PDA

View Full Version : .::Cái Duyên Cái Số Nó Vồ Lấy Nhau::.


Lạc Long
12-09-2006, 04:45
Duyên Phận

Người xưa có câu "Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau" vậy duyên số là gì?

Tôi không biết cách cắt nghĩa cũng như trình bày cái sự hiểu của mình cho rõ ràng về chữ Duyên, nhưng các vị có thể tham khảo chữ Duyên qua câu sau: "Duyên kỳ ngộ"
hoặc sẽ rõ hơn qua câu :
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng"


Còn chữ "Số" thì sao?..."Số" ở đây theo tôi hiểu là Số Phận. Thời xưa, khoa học không có được tiên tiến như ngày nay. Do vậy họ rất tin vào những điềm báo, và một phần lớn cũng ảnh hưởng bởi tư tưởng Đạo Lão, Đạo Khổng cũng như thuyết Luân Hồi của Nhà Phật.

Có nghĩa là họ tin vào trời phật, tin vào thần thánh, tin vào yêu ma quỷ quái...Xin lạc qua một chút trước khi quay lại chủ đề...Vua ngày xưa được coi là Thiên tử có nghĩa là con của Trời, quyền uy tối thượng, nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Và trách nhiệm của Vua phải đem lại sự ấm no cho dân chúng...và để phần nào làm được việc này thì Vua ngoài việc an bang trị quốc còn phải trên thông thiên văn dưới tường địa lý.

Việc này được minh chứng qua các đời Vua của Trung Quốc, và đặc biệt chói sáng ở đời vua Càn Long. Nhờ việc tính toán lịch Mặt trăng (âm lịch) để biết được ngày cấy lúa cho có được vụ mùa bội thu, trị thủy cũng như cứu trợ hạn hán cũng phần nào qua việc xem thiên văn để có thể biết trước các thiên tai cũng như các việc khác trong một năm. Do vậy đã hạn chế được phần nào những khó khăn vất vả cho người dân...và người dân lúc đó chỉ biết có tin vào vua...nếu lòng tin này bị sụp đổ, dân đói lầm than...thì họ chỉ biết đổ cho Trời Đất hay còn gọi là "Ý Trời" mà thôi. Qua đây có thể hiểu phần nào về qua niệm Số phận.

Còn Duyên Số cũng vậy...ngày xưa nếu trai gái cưới nhau hoàn toàn không biết mặt nhau, hoàn toàn do người mai mối (hay còn gọi là bà Mai) vì họ tin rằng có Ông Tơ Bà Nguyệt chuyên chịu trách nhiệm xe duyên (kết đôi) cho những đôi vợ chồng. Ở phương Tây thì có Thần tình yêu (là một đứa trẻ thiên thần cầm cái cung tên và bắn mũi tên tình yêu cho những đôi lứa yêu nhau) Vậy xem ra chữ Duyên Số cả phương Đông lẫn phương Tây đều có chung một quan niệm.

Trở lại chủ đề, tôi chợt có vài dòng suy nghĩ muốn trao đổi cùng các vị. Qua thực tế cũng như qua thi ca sử sách...tôi tự hỏi: phải chăng những đôi sống hạnh phúc là một phần nào nhờ Duyên Số và cũng là một phần nào do cái Đức (âm phần vượng) do ông cha tu nhân tích đức mà được. Vì phương Đông quen sống theo kiểu Tứ Đại Đồng Đường, và cũng thờ ba vị Tam Đa để nói lên sự phồn vinh, con đàn cháu đống mới là nhà có Phúc.

Điều này còn rõ hơn nữa khi nói về Duyên Số hay Duyên Phận, những người có Duyên mà không có Phận thì cực kỳ éo le, trải qua bao gian nan vất vả, bao năm tháng chờ đợi nhau nhưng vì không có Phận nên mãi mãi không bao giờ đến được với nhau. Kể cả trường hợp đã lấy nhau và có con cái với nhau...nhưng do Phận mỏng nên không thể Bách niên Giai lão được.(có thể coi là chưa có Phận trong trường hợp này)

Để minh chứng cho sự có Duyên mà không có Phận chúng ta có thể hiểu được đầy đủ nhất qua Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Một người có thể nói tài sắc vẹn toàn như nàng Thúy Kiều mà phải chịu nhiều trái ngang, theo tôi đó là do Số Phận đã an bài. Hồng nhan bạc phận cũng là đây (theo quan niệm ngày xưa) Và còn điển tích Nàng Tô Thị chờ chồng mà hóa đá. Xem ra mấy ai hiểu được hết Thiên Cơ.

Còn ngược lại thì sao? nếu có Phận mà không có Duyên liệu có kết đôi được không? Thực tế tôi biết có rất nhiều đôi chẳng hề có tình cảm với nhau, không hợp nhau, suốt ngày cãi vã nhau...nhưng vẫn sống với nhau đến trọn đời.

Vậy thì giải thích thế nào trong trường hợp này? Duyên ở đâu và Phận ở đâu? Và thế nào là "cái duyên cái số nó vồ lấy nhau"?

Xin được lắng nghe ý kiến của mọi người.

p/s: xin lưu ý mọi người câu Đời là Mâu Thuẫn...sẽ có rất nhiều Mâu Thuẫn trong Topic này. Mong mọi người tham gia đừng post ngắn quá, cảm ơn mọi người đã tham gia chủ đề

Hoa Ban Trắng
13-09-2006, 14:43
Còn ngược lại thì sao? nếu có Phận mà không có Duyên liệu có kết đôi được không? Thực tế tôi biết có rất nhiều đôi chẳng hề có tình cảm với nhau, không hợp nhau, suốt ngày cãi vã nhau...nhưng vẫn sống với nhau đến trọn đời.

Vậy thì giải thích thế nào trong trường hợp này? Duyên ở đâu và Phận ở đâu? Và thế nào là "cái duyên cái số nó vồ lấy nhau"?

Xin được lắng nghe ý kiến của mọi người.

p/s: xin lưu ý mọi người câu Đời là Mâu Thuẫn...sẽ có rất nhiều Mâu Thuẫn trong Topic này. Mong mọi người tham gia đừng post ngắn quá, cảm ơn mọi người đã tham gia chủ đề
Dương huynh!
Muội không có biết được nhiều về hai chữ Duyên Phận. Chắc tại muội còn ít tuổi quá hà.
Ở tuổi của muội chỉ biết được câu "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" và muội thấy nó đẹp thật. Cuộc đời của một con người 60 năm nói dài sẽ là dài, nói ngắn sẽ là ngắn. Nhưng yêu nhau được đến cuối đời thì muội chẳng có được lòng tin đó, với muội bắt đầu một ngày không có nhớ đến đau buồn là đã hạnh phúc lắm rồi. Hai chữ Bách niên Giai Lão của huynh theo muội là quá xa xỉ trong cuộc sống hiện nay. Có thể muội đang có những suy nghĩ tiêu cực, nhưng chẳng khác được, xem ra muội hiểu chữ Phận hơn chữ Duyên.
Khi con người ta sống bằng ký ức, lúc đó sẽ chẳng bao giờ có những ký ức xấu cả. Những ký ức là một quận phim hạnh phúc để ta đắm chìm vào dĩ vãng mà quên đi thực tại. Có thể ai đó nói muội nằm trong tuýp người yếu mềm. Nhưng thực tế quá phũ phàng với tuýp người này.
Và đại biểu của tuýp người này chỉ có biết câu "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở"

Quận Chúa Quỳnh Anh
14-09-2006, 01:45
Cổ nhân có câu " Nhứt ẩm nhứt trác , sự do tiền định ." Ngay cả điều này mà người xưa còn tin là đã có bàn tay của đấng thiêng liêng định sẳn , thì nói chi tới một chữ DUYÊN khác với phạm vi nhân rộng ra nhiều ( duyên chồng vợ , duyên bạn bè , duyên may run rủi gặp cơ hội tốt trong công việc làm ăn nào đó chằng hạn , v.v... và v.v... ) , họ tin vào một chữ duyên .

Bắt phong trần phải phong trần

Đại thi hào Nguyễn Du chấp nhận hai chữ định mệnh lên thân phận của con người qua hình ảnh nàng Kiều bị đẩy đưa với nhiều hoàn cảnh sống ,ông chỉ muốn mở ra một thế giới hy vọng để sống còn tiếp cho dù có trải qua đoạn trường cách mấy . Tính cách nhân đạo trong tác phẩm của ông , tin theo cứ ở hiền thì sẽ gặp lành không có đường cùng đâu . Còn nói theo thuyết nhà Phật thì khi đã mang cái NGHIỆP vào thân , với những liên quan từ kiếp trước , kiếp này với kiếp sau theo luật nhân quả , vừa đề cập đến phần số vừa có ý răn đời .

Bên cạnh cũng có một số người đánh đổ thuyết này , bởi vì họ cho rằng con người có khi cũng thắng được số . Vì thế mới có câu " Tín mệnh bất tín lực , thất bại viễn hĩ ) = Tin số mà không tin sức mình thì lầm lớn . Chưa kể còn một thuyết nữa " Vận nước thắng vận người " = Quốc mạng thắng nhân mạng . Điển hình nhất là trong cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai miền Nam Bắc đã được kết thúc vào năm 75 . Không một ai có thể phủ nhận được , cuộc diện này đã làm thay đổi không biết bao nhiêu là số phận . ( Có người bảo điều này chưa chắc à nghen ,vì họ cho rằng :" Vận nước đổi thay từ những lỗi lầm của một thiểu số người gây ra , chính những người này mới tạo nên sự thay đổi đó . ) Thế thì thật ra có bàn tay của tạo hóa nhúng vào không ? Rồi sao ? Trong cuộc đổi đời , sự bàng hoàng không tin nổi vẫn khiến cho con người cúi đầu khuất phục , họ đành chấp nhận hai chữ số phận .

Đâu ai có thể tránh được khi trong cuộc đời , qua nhiều hoàn cảnh đã run rủi những cảnh gặp nhau , quen biết nhau , yêu nhau hay có lấy được nhau hay không thì hạ hồi phân giải của những người có duyên với nhau mà thôi. Chỉ biết bất thình lình thấy trái tim mình rung rinh vì " ai đó " để khiến ra ngẩn vào ngơ , thở vắn than dài :

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không

Đây là giai đoạn có duyên gặp gỡ sinh ra tình , nỗi tương tư yêu say đắm mà trong lòng đã nhú mầm lo sợ vỡ tan .Lo ở đây là lo lắng cho chuyện kết tóc se tơ . Có duyên chưa chắc đã có phận , cái duyên trăm năm chính là chữ phận vậy ,vì khi yêu nhau ai mà không mong được ở chung một mái nhà , ăn cùng mâm , ngủ cùng giường , rồi là bao nhiêu thề nguyền nghĩa đá vàng trọn đời trọn kiếp . Còn có một trường hợp " Có phận nhưng lại không có yêu " đó là trường hợp của những người lấy nhau không vì tình , qua rất nhiều lý do miễn bàn .

Họ có hạnh phúc không ? Nếu trên mặt lý thuyết , người ta cho rằng :" Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu như lấy nhau mà không tìm hiểu về nhau trước như tính tình , thói quen , tính cách .... thì không thể nào lâu bền được ." nhưng rõ ràng chúng ta vẫn thấy có những trường hợp như vậy ,thế mà họ vẫn sống đến đầu bạc răng long , yêu thương tương kính .

Ồ , vẫn phải chấp nhận quan niệm " Có tu ngàn kiếp mới thành vợ thành chồng ." Vừa có chữ Duyên run rủi do người khác tác động đến ( như ai mai mối , hay vâng lịnh Cha Mẹ ... ) , vừa có chữ Phận . Hạnh phúc hay không , buồn hay vui thì không thể hiểu thấu , chỉ thấy có người than thở khi một bước đã đi tới giai đoạn thành chữ Nợ .

Chồng gì anh , vợ gì tôi ,
Chẳng qua là cái nợ đời đấy thôi

Ấy dà , hai chữ Duyên Nợ thấy sao hàm chứa rắc rối thế thái nhân tình quá đổi . Có phải chăng khi đã không còn tình nghĩa thì bạc bẽo đến thế ?

Cái Duyên cái Số nó vồ lấy nhau , vồ thì ai mà không một lần hoặc thậm chí nhiều lần vồ lấy . Nhiều lúc chả cần biết có phải tại Số xui khiến Duyên không ?chỉ thấy con tim mách bảo ra sao thì nghe lời tuốt luốt , nhiều lúc ngu dại bỏ xừ không lẽ ngoác mồm ra đổ vạ cái số tôi sao khốn khổ thế , ông trời cho tôi gặp " nó " chi thế ? Thấy nhiều người đổ tại SỐ dữ lắm , vì có Duyên nhiều quá , thành ra yêu nhiều quá , mất nhau nhiều lần quá thành chai tim luôn .

Trăm năm đâu phải ai cũng có phước phần để hưởng , khi mà thời đại bây giờ người ta đưa nhau ra tòa ly dị dễ dàng như móc đồ trong túi . Rốt cuộc nạn nhân chỉ là những đứa con , có những giọt nước mắt khiến cho người ngoài cuộc phải cảm động , se sắt thương cảm :

Mẹ xé tờ giá thú mỏng manh
Bố bạc tóc sau đêm dài không ngủ
Đứa trẻ thơ khóc hoài ủ rũ
Giữa hai người nó chọn cả hai

Những người trong cuộc có nghĩ rằng tất cả đều là do số phận hay không ? Thật tình tôi không dám có ý kiến gì lạm bàn điều này cả . Ngay cả chữ Phận còn bao hàm cả ý nghĩa khi về chung sống với nhau , nghĩa vợ chồng , nhiệm vụ nuôi dưỡng dạy dỗ đối với con cái nên người. Ý thức trách nhiệm , bổn phận phải biết làm sao cho tốt đẹp , sao cho vẹn toàn . Thế thì hai chữ Trăm năm ,yêu nhau đến răng long đầu bạc , tình nghĩa trước sau như một , thật sự mà nói khó lắm đa , khi mà tệ nạn ly hôn càng ngày càng đáng ngại .

Duyên gặp không ngờ , mong chờ Phận tới , Trăm năm hạnh phúc ? Nợ có rũ bỏ ? Đổ hết cho một chữ SỐ được không ?????

Lạc Long
14-09-2006, 06:26
Nói đến ý Duyên nợ, ta thấy rằng người xưa có lẽ quá tin vào một Định mệnh đã an bài hoặc hồi đó chưa có Luật Hôn Nhân và Gia Đình nên dù đói dù khổ vẫn một lòng:

Yêu nhau mấy núi cũng leo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Yêu nhau chẳng ngại đường xa
Đá vàng cũng quyết
Phong ba cũng liều

Và phải chăng ăn sâu vào trong tiềm thức đạo Tam Tòng Tứ Đức nên hành trang cho người phụ nữ khi xuất giá là "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" từ đó qua cái hiểu mang máng của mình, tôi sẽ đưa ra lời giải thích rằng hạnh phúc sẽ đến khi và chỉ khi có sự toàn tâm - toàn ý hay nói theo lối ngày xưa gọi là:
"Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn"

Nhưng "Bao giờ cho đến... ngày xưa", ngày xưa luôn là những năm tháng đẹp nhất, có rất nhiều mơ ước hoài bão, có những câu chuyện về chàng Hoàng tử và nàng Công Chúa, có Thiện có Ác...và mọi kết thúc đều có hậu. Một thế giới trong mơ mà đôi khi con người ta khi trưởng thành có thể đã quá tin rằng cuộc đời có nhiều màu hồng mà không nghĩ rằng ngày xưa ta còn bé chơi đồ hàng, đóng vai chồng vợ chỉ đơn giản là cho búp bê măm măm?

Ngày xưa có cánh diều bay hững hờ...

Tôi chợt nhớ đến câu hát đó, và bàng hoàng nghĩ rằng chỉ khoảng mươi năm nữa...liệu có còn trẻ con chơi thả Diều trên các triền đê không? Tôi nhớ tuổi thơ mỗi khi thả Diều, phải vót tre, dán giấy, xe dây rất cẩn thận...và mỗi khi thả được niềm mơ ước đó bay cao lên trời cũng có nghĩa những việc mình vừa làm là có ích...và thành quả đạt được dù chẳng to lớn về mặt nào đó cho lắm nhưng nó đọng mãi trong ký ức.

Trở lại với cuộc sống hiện nay, phải chăng bây giờ con người không tin vào số phận nữa? Có phải cuộc sống con người giống như chiếc Computer mỗi lúc gặp lỗi thì restar và khi hỏng thì đơn giản là thay?...và thay kể cả khi nó không hỏng?

Nói đến đây tôi nhớ các cụ ta có câu: "Củi mục bà để trong rương" để nói lên sự quý trọng những vật dụng của người ngày xưa. Và phải chăng vì bây giờ kinh tế phát triển nên những gì đại diện cho mỗi một cá thể đơn cử như cái Quạt xếp, chiếc Trâm cài đầu, mảnh Ngọc bội..vv Tất cả nói lên họ không phải vì vật chất hay giá trị của vật chất. Đó là sự quý trọng từ những vật nhỏ nhất...và các vật bất ly thân đó ngày nay được thay bằng những tấm thẻ ATM? bằng những con số nằm cô quạnh trong Ngân hàng? Thời đại số nên họ đánh số lên tất cả những cái gì tồn tại và cả không tồn tại. Đương trách nhiệm của mỗi cá nhân là thanh toán cho sạch sẽ những khoản nợ.

Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời đấy thôi.

Vậy Nợ Ân, Nợ Nghĩa, Nợ Tình xem ra bị xem nhẹ...và tất cả chỉ có Nợ Đời lên ngôi. Vô hình chung mỗi một con người khi quan hệ với nhau đều là Của Nợ hết... rõ ràng sai lầm từ quan điểm chứ không hẳn do Định mệnh an bài.

Số cô có mẹ có cha
Đêm ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai