xác nào, nhưng với tình hình kinh tế vào lúc đó, chắc chắn không đủ. Dù ít hay nhiều, cái tình mới đáng nói tới. Vậy mà dạo đó ì xèo dữ lắm cái vụ ông quân nhu T.D.Châu đã rút ruột những chiếc áo trấn thủ, độn toàn là rơm thay vì bông gòn, ông đó bòn rút để làm gì hả? Thì để lo đám cưới cho em gái của mình, một đám cưới hoành tráng vĩ đại nhất vào lúc đó. Bác từng nói:" Những vị đi làm cách mạng, làm cách mạng có đúng, có sai. Thế nhưng có sai mà không thấy có sửa, để cho nó càng ngày càng sai, chắc chắn đến lúc có muốn sửa thì đã quá muộn màng." Thấy chưa, lời Bác không có ký lô nào cả. Nếu không đã chẳng có những vị như T.D.Châu kia, và chả biết còn bao nhiêu là T.D.Châu khác nữa, đâu có dân đen nào biết . Đọc thơ Bác về áo ấm cho chiến sĩ, mà nghĩ tới mấy ông quan to rút ruột là thấy mỉa mai dzồi. Rút ruột còn đỡ, nuốt trọn luôn mới hãi.

Một lần tình cờ, tôi theo chân người bạn vào một Diễn đàn Văn học. Đụng ngay một đề tài về thơ Bác. Quả là ngửi thấy... mùi. Nếu bạn hỏi tôi mùi gì, thì tôi đành nói: "Bạn ơi! Tôi đang ví von thôi mà". Nhưng, cái đập vào mắt tôi chính là lượng người vào đọc và reply. Lúc đó tôi cũng thấy thú vị, vì quả thật ít khi gặp người đọc thơ Bác. Quay lưng với thơ Bác là không phải lắm, vi thơ Bác đã từng được rất nhiều nhà thơ lớn hết lời ca tụng. Thế mà có đứa xấu mồm như vầy: "Thời cổ rụt, miệng bé, tai to theo lệnh trên, nên cần phải bốc thơm". Họ còn truyền nhau một giai thoại về Bác, xin kể hầu các bạn:

Lần kia, Bác đem mấy bài thơ của mình ra, nói vừa làm xong, khoe với Văn Cao và hỏi xem "có được không?" Nói dở thì chết ngay. Nói hay thì "chết...mẹ". Bậc thầy của thơ, nhạc và họa đành phải chọn cách ít tệ nhất, sống dở chết dở. Bác chìa thơ ra, nhắc rất khéo:

- Thành thật là vốn quý nhất ở đời. Cứ việc phê thẳng. Chú viết trên Nhân Văn Giai Phẩm mướt lắm mà!

- Thưa Bác, tôi chịu thôi! Phê bình rất khó. Xưa, nhà vua Pháp cũng ân cần hỏi triết gia Pascal: "Khanh thấy thơ trẫm thế nào?"

Bác vội cật vấn tác giả Tiến Quân Ca:

- Pascal, cây sậy biết suy nghĩ ấy à? Trả lời sao?

- Muôn tâu Thánh Thượng, ngài là hiện thân của Thần Trí Tuệ, hễ làm gì là được nấy. Mấy bài thơ này, ngài cố tình làm cho chúng dở đi. Ôi, quả nhiên ngài cũng đại thành công!..."

ĐOẠN KẾT

Tiễn Văn Cao ra cửa. Bác vừa tươi cười. Sau đó, trở vào, vừa đi Bác vừa phê:

- Tiên sư bố thằng Tố Hữu! Thơ thế mà cũng đưa ông!

Tôi thấy bọn họ đúng là G.T.Đ.K. (Ghen tài đố kỵ). Thơ Bác vang danh thế giới kia mà, việc chó gì dùng thơ của ông Lành (*Lành là bí danh của nhà thơ T. Hữu). Thơ Bác xuất phát từ lòng thương dân yêu nước. Còn T.Hữu từng tâm sự:" Tôi làm thơ cũng là một cách hoạt động cách mạng, một công tác tuyên truyền". Cứ tưởng lừa được bọn trẻ như tôi hay các bạn sao? Ghét thế không biết, mà nghe đâu cái Diễn đàn đó bị tịt bà nó mất rồi.

Trở lại chuyện chiến sĩ, thấy thương họ ghê. Ăn không đủ no, áo không đủ mặc thì làm sao mà ấm được trong mùa đông giá rét, còn đôi chân không giầy vẫn ngày đêm vượt suối băng rừng và Bác vẫn hằng đêm chong đèn làm thơ nhớ chiến sĩ. Chợt nhớ vu vơ những vần thơ của Phùng Quán:

"... cả tiểu đội tôi chỉ còn mắt với răng
như một đồng ca chúng tôi lên cơn sốt rét
lên cơn sốt rét chúa trời cũng phải rên!
Nhưng chúng tôi không rên
Chúng tôi hát
Bao chiến sĩ anh hùng
Có một điều anh không bao giờ ngờ được
Chúng tôi đã cải biên khúc quân hành bão táp của anh
Thành nhạc không lời
Thành một điệu rên...?

Quận Chúa Quỳnh Anh
20-05-2007, 02:02
Tôi xin tiếp theo cái đoạn trên (à, là cái đoạn tôi phản bác lại luận điểm cho rằng Bác lấy thơ của T.Hữu đó, thơ Bác mà, thiệt tình. Dù gì cũng chỉ là giai thoại được truyền miệng). Thơ ông T.Hữu nhiều bài khó nuốt lắm nhe, có lần tôi đọc phải bài này mà dị ứng với ổng luôn:

Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít - Ta - Lin bất diệt!

Hèn chi ông ta có biệt danh "Khẩu thần công hạng nặng của nền văn học Đỏ". Làm sao bì được với thơ Bác, giọng người luôn hiền hòa:

Kêu gọi thiếu nhi (Hồ Chí Minh)

Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài
Vì ai nên nỗi thế này?
Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn
Khiến ai nước mất nhà tan
Trẻ em cũng chịu cơ hàn xót xa
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay
Bao giờ đuổi hết Nhật Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.

Bài thơ thật cảm động, nhưng... không biết tại sao tôi thấy Bác không có đúng lắm khi hô hào kêu gọi trẻ em cùng đánh giặc. Cái gương đánh đuổi giặc thù của cậu bé Phù Đổng Thiên Vương dù sao cũng chỉ là một truyền thuyết. Còn trẻ em nước ta? Không thể phút chốc vươn vai một cái thành cao một trượng, không có ngựa lửa, roi sắt trong tay và biết bay lên trời. Trẻ em trong thời chiến, mất cha mất mẹ là sự bất hạnh khó tránh. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc là chuyện có thật. Không được đến trường dù đang trong lứa tuổi cần học hành đã xảy ra. Gầy gò xanh mướt thì sức đâu mà đánh ai? Đánh bằng tay không ư? Hay nhét súng vào tay các em? Vậy có khác gì đẩy các em vào chỗ chết. Những người lớn phải có bổn phận bảo vệ các em chứ, không có lẽ nào lại bảo các em cùng đánh giặc chung với các bác, các chú, các anh chị đi nào. Còn hứa hẹn là đuổi giặc xong thì sẽ là con cưng (ủa, vậy nếu không đi đánh giặc thì là không ngoan và không được cưng à? hô hô (xin lỗi, cười hơi bị zô ziên). Tôi vẫn hiểu là khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng phải đánh, nhưng đàn bà vẫn khác với một trẻ em nếu đó lại là lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Xin lỗi nữa, dù sao cũng là suy nghĩ chủ quan của riêng tôi.

Hồi tôi còn nhỏ thích đọc truyện bằng tranh, rất thần tượng câu chuyện cậu học sinh Lê Văn Tám, tôi thấy học sinh ấy rất anh hùng va gan dạ. Dám tẩm xăng vào người tự nguyện làm bó đuốc sống để lao vào đốt kho đạn của Pháp vào năm 1946. Thế mà hỡi ôi, về sau này người ta đã chứng minh được chỉ là một sự dối trá có tính cách tuyên truyền, xách động trẻ em mà thôi. Lừa gạt thế giới tuổi thơ của tôi nói riêng và với thế giới tuổi thơ của các bạn nói chung, thì hình ảnh Lê Văn Tám trong câu chuyện giả tưởng của họ thiệt là ác tâm quá đi. Gạt con nít là bậy rồi (tôi luôn quan niệm thế).

Tình thương của Bác với dân và dân đối với Bác ra sao thì tôi cũng chỉ biết qua sách vở thôi, chứ nhận định cho đúng đắn thì cũng tùy mỗi người, vậy. Vì khi nói về Bác, thì ai cũng hiểu phải biết tôn sùng Đảng như thần (vì trung với Đảng cũng như là trung với Bác), nên thơ & văn vào thời điểm bị kiểm soát, thường đậm chất "nâng bi" của "một số người" không có gì lạ. Có một dạo tôi theo dõi từ một tờ báo nói tới vụ của nhà thơ V.Phương (cũng là Đảng viên gộc ở HN) cũng rất thú vị. Ông ta nhờ làm bài thơ "Muôn Vàn Tình Thân Yêu Trùm Lên Khắp Quê Hương" khóc Bác vào năm 1969 đã đưa tên tuổi ông nổi lên như sóng cồn, quyền cao lợi lớn tới tay. Báo nào cũng đăng thơ ông và mời ông đến nói chuyện về thơ. Bài thơ đưa tên tuổi ông lên cao đây:

"Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ bị ướt.
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui
Cây cỏ đất trời không thật nữa
Mắt ta nhìn sắc màu cũng giả
ước gì không thật cả nỗi đau mồ côi..."

Rồi sau đó, chả biết ổng đụng chạm gì tới Đảng mà bị mất hết, nghe đâu cũng từ tập thơ "Cửa Mở" của ông vào năm 1970. Ông trải nghiệm gì thì không rõ, chỉ thấy ông cay đắng than :"Chả Bác cháu gì cả! Người tràn đầy tình thương yêu, đối với tôi bấy lâu nay, không ai khác ngoài...Vợ tôi:

"Rõ ràng và khó hiểu như màu xanh lá cây
Vô lý và hữu tình như đường đi của gió
Tôi đặt tình yêu của tôi dưới chân em* đây
Cô gái làm khổ tôi và bị tôi làm khổ...
(*em ở đây cũng có nghĩa là sự chân thật)
...Cuối một đời không thiếu gì tan vỡ
Tôi nhìn em rạng rỡ vẻ nguyên lành..."

Tuổi thơ của tôi dưới mái trường XHCN, dù là thời bình vẫn phải học:

Em có năm ngón tay
Không đếm đủ máy bay
Của những thằng giặc Mỹ
Rơi trên nước non này

Bây giờ đã trưởng thành, tôi không cần đếm máy bay Mỹ theo sách vở mà chi, và thật sự năm ngón tay của tôi không đủ đếm đã có bao nhiêu người Mỹ quay lại trên quê hương chúng ta. Hoan hô thời mở cửa hay cửa mở cũng thế thôi.

TC NGUYỄN
20-05-2007, 11:11
Khi tại hạ được cha mẹ đem qua xứ gọi là Tự Do lúc còn nhỏ tí tị, nên chuyện xưa cái thời kháng… gì đó không biết, vì nếu có nghe kể thì làm cho rối bù không hiểu vì sao vì sao?- Khi ở Đại Học tại hạ có nhiều bạn bè từ VN qua học chung và có người còn ở lại đây luôn, họ là con cái của các Đại Gia, ăn tiêu thừa thải… thì cái tiêu chuẩn nào để cũng cố cho những lập luận làm một cuộc Cách Mạng tốn hao nhân lực vật lực mục đích để cải tạo một xã hội công bằng không có người giàu kẻ nghèo- thì lạ thật và giờ thì mèo lại hoàn mèo… là sao ?!

QC có may mắn được ở quê nhà học hành uốn nắn theo kiểu “Con ngựa già Chúa Trịnh”…rồi qua đây học tiếp... là có cơ hội thấy để viết ra, tại hạ có lòng tin, vì ngày nay sách báo giao lưu nên tại hạ có thể đối chiếu, và thấy những bài viết nhẹ nhàng của QC có một cái gì đó đáng để suy nghĩ…

Một vài lời với QC, tại hạ không biết nhiều về Bác, Tố Hữu…, nhưng có thấy tên tuổi và sự nghiệp các vị qua báo chí sách vở hai bên (CS& VNCH), và qua những chứng dẫn bằng thơ của QC có lẽ gây hứng cho tại hạ viết, tại hạ đang suy nghĩ vì đây là vấn đề nhạy cảm, tại hạ mong muốn khi viết phải thật tế nhị để lứa tuổi chúng ta (7x,8x, 9x…), không vì một sự suy nghĩ bị thẩm thấu nhuộm màu… mà làm cho cái nhìn theo lăng kính gảy khúc không còn nguyên thủy lại gây ra cãi vã làm cho mất đi cái phong nhã cùa tao nhân mặt khách LSB, đó là điều tại hạ e ngại lắm !...

QC đang làm khó bạn bè đấy… (xin hẹn?), xin các huynh-đệ-tỉ-muội góp ý cùng QC cho vui và để tại hạ có bài tham chiếu viết cho nó khỏi trật dzìa ….

Quận Chúa Quỳnh Anh
22-05-2007, 01:45
Đã qua Sinh Nhật Bác rồi, nhưng vẫn nhắc lại (có còn hơn không, tôi vô ý quên mất). Mượn bài thơ của ông Xuân Diệu, một lần nữa gọi "Bác ơi!" cho ngày 19 tháng 05.

Thơ Dâng Bác Hồ

"Hôm nay mười chín tháng năm
lòng con vui sướng như trăm tiếng cười
Lỗi lầm đã nói được vơi
Hồn như nở lại dưới trời Chí Minh
Ngày sinh nhật Bác quang vinh
Là ngày sinh nhật hồn xanh muôn người

(Trong thi tập "Sáng" 19.05.1953)

Hồn xanh muôn người thiệt chứ bộ, ông C.L.Viên cũng công nhận:

Tình thương
Bác Hồ
như bóng mát
Tỏa đến đâu
che lòng ta
tới đó

Dưới nền gan với ruột dẫu có nước nhưng không phải nước mắt! Thơ có hóa thẩn (thẩn gì thì tôi không rõ) đâu có gì lạ và đâu chỉ có thế.


*Cám ơn Nguyễn huynh đã vào chia sẻ. Thật ra, bản thân muội cũng không biết Bác, TH hay ông to mặt nhớn nào hết. Chỉ biết họ qua sách vở, báo chí, qua phương tiện truyền thông đề cập tới họ. Cũng có khi vào những chiều cuối tuần, cùng bạn bè ngồi bàn hươu tán vượn trong một quán nước cho vui ấy mà. Nói chuyện tình yêu tình ang hoài cũng chán, nên thường thích đề cập tới những tin tức thời sự nóng bỏng hơn , có khi lại còn ăn cơm mới thích nói chuỵên cũ. Lan man từ ông này qua bà nọ, mỗi người có sẵn một kho tin rồi, cứ thế hết tán rồi qua tới phét đến khi nào chán mới thôi.

Đọc thơ, thì tùy sự chiêu cảm của mỗi người. Riêng muội, nghĩ như thế nào thì bày tỏ như thế. Có những cách diễn đạt ý tưởng, trước hết phải thành thật với mình thì sự cảm đó mới không dối. Nên muội trộm nghĩ, không cần thiết tranh luận về sự cảm thụ riêng của bất cứ ai mà chi. Mọi người có tự do với những sự cảm của riêng mình, nói ra như một hình thức chia sẻ với nhau, thì chiều hướng nhất định trong vòng thân mật và chân tình. Nếu có bạn nào cắc cớ hỏi tôi: "Đụng chạm tới Đảng, nói tới Bác hay bất cứ vị tai to mặt nhớn nào khác, thì tôi có sợ không?" Câu trả lời của tôi: "không". Vậy tại sao không? Thì tôi đâu có làm gì sai trái, tôi đang cảm thụ thơ Bác. Cho dù đó là thơ Bác hay của bất cứ ai. Thì tôi cũng đưa ra cái ý giống nhau mà thôi, có họa chăng cấm tôi đừng đọc thơ Bác cho rồi (thì mắc cười nhỉ). Còn những tài liệu nào tôi đề cập tới, toàn là đã được nói qua trước đó. Chứ có phải tài liệu bí mật, mang tính cách phản động đâu nào. Nếu chỉ có vậy mà Công an hỏi thăm tôi, vậy thì giống ông Kẹ đi nhát con nít quá. Eo ui, mà tôi không tin chế độ của nhà nước mình lại ẹ và cù lần đến như vậy. Văn minh lâu rồi cơ mà, hòa hợp hòa giải gì cũng chơi rồi mà. Họ đâu còn phân biệt gì nữa, thì không có lý nào cấm tôi ăn cơm mới thích nói chuyện cũ. Tôi xin nói thêm một điểm nữa, tôi không khoác lên hành trang cảm thụ thơ của tôi một quá khứ nặng nề nào, mà hết sức là gọn nhẹ, vô tư. Vì thời đại của tôi khác với thời đại mà tôi nói tới và tôi không có dự phần gì vào quá khứ đó cả. Tôi lại sống trong một đất nước tự do, tôi có quyền nói những gì mình nghĩ, thế thôi. Các bạn cũng thế, đúng hông? Vì vậy, không ai lừa mị được ai.

Giờ trở lại thơ Bác, có bài thơ ngắn này thấy ngộ ngộ:

Gửi Nông Dân

Ruộng rẫy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí
Nhà nông là chiến sĩ
Hậu phương thi đua với tiền phương

Có một sự thật không ai có thể phủ nhận được, những nhà nông (người làm ra lúa gạo) lại là thành phần nghèo khổ, đói rách nhất. Ngoài cái khổ bị nạn sưu cao thuế nặng, bọn cường hào nhà giàu bóp họng, còn bị ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai...

Từ trận đói năm Ất dậu mới có cuộc Cánh Mạng Tháng Tám, mới có lời kêu gọi kháng chiến của HCM. Nhà nông lên chức chiến sĩ ra sao thì tôi không biết, chỉ biết họ rất nghèo đói, thế thôi. Chiến trừơng là ruộng rẫy hay ruộng rẫy là chiến trường đều cam go như nhau. Cuốc cày là vũ khí hay vũ khí là cuốc cày thì cũng thiếu thốn như nhau. Nhà nông là chiến sĩ hay chiến sĩ là nhà nông thì vai trò nào cũng bán sống bán chết. Phục vụ cho chiến tranh, thì hậu phương hay tiền phương gì thì cũng một mất một còn. Lời Bác dạy luôn là chân lý cho dân, cách mạng thành công sớm hay muộn thì bao giờ đất nước cũng chỉ có duy nhất hai loại người "quan" và "ăn mày". Anh cần bình đẳng? Có, khi quan và ăn mày chết đi. Thì cùng một nghĩa như nhau. Nên nếu khi Bác đã hô:" Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không? Thì dân phải biết nói: "Thưa Bác, lũ chúng con và lũ cháu phải nghe rồi ạ!".

Đỉnh cao

Mồ hôi người lao động
Duới ánh sáng quang vinh
Đảng ra sức chiếu rọi
Trong suốt như thủy tinh
*Tư liệu của viện VHHN

Nhưng, dù sao Bác nói một đàng làm một nẻo. Nông dân bị Bác triệt hạ không thương tiếc qua vụ Cải Cách Ruộng Đất (dù lúc đó người ra gánh tội là ông VNG). Những người nông dân hiền hòa, hết lòng đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Chưa kể, đạo lý làm người cũng bị đảo điên qua những vụ đấu tố. Cho dù sau đó họ có lên tiếng nhận sai lầm công khai vào năm 1956, thì với con số hơn nửa triệu người đã chết mãi là vết nhơ của ĐCS.

Bất cứ một phương tiện nào được coi là cứu cánh, thì hy sinh là điều bắt buộc. Người ta hay nói, làm kinh tế thì không nên làm chính trị và ngược lại. Nhưng trong cát bụi binh đao, định hướng nào cũng cần cả. Sai hay đúng thì hạ hồi. Bởi vì điều dễ hiểu, nếu nghe hoài một giọng điệu, nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại hàng trăm ngàn lần thì điều gì cũng sẽ trở thành tin thật hết. Đó gọi là chính sách mị dân. Bên cạnh, dân lại rất yêu quý và năng nổ bảo vệ sự thật nên sớm muộn tự nhận ra ngay, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Đọc lại trang sử nước nhà, tôi ghét bọn ngoại xâm khi trực tiếp hay gián tiếp dự phần vào cuộc chiến tranh trên quê hương tôi, Mỹ cũng không ngoại lệ. Nhất là khi tôi coi phim thời sự, hình ảnh họ giết hại thừơng dân vô tội vào năm 67- 68 như trường hợp Thủy Bồ và Mỹ Lai, một thành tích man di mọi rợ.

Bây giờ Mỹ là bạn của nước VN, thì cũng coi như người Việt mình có lòng bao dung, không tính nợ cũ nữa. Ngay cả Đảng còn chơi năm mười mười lăm hai mươi, không còn gào: Đánh cho Mỹ cút (sic) Thì dân lại càng không tìm ra được lý do nào để phản đối cả. Chơi với Mỹ có lợi mà, ai cũng hy vọng tràn trề là đất nước mỗi ngày sẽ đi lên, ngày càng giàu mạnh. Cũng phải mừng chứ.

Đố các bạn vần thơ của ai đây? Các bạn đọc xong biết ngay ai liền mà, hì. Thôi không đố, đó là P.T.V.Anh, ái nữ của nhà thơ CLV:

Có người lầm lạc xong không chết
đời chẳng tù giam, sống bạc đầu
Gương soi nhìn lại thương mình quá
thấy hiện nguyên hình dáng ngựa trâu

Con hơn cha nhà có phúc, mấy bác nhà văn lớn tuổi nói thế.

TC NGUYỄN
30-05-2007, 04:59
Huyền thoại hóa…

Những nhà lãnh đạo nổi tiếng ở Á châu thường có nhiều huyền thoại bao quanh do chính họ tạo ra hay các thuộc hạ thân tín vẽ vời để tăng cường uy tín trong lòng dân, vì với nền văn hóa hàng ngàn năm u tịch trong một bối cảnh dẫy đầy giáo mị xủng động của đám đệ tử lợi dụng kiếm ăn của Tam Giáo (Khổng-Lão-Phật), đã đưa xa chủ thuyết có tính triết, khó hiểu… cho nên những gì thuộc phần mê- tín-dị-đoan là cỏn lưu lại trong dân gian truyền từ đời nầy sang đời khác thành những vết hằn trong lòng con người bình dân lâu dần có nhiều điều vô lý trở thành thực thể không bứt ra khỏi trí tưởng con người.

Những người có bản lãnh trong bất kỳ lãnh vực nào ( chính trị, văn hóa, kinh tế…) đều lợi dụng để đánh bóng mình bằng những huyền thoại, nhất là trong lãnh vực chính trị, xưa xa lắc bên Tàu như Hán Cao Tổ “chém mãng xà…” chấn đường khi khởi nghĩa diệt Tần, hay VN “ Lê Lợi vi quân Nguyễn Trải vi thần” trên những là trôi sông khi chống nhau với quân Minh… , họ đã thành công nhờ vào lòng mê tín của quần chúng… giờ ta đọc lại những chuyện người xưa làm, ta chỉ có khâm phục những trí cơ như vậy, vì “ cứu cánh biện minh phương tiện “, trong một tình huống nào đó những thủ đoạn cần phải thực thi triệt để đạt được mục tiêu tối thượng là nắm lấy quyền lực… trên căn bản đó dùng văn hóa dân tộc để khích, vận động cho cuộc đấu tranh tự cho là chính nghĩa trong từng thời kỳ là việc làm phải có, khi ta bàn cải nên đặt mình vào thời điểm đó để châm chước đỡ đi phần nào chủ quan thời đại…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có lẽ là cuộc kháng chiến hào hùng mang đầy tính lãng mạn khi khởi đầu, thành phần nòng cốt lãnh đạo là lớp trí thức thanh niên tây học được mệnh danh là Tiểu Tư Sản (TTS), và sau nầy họ bị “trầy vi tróc vảy” cũng vì hai chữ giai cấp gán cho họ… chuyện nầy sẽ bàn sau khi có dịp, giờ xin chỉ nhắc sự xuất hiện dòng thơ của các TTS làm ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và giới hạn ở đây, vì đây có lẽ là nguồn thơ tạo nhiều cảm nhận thi vị nhất cho người thưởng ngoạn.

Là kẻ hậu sinh, nhưng khi đọc thơ của thời kỳ chống Pháp, thử ráng đặt mình vào vị thế của các Kinh Kha diệt bạo nầy, và tìm ra nguồn cảm hứng nào họ theo đuổi và vì đâu cho đến nỗi quên cả thân mình dám hy sinh dẫu là đối diện với nghiệt ngã phi lý bất công dành cho họ sau nầy…

Mạo mụi xin đưa ra nguyên bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu mà QC có tích đoạn và thử tìm hiểu tâm tư tình cảm của người lính lúc bấy giờ.


Đồng chí - Chính Hữu

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi vốn người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đên rét chung chăn, thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa, nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặt tới
Đầu súng trăng treo.

Khi viết bài thơ nầy có lẽ là do một cảm xúc ngẫu nhiên thôi thúc trong lòng người thanh niên trí thức của thời ấy, họ là con nhà giàu có quyền quí trong thời kỳ Pháp thuộc, được học hành để ra làm việc cho nhà nước bảo hộ, cái học ru ngủ cho bả vinh hoa phú quí, đã làm họ chán nản không có hướng đi, thì cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước đã khích tính lãng mạn của người TTS, cũng như bao thanh niên khác họ nhảy xô vào, không suy nghĩ không đắn đo… đi vào lửa đạn mục đích duy nhất là vì dân diệt bạo… còn chuyện “chính trị, chính em…” tính sau.

Tính lãng mạng của con người TTS thời đại nó hiển hiện qua từng câu thơ tả nỗi khổ của người chiến binh của thời kháng chiến đầu tiên, mọi trang bị thiếu thốn hầu như phải tự lực tư cường, sư tiếp vận quân lương hầu như không có, vì đây là cuộc “tiêu thổ kháng chiến” mà toàn dân đồng lòng gánh chịu, thì tự hỏi sự thiếu thốn của người chiến binh thời ấy chỉ là sự tôi luyện ý chí sắt đá của những người trai tư bốn phương trời không hẹn hò nhưng cùng chung lý tưởng đã tụ hội không ngờ gặp nhau.

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi vốn người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Sự sác cánh bên nhau trong cuộc chiến trường kỳ với kẻ địch đầy đủ phương tiện, thì kháng chiến quân phải dùng du-kích-chiến, nên lẫn lộn với dân và vậy là kéo nhân dân vào một cuộc kháng chiến toàn diện, cho nên việc đói rách thiếu thốn nó đòi hỏi một sự chịu đựng ngoài sức tưởng tượng mà chỉ có tinh thần cao độ của một việc làm đầy chính nghĩa mới có thể giải đoán được. Do đó các Vệ Quốc Quân(VQQ) thời ấy chính họ là dân do nhân dân đùm bọc hình thành một cuộc chiến đấu liên hoàn- dân quân - trên mọi bình diện… và thơ là nguồn cảm hứng đầy lãng mạn trong cái cùng khổ đó đầy tình nghĩa thân thương đồng chí chân chính .

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đên rét chung chăn, thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

Đồng chí nhà thơ hạ thật tài tình, chỉ có tri kỷ mới có thứ tình nầy còn ngoài ra như ngày nay người ta lạm dụng gọi nhau thì chỉ làm tổn thương mà thôi…

Khi hạ dòng chữ Đồng chí lửng lơ như vậy là do sự khích động của tình cảm sâu đậm bộc phát tự cõi lòng khi thấy bạn mình đứng bên, quần áo rách tả tơi, chân trần… cười thản nhiên mặc dầu trời đang buốt giá và mình thì sao… trong cái cảnh ngộ như thế nếu không có một chân-lý-tưởng vô bờ thì không bao giờ chịu đựng nỗi để đứng chờ giặc đến và trong cõi mơ màng tê lạnh trong dòng tư tưởng “ tạch tạch sè sè “ (biệt danh miệt thị gán cho những người TTS tong cuộc đấu tranh giai cấp…) không lột bỏ được cái tính phóng khoáng khi gặp chuyện thì không biết “ trời trăng mây nước…” là gì!..., đây cũng là đặc tính đã góp công sức rất lớn của những con người hào hoa ấy, đến nay đọc lại những bài thơ sáng tác cho những ngày kháng chiến đầu tiên ta có thể cảm nhận một tấm lòng đôn hậu đầy nhân bản của con người trong cái chân thiện mỹ hướng về nước non tạt dạ ghi lòng, như một Kinh Kha sang Tần, một mũi dao đâm toạt tay áo Tần Vương rồi sao thì không cần thiết...

Và đúng vậy, những con người TTS ấy họ phải trả cái giá rất đắt cho cái lãng mạn mà họ đeo mang… , nhưng không ai không công nhận một điều, họ là chứng nhân sống cho kẻ hậu sinh thấy được cái nghiệt ngã của một thời giao động lich sử còn lưu lại dấu ấn đến hôm nay…

Dòng đời vẫn cứ đi qua, nhưng mảnh trăng treo đầu súng của đôi bạn bên nhau trong Khu rừng âm u Việt Bắc?... giăng giăng móc sương mù vẫn hiện đi về trong trí tưởng… một cõi mộng mơ thật đẹp của ngày xa xưa ấy…, trên sáu mươi năm rồi vẫn còn vang vọng đâu đây !

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặt tới
Đầu súng trăng treo.

TracMoThu
03-06-2007, 09:25
Về cái danh xưng "đồng chí", Trác mỗ có nhớ đã từng nghe một "sếp" lãnh đạo ngôn rằng :

...Danh xưng "đồng chí" bây giờ đã bị lệch lạc quá nhiều. Bây giờ người ta chỉ gọi nhau bằng "đồng chí" khi mối quan hệ đã bắt đầu lạnh, khi cần "ghè" nhau, khi cần đạp đổ nhau, khi cần triệt hạ nhau...

Danh xưng "đồng chí" đã đi qua cái thời của bài "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu, nghĩa là lồng lộng trong đó một cái tình tri kỷ của những chàng trai cô gái cùng chung chí hướng, mơ về một quê hương sạch bóng quân thù...thuở của những tâm hồn trong trắng, thơm nực mùi thuốc súng nhưng cũng ngan ngát hương hoa lãng mạn.

Nói gì thì nói, hình ảnh chàng trai Vệ quốc quân của một thời Tây tiến trong thơ Quang Dũng, ngạo nghễ, đau thương mà mãnh liệt...không thể phai nhòa trong huyền sử về một cuộc chiến tranh hào sảng của những tâm hồn vô cùng trong trắng, hồn nhiên...

TC NGUYỄN
18-06-2007, 14:11
Mồ côi- một mảnh đời…

Đọc thơ Tố Hữu, dầu trứớc hay sau Cách Mạng mùa Thu năm 1945, ta đều thấy có một điều ông rất tha thiết với lý tưởng ông theo đuổi, ở đây ta không bàn đến sự đúng sai, mà chi thử đặt mình trong bối cảnh theo từng thời kỳ thử xem sự liên tục hay biến chuyển của tư tưởng của một con người mà sự khen chê của thế nhân khó phân lường…

Bài thơ ” Mồ côi” ông làm tại Huế năm 1937, đã cho ta thấy trong tâm hồn ông đã có âm hưởng khơi động thương xót cho cảnh đời non dại bị vùi dập không xót thương của những trẻ mồ côi không nhà, ông hoán dụ bằng con chim non trong chiều mưa đi tìm tổ:

Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa

Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trề
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về.

Sự u thảm của một mảnh đời con chim non chính là của đứa bé mồ côi, đi lếch thếch lơ thơ ướt sũng lạnh kiếm lấy miếng ăn, khi tay chân lạnh giá co quắp xép nép vào lòng kiếm lấy chút tàn hơi ấm còn sót, như cô bé bán diêm, cuối cùng chỉ là ảo ảnh trong đêm đông mơ màng đi vào cõi chết mà cứ ngỡ mình đang ở bên lò sưởi trong căn phòng ấm cúng trong tàn hơi còn lại.

Khi ông làm bài thơ nầy vào tháng 10, là tháng mưa lũ ở Huế hay miền Trung, vì có câu vè nói về thời tiết : “Ông không tha, bà không tha hăm ba tháng mười”, là ngày lụt lội hay xảy cho cái miền nghèo khổ ấy, và cái cảnh tượng con chim non đi tìm tổ, Tố Hữu bắt gặp gây cho ông một cảm nhận xót xa liên tưởng đến đứa nhỏ mồ côi ăn mày trên hè phố Huế thời ấy..., thời suy tàn của triều Nguyễn, bị Pháp đô hộ, thì cái buồn của người sĩ phu trí thức lại còn tô đậm thêm.

Tố Hữu, ông được đào tạo nền học-vấn-đô-hộ do chính quyền bảo hộ an bài theo Tây học, để thay thế cho cái học “cửa Khổng-sân Trình”, mong đào tạo một số trí thức phục vụ cho họ, nhưng cái gì cũng có bề trái, nhờ vào cái học phóng khoáng nầy, người trí thức thấy được cái bề rộng của nền tự do dân chủ…, theo các nước Tây Phương, vô hình chung họ dạy cho người trí thức thời ấy cái tri thức mà nho học ù lì không thoát, người trí thức Tây học tự so sánh thực tại, và họ có cái phản ứng tích cực trong tư tưởng phải giải thoát ách nô lệ cho dân tộc là nguyên nhân đau khổ. Sự suy tư nầy có tính cách lãng mạn của giới tiểu tư sản thời ấy, chỉ cần bơm vào một lý tưởng có thuyết phục là họ xăn tay áo tham gia…

Tố Hữu thời gian nầy đã nẩy mầm “phản loạn”, vì đọc bài thơ Mồ-Côi, ta có thấy sự phẫn hận theo từng cái bi thương con chim non chuyển hoán và ẩn dụ theo chiều ngang, chiều dọc và tỏa nhánh của bài thơ qua những hình ảnh hòa nhập… của chiều mưa lạnh u tịch lưu vết hoàng phai của xứ thần kinh :

Gió lùa mưa rơi rơi
Trên nẻo đường sương lạnh
Đi về đâu em ơi
Phơi thân tàn cô quạnh!
Em sưởi trong bàn tay
Cho lòng băng giá ấm
Lìa cành lá bay bay
Như mảnh đời u thảm!

Sự hòa nhập con chim non và trẻ mồ côi từ không tổ đến không nhà nó đều chung cảnh ngộ- đau khổ, vất vưởng, bê tha…-, điệu thơ trẩy buồn mang một nỗi bi hận cái kiếp người nô lệ lầm than, để cho trẻ con gánh chịu cái nghiệt ngã mà đúng lý chúng phải được săn sóc ấp iu của thời thơ ấu.

Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha

Và rồi sự bất lực trước cảnh đời, sự uất hận trong người thơ, và cũng là cái uất hận chung của giới sĩ phu lúc bấy giờ, nghẹn ngào bi phẫn, khi mà xung quanh cứ dửng dưng trong đôi mắt trắng dã bàng quang, ôm chịu lấy “rã cánh,rụi chết…Có hề chi!” sao ?!

Rồi ngày kia rã cánh
Rụi chết bên đường đi...
Thờ ơ con mắt lạnh
Nhìn chúng: "Có hề chi!"
(TH-Huế, tháng 10-1937)

Đây chính là lúc khởi đầu cho một cuộc “Cách mạng nội tâm” để bùng phát cho một giai đoạn thơ dính liền với cuộc đời thơ-chính-trị không khoan nhượng sau nầy của Tố-hữu Nguyễn Kim Thành…

TC NGUYỄN
22-06-2007, 18:29
Em bé lên sáu- một mảnh đời khốc liệt… mồ côi

Khoảng 19 năm sau ngày Tố Hữu viết bài thơ Mồ Côi, năm 1956 sau đợt Cải cách ruộng đất tàn khốc tiêu diệt triệt để giai cấp địa chủ cương hào ở nông thôn mà Tố Hữu thời ấy trên cương vị dầu não lãnh đạo truyên truyền khích động quần chúng đấu tố, ông đã hô hào sắt máu như sau :

Giết, giết nữa,bàn tay không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ-tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt…

Lời kêu gọi tàn bạo nầy biến ông thành một người chủ chốt tàn sát những đồng bào mà ông gán cho họ biệt danh “phản động”, và kết quả là giai cấp địa chủ bị quét sạch ở miền Bắc.

Tố-hữu Nguyễn Kim Thành được phong là thi bá của chế độ, đã làm một chuyện phản bội lại cái tình cảm đôn hậu của ông khi còn thanh niên chưa nhuộm màu, từ tâm ông bộc lộ trong bài thơ Mồ Côi thật nhân bản đầy tình con người…, có lẽ những năm tháng ông theo đuổi cái gọi là làm Cách Mạng và thu được quyền lực nhờ vào bạo lực đã biến ông thành một con người khác, do những giáo điều ông theo đuổi, gột rữa, quay cuồng làm ông mất đi định hướng cái thuở ban đầu chăng?, ông đã bị “tẩu hỏa nhập ma” theo một lớp người cuồng tín, ông bị dộng đầu như kiểu Âu Dương Phong, tu “Cửu Âm chân kinh” lộn ngược…, và chính ông là người tạo ra một lớp trẻ mồ côi tệ hại gấp trăm nghìn lần cái thời trẻ mồ côi năm 1937 tại Huế mà ông thương xót và viết về…, mời các bạn đọc bài thơ “Em Bé Lên Sáu” là một chứng nhân do nhà thơ Hoàng Cầm ghi lại :

Em Bé Lên Sáu

Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố : cường hào nợ máu
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào trong Nam

Từ khi lọt lòng mẹ
Ăn sữa, ngủ giường êm
Áo hoa lót áo mềm
Nào biết mình sung sướng

Ngọn sóng đang trào lên
Ai nghĩ thân bèo bọt
Nhưng người với con người
Vẫn sẵn lòng thương xót

I

Có cụ già đói khổ
Lập cập đi mò cua ;
Bố mẹ nó không còn
Đứa trẻ nay gầy còm
Bỗng thương tình côi cút
Cụ nhường cho miếng cơm

Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đo nhìn đời bỡ ngỡ :
" Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm, thầy ơi ! "

II
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài .

Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chị mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ

Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa .

Chị bần cố nông cốt cán
Ứa nước mắt quay đi :
-- " Nó là con địa-chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy "

Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đưá bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người

Em bé đã ăn no
Nằm lăn ra đất ngủ
Chị nghĩ : " sau lấy chồng
Sinh con hồng bụ sữa " .

III
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo

Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ,
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim

IV
Nào " liên quan phản động "
" Mất cảnh giác lập trường "
Mấy đêm khóc ròng rã
Ngọn đèn soi tù mù
Lòng vặn lòng câu hỏi :
" Sao thương con kẻ thù ?
Giá ghét được đứa bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu !"

Những nhà thơ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… một thời là những đồng chí của ông, cũng bị ông cho bắt bớ giam cầm hay kiểm thảo xấc bất xơ bơ chỉ vì tội họ còn nhân tính con người như chị cán bộ “ phát động thôn ngoài”, đã không tìm được dấu vết kẻ thù trên thằng người thắng bé côi cút đói lã…, trở thành tội nhân của ông, đúng là những con người “ có cái lưỡi không xương …, có con mắt bé tẻo…”, đi làm cách mạng như cụ Tố…, ngàn đời con cháu nhìn lại… nhớ lại…, vẫn còn hãi hùng !.

TC NGUYỄN
18-08-2007, 18:28
Hôn- nóng nóng!...

Ôi nóng lắm nụ hôn gì quái đản
Nó nồng men làm ngặt thở mùi cay
Hơi rượu mốc hèm ngâm lâu quá độ
Lỡ một lần ta cố chạy xa bay

Nên kỷ niệm chỉ toàn là ớn lạnh
Nhớ đến người như hủ mắm chưa khơi
Đừng ấp ủ những gì trong tơ tưởng
Dại hai lần đâu dễ hỡi người ơi !

Là kẻ lạ săm se làm chi nữa
Giận dữ gì nuốt lấy chịu mà thôi
Người đứng lại ôm lấy nhiều hụt hẫng
Ta bên nầy nắn nót lại vành môi…

Cùng cho hỏ chửi đời cho sướng miệng
Cõi ta bà trời ngó xuống mà coi
Tụi nó đó chia nhau từng mảnh xéo
Hết phần rồi quay lại cắn nhau chơi!...

Khi ngươi chết ai là người đưa tiễn
Chí đồng nào còn lại chốn mù sương
Hang ổ thúi om trồi lên trụt xuống
Chống đì mông hồ mị chỉ Thiên Đường !...

TC NGUYỄN
23-08-2007, 12:44
Sau Đệ nhi thế chiến (1919), nước Pháp cần tiền tái thiết, nên ra lệnh Toàn-Quyền Đông-Dưong bán phiếu quốc trái do mẫu quốc phát hành, buộc các kỳ mục hương thôn và những người giàu có bỏ tiền ra mua để làm lời…

Theo lệnh quan thầy, Thượng-Thư Bộ-Hộ họ Phạm, ra sức cổ động để làm vừa lòng quan thầy đã ra một câu đối quảng bá cho quốc dân lấy làm hỷ hạ lắm. Câu đối như sau:

Dân phải quốc trái

Câu đối có tính cánh bắt buộc phải ủng hộ mua quốc trái do thực dân đề ra, trùng hợp có những chữ đối:

dân <--> quốc
phải <--> trái

Do đó cũng có thể hiểu theo ý dân bao giờ cũng phải mà quốc(nhà nước bảo hộ-Pháp) bao giờ cũng trái…, có cụ Cùng-Nho thời ấy đã đối lại như sau:

Nam ở Tây về

Hàm ý Tây mầy sẽ bị đuổi sạch về nước và đất nước thì của dân Nam ta ở…

Sau vụ câu đối bị xuyên tạt nầy không biết họ Phạm có bi khiển trách chi không ?..., Chỉ biết sau vụ nổ bom Cổ-Am, thì họ Phạm đến chầu tại dinh Thống-sứ Robin khóc rưng rức xin tha lỗi vì sơ sót trong việc cai trị của mình và sau đó thì ông chết!?...

Có lẽ vì sự ân hận sao đó với người trợ thủ trung thành, Thống-sứ Robin đã về đến tận làng đọc điếu văn thống thiết ca ngợi…

Nhưng chưa hết, cụ Trần Bình một nho chùm đến viếng với câu đối :

Vai nhọ tẽn cho thân cố lão
Đít cua hiềm thấy mặt công thần

Chuyện về sau có ai bị công an, mật vụ pháp quấy nhiễu vì những câu đối xách mé nầy không thì không thấy nói tới…