PDA

View Full Version : Ngôn ngữ bình dân......


LSB-NguyenPtit
12-01-2007, 17:45
- Mày sao dzị? - Tao thấy muốn bịnh quá hà.

pó tay, nghe nói bệnh là ptit chạy vắt chân lên cổ còn ko kịp, đằng này nó bảo nó muốn bịnh :cuoilon:

- Trông mày mới buồn cười làm sao!

pó chân, vui mà khóc thì ptit thấy rồi, chứ còn buồn mà cười thì hơi bị hiếm :cuoilon:

- Mày làm tao mắc cười quá hà.

pó đầu, cười mà cũng mắc nữa sao? mắc, mắc....mắc cái gì :cuoilon:

- Mệt muốn chết luôn!.

giờ ướp xác luôn, chẳng còn gì để pó :p. Mệt thì đi nghỉ cho hết mệt, cớ gì mệt mà lại muốn chết 8O
................
Nói mà. Ngôn ngữ bình dân nó là thế. Nếu cứ căn vào từng từ từng chữ thì nó có ý nghĩa rất ngô nghê. Thế nhưng nó lại chẳng ngô nghê tí nào, có nghĩa hẳn hoi. Đơn giản chỉ vì nó là ngôn ngữ giao tiếp..........

@ST: huynh bảo đệ thuyết trình mấy cái đồng tiền, sao huynh nín thinh vậy, ko có tí phản hồi hà 8O ít ra cũng cho ý kiến khen chê gì chứ...

Thân!
Best regard!
:D - trốn việc hả? :p

LSB-Dieu
13-01-2007, 12:55
Sai rồi. Từ "buồn" trong "buồn cười" có nghĩa đàng hoàng đó nhe.
"Buồn" ở nghĩa thứ 2, là động từ (dùng trước động từ, kết hợp hạn chế) : cảm thấy cần phải làm việc gì đó, do cơ thể đòi hỏi, khó nén nhịn được. Ví dụ như: buồn ngủ, buồn nôn

Từ "muốn" ở câu trên cũng không có nghĩa thứ nhất là cảm thấy có sự đòi hỏi về tâm lí, tình cảm hay sinh lí, làm việc gì hoặc có cái gì mà hiểu theo nghĩa thứ 2 : có dấu hiệu cho thấy sắp có biến đổi, chuyển sang một trạng thái khác.

@Lang quân hơi bận một chút, Tiểu Nguyên cứ bình tĩnh.

Quận Chúa Quỳnh Anh
15-01-2007, 01:37
ptit thấy ngộ thiệt cái mà ngộ , rồi cái ngộ đó " cù " ptit buồn nhột và làm ptit muốn cười , thành buồn cười , và vì buồn cười nên thấy ngộ ( hì , đùa vui tí ) .

Mà sao QA thấy cái tiêu đề " Ngôn ngữ bình dân " không chuẩn lắm thì phải . Bình dân cho mình hiểu là , " Không có cầu kỳ , chải chuốt , hoa mỹ . Mà rất mực mạch lạc , giản dị , dễ hiểu . " Mà những từ nào , mình thấy nó " khó hiểu " thậm chí thấy nó " vô lý " thì nó đâu còn thuộc dạng " bình dân " nữa , nhi?. Phần nhiều , có từ do cách phát âm " đặc sản " của từng miền , có khi đã bị biến tấu , biến hóa , biến dạng rồi nói thành thói quen , và bên cạnh với câu muôn thuở " Tiếng Việt vốn rất đa dạng , phong phú ."Theo QA , lấy tiêu đề " Chữ nghĩa chúng ta " , có thể rộng ý ra hơn .

Đơn giản chỉ vì nó là ngôn ngữ giao tiếp..........

Làm gì có , giao tiếp thì có liên quan chi tới những từ đã bị " biến dạng , biến hóa , biến tấu đi đâu " . Thí dụ với câu :" Anh biết không ? " . Chữ không này nó không có biến dạng , nhưng qua giọng một cô gái miền Nam , câu đó trở thành :" Anh biết hông dzậy ? " Nếu anh chàng đó mà cắc cớ , có thể trêu :" Hông của anh mà , sao không biết được cưng" .

Những từ đó , chỉ là " Cách nói " , thông dụng kiểu " đặc sản " của một số người , của riêng vùng nào đó , và không phải ai cũng xài cả . Xài theo thói quen khi " nói chuyện " ,rồi ưu ái đem từ theo " cách nói " đó xài qua khi viết luôn .Đâu có độc quyền trong giao tiếp .

Như từ " mắc cười " thấy mắc cười thiệt há .Mắc cũng là muốn chỉ ra hành động không rảnh . Thế cười sao lại không rảnh được đây ? Ah ! Lại hiểu qua khía cạnh khác cũng được. Buồn cười là muốn cười , còn mắc cười là :" Mầy chọc tao cười hoài nghen mậy " ( nghĩ thế , hì ) . Mà từ " mắc " này , QA nghĩ đã được xài theo kiểu " đặc sản " nữa rồi . Thí dụ :" Tới nhà tìm đứa bạn . Má của bạn ra nói " Cháu chờ con Lan tí nghen . Nó " mắc " cho heo ăn ". " Nghe quen , chả thấy thắc mắc gì cả . Dù rằng , nếu đem chữ " mắc " đó ,thay bằng chữ " bận " thì ai cũng hiểu liền .

Còn có những từ không bị cặp đôi , rất khác ý nghĩa , nhưng khi được dùng như cùng một nghĩa ( vô lý quá há ) . Thí dụ ngay thôi :" Nhớ mặc áo ấm vào nha , kẻo lạnh .Hoặc :" Nhớ mặc áo lạnh vào nghen ,cho ấm ", ( nói tới cái áo len , xài từ áo ấm cũng được hay áo lạnh cũng được luôn , ấm và lạnh cùng nghĩa mới ghê chứ ) .

- Dân tộc VN đã đánh thắng giặc Mỹ _ Dân tộc VN đã đánh bại giặc Mỹ ( xài chung theo một câu mà thành ra thắng với bại cùng nghĩa ) .

_ Nếu ai có nghe qua tên của một loài chó còn thấy " mắc " cười nữa . Đó là con " Chó bò tót " . Đem hai con vật khác nhau hoàn toàn , một giống ăn thịt và một động vật ăn cỏ , ghép đôi lại thành một cái tên mới . Một con mà vừa là chó vừa là bò , thấy kỳ cục " hông " ?

Tiếng Việt đa dạng , và phong phú quá chừng . QA góp vui thôi ," tầm phào " về vài tiếng thông dụng trong đời sống mà chúng ta vẫn thường hay bắt gặp và cho là cực kỳ vô lý đó mà . Có sai sót mong bỏ qua cho .

Ôi ! Chữ nghĩa chúng ta . Đừng có ai " cười ngất " nghen . Má ui , cười đi với ngất mới ghê .

LSB-NguyenPtit
15-01-2007, 14:26
Vâng, ptit đây xin lĩnh ý chư vị :)

lại nói về "chữ nghĩa chúng ta" - như tỷ QA góp ý.

-Trời ơi! con nhỏ đó đẹp thấy ớn luôn, mày ơi!
Đẹp mà thấy ớn luôn là sao? Nghe nó mới mâu thuẫn làm sao, nhưng ko, người nghe ắt hẳn hiểu rằng, cô bé kia cực kỳ đẹp....8O

- Hôm qua về nhà, mẹ tao chửi tao dở lắm!
Lại phải theo ngữ điệu và hoàn cảnh mới có thể hiểu được câu này. Nếu bảo là mắng tao nhiều lắm lắm thì có phải là dễ hiểu không :D

Ừh, có lẽ loại ngôn ngữ này có thể được xếp vào tiếng lóng. Mà một số phương tiện báo chí gần đây có đề cập đến việc "bồi" hóa tiếng Việt, cũng là do cái dạng phát ngôn như thế này đấy.

Quá nhiều từ ngữ đường phố mà giới trẻ ngày nay lạm dụng. Nhìn một cô gái đi ngang, mấy thằng có thể xúm nhau lại để soi mói, mà ngôn ngữ chúng dùng là "hàng", "điện nước"...nghe có kinh không :D Người chứ có phải là đồ vật đâu á nà :p

Tạm thời hông nghĩ ra ví dụ nào khác :p Thăng thôi :D

Thân!
Best regard!
:D - nghĩ ko ra mà dám viết mới ghê chứ :D

Quận Chúa Quỳnh Anh
22-01-2007, 01:45
Lan man thêm về từ " mắc " nữa nhé ! Từ mắc nằm riêng trong tự điển cũng có nghĩa là bận , nó còn được nằm đôi với : mắc bận , mắc kẹt ( bận ) . Khi chúng ta bắt gặp từ đôi trên , thì rõ như năm với năm là mười vậy . Cái ý chính không có ở từ mắc mà là ở từ bận nằm phía sau . Còn khi mắc nằm với những chữ khác ngoài bận , như : mắc cỡ , mắc chứng , mắc màn ... thì hiểu rộng ra thêm nhiều nghĩa khác , và khi từ mắc được nói tắt đi vậy , ngoài nghĩa " bận " được xài và hiểu theo thói quen . Khi nó đứng riêng một mình và hình thành nhiều nghĩa mới là thế.

Mắc cho ta biết đang làm gì , mắc vào việc gì , và chưa chắc khi dùng từ mắc lại luôn được hiểu theo nghĩa bận . Tôi nghĩ , phụ thuộc vào hoàn cảnh khi dùng để mà tự hiểu lấy . Như câu thí dụ trên :

- Cháu chờ con Lan chút nghen , nó mắc cho heo ăn .

Chúng ta hiểu ra nghĩa bận vì có người chờ đợi ,và một người đang dở tay với công việc chưa dứt ra được để gặp mặt , nhưng nếu với câu ( thí dụ như người cha hỏi bà vợ về đứa con gái ) : - Con Lan từ sáng tới giờ đi đâu không thấy vậy bà ? Người vợ trả lời :" Nó mắc cho heo ăn ở nhà sau chứ đâu ." Câu trả lời này , không phải nói lên hành động đang bận , mà là đang ở trong công việc đó thôi .

Như khi nói :" Mỗi ngày , tôi đều mắc cho gà ăn ." Không có nghĩa là tôi sẽ bận , mà đó chỉ ra một công việc được làm đều đặn cho mỗi ngày . Đâu có bận gì , có thể nhởn nhơ đi qua đi lại , tà tà rải thóc cho gà ăn . Nên QA nghĩ theo chủ quan :" phụ thuộc vào hoàn cảnh khi dùng để mà tự hiểu lấy" . Lan man tí , sai sót bỏ qua cho .

Nói tới một từ nữa , mới thấy tiếng Việt của mình lợi hại cỡ nào . Đó là từ " Miếng " . Khi dùng từ này , ai cũng đều hiểu muốn ám chỉ một dạng chất đặc . Miếng : một lượng đồ ăn nhỏ . Như : miếng thịt , miếng cơm ... Rồi người ta dùng nó qua dạng lỏng luôn . Thí dụ :" Cho tui xin miếng nước anh Hai ." Nghe quen cũng không thấy lạ gì , nhưng khi bạn " mắc bịnh " vào bịnh viện . Cô y tá nói :" Cho xin chút nước tiểu của anh ( chị ) để chúng tôi xét nghiệm ." Còn nếu nghe được câu :" Cho xin miếng nước tiểu của anh ( chị ) để chúng tôi xét nghiệm ." Nghe dị và không ổn rồi . Hỏi thiệt , có ai nghe qua " xin miếng nước tiểu chưa dzậy ? " . Ôi , chữ nghĩa chúng ta .

nghĩ ko ra mà dám viết mới ghê chứ

Tui cũng vậy , haha . Chừng nào nghĩ ra thêm thí dụ khác , lan man tiếp .

LSB-NguyenPtit
22-01-2007, 07:13
Phần nhiều , có từ do cách phát âm " đặc sản " của từng miền , có khi đã bị biến tấu , biến hóa , biến dạng rồi nói thành thói quen
đọc tới câu này của QA tỷ, tự nhiên ptit lại nhớ tới một thói quen ở chỗ ptit.
âm "â" thường bị phát âm chạy ra thành "ă"

ví dụ: cục đất, cây cân, đầu lân, ông Phật...thì lại đọc chạy ra thành cục đắt, cây căn, đầu lăn, ông Phặt....

tới đi vô quán nhậu, gọi món cật heo nướng thì ...... cũng kêu lộn tất......:cuoilon:

lần đầu đi nhậu chung, nghe họ kêu như thế, bụng cứ ôm mà cười lăn ra :cuoilon:

riết rồi cũng quen, giờ nghe cũng hiểu, nếu có người lạ thì ngồi tỉnh bơ để tránh mất lịch sự (mặc dù bụng vẫn đang cười :p), nếu là tụi bạn quen, thì chúng mày chết với tao, một mẻ cười vô tư :cuoi1:

còn một câu hỏi kiểu xả giao này nữa:
- hia/chế tên gì lặn? (bạn tên gì lận?)
nếu có tời Cà Mau mà người ta hỏi thế thì nhớ trả lời tên mình nhá. Dân miền sông nước thường hay thêm vào những từ ở đuôi như thế, để làm gì thì cũng chả biết, chắc là để cho suông câu :cuoilon:

mỗi lần nghe câu này, tự nhiên nhớ tới món cật heo nướng :cuoilon:

QA tỷ tên gì lặn? 8-)
Sử Tiến huynh tên gì lặn? :cuoilon:

Thân!
Best regard!
:D - 2 câu hỏi cuối là phải trả lời đó 8-)

Sử Tiến
24-01-2007, 10:31
- Chiều nay nhớ xuống coffee house, có party ở đó.
- Chiều nay đại ca mày bận rồi, đi một mình đi.
- Bận gì? Quần hay áo?
- Bikini. Không bận người ta nói công xúc tu sĩ sao!!!
------------

- Mợ của đệ qua Đức, được người quen tặng một mớ mp3 nhạc tiền chiến hay lắm!
- Whoa, nhiều không? Huynh đang tìm vài bài thuộc dạng hiếm quý đây. Hỏi BearShare, BearShare chẳng biết, hỏi Lime Wire, Lime Wire chẳng thưa.
- Nhiều lắm, cả một đĩa lận. Có gì đệ up lên cho huynh.
- Tới một đĩa lận hả, "nhiều" thiệt!!
------------


@ST: huynh bảo đệ thuyết trình mấy cái đồng tiền, sao huynh nín thinh vậy, ko có tí phản hồi hà 8O ít ra cũng cho ý kiến khen chê gì chứ...

Thân!
Best regard!
:D - trốn việc hả? :p

Quả nhơn đang nghỉ ngơi trong tẩm cung :icon23: với ái hậu mỹ nhơn, khanh cãi nhau thì cứ cãi tới bến đi, kêu réo chi om sòm rứa.

(Tính đeo bình dưỡng khí lặn luôn rồi!)

PS. Biên trì ngoạn nguyệt,
Nhất luân chuyển tác song luân.
Ngày xưa nương tử mượn ý của vế đối này để làm thành một đôi nick. Trong vế đối có tên của huynh.

Trà Hoa Nữ
28-01-2007, 09:33
Mà sao QA thấy cái tiêu đề "Ngôn ngữ bình dân" không chuẩn lắm thì phải. Bình dân cho mình hiểu là, "Không có cầu kỳ, chải chuốt, hoa mỹ. Mà rất mực mạch lạc, giản dị, dễ hiểu". Mà những từ nào, mình thấy nó "khó hiểu" thậm chí thấy nó "vô lý" thì nó đâu còn thuộc dạng "bình dân" nữa, nhi? Phần nhiều, có từ do cách phát âm "đặc sản" của từng miền, có khi đã bị biến tấu, biến hóa, biến dạng rồi nói thành thói quen, và bên cạnh với câu muôn thuở "Tiếng Việt vốn rất đa dạng, phong phú".Theo QA, lấy tiêu đề "Chữ nghĩa chúng ta", có thể rộng ý ra hơn.Em thấy tiêu đề không sai đâu. Ngôn ngữ bình dân là thứ ngôn ngữ quần chúng gần gũi mà chúng ta có thể nghe thấy thường xuyên trong các cuộc hội thoại hằng ngày, trong gia đình, trong quán nhậu, ngoài đường phố,… Nó có thể là những câu chữ giản dị (như chị Anh nói), có thể là tiếng lóng, tiếng bồi, từ ngữ thành ngữ cải biên, câu cửa miệng,… Ngôn ngữ bình dân phân biệt với thứ ngôn ngữ chau chuốt, chuẩn mực trong văn viết hay lối nói của tầng lớp quý tộc (ngày xưa). Có thể hiểu "ngôn ngữ bình dân" là khẩu ngữ, lối nói thông tục bình dân. Vì nó không "chuẩn mực" nên nếu so sánh từng từ từng chữ thì sẽ thấy "vô lí quá". Tuy nhiên, khi nói chuyện với nhau (giao tiếp) thì người đối diện dễ dàng hiểu ý của người nói.

Nói đến ngôn ngữ bình dân thì việc đưa ra những cắc cớ của Tiếng việt chuẩn hay phát âm hình như không đúng lắm:
- Giả sử như từ "lãng mạn" trong miền Nam thường nói thành "lảng mảng". Nhưng không thể nói "lảng mảng" là ngôn ngữ bình dân được.
- Hay ví dụ của anh Sử Tiến:
- Chiều nay đại ca mày bận rồi, đi một mình đi.
- Bận gì? Quần hay áo?
- Bikini. Không bận người ta nói công xúc tu sĩ sao!!!

- Nhiều lắm, cả một đĩa lận. Có gì đệ up lên cho huynh.
- Tới một đĩa lận hả, "nhiều" thiệt!!Cách nói thì bình dân lắm rồi :D. Nhưng với những dòng in nghiêng, nếu em gái có bình… loạn một câu thì đó chỉ có thể là "Ôi, Tiếng Việt!" :p.

- Chiều nay nhớ xuống coffee house, có party ở đó.
- Chiều nay đại ca mày bận rồi, đi một mình đi.Thực tế, có một số từ nước ngoài dịch sang tiếng việt rất khó thoát nghĩa (hoặc người nói không tìm được từ để diễn đạt) ~~> họ bê luôn tiếng anh vào câu nói & sau đó giải thích. Cái đó chẳng "bình dân" chút nào. Nếu anh zai muốn đề cập việc sử dụng tiếng bồi thì phải viết thế này:
Chiều nay nhớ xuống cóp phì hau, có pạc ty ở đó :p

Để title là "chữ nghĩa chúng ta" có vẻ không đúng, bởi topic này đơn giản là khẩu ngữ (khi tán gẫu ngoài Y!M hay PLD, mọi người cũng đang dùng khẩu ngữ đấy). Tất nhiên, định nghĩa hay phân loại chỉ mang tính tương đối, người ta có thể đem mỹ từ vào những cuộc chuyện trò hằng ngày hay đem khẩu ngữ bình dân vào trong văn học (cái này đọc Hồ Anh Thái là thấy rõ nhất).
-------------
pó tay, nghe nói bệnh là ptit chạy vắt chân lên cổ còn ko kịp, đằng này nó bảo nó muốn bịnh
pó chân, vui mà khóc thì ptit thấy rồi, chứ còn buồn mà cười thì hơi bị hiếm
Anh ptit đâu có bị bó tay, bó chân, ướp xác gì đâu, chỉ là "Chịu, không thể hiểu nổi" thôi mà, hehe.

Con Hủi
28-01-2007, 18:43
Chủ đề này cũng giống như chủ đề "ngôn ngữ VN khó hiểu thật" thôi mà có gì khác biệt đâu. Chỉ có chất lượng là có vẻ tốt hơn vì có nhiều bài phân tích và cho VD...

Quận Chúa Quỳnh Anh
31-01-2007, 10:57
rồng bán than xa nhớ Em thấy tiêu đề không sai đâu. Ngôn ngữ bình dân là thứ ngôn ngữ quần chúng gần gũi mà chúng ta có thể nghe thấy thường xuyên trong các cuộc hội thoại hằng ngày, trong gia đình, trong quán nhậu, ngoài đường phố,… Nó có thể là những câu chữ giản dị (như chị Anh nói), có thể là tiếng lóng, tiếng bồi, từ ngữ thành ngữ cải biên, câu cửa miệng,… Ngôn ngữ bình dân phân biệt với thứ ngôn ngữ chau chuốt, chuẩn mực trong văn viết hay lối nói của tầng lớp quý tộc (ngày xưa). Tuy nhiên, khi nói chuyện với nhau (giao tiếp) thì người đối diện dễ dàng hiểu ý của người nói.


Ngôn ngữ bình dân, em cho nó là một ngôn ngữ quần chúng, thì không có gì là sai cả. Vì, nó rất phổ biến, và rất quen thuộc, gần gũi với mọi người, nhưng, chỉ có thể đổ đồng, chứ không thể hợp nhất thành một nghĩa tuyệt đối.

Ngôn ngữ quần chúng có thể bị giới hạn trong một phạm vi khác, được lưu truyền, và được sử dụng trong một " thiểu số quần chúng" nào đó thôi. Bằng cớ là hiện nay, có một số từ tiếng Việt đã bị biến thái tới mức " hết nói nổi", tính luôn vài điều mà em đã có đề cập:

có thể là tiếng lóng, tiếng bồi, câu cửa miệng,…

Cho nên, không phải ai cũng đều hiểu, và nhất loạt bắt chước nhau xài đâu. Vì thế, người ta có thể ưa chuộng, sử dụng thường xuyên ngôn ngữ bình dân, nhưng không có nghĩa là:" Ai ai cũng đều ưa chuộng,và thích sử dụng ngôn ngữ quần chúng."

LSB-NguyenPtit
31-01-2007, 11:27
Cho nên, không phải ai cũng đều hiểu, và nhất loạt bắt chước nhau xài đâu. Vì thế, người ta có thể ưa chuộng, sử dụng thường xuyên ngôn ngữ bình dân, nhưng không có nghĩa là:" Ai ai cũng đều ưa chuộng,và thích sử dụng ngôn ngữ quần chúng."
em nghĩ là không dám sử dụng chứ không phải là không muốn sử dụng....

cpn - chị có dám tự tin dùng cái thuật ngữ này trước đám đông ko? Nhưng em khẳng định chị có thể tự tin mà thốt lên trong cái Xóm Hẻo mà không hẻo trên đất Lương Sơn này..........

Em nghĩ bình dân tức là gần gũi. Mà giới quý tộc thượng lưu thì không thể có 2 chữ bình dân được ~~~> ngôn ngữ bình dân không là một thứ ngôn ngữ hàn lâm, mà nó chỉ đơn giản là ngôn ngữ dành cho những người thật sự bình dân, nó giản dị, đôi khi còn thô kệch, hoặc dã nó chỉ là những tiếng đệm thêm cho câu nói,.......nhưng nó rất tự nhiên đi vào lời ăn tiếng nói của mỗi con người chúng ta................

(nói tới đây tự nhiên nhớ một người mà thấy giận!!!! nhất thiết phải đem giai cấp ra để lật đổ một người sao ~~~> giận quá đi 8-))

Em nghĩ có khối người muốn dùng những loại ngôn ngữ này................nhưng sợ..............8O
(đánh giá thì lấy xà beng đở, lo gì :p)

Thân!
Best regard!
:D - chị QA trốn biệt luôn nhá...........dữ hôn? giờ mới thấy mặt 8-)

Quận Chúa Quỳnh Anh
01-02-2007, 10:45
Em nghĩ bình dân tức là gần gũi. Mà giới quý tộc thượng lưu thì không thể có 2 chữ bình dân được ~~~> ngôn ngữ bình dân không là một thứ ngôn ngữ hàn lâm, mà nó chỉ đơn giản là ngôn ngữ dành cho những người thật sự bình dân,

Thế chị hỏi em:" Khi đã cho ngôn ngữ bình dân "thật sự" dành cho những người "thật sự" bình dân. Vậy thì với những từ đã bị biến tấu, biến thái đi, đã được sử dụng theo thói quen qua dạng nói, rồi đưa vào dạng viết, và chỉ lưu hành trong một số ít, thì có nhất thiết phải bắt những người thật sự bình dân phải xài đúng ngôn ngữ quần chúng (cũng là ngôn ngữ bình dân) hay không?

Chị thí dụ nghen: Một cậu con trai đang ngồi cùng với người bạn ở một quán nước. Có một cô gái đi ngang qua. Cậu con trai buột miệng:

_ Ê, công nhận con nhỏ này bị đẹp thiệt.

Một thời gian sau đó, nó được biến tấu thêm nữa:

_ Ê, công nhận con nhỏ này hơi bị đẹp thiệt.

Muốn ám chỉ điều gì đây?

_ Bị đẹp: chỉ người đẹp.
_ Hơi bị đẹp: chỉ người rất đẹp.

Đẹp mà còn bị đẹp, làm như ai bắt vậy, thiệt hết nói. Cô gái nào, mà cứ "bị" cho đẹp thì sẵn sàng cho "bị" hoài á! Còn đã "bị" rồi, mà chỉ "hơi" thôi, lại nghĩ rằng: "Chưa được đẹp lắm", nhưng không phải vậy. Lối nói "rất riêng" này, ý lại nói: "Hơi bị" đẹp lại là đẹp quá, đẹp hết xẩy.

Kiểu nói này, không phải ai nghe cũng hiểu liền, nếu không nhờ "khổ chủ" dịch lại cho biết thì chịu thôi. Khi hiểu rồi, thì không phải ai cũng thích thú để mà xài theo. Nó không còn là ngôn ngữ bình dân, mà là ngôn ngữ quần chúng. Mà ngôn ngữ tự chế, tự biên này cũng chỉ được truyền bá trong một số ít người mà thôi.

Cho nên, đánh đổ đồng về ý nghĩa thì chấp nhận. Vì, người ta luôn cho rằng: "Ngôn ngữ bình dân" cũng là "Ngôn ngữ quần chúng", nhưng có được xài kiểu thống nhất hay không thì chưa chắc đâu à nghen. Đừng để nó đánh lừa, nếu cứ cố gán ghép vô tội vạ.

đôi khi còn thô kệch, hoặc dã nó chỉ là những tiếng đệm thêm cho câu nói,.......nhưng nó rất tự nhiên đi vào lời ăn tiếng nói của mỗi con người chúng ta................



Thế em cho những từ đệm đó thuộc dạng gì thế? Những từ "đệm" thô kệch, tục như CBN, đm, etc. thì rõ ràng được xài theo thói quen của "số ít" quần chúng rồi. Nói ra hiểu liền, nhưng cũng đừng có ghép nó vào Ngôn ngữ bình dân dành cho người " thật sự" bình dân như em nói, thì tỷ té ngửa liền á! Nói vậy oan cho người bình dân quá, không phải ai cũng thích thô kệch, và đệm đâu. Chỉ biết nói đó là dạng ngôn ngữ quần chúng. Vì có những người ăn học đầy mình, vẫn thích thỉnh thoảng đệm từ mà, theo thói quen thôi. Chị vẫn giữ ý như cũ:

Người ta có thể ưa chuộng, sử dụng thường xuyên ngôn ngữ bình dân, nhưng không có nghĩa là:" Ai ai cũng đều ưa chuộng,và thích sử dụng ngôn ngữ quần chúng."

cpn - chị có dám tự tin dùng cái thuật ngữ này trước đám đông ko? Nhưng em khẳng định chị có thể tự tin mà thốt lên trong cái Xóm Hẻo mà không hẻo trên đất Lương Sơn này..........

Nói đừng cười nghen. Ai thì chị không biết, chứ chị thì vẫn thường xài ở ngoài đời thật luôn đó, nhưng khi xài cũng tùy hoàn cảnh, tùy người đối diện để liệu mà "văng" ra. Văng bậy, nổ banh xác ráng chịu. Chị có thể thoải mái cbn với đám bạn thân, nhưng không thể nào đứng trước một người lớn tuổi mà cbn được. Chẳng hạn, như tức lên vì bị mắng xối xả. Với người lớn tuổi trong nhà, thì ráng mà căng hai lổ tai lên nghe, không thì kiếm cục gòn mà nhét, chứ cũng đố dám văng tục. Còn với bạn bè thì khác à nghen, tự nhiên thấy mình có thể thoải mái phát tiết ra liền. Đi làm, gặp chủ mắng mà ngoác mồm chửi thề vô mặt nó, ngày mai chắc khỏi tới làm luôn. Cho nên, chị nghĩ rằng: " Đây không phải là vấn đề có tự tin hay là không, mà nó đơn thuần xài theo thói quen, và tự bản thân phải biết tự kiềm chế thế thôi." Độc quyền cho bình dân thì không đúng, vì người có học thức cũng xài như thường. Gán cho nó là ngôn ngữ quần chúng, nhưng cũng chỉ có thông dụng trong một số ít người thôi. Đã nói tiếng Việt phong phú là thế, nên chị hay nói: Ôi, chữ nghĩa chúng ta nghe thích hơn, hehe.

Trà Hoa Nữ
03-02-2007, 15:05
Em thấy tiêu đề không sai đâu. Ngôn ngữ bình dân là thứ ngôn ngữ quần chúng gần gũi mà chúng ta có thể nghe thấy thường xuyên trong các cuộc hội thoại hằng ngày, trong gia đình, trong quán nhậu, ngoài đường phố,…
Em không nói "Ngôn ngữ bình dân là ngôn ngữ quần chúng" một cách tuyệt đối (đơn giản bởi "bình dân" và "quần chúng" mang sắc thái khác nhau). Nếu chị Anh đọc kỹ thì sẽ thấy nó không chằn chặn như vậy đâu.
Ngôn ngữ bình dân, em cho nó là một ngôn ngữ quần chúng, thì không có gì là sai cả. Vì, nó rất phổ biến, và rất quen thuộc, gần gũi với mọi người
Kiểu nói này, không phải ai nghe cũng hiểu liền, nếu không nhờ "khổ chủ" dịch lại cho biết thì chịu thôi. Khi hiểu rồi, thì không phải ai cũng thích thú để mà xài theo. Nó không còn là ngôn ngữ bình dân, mà là ngôn ngữ quần chúng. Mà ngôn ngữ tự chế, tự biên này cũng chỉ được truyền bá trong một số ít người mà thôi.
Đọc ở trên thì biết rằng "ngôn ngữ quần chúng" là thứ ngôn ngữ phổ biến, quen thuộc, gần gũi. Đọc ở dưới thì hình như "ngôn ngữ quần chúng" lại cũng có thể "chỉ được truyền bá trong một số ít người". Sao vậy chị Anh?

Trước nay em chưa thấy có văn bản nào định nghĩa "ngôn ngữ bình dân" cả. Nhưng theo em biết (và đã nói ở bài trước), có thể hiểu "ngôn ngữ bình dân" là khẩu ngữ_ngôn ngữ nói thông thường, dùng trong cuộc sống hằng ngày, được đưa ra để phân biệt với thứ ngôn ngữ chau chuốt, chuẩn mực trong văn viết hay lối nói của tầng lớp quý tộc (ngày xưa). Khái niệm này rất rộng và vì thế, ngôn ngữ bình dân vẫn có thể bao gồm cả tiếng lóng, tiếng bồi, câu cửa miệng,…

Kiểu nói này, không phải ai nghe cũng hiểu liền, nếu không nhờ "khổ chủ" dịch lại cho biết thì chịu thôi. Khi hiểu rồi, thì không phải ai cũng thích thú để mà xài theo. Nó không còn là ngôn ngữ bình dân, mà là ngôn ngữ quần chúng. Mà ngôn ngữ tự chế, tự biên này cũng chỉ được truyền bá trong một số ít người mà thôi.
Ngôn ngữ phụ thuộc vào các đặc điểm địa lý, tập quán, thế hệ,… nên dù đều diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân, người ta vẫn có thể không hiểu nhau, không thích bắt chước cách nói của nhau. Giả như miền Bắc nói "quả" thì miền Nam nói "trái", ông bà đôi khi dùng từ cổ mà thanh niên bây giờ thấy khó hiểu & không dùng, nhưng đó vẫn là "ngôn ngữ bình dân" thôi.

Nói ngôn ngữ bình dân dễ hiểu không phải chỉ-vì nó giản dị, gần gũi. Nó dễ hiểu vì nó là ngôn ngữ giao tiếp, có thể nhờ ngữ cảnh, ngữ điệu,… mà đoán ý người đối diện. Cái kiểu nói "bó tay" của anh ptit, ngày xưa khi nó xuất hiện & thịnh hành, Rd cũng chỉ nghe bạn bè nói rồi hiểu chứ chưa bao giờ phải hỏi chúng nó xem "bó tay" nghĩa là gì. Nếu có hỏi thì chắc cũng sẽ được trả lời "Đại khái là…" bởi vì bọn bạn cũng chỉ nghe thế, hiểu thế chứ có bao giờ hỏi đâu.
_ Ê, công nhận con nhỏ này hơi bị đẹp
Cái này thì đúng là ngôn ngữ bình dân chứ sao chị Anh. "Hơi bị…" được dùng rất phổ biến và em cũng chưa thấy ai hiểu nhầm nó là "hơi" thay vì "rất" cả.

Tóm lại, nếu ai đó có thể đưa ra khái niệm chính xác về "ngôn ngữ bình dân" thì em chịu người đó luôn. Còn thì em vẫn không thấy cái title có vấn đề gì hết :D.

Quận Chúa Quỳnh Anh
09-02-2007, 09:59
Xin lỗi đã hồi âm trể.

rongden
Em không nói "Ngôn ngữ bình dân là ngôn ngữ quần chúng" một cách tuyệt đối (đơn giản bởi "bình dân" và "quần chúng" mang sắc thái khác nhau). Nếu chị Anh đọc kỹ thì sẽ thấy nó không chằn chặn như vậy đâu.

Mang sắc thái khác nhau, cho nên không phải ai cũng đều hiểu, đều xài chung là vì thế. Tính cách không tuyệt đối cũng đủ nhức đầu. Nên mới sản sinh ra những vấn đề "thắc mắc về ngôn ngữ" đó em. "Chữ nghĩa chúng ta" có thể nhân rộng phạm vi ra để tha hồ bàn. Cho cả những từ khó hiểu, ít thông dụng, và không được phổ biến rộng rãi.



Đọc ở trên thì biết rằng "ngôn ngữ quần chúng" là thứ ngôn ngữ phổ biến, quen thuộc, gần gũi. Đọc ở dưới thì hình như "ngôn ngữ quần chúng" lại cũng có thể "chỉ được truyền bá trong một số ít người". Sao vậy chị Anh?

Chị không có mâu thuẫn gì đâu em à! Trước sau chị vẫn nói, đánh đổ đồng về ý nghĩa giữa Ngôn ngữ bình dân (mà em cũng cho là Ngôn ngữ quần chúng) thì chấp nhận, nhưng có được xài theo kiểu thống nhất thì chưa chắc (em đọc lại bài trước của chị đi). Nó lại liên quan tới câu của em ở trên đó ( vốn không hề có sự thống nhất). Từ tính chất không tuyệt đối, nên mới thấy sự thông dụng của nó không nhiều là thế.



ngôn ngữ bình dân vẫn có thể bao gồm cả tiếng lóng

Thế tiếng lóng có dễ hiểu không? Có nói ra là bất cứ ai cũng đều hiểu liền không? Người người đều thích nói lóng không? Nếu câu trả lời của em là có, thì chị Anh không còn gì để nói. Chị Anh sợ ai nói tiếng lóng lắm (từ tiếng Anh cho tới tiếng Việt).


Ngôn ngữ phụ thuộc vào các đặc điểm địa lý, tập quán, thế hệ,… nên dù đều diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân, người ta vẫn có thể không hiểu nhau, không thích bắt chước cách nói của nhau. Giả như miền Bắc nói "quả" thì miền Nam nói "trái", ông bà đôi khi dùng từ cổ mà thanh niên bây giờ thấy khó hiểu & không dùng, nhưng đó vẫn là "ngôn ngữ bình dân" thôi.

Đây là kiểu đặc sản của từng miền (có nói qua ở bài trước rồi mà). Giọng từng miền thì khỏi bàn, chả có vấn đề gì ở đây cả. Người ta hiểu được với những từ đặc sản của mỗi miền hay không là nhờ nghe riết thành quen. Còn có thích bắt chước nhau hay không cũng tùy luôn. Mà chả thấy ai bắt chước làm gì (con số này cũng rất ít). Mỗi giọng miền có cái hay khác nhau, chẳng hạn:
- Từ "Không" bị người miền Nam biến thành hông. Từ "Hông" lại bị nuốt mất còn mỗi hôn (biết hôn, nghe hôn, dễ thương hôn...).
- Từ "Nhá" riết rồi thành nha. Từ "Nhé" cũng mất bà cái dấu thành nhe.
Không phải ai cũng đều xài đâu, em đồng ý chứ? Nó có cái dễ thương riêng, và cũng rất dễ hiểu. Không làm nhức đầu bằng những từ đã bị biến thái, biến tấu, biến hóa đến rất khó hiểu và không được thông dụng cho lắm. Nó thật sự đi qua khỏi lằn ranh của Ngôn ngữ bình dân (quần chúng) rồi.


Cái này thì đúng là ngôn ngữ bình dân chứ sao chị Anh. "Hơi bị…" được dùng rất phổ biến và em cũng chưa thấy ai hiểu nhầm nó là "hơi" thay vì "rất" cả.

Nói thật nhé! Em đem "hơi bị" đi cùng với "rất" mà em bảo là không ai hiểu nhầm, và được dùng rất phổ biến. Điều này chị Anh cũng không còn gì để nói. Vì rất xấu hổ để tự nhận, là chị đã rất chậm tiêu, chậm hiểu khi lần đầu tiên nhìn thấy nó (qua dạng viết) đã không biết muốn nói gì, (còn ngoài đời cũng chưa nghe qua ai nói cả). "Rất" là nghĩa khi được hiểu ra rồi, đi sau từ "hơi bị". Hoán ra nghĩa đã rất lạ, đã thế còn ép hai từ hơi và bị đi chung vào nhau nữa.

"Bị" cho mình liên tưởng tới sự kém, không may như bị xấu, bị thua...lại đi kèm với từ "hơi" chỉ sự hạn chế, thì lại cho rằng, giá trị lời khen được tăng lên gấp bội. Đối nghịch, ngược nhau đến thế mà cho rằng dễ hiểu và hợp tình ư? Ôi má ui, không lẽ tui lạc hậu với ngôn ngữ mới này dữ dzậy sao trời.



Còn thì em vẫn không thấy cái title có vấn đề gì hết

Không có vấn đề gì với ý nghĩa từ nó cả. Nếu bàn rộng ra thì sức của nó chứa không đủ (nổi) mà thôi (đùa). Tùy em nghen. Chúc vui.

Trà Hoa Nữ
09-02-2007, 11:04
Chài ơi, chị Anh. Ngôn ngữ bình dân chỉ đơn giản là ngôn ngữ nói, khẩu ngữ mà thôi_nó là thứ ngôn ngữ mà những người dân thường sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, vì thế mà phạm vi của nó rất rộng_như em nói trong bài trước. Chị trả lời em một bài dài như vậy, chỉ chứng tỏ một điều duy nhất: Chị vẫn một mực coi "ngôn ngữ bình dân" chỉ là thứ ngôn ngữ "không có cầu kỳ, chải chuốt, hoa mỹ. Mà rất mực mạch lạc, giản dị, dễ hiểu". Chị đang tự bó hẹp khái niệm này lại á.

Dạo này chị Anh bận quá há? Lâu lâu mới thấy chị viết bài à.