PDA

View Full Version : Đôi chút cảm nhận về “ Anh Chi yêu dấu ” của Đinh Tiến Luyện


Chu cô tử Phù Dung
30-06-2006, 21:23
Trước hết về tác giả Đinh Tiến Luyện, có lẽ ông không được quen thuộc lắm với chúng ta; còn tôi cũng chỉ rất tình cờ đọc được tác phẩm Anh Chi yêu dấu mà với riêng tôi đây là một tác phẩm có nét đạp rất đặc biệt. Xin trích lời mở đầu của tiểu thuyết dài 13 chương này :

Ngồi xuống đây với anh, bé yêu dấu, trên thảm cỏ ngày nào còn xanh kỷ niệm. Hôm qua anh còn mơ thấy bé. Bé trở về thênh thang trong gió, trong môi cười, trong mắt thơ ngây thuở chúng ta còn tung tăng chân chim. Anh trở dậy sau cơn sốt ngắn và thấy miệng mình ngọt ngào như ngậm đầy mật. Anh tỉnh dậy sau cơn mê dài của đời. Bảy năm rồi đó bé, nhưng làm sao quên được. Hai mươi lăm tuổi, bây giờ anh đang ngồi lại ở một góc của đời mình mà nhìn về, thèm được một chút yên tĩnh trong cuộc sống để vun xới lại mảnh vườn mộng tưởng cũ. Thèm làm sao một chút thoải mái để nhận ra rằng, sống trong mộng tưởng là một niềm hạnh phúc tuyệt vời, và nhận lấy cô đơn cũng là một niềm hạnh phúc. Nhưng làm sao pha lại được màu xanh trên chùm lá đã héo úa, dù đôi tay anh có đủ mười ngón hoa chăng nữa. Còn lại thật là một nỗi xót xa của loài cỏ, ngủ ở một thời để ngậm ngùi nuối tiếc một thời. Ngả đầu trên vai anh, bé yêu dấu, thiên đường nhỏ dại của chúng ta tưởng đã khép kín từ ngày ấy, bởi một lần anh đã dại dột. Nhưng thiên đường lại mở ra trăm triệu lối thênh thang, bởi chúng ta đã quá cần thiết trong cuộc đời nhau. Yêu thương đã dẫn dắt chúng ta đi lập nghiệp nơi vùng đất hứa. Anh mơ hồ thấy thế, thuở còn có nhau, thấy chúng ta chụm đầu vào nơi một cửa sổ, ngồi ăn sáng, thấy chúng ta cũng ở nơi cửa sổ ấy, tựa đầu bên nhau chờ trăng lên. Bé có còn nhớ để thỉnh thoảng kể lại giấc mơ cho anh nghe. Riêng anh, đêm qua khi ngồi nghe lại tiếng bé trong cuộn băng nhỏ, anh vẫn còn khóc ngất như lần đầu đã nghe. Thương yêu là một cái bóng đi theo mãi trong cuộc đời ta không biết mệt mỏi, để nhắc nhở ta một điều, người đã vắng nhưng nỗi nhớ vẫn đầy. Nỗi nhớ như máu tươi đỏ ứa ra ở bờ môi giữa hai hàm răng ngậm chặt, bao giờ cho anh quên. Bé yêu dấu, đến bao giờ anh quên được. Giữa chúng ta đã tưởng là tình yêu, nhưng chẳng bao giờ. Thiên đường hẹn của chúng ta bé đã tới, còn anh đang miệt mài trên những con đường ngang dọc của đời riêng mình, ồn ào, mệt mỏi. Rồi đến tuổi nào cho anh tìm thấy, hay những bước chân chỉ là những bước rơi vào khoảng không, đời không ai chờ ai đợi mình ở một nơi hẹn? Tình yêu chỉ là khói hương quyến rũ nhưng hư không, bắt được nó khi đã vỡ ra là mật đắng hay chỉ là ảnh ảo của chính bóng mình, cô đơn. Biết bao người yêu nhau đang mộng tưởng, anh chúc cho họ tìm thấy được thiên đường cho riêng mình, bởi cuộc sống vốn sẵn những đau thương và đam mê. Hãy đặt đôi tay nhỏ bé trong tay anh, bé yêu dấu. Bây giờ anh chỉ muốn chung quanh những tiếng động chết hết, để mình chúng ta sống lại một ngày, như ngày nào chúng ta còn có nhau. Trên thảm cỏ xanh này của tưởng nhớ, anh muốn kể lại yêu thương của chúng ta bắt đầu bằng tiếng: Ngày ấy...

***

Ngày ấy Chi mới qua tiểu học và tôi vừa bắt đầu bước lên đại học.

Có thể coi đây là một tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, nhưng mới chỉ đọc qua đã thấy có sự khác biệt rất lớn so với các tác phẩm cùng loại của Nguyễn Nhật Ánh. Vẫn là những câu chuyện mang tính rất trẻ con, vẫn là những tình huống quen thuộc và cái không gian nửa thực nửa mơ, thời gian thì như dòng sông lúc cuộn chảy lúc tù túng nhưng tiểu thuyết Anh Chi rất khác so với Cô gái đến từ ngày hôm qua. Ở đây tôi không có ý định so sánh cao thấp này nọ hay có ý bình giải, đánh giá một tác phẩm còn khá xa lạ và một tác giả mà hầu như tôi chưa biết gì về ông, về những suy nghĩ khi ông viết tác phẩm trên. Mà chỉ đơn giản là những cảm nhận về một khía cạnh nào đó của tác phẩm trên. Câu chuyện có thể tóm tắt là một câu chuyện tình hay nói đúng hơn như nhân vật chính tự nhận chỉ là sự liên lạc tình cảm giữa hai người khác giới : Nguyễn Thanh Huy 18 tuổi và cô bé Anh Chi 13 tuổi. Vượt qua những ngăn cấm của gia đình và xã hội, diễn tả những tâm lí rất thật và rất đáng trọng của con người và chứa đựng những triết lí rất sâu sắc trong tình yêu và trong cuộc sống. Mới đầu khi đọc tác phẩm ta có thể có đánh giá là một câu chuyện tầm phào và đúng là tác phẩm cũng không đề cập đến một vấn đề gì to tát hay là góp phần giải quyết một vấn đề gì của xã hội đương đại nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm có lẽ ở chỗ đã dẫn người đọc vào một không gian huyền hoặc, mộng mơ của xứ Đà Lạt hay chính trong những phần chưa biết đến của bản thân mình. Những con người trong tác phẩm này đều rất đẹp và rất duyên dù đó có là người Đà Lạt hay Sài Gòn, những cô gái chàng trai như Liên, Chúc, Trường hay như cả một thiéu phụ suốt ngày phiền muộn như dì Ngàn, một con người chân tu khổ hạnh như sơ Catherine hay một con người khó hiểu như chú Thuyên hay ngay cả như mẹ của Anh Chi. Cái không gian Đà Lạt đồi núi sương mai lãng đãng, những con đường quanh co, rặng liễu ven hồ trong cái mơ hồ của lòng người …
Những cảnh mơ thực thực mơ và những mẩu đối đáp rất ngộ nghĩnh và đáng yêu khiến ai cũng phải phì cười và … mơ mộng. Ở đây tôi không có ý định nói nhiều về thông điệp của tác giả gửi đến cho người đọc mà thực chất chính tôi cũng không hiểu lắm. Tôi không nghĩ Đinh Tiến Luyện cổ súy cho những suy nghĩ vượt khuôn khổ, cho những tình yêu không theo lẽ thường ở giữa cái đất Sài Gòn vào những năm 1973. Một chàng trai mới lớn và rất yếu đuối với một cô bé 13 tuổi thánh thiện và ngây thơ… Khi đọc xong tác phẩm có khi ta phải giật mình vì có những điều ta vẫn tưởng là đúng, ai cũng tưởng là đúng cuối cùng lại dẫn đến bi kịch …
Nhưng có lẽ tác phẩm không có ý phê phán hay kêu gọi mà chỉ là, xin trích lại một câu trong lời mở đầu :
Thèm làm sao một chút thoải mái để nhận ra rằng, sống trong mộng tưởng là một niềm hạnh phúc tuyệt vời, và nhận lấy cô đơn cũng là một niềm hạnh phúc.để giải thích phần nào về đời sống của mỗi con người rất thực tế mà nhiều khi cũng rất khó hiểu …