PDA

View Full Version : Những điều kỳ thú


LSB_ Yến Thanh
16-10-2006, 13:44
Bạn có muốn trở thành Thần?

Tính cách của mỗi người phần lớn hình thành trong cuộc sống gia đình. Khi bước vào xã hội, tính cách mỗi người lại bị ảnh hưởng bởi bạn bè, đồng nghiệp... dần dần nó tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Tính cách của con người dù đa dạng thế nào đi nữa nhưng thường có bốn loại sau:

Loại tháo vát: Những người có cá tính này dễ giúp mọi người giải toả nỗi buồn bực, cổ vũ mọi người hăng hái, tiến lên và bản thân họ luôn dẫn đầu trong mọi việc. Họ tập hợp mọi người xung quanh; khi họ cười tất cả những người khác cười theo. Họ là những người hướng ngoại, có đặc điểm thích thay đổi hiện trạng, quyết đoán, có quyết tâm cao, chú trọng kết quả, hăng hái, chủ động. Nhược điểm lớn nhất của họ là thiếu kiên nhẫn, dễ làm mất lòng người khác, ít quan tâm đến lợi ích của người xung quanh; khi gặp khó khăn hay trách cứ người khác, khi làm việc ít chú ý đến các chi tiết và thường tự cao tự đại.

Loại điềm đạm: Có cá tính bình tĩnh, dễ mang lại cảm giác yên tâm cho mọi người. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác, coi đó là trách nhiệm của mình. Họ ít khi tức giận, luôn có thái độ dĩ hoà vi quý, làm việc gì cũng kiên trì, biết lắng nghe người khác. Nhưng họ lại là người thiếu tinh thần chủ động, phản ứng chậm, thiếu nhạy bén.

Loại giỏi giao tiếp: Loại người này thích không khí vui vẻ, thích nói chuyện, luôn quan tâm đến mọi người, giải quyết công việc thiên về tình cảm. Tính cách hướng ngoại của họ khiến những người xung quanh dễ chịu. Họ có hạn chế như tính tự do, rất chủ quan khi đánh giá người khác, ít suy nghĩ đến hậu quả của công việc.

Loại cẩn thận: Họ rất ít nói, làm việc cần cù, chấp hành kỷ luật nghiêm. Khi hành động họ luôn tính toán suy xét từng việc một, ngại giao tiếp và có tâm lý sợ trách nhiệm. Họ luôn yêu cầu cao đối với người khác, làm việc gì cũng cầu toàn. Nhược điểm chậm chạp, nguyên tắc cứng nhắc, thiếu quyết đoán nên thường dẫn đến công việc không tiến triển được.

Như vậy, dù ai đó có cá tính loại nào đều có điểm yếu trong cuộc sống. Người ta nói rằng, sở dĩ con người có các cá tính trên vì trong mỗi người đều có "cá tính xấu", nó làm giảm đáng kể sức mạnh vốn có ở mỗi người trong cuộc sống. Con người bình thường khi không còn cá tính sẽ có sức mạnh siêu phàm. ở ấn Độ có truyền thuyết nói rằng, trên trái đất có thời kỳ mọi người đều là thần nên có sức mạnh siêu phàm, ai cũng có phẩm chất cao quý, sống không vụ lợi. Họ sử dụng thần quyền để giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống rất nhanh và rất có hiệu quả. Song nhiều người ngày càng lạm dụng thần quyền của mình nên đã gây ra bao phiền phức và tai hoạ, chuyện này đến tai người sáng tạo ra chúng sinh là Phạm Thiên. Phạm Thiên bèn triệu tập tất cả các thần trên thiên đình bàn cách đối phó với các thần ở hạ giới. Sau nhiều lần tranh cãi, Phạm Thiên đi đến quyết định tước bỏ "thần tính" của các vị thần ở hạ giới, tức loài người lúc đó trên trái đất và đem cất giữ vào một nơi mà các vị thần hạ giới không thể lấy được.

Trong cuộc họp, một thần thượng giới đề nghị chôn "thần tính" xuống đất, các thần phản đối vì các thần hạ giới sẽ đào lên sử dụng. Một thần thuợng giới khác đưa ra phương án dìm "thần tính" xuống đáy biển, các thần khác cho là không được vì họ sẽ lặn xuống lấy cắp ngay. Một số thần lại đề nghị chôn vào trong núi, song nhiều ý kiến cho rằng không ổn. Bàn đi tính lại không biết cất "thần tính" ở đâu để con người trên trái đất không thể phát hiện ra. Cuối cùng Phạm Thiên nói: "Ta quyết định giấu "thần tính" ngay trong cơ thể con người. Họ không thể ngờ rằng "thần tính" ở ngay trong người họ". Chúng thần nghe xong đều tán đồng.

Từ ngày đó, con người đi khắp nơi để tìm lại "thần tính", song họ không biết rằng sức mạnh ở ngay trong người họ. Mặt khác, những phẩm chất cao quý và sức mạnh siêu phàm ấy bị chính các cá tính xấu của con người che lấp đi, dù có tìm thấy cũng không thể lấy ra được. Mỗi người chỉ có một biện pháp duy nhất để có được "thần tính", đó là hết sức cố gắng loại bỏ cá tính xấu của mình, lúc đó họ không còn cá tính, đầy sức mạnh siêu phàm.

Ngày nay trên thế giới chắc hẳn có nhiều người đã tìm được "thần tính" của mình bằng biện pháp nói trên.

Câu chuyện thứ nhất

ở một bang nước Mỹ là Massachusetts có một người thuộc tính cẩn thận thất nghiệp. Một hôm anh lang thang trên bờ biển nhặt được một mẩu gỗ ướt, về nhà trong trạng thái vô thức gọt nó thành bức tượng. Tối đến, hai con anh tranh nhau bức tượng, anh phải gọt bức tượng thứ hai. Một người hàng xóm sang chơi thấy vậy nói: "Vì sao anh không gọt đồ chơi bán? Nhất định anh kiếm được tiền". Là một người thiếu tính quyết đoán, anh không biết thế nào. Thấy vậy, người hàng xóm gợi ý sát sạt: "Sao anh không hỏi mấy đứa con anh xem nên làm thế nào? ".

Sáng hôm sau mấy đứa con anh tranh nhau bảo anh chúng muốn cái giường, giá sách, xe ngựa, cái ôtô cho búp bê. Hình như có nghị lực, anh không có tiền mua gỗ phải dùng củi để làm. Ban đầu anh bán được một số đồ chơi, sau này anh kiếm được rất nhiều tiền và trở thành công ty sản xuất đồ chơi nổi tiếng, lợi nhuận vào loại cao nhất bang Massachusetts.

Câu chuyện thứ hai

Một phụ nữ Mỹ bang Connecticut bình thường tính tình điềm đạm, có một lần khi trở về nhà lúc cởi áo, cúc áo ở cổ bị kẹt, chị ta đành cắt cúc áo và bực tức nói với chồng: "Em phải phát minh ra loại cúc mới đính ở cổ để cởi nhanh". Người chồng nói khích: "Thế thì em phát minh đi, có thể phát tài!" Bị chế giễu, chị vợ quyết chí phát minh ra loại cúc tiện lợi hơn, thế là kiểu cúc bấm ra đời, muốn cởi chỉ cần giật nhanh. Sau này chị còn phát minh ra mấy loại cúc áo đóng cởi nhanh tiện nữa. Nhiều nhà máy đã hợp tác với chị, chị trở thành giàu có.

Cả hai người trên đã vứt bỏ cá tính điềm đạm và cẩn thận đi và họ đã lấy được "thần tính" trở thành thần mà phát đạt. Chắc hẳn trên thế giới này hàng ngày đang có biết bao người thành "thần"!

Sưu tầm!

LSB_ Yến Thanh
16-10-2006, 13:47
Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy.

Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được".

Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La revue spirite:

Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử. Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: "Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?" Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con". Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa. Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: "Xin cho gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi". Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cơ bút này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành một bức thư như sau:

Các con thân mến,

Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội.

Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mõi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.

Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với "tần số rung động" (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.

Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặc câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được. Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.

Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.

Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú v.v.... Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là "khuôn vàng thước ngọc" thì đời sau lại bị coi là "cổ hủ, lỗi thời"; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi nhũng giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.

Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.

Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang nhũng thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vất chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự kinh nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.

Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên các nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một giòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sống biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu! Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.

Sưu tầm!

LSB_ Yến Thanh
16-10-2006, 13:50
Chúng ta sống trong không gian sắc màu. Nhưng để phân biệt và mô tả về màu sắc lại đòi hỏi một khả năng, một năng lực nhất định. Bản thân thế giới sắc màu dung chứa bao huyền bí dẫn dụ ta vào con đường của những mách bảo và ám chỉ…

Nhân loại phải mất chặng đường hàng thế kỷ để phân biệt và gọi tên được các màu. Theo Từ điển bách khoa của nước Anh, năm 1493 mới xuất hiện những từ chỉ màu sắc dựa theo cây cỏ, như màu cỏ, màu rêu; năm 1497 mới có những từ chỉ các vật trong giới vô sinh như màu lửa, màu than, màu khói... và mãi đến năm 1778, mới có các màu của đồ vật do con người làm ra, như màu mực, màu vỏ chai. Thời hiện đại, thời kỳ của xã hội công nghiệp, vốn từ màu sắc bổ sung thêm những từ như màu xanh côban, màu đỏ hun.

Mách bảo về sức khỏe

Sự yêu thích một màu sắc nào đó của mỗi người có sự thay đổi theo trạng thái sức khoẻ. Như khi người ta yêu thích màu xanh và xám là dấu hiệu của sự căng thẳng hệ thần kinh, nhưng nếu đồng thời lại thích cả màu vàng lại là biểu hiện của sự tươi vui. Các nhà tâm sinh lý học cho rằng, những người phụ nữ có thai thường thích màu đỏ-tím, nó thể hiện trạng thái bệnh tật tạm thời, sự sẵn sàng nghe theo lời khuyên, nhu cầu được quan tâm chú ý... Nếu người phụ nữ chối từ màu đó, cô ấy chưa sẵn sàng đón nhận sự sinh nở; nếu chị lại còn từ chối cả màu vàng nữa thì đứa trẻ sinh ra không phải là niềm mong ước của người đàn bà và việc sinh nở báo trước khó khăn.

Phần lớn những người nghiện rượu thích màu đỏ tím nhưng không thích màu vàng. Cơ thể của những người nghiện này luôn bị tổn thương và nói chung có sự trì trệ về trí tuệ. Họ thường không làm chủ được bản thân, sẵn sàng chịu ảnh hưởng và sự sai khiến. Bệnh nhân lao phổi luôn lo lắng đến sức khoẻ của mình, họ thích màu vàng/da cam vì nó biểu thị sự trong lành của không khí, họ không thích màu ka ri, màu nâu, coi là xấu, liên tưởng tới bụi có hại cho phổi.

Sắc màu tạo tính cách

Màu sắc tạo nên tính cách và tính cách được thể hiện qua màu sắc. Một ví dụ điển hình, trang phục có thể phản ánh tính cách, giới tính, tuổi tác, thời tiết, nghề nghiệp...

Trước hết nói về màu trắng, màu thể hiện sự bắt đầu. Đối với người Châu Âu, bộ váy trắng của cô dâu thể hiện sự bắt đầu một cuộc sống mới, đối với người Châu Á, bộ đồ tang trắng cũng là sự bắt đầu một cuộc sống mới nhưng "ở thế giới bên kia". Bộ đồ trắng của bác sĩ thể hiện sự tinh khiết của tâm hồn, của những người mang phước lành đến cho người bệnh, màu trắng màu của lòng nhân hậu, chống lại màu đen - màu của chết chóc và cái ác. Ở châu Âu, có thuật ngữ "những người màu trắng" là những người không thích nhìn lại quá khứ, sẵn sàng vứt bỏ quá khứ khỏi sự suy nghĩ của mình để làm lại từ đầu.

Nếu như màu trắng là màu tượng trưng cho sự khởi đầu thì màu đen lại thể hiện sự kết thúc. Chính vì vậy nó đồng nghĩa với cái ác, sự nguy hiểm, sự đe doạ, sự cưỡng bức, chết chóc và tang tóc. Ở châu Âu tục mặc đồ tang màu đen lần đầu tiên có từ thế kỷ 12 do hoàng đế Liudovik ấn định sau cái chết của người vợ yêu quý, hoàng hậu Anna.

Trong ngôn ngữ màu sắc thì màu xám tượng trưng cho cuộc sống tăm tối, đói nghèo. "Những người màu xám" là những người nói chung đau khổ, họ sống bằng những sự quan tâm nhỏ nhặt; từ đó rất khó khăn để giao tiếp với họ. Nói cách khác, họ là những người lạnh lùng, thích cô đơn.

Màu đỏ trong tiếng Nga và tiếng Arab đồng nghĩa với chữ đẹp, quảng trường Đỏ ở Moscow nước Nga nguyên nghĩa từ Đỏ là đẹp. Nó như khiến cho thời gian chậm lại, trong một khoảng thời gian ngắn nó tác động làm nâng cao năng suất lao động, làm cho căn phòng ồn ào càng thêm ồn ào. Chính vì vậy màu đỏ là màu mang đến sức mạnh, sức khoẻ, niềm vui, sự giàu có, quyền lực. Màu đỏ là màu mà chỉ những người có quyền lực được sử dụng như vua, giám đốc (mực con dấu), thầy giáo (bút đỏ chấm điểm). "Những người đỏ" là những người tích cực trong mọi hoạt động, là những người hay nghĩ về mình, những người vị kỷ: đó là những người thủ lĩnh.

Màu đỏ pha trắng tức màu hồng, trong tâm lý học nó thể hiện cho sự lãng mạn mơ mộng, sự phấn khích không tạo ra một hành động nào, mục đích được thay đổi bằng cái vô mục đích, vì vậy màu này biểu trưng cho tuổi mới lớn. Từ đây mới xuất hiện cụm từ "lăng kính màu hồng".

Màu da cam là màu của trẻ con. Vì vậy những người đàn ông nào thích màu này là những người thích tham gia vào những hoạt động vui chơi tập thể, còn phụ nữ là những người hay chạy theo những ham muốn bỏng.

Màu vàng là màu của sự lạc quan và hi vọng. Nếu màu vàng pha thêm một chút màu xanh ta được màu chanh, một màu nhẹ nhất trong tất cả các loại màu. "Những người màu vàng'' là những người phụ thuộc, một sự phụ thuộc vô thức.

Màu xanh bấy lâu nay được coi là màu của tuổi trẻ, từ đó trong dân gian mới có câu "mái đầu xanh"; màu cũng được coi là biểu tượng của phụ nữ. Có thời người ta coi màu này là biểu tượng của "tư sản", như phân biệt "nhạc đỏ" đầy phấn khích với "nhạc xanh" nhẹ nhàng tươi mát. Những người thích màu này là những người tự tin không thích thay đổi mình mà chỉ tự khẳng định, họ không nghi ngờ vào sự thừa nhận của người xung quanh.

Màu của điềm báo

Đối với dân cư khu vực Đông Nam Á, màu sắc là điềm báo, là phản ánh trạng thái một xu thế, một hiện trạng của một đối tượng. Như màu xanh biểu trưng sự vĩnh cửu, hoà bình; màu đỏ nói lên hạnh phúc, sự vui mừng; màu vàng là màu thể hiện sự giàu có, màu của các đấng tối cao, như hoàng đế các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Hoa đồ mặc và đồ dùng đều màu vàng; màu trắng màu thể hiện sự bi ai, thanh khiết, màu của sự bình thường; màu đen là màu phá hoại, trầm ẩn, màu của địa ngục.

Khi Tần Thuỷ Hoàng diệt nhà Chu thống nhất thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, đã chỉ lệnh áo, quần, cờ mao, cờ tiết đều dùng màu đen; vì nhà Chu là "hoả đức", nhà Tần diệt được nhà Chu tất phải là "thuỷ đức", mà màu của thuỷ là đen, thuỷ lại có tính chất và sức mạnh khống chế dập hoả. Thực tế lịch sử đã minh chứng, triều đại nhà Tần là triều đại tàn khốc nhất trong các triều đại phong kiến Trung Hoa. Phải chăng màu đen biểu trưng của nhà Tần đã nói lên điều này! Màu sắc biểu trưng của nhà Thanh Trung Hoa cổ đại là màu xanh dương, hàm ý triều đại này trường tồn vĩnh cửu và an bình. Quả là nhà Thanh tồn tại khá lâu, 269 năm (1644 - 1912). Bởi vậy sắc phục quan lại, quân lính , nền câu đối, biểu hiệu... đều màu xanh dương.

Dân gian Đông Nam Á rất trọng lễ Tết Nguyên đán đầu năm theo lịch âm, vào những ngày này mọi người đều rất thận trọng, kiêng kỵ trong không khí vui mừng. Họ cũng sử dụng màu sắc biểu trưng niềm hạnh phúc, giàu có, tạo thế mạnh mẽ sẽ có trong năm mới. Các câu đối, hoa đào màu đỏ tượng trưng hạnh phúc, vui mừng, cây quất nở vàng tượng trưng sự giàu sang được bài trí trong khuôn viên ngôi nhà để đón xuân. Tất cả màu sắc các vật trên đều xuất phát từ triết lý ngũ hành của người Việt Nam, Trung Hoa cổ xưa.

Sưu tầm!

LSB_ Yến Thanh
16-10-2006, 13:53
12h đêm 30/8, trong khi đào móng xây nhà, một người dân ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm - Hà Nội) đã phát hiện một ngôi mộ cổ chứa xác ướp còn nguyên vẹn.

Xác được mai táng theo hình thức trong quan ngoài quách, kích thước: 0,5m x 1,9m. Lớp vữa bọc kín bên ngoài có độ dày chừng 25cm rất chắc chắn

Xác ướp được bó hai lớp: trong là lớp giấy bản, ngoài là lớp vải được bó chặt và có 5 vòng buộc.

Xác ướp là một người phụ nữ còn khá trẻ, miệng ngậm đồng tiền đã bị ô xy hoá không nhận dạng được. Đồ tuỳ táng chỉ có đôi dép và túi trầu. Dưới đáy mộ còn một tờ giấy có chữ viết nhưng rất tiếc đã bị thất lạc.

Khi phát hiện, người dân có báo cho cơ quan chức năng nhưng được trả lời phải đợi qua ngày lễ nên người dân đã tự ý mở quan tài, di xác ướp đến nghĩa trang Đồng Mắn của xã.

http://i2.tinypic.com/2a6ryfp.jpg

Nguyên dạng ngôi mộ

http://i6.tinypic.com/481yjdg.jpg

Quách còn nguyên vẹn lớp sơn

http://i8.tinypic.com/2m3sk6w.jpg

Chiếc đột khai quan và hiện trạng xác ướp

http://i1.tinypic.com/35k68ab.jpg

Lớp vải và lớp giấy bản bó xác ướp


Theo VietNamNet

..::XxZodijiKenxX::..
22-02-2007, 16:36
Có 1 điều "kỳ thú" nữa là ai mà nhìn vào cái đống màu đen sì chi chít và mấy cái xác ướp trên kia thì tối nay sẽ bị Stress , sẽ bị thần kinh loạn trí cấp 10 ngay lập tức và rồi 1 điều "kỳ thú" nữa là tiếng chó sủa giữa đêm khuya đành chịu thua tiếng còi xe cấp cứu cứ thế tiếp theo sẽ là một điều "kỳ thú" nữa khi bác sĩ tâm thần cũng bị tâm thần khi lên web nhìn vào cái đống chi chít đen sì đó và lại càng thêm "kỳ thú" khi cả cái bệnh viện đều tâm thần hết khi tìm hiểu lý do vị bác sĩ nọ bị tâm thần cứ thế khi người ta đọc xong bài viết này thì thêm 1 điều "kỳ thú" nữa bởi vì trong đầu họ sẽ ngân vang những tiếng "ẹc ẹc" hay "nhảm wá" và họ sẽ đi kể cho người khác nghe về bài viết "kỳ thú" này và rồi tất cả mọi người đều sẽ trở nên "kỳ quặc" hơn là "kỳ thú"

WhiteClouds
26-02-2007, 13:08
Sao ko để ý đến chuyện rất "kỳ thú" là người ta nhìn vào cái xác trong hòm trên kia mà lại ko té ngửa bất tỉnh nhân sự. MỘt số điều kỳ thú nữa là :
1. Chó cụt đuôi cũng vẫy đuôi khi mừng chủ.
2. Ở những ngôi mộ thường hay có những ánh sáng trắng bay lung linh mờ ảo , đó là photpho từ những sác chết phân hóa.
3. Kỳ thú là tên đặt cho những con thú kỳ quặc.