PDA

View Full Version : -=[Phép Đọc Tam Quốc Chí]=-


Lạc Long
04-10-2006, 08:17
Lời Tự Sự

Lạc mỗ vốn không ưa việc ngang tai trái mắt, cũng bởi cái tính đó mà không ít lần chuốc lấy phiền phức. Nhưng biết làm sao được, vốn cũng định lơ đi mà sống thanh thản vậy mà cũng chẳng xong. Phàm đã trót đọc chút ít sách vở, chẳng dám tự phụ khoe khoang, những lặng người nghe thiên hạ bình loạn quá mà đâm hoảng.
Thất kinh mà rằng: Thời buổi ngày nay được kế thừa những tinh hoa của trời đất, tinh hoa của cha ông để lại. Lại có điều kiện khoa học kỹ thuật tiên tiến vậy cớ làm sao vẫn bị tam sao thất bản một cách khủng khiếp vậy??? Thiết nghĩ đã là người có học, cũng đọc sách, cũng làm thơ, cũng nhàn đàm...vậy mà lại có thể thốt ra những lời...thật không dám nhắc đến nữa. Hổ thẹn lắm thay...buồn lắm thay.
Nay Lạc mỗ nhàn bước qua một vòng Đông Tây Kim Cổ thật choáng váng...choáng váng. Chẳng hiểu nổi: thiên hạ giờ loạn giữa thời bình, rồi lại đi bình đến thời loạn, thật không hiểu nổi. Phàm người đọc sách, ít nhiều phải biết phép đọc, biết đâu là dị bản, đâu là chính bản. Mất đồng tiền bỏ ra mua sách mà không tôn trọng sách thì chẳng đáng khinh lắm ru??? Mất đồng tiền mua sách vậy mà không biết chọn sách mà mua, chẳng thẹn lắm ru??? Mất đồng tiền mua sách mà không đọc đến nơi đến chốn...
Than ôi! đứng trước chân trời tri thức mà không ngấm nổi tí tri thức nào thì quả là đại họa. Hỏng từ gốc thì sau này kết trái làm sao? mong đợi gì đây hỡi những đấng anh hào được học hành tử tế. Ngẫm lại bản thân luôn lo sợ không đủ thời gian để học, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng đủ trình độ mà múa ba tấc lưỡi, mà lạm bàn đến Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, nói chi đến việc giảng đạo thánh hiền. Thật chẳng dám...chẳng dám!

Nay trộm xem được phép đọc Tam Quốc Chí, vậy cũng xin múa bút đôi dòng trước khi trích dẫn, tâm nguyện chỉ mong hầu các bậc nam tử có đôi chút bổ sung trong cái sở học mênh mông này.

Đôi lời gàn dở nếu không lọt tai cũng mong lượng thứ cho!

Kính bút
Lạc Long

Lạc Long
04-10-2006, 09:11
Lược Sử - Nguồn Gốc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa


1. Đời Tam Quốc tức là khoảng thời gian gần sáu mươi năm, trong đó đế quốc Trung Hoa chia làm ba nước, mà ba vị vua đều xưng "Hoàng đế" cả. Nhưng vì phải kể từ các nguyên nhân dẫn đến những biến cố mở đầu tạo ra thế "ba chân vạc", nên bộ Tam Quốc phải chép những biến cố từ lúc nhà Đông Hán suy vi cho đến lúc nhà Tấn gồm thau ba nước, tức là chép những chuyện từ năm Trung bình thứ nhất đời Hán Linh Đế đến năm Thái Khang thứ nhất đời Tấn Vũ Đế (và cũng là năm nhà Tấn thôn tính nước Ngô). Thời gian này gồm 97 năm, từ năm 184 đến năm 280.

2. Về sách truyện, trước hết có bộ Tam Quốc Chí do Trần Thọ tức Trần Thừa Tộ đời nhà Tấn mà soạn ra. Sách chép tất cả 61 liệt truyện (26 truyện nước Nguỵ, 15 truyện nước Thục, 20 truyện nước Ngô).
- Đến đời Tống, vua Văn Đế xem bộ Tam Quốc Chí thấy còn chưa đầy đủ, mới truyền cho Bùi Tùng Chi bổ chú thêm vào. Họ Bùi sưu tầm những câu chuyện sự tích đời Tam Quốc rải rác khắp nơi, rồi ghi thêm vào sách, thành ra co thể đối chiếu khảo chứng rõ ràng. Bộ này gồm 65 quyển và đã được đặt vào hàng chính sử.

3. Những sách, những tuồng kịch về Tam Quốc:
- Cũng đời nhà Tống, có những sách bình thoại về Tam Quốc Chí như Thuyết Tam Phân, Đông Kinh Mộng Hoa Lục, Đông Pha Chí Lâm. Trong bộ Đông Pha Chí Lâm này có viết rằng: "Trẻ con họp nhau nghe kể chuyện cổ tích, khi nghe kể chuyện Tam Quốc, đến chỗ Tào Tháo thua thì chúng reo lên vui vẻ."
Đến đời Kim, đời Nguyên, có nhiều vở "tạp kịch" diễn sự tích Tam Quốc.
- Khoảng năm Chí Trị, có họ Ngu khắc bản Tam Quốc Chí với các tượng đồ. Lại có một bộ Tam Quốc Chí gồm ba quyển: Thượng - Trung - Hạ, bình thoại những chuyện từ khi Tư Mã Ý ra cầm quân đến chỗ tướng tinh Khổng Minh sa xuống Ngũ Trượng Nguyên là hết. Rồi Quan Hán Khanh viết tuồng Quan Đại Vương Đan Đao Phó Hội; Vương Trọng Văn viết tuồng Thất Tinh Đàn Tế Phong ...

4. Đến đời Minh có một nhà văn đại tài, có lẽ là La Quán Trung tham khảo hết thảy những tài liệu nói trên, rồi viết thành bộ tiểu thuyết ký sự, đặt tên là "Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa"
- Sách này lúc đầu có bản khắc Hoằng Trị. Nhưng vì hiếm quá, ít ai có mà đọc, sau thất lạc hết cả.
- Đến cuối đới Minh, có Lý Trác Ngô đưa ra một bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa với lời bình điểm. Nhưng sau đó, bị sao đi khắc lại, dần dần sai lạc quá nhiều.

5. Đầu đời Thanh, có Kim Nhân Thụy tức Thánh Thán, căn cứ theo bản cũ, sắp xếp thành bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa gồm 120 hồi.
- Đến năm Khang Hi, có Mao Tôn Cương tuyên bố tìm được bản cổ, sửa sang đính chính lại, khắc thành bản mới, với lời chú thích và phần phê bình. Phần này bắt chước Thủy Hử và Tây Sương Ký cho nên gọi là phần "Thánh Thán Ngoại Thư".
- Bản khắc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của Mao Tôn Cương đó chính là bản in lưu hành đến ngày nay.
- Sau đó một thời gian, bỗng có người tìm được bản cũ nhất, tức là bản khắc Hoằng Trị, thấy chia làm 24 quyển, có chú thích âm nghĩa hẳn hoi, nhưng không chia thành các hồi gì cả. Bản Hoằng Trị này chính là bản cũ mà Thánh Thán căn cứ đính chính bản in của Lý Trác Ngô vậy.

Lạc Long
04-10-2006, 09:22
Lời Tựa Của Thanh Khê Cư Sĩ


Xưa kia Trần Thừa Tộ có tài lương sử, đã soạn ra bộ Tam Quốc Chí chép chuyện ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Sách gồm 65 thiên, đã nhập vào chính sử.

Phạm Quần khen văn từ ấy có nhiều ý nghĩa khuyên răn, nêu rõ việc phải trái, có ích cho phong hóa.

Bùi Tùng Chi bổ chú Tam Quốc Chí có thể gọi là toàn tự khả quan. Sự việc được thẩm chính, tuy còn sơ lược. Ông sưu tầm những chuyện tản mác khắp mọi nơi, phàm những chuyện không thể chép vào chính văn, đều được để vào phần chú thích. Như thế, sự tích đời Tam Quốc tạm đủ.

Việc đem Tam Quốc Chí ra "Diễn Nghĩa" khởi nguồn từ đời Nguyên và cung cấp chuyện cho các cụ già thôn xóm đam thuyết giải trí. Nhưng các câu chuyện đều căn cứ vào bộ sách của Trần Thừa Tộ và Bùi Tùng Chi, chứ không bịa đặt thêm. Chủ ý để cao trung nghĩa, mục đích là khuyên văn. Người đọc đem so với chính sử mới biết lời lẽ, sự việc đều có nguồn gốc chính xác. Truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa không thể bị coi như các loại tiểu thuyết.

Năm Hàm Phong thứ ba, tiết Mạnh Hạ
Người đất Câu Ngô là

Thanh Khê Cư Sĩ đề

Lạc Long
04-10-2006, 11:43
Lời Tựa Của Thánh Thán *

Trước đây, ta đã chọn sáu "Tài tử thư" là Trang - Tao - Sử Ký của Tư Mã, Luật Thi của Đỗ, Thủy Hử và Tây Sương, rồi lạm phê bình cẩu thả, hiệu đính câu được câu chăng. Thế mà hải nội chư quân lại cho ta là kẻ biết nhận xét.
Gần đây lại đọc đến bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, thì thấy rằng chuyện đều căn cứ vào những biến cố có thực, không phải do tưởng tượng, so với kinh sử rất là gần gũi. Xem thế thì không gì kỳ diệu bằng Tam Quốc Chí vậy.

Hoặc hỏi rằng: "Từ Tần Chu về trước, Hán Đường về sau, có rất nhiều chuyện "diễn nghĩa" dựa vào sử mà viết, nào có khác gì Tam Quốc Chí, mà sao lại khen Tam Quốc Chí là kỳ?"
Thưa rằng: "Cục diện Tam Quốc đã là một cuộc tranh thiên hạ ly kỳ đệ nhất cổ kim, mà người "diễn nghĩa" Tam Quốc lại là tiểu thuyết gia có tay bút kỳ diệu đệ nhất kim cổ."

Trong các cuộc tranh thiên hạ ở những đời khác, chỉ có những việc thường thường. Người căn cứ theo sự việc để viết truyện, cũng chỉ là những cây bút thường. Cho nên những truyện ấy không thể ào so sánh với Tam Quốc Chí được.

Ta thường ngẫm cuộc tranh thiên hạ đời Tam Quốc mà than rằng: Vận trời biến chuyển thật có chỗ không thể nào lường được. Như cái lúc Hiến Đế nhà Hán bó tay, Đổng Trác lạm quyền, các tay anh hùng nổi dậy một loạt, bốn bề chia lìa, giả sử Lưu hoàng thúc sớm gặp được tình cá nước Nam Dương, được đất Kinh Châu rồi kéo thẳng lên Hà Bắc, truyền hịch ra Hoài Nam, kế đến bình định Giang Đông, Tần Ung...thì có phải là mọt Quang Vũ thứ hai khôi phục nhà Hán không? Thế mà cơ trời không thiện biến như vậy cho! Đổng Trác bị giết, thì lại có Tào Tháo hiếp thiên tử để sai khiến chư hầu. Danh vị nhà vua tuy là hư hão, nhưng chính sóc vẫn được để nguyên. Lưu hoàng thúc phải chạy nạn loanh quanh chưa gặp dịp để tỏ rõ đại nghĩa cùng thiên hạ thì khắp quốc thổ hai bên bờ nam bắc Trường Giang đã về tay Ngụy, Ngô nắm giữ. Họ Lưu chỉ còn một khoảnh nhỏ ở phía tây nam làm chỗ trú chân. Đã vậy, nếu không được Khổng Minh ra đời, giúp cho một trận Xích Bích phía đông, vung tay choán một vùng Hán Trung phía tây, thì các đất Lương, Ích ắt cũng lọt vào tay Tào, mà Ngô cũng không đứng nổi làm một nước độc lập. Như thế có phải Tào Tháo lại là một Vương Mãng thứ hai cướp hết thiên hạ nhà Hán không? Nhưng cơ trời cũng chẳng biến đổi giản dị như thế. Sau khi Tháo trốn thoát Hoa Dung, lại gặp "gân gà" mà bỏ Hán Trung thì đành ngồi giữ có một phần thiên hạ, và cái thế "ba chân vạc" mới thành từ đó.

Xét một Tào Tháo, trong đời đầy rẫy tội ác, thần với người đều giận. Nào kẻ truyền hịch kết tộ Tháo, nào người chửi rủa Tháo, nào đam chém, nào phục độc, nào đánh phá, nào đốt lửa, nào bắn tên...
Tháo đã từng cụt râu, gẫy răng, từng sa hầm, ngã ngựa...hụt chết cũng nhiều, kẻ hùa giúp Tháo cũng lắm. Âu đó cũng là ý trời muốn chia ba thiên hạ, nên mới để kẻ gian hùng ấy sống làm tên giặc sâu mọt nhà Hán vậy. Vả lại trời sinh ra Du để làm đối thủ của Lượng, lại sinh ra Ý để kế họ Tào, có lẽ cũng sợ một trong ba chân vạc bị gẫy, nên cho nhân tài xuất hiện trùng điệp để cầm giữ lẫn nhau

Từ xưa, cảnh chia cắt đất đai đã có, cảnh xưng vương xưng bá từng phương đã có: nào lathiền hạ chia mười hai nước, nào chia bảy nước, chia sáu nước, nào là Nam Bắc Triều, nào là Đông Tây Ngụy, nào là Tiền Hậu Hán...nhưng thoảng được, thoảng thua, hoặc còn hoặc mất...nhà nào bền lắm thì được một đời, chóng thì không đầy một năm, dăm bảy tháng. Chứ chưa bao giờ có cái cảnh chia cắt suốt sáu mươi năm, khi lên cùng lên, khi mất cùng mất như cục diện ly kỳ của ba nước Ngụy - Thục - Ngô vậy.

Nay xem cái kỳ diệu văn diễn nghĩa Tam Quốc, thấy rằng sách này bậc học sĩ thượng lưu trí thức đọc đến phải thích thú, mà người làng quê xóm nhỏ, ít học đọc đến cũng thích thú. Anh hùng hào kiệt đọc mà thích thú. Tục tử phàm phu đọc đến cũng thích thú!

Xưa, Khoái Thông xui Hàn Tín dựng nghiệp độc lập, đã đưa lý thuyết "Tam phân". Nhưng bấy giờ Tín đã làm tôi Hán, vì nghĩa không thể bội. Hạng Vũ thì thô bạo vô mưu, có mỗi một mưu sĩ Phạm Tăng mà cũng không biết dùng, thế tất thiên hạ phải gồm thâu vào một nhà Hán, vì Hán có đủ mưu thần võ tướng hiệp lực đồng tâm. Thì ra cái thiên hạ chia ba đã có điềm mờ mờ báo trước từ lúc nhà mới Hán lên, và đến khi Hán suy đồi thì thiên cơ ấy thành hình rõ rệt. Vả lại, Cao Tổ xưng vương ở đất Hán để rồi hưng đế nghiệp, tiên chúa lại xưng vương ở đất Hán để rồi mất nghiệp. Một bên dẹp được Tam Tần, một bên chẳng khôi phục Trung Nguyên được thước tấc...Có lẽ Trời xanh kia tạo ra nhà Hán, muón cho nổi lên như thế, rồi bắt phải chấm dứt như kia, và sớm đã bày sẵn cuộc cờ huyền ảo...cho nên những nhân vật, những biến cố đời Tam Quốc mới mỗi người một tài, mỗi việc một vẻ, bờ cõi riêng biệt vững bền...khác hẳn muôn đời như vậy. Đó chẳng phải là việc tối kỳ diệu của hóa công sao?

Người viết Tam Quốc Diễn Nghĩa đã dùng cái kỳ diệu của văn chương mà ghi lại cái kỳ diệu của sự việc, lại không xuyên tạc, chỉ đem sự thực chắp nối lại thành thứ tự đầu đuôi. Đây là điều kỳ lạ chưa từng thấy trong nhân sự kim cổ.

Một cuộc diện ly kỳ như thế, một cuốn sách kỳ diệu như thế, lẽ nào không có ai đem ra bình luận? Nhưng nếu người ta đem ra bình luận mà chẳng phải người "cẩn tâm tú khẩu", không thể vì người xua mà nhất nhất truyền lại đúng tâm tư người xưa...thì bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa này rốt cuộc cũng đến như những bộ sách diễn nghĩa từ thời Chu Tần về trước, Hán Đường về sau mà thôi. hâu thế làm sao thấy rõ cai kỳ diệu và nhận chân được cái kỳ diệu?

Ta vẫn muốn tìm ra cái kỳ diệu của bộ truyện này để nêu lên cho đời sau suy ngẫm. Nhưng còn đang băn khoăn chưa nghĩ dứt, bỗng một hôm đến nhà bạn, thấy trên án có bản cảo "phê bình Tam Quốc Chí" của Mao Tử**. Nhận thấy bút mực ấy quả là thú vị, tâm tư ấy quả là thâm linh, lòng ta tán đồng ngay. Và một lần nữa, ta lại thích thú mà khen rằng: Suy đi xét lại, "Đệ nhất tài tử thư" quả là Tam Quốc Chí.

Vậy nay ta đề mấy lời tựa này, trao tay Mao Tử vào ngày khắc bản, để in vào đầu sách, cho đời sau đọc đến biết rằng ta với Mao Tử đồng tâm nhất ý.

Đời Thuận Trị, năm Giáp Thân
Ngày mùng 1 tháng Chạp

Kim Nhân Thụy - Thánh Thán đề

...................................
(*) Thánh Thán là nhà phê bình lỗi lạc đệ nhất của Trung Hoa, người cuối đời Minh đầu đời Thanh. Quê ở Thường Châu. Trước vốn họ Trương, tên Thái. Sau đổi ra họ Kim, tên Khoái. Lại một tên nữa là Kim Nhân Thụy.
Kim Thánh Thán tức Kim Nhân Thụy đã phê bình "Lục tài tử" và đặc biệt là hai bản phê bình Thủy Hử, Tây Sương Ký rất được người đời ca tụng
(**) Mao Tử: tức là ông Mao Tôn Cương, bạn của Thánh Thán

Phần sau: Phép đọc Tam Quốc Diễn Chí

Lạc Long
05-10-2006, 15:08
-=[Phép Đọc Tam Quốc Chí]=-

Của Mao Tôn Cương và Thánh Thán


1. Đọc Tam Quốc Chí, phải phân biệt ba hạng triều đại:

- Chính thống: Nhà Thục Hán là chính thống.
- Nhuận vận: Nhà Tấn là nhuận vận.
- Tiếm quốc:Nhà Ngụy, nhà Ngô là tiếm quốc.

Tại sao Ngụy không được coi là chính thống? Vì lấy đất mà luận thì Trung Nguyên là chủ, nhưng lấy lý mà luận thì họ Lưu mới là chủ. Luận đất không bằng luận lý, cho nên sách Thông giám của Tư Mã Quang đã lầm ở chỗ coi Ngụy là chính thống. Sách Cương mục của Tử Dương (Chu Hi) coi Thục là chính thống, như thế mới chính đáng, đúng đắn. Sách Cương mục, sau năm Kiến an cuối cùng của Hán Hiến Đế, chép tiếp ngay là năm Chương vũ thứ nhất của Hậu Hán Chiêu Liệt hoàng đế Lưu Bị. Còn phần hai nước Ngô, Ngụy chỉ được chi ra ghi ở dưới. Như thế là lấy vua Thục làm con cháu nhà Hán, để lên làm chủ thiên hạ. Ngụy là giặc cướp nước đáng đánh dẹp, cho nên phần trên sách chép việc Lưu Bị khởi binh ở Từ Châu đánh Tào Tháo. Phần cuối sách chép việc Hán thừa tướng Gia Cát Lượng xuất sư đánh Ngụy. Thế là đại nghĩa rõ rệt đến thiên cổ vậy. Vì họ Lưu chưa mất hẳn, nhà Ngụy chưa thống nhất được thiên hạ thì Ngụy không được coi là chính thống. Đến khi họ Lưu mất hẳn, nhà Tấn thống nhất mà Tấn vẫn không đáng gọi là chính thống là vì sao?
Thưa rằng: Tấn cũng là bề tôi giết vua, rồi cướp nước. Tấn cũng giống như Ngụy, và truyền ngôi chẳng được bao lâu, cho nên chỉ đáng coi là triều đại "nhuận vận" không phải là chính thống. Đến như nhà Đông Tấn chạy ra một phương, dĩ ngưu địch mã...lại càng không đáng gọi là chính thống. Cho nên Tam Quốc bị gồm vào nhà Tấn cũng chỉ như Lục Quốc bị gồm thâu vào nhà Tần, Ngũ Đại bị gồm thâu vào nhà Tùy mà thôi. Nhà Tần chẳng qua là kẻ khu trừ, dẹp đường cho nhà Hán. Tùy chẳng qua là kẻ khu trừ giúp cho Đường. Triều đại chính thống trước là Hán. Còn Tần, Ngụy, Tấn đều không phải cả. Triều đại chính thống sau này là Đường, là Tống. Còn Tề, Lương, Trần, Tùy, Nam Tống, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu đều không phải cả. Mà không những Ngụy, Tấn mới kém hán về tư cách chính đáng, đến ngay như Đường, Tống cũng chưa chính đáng bằng Hán. Vì Dượng Đế nhà Tùy vô đạo thì Đường lên thay. Như thế không được hiển nhiên như nhà Chu thay nhà Thương. Và ngưôi mở nghiệp Đường trước cũng xưng Đường công, đòi cửu tích, tức là cũng đi vào vết xe cũ của Ngụy, Tấn...thì việc lấy thiên hạ cũng không chính đáng bằng nhà Hán. Đến nhà Tống, 16 châu Yên Vân vẫn chưa được gồm vào bản đồ Trung Quốc, qui mô còn kém nhà Đường, lại thêm người mở nước nhân lúc Trần Kiều binh biến, mặc hoàng bào vào mình, nhận lấy thiên hạ từ tay người mẹ góa con côi, thì Tống được thiên hạ tuy có chính đáng, vẫn chưa chính đáng bằng Hán vậy.
Đường, Tống còn kém Hán, thì Ngụy, Tấn còn đáng bàn làm gì? Đức Cao Tổ nhà Hán trừ nhà Tần bạo ngược, đánh Sở về tội giết Nghĩa Đế, mà hưng thịnh lên. Vua Hán Quang Vũ thì giết Vương Mãng mà lấy lại cơ nghiệp nhà. Vua Hán Chiêu Liệt thì đánh Tào Tháo để giữ lấy tộng tự nhà Hán ở Tây Xuyên. Tổ tiên mở nước đã chính đáng, con cháu nối nghiệp cũng chính đáng. Lại cũng đừng nghĩ Quang Vũ thống nhất thiên hạ mới là chính thống, mà bảo rằng Chiêu Liệt Đế thiên an một phương thì không phải chính thống. Chiêu Liệt Đế được coi là chính thống mà Lưu Dụ, Lưu Trí Viễn cũng là con cháu nhà Hán lại không được coi là chính thống vì sao?
Thưa rằng: Dụ với Trí Viễn tuy dòng dõi họ Lưu nhưng đã quá lâu đời và không có bằng cớ. Còn Lưu Bị là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, trong hoàng phả có ghi. Hơn nữa, Dụ với Trí Viễn đều giết vua cướp ngôi mà lấy nước, cho nên không thể so sánh với Huyền Đức được. Lý Tồn Húc nhà Hậu Đường sao không được coi là chính thống? Vì Tồn Húc vốn không phải họ Lý, họ Lý chỉ là họ được ban, so vớ Lã Tần, Ngưu Tấn không xa mấy. Cho nên không thể ví với Chiêu Liệt nhà Thục Hán. Lý Thăng nhà Nam Đường cũng không được kế nhà Đường làm chính thống là vi sao? Vì đã quá lâu, quá xa đời, cũng như Lưu Dụ, Lưu Trí Viễn nhà Hậu Hán vậy. Không thể ví với Huyền Đức. Lý Thăng không được kes chính thống nhà Đường, sao Cao Tông nhà Nam Tống lại được kế nhà Tống làm chính thống?
Xin thưa: Cao Tông lập con cháu Tống Cao Tổ nối ngôi mình, để nghiệp Tống lâu dài mãi mãi, cho nên Cao Tông được coi là chính thống. Cao Tông có lỗi giết Nhạc Phi, tin dùng Tần Cối, lại không tâm niệm đến Nhị Thánh, mà người chép sử còn lấy việc nối dài nghiệp Tống, để đặt Cao Tông vào chính thống. Huống chi Chiêu Liệt Đế nhà Thục Hán. vua tôi đồng tâm thề giết giặc nhà Hán? Thế thì Chiêu Liệt Đế được coi là chính thống, thật đúng lắm rồi, không còn nghi gì nữa. Bộ Tam Quốc Chí của Trần Thọ chưa đề cập tới điểm này để biện minh. Cho nên nay ta chiết trung Tử Dương Cương Mục để phụ chính vào bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa này vậy.

(còn nữa...)