PDA

View Full Version : 64 tỉnh thành trên đất nước Việt nam !


lsb_Golden
21-11-2005, 19:18
HẢI PHÒNG
http://www.nhanmonquan.net/images/bdhaiphong.gif
Diện tích: 1507,6 km2. Dân số (01/04/1999): 1.672.992 người. Các huyện: Thị xã Đồ Sơn; huyện: Thủy Nguyên, An Hải, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải, Bạch Long Vĩ. Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa.

Thành phố Hải Phòng nằm trên hữu ngạn sông cửa Cấm, là một hải cảng lớn miền Bắc, ngày xưa có tên là bến giáp làng Lạc Viên, phía Nam giáp các làng Hành Kinh, Gia Viễn, An Dương và Lạc Viên, phía Tây giáp làng Hạ Lý, Hải Phòng cách thành phố Hà Nội 106 km (66 miles) về hướng đông. Phố xá Hải Phòng tương đối rộng rãi, xây theo hướng nam bắc đông tây, nhà cửa san sát nhau.

Khí hậu Hải Phòng tốt nhờ gió biển, cuối mùa đông và đầu mùa xuân có mưa phùn, gió tây bắc thổi mạnh trong hai tháng cuối và tháng giêng. Gió mùa hạ thổi hướng đông nam và phía Đông tạo những trận mưa và bão. Mùa bão thường có từ tháng sáu đến tháng chín. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23.8° C.

Hải Phòng có nhiều đường giao thông rất quan trọng, ngoài quốc lộ 5, hai liên tỉnh lộ 10 và 14, Hải Phòng có các dòng sông và đường biển có thể đi đến nhiều tỉnh và thành phố lớn trong nước.

Với di chỉ khảo cổ Cái Bèo (Cát Bà) chứng tỏ mảnh đất này cách đây trên 6000 năm đã có người sinh sống. Hiện nay, Hải Phòng còn giữ được nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều đền, chùa, lăng miếu, sinh hoạt văn hóa dân tộc trên từng làng xã.

Hải Phòng là một cảng biển lớn nằm trên đường hàng hải quốc tế Đông - Tây, Bắc - Nam. Hàng trăm năm nay người Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đã đến đây buôn bán.

Hải Phòng thực sự là một trung tâm thương mại, một thành phố công nghiệp lâu đời, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống các đường giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không, phục vụ việc giao lưu hàng hóa và hành khách cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam, một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, cho cả nước và quốc tế.

Nằm trong tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng - vịnh Hạ Long. Hải Phòng có khu nghỉ mát với những bãi biển lượn quanh bán đảo Đồ Sơn, vươn ra biển đông tới 5 km (3 miles). Từ nhiều năm nay, Đồ Sơn đã trở thành một khu nghỉ mát và giải trí nổi tiếng trong nước và quốc tế. Hiện nay Đồ Sơn đang được xây dựng thành trung tâm du lịch và giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế.

Từ Đồ Sơn bằng tàu biển cao tốc, du khách có thể tới thăm đảo và vườn quốc gia Cát Bà, thăm vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long. Quần đảo đá vôi Cát Bà, nằm kề bên vịnh Hạ Long với hàng trăm núi, đảo lớn nhỏ mọc giữa biển cả. Đảo chính Cát Bà có vườn quốc gia, những vạt rừng nguyên sinh nhiệt đới tồn trữ nhiều loại cây rừng và thú hiếm, những dãy núi đá vôi hùng vĩ mang trong lòng nhiều hang động kỳ thú, những bãi tắm thiên tạo, nước biển trong xanh xen kẽ những vùng biển tĩnh lặng nằm giữa các đảo đá, những suối đầu nguồn trên các dốc núi và cả hồ trên núi. Xa xa là đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh Bắc Bộ.
Ðồ Sơn
Ðồ Sơn là khu nghỉ mát và tắm biển nổi tiếng ở miền Bắc, cách thành phố Hải Phòng 20km theo hướng Ðông Nam, cách Hà Nội 105km. Ðồ Sơn là một bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển, với hàng chục mỏm cao từ 25 đến 130m, nơi đây có bãi cát mịn, bên bờ biển rợp bóng phi lao. Sau là những ngọn núi và đồi thông. Ðồ Sơn hội tụ các điều kiện: cơ sở vật chất là nhà cửa, khách sạn, nhà hàng, đường xá, điện nước khá hoàn chỉnh. Trước đây Ðồ Sơn là nơi lui tới nghỉ ngơi, hưởng thụ của vua chúa quan lại đô hộ. Nơi đây còn ngôi nhà bát giác kiên cố của Bảo Ðại - ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bãi tắm Ðồ Sơn chia làm 3 khu chính: khu 1 nằm ngay đầu thị trấn Ðồ Sơn, khu 2 có nhiều khách sạn hiện đại. Khu 3 yên tĩnh và kín đáo.

Vào ngày hè, Ðồ Sơn thật sống động. Du khách khắp mọi miền đất nước cũng như khách quốc tế về đây tắm biển, nghỉ ngơi và leo núi, ngắm nhìn ba thế biển đẹp
Đền Bà Đế Đồ Sơn - khu danh thắng du lịch

[i]Từ Hải Phòng đến Ðồ Sơn cứ đi thẳng bán đảo đừng rẽ về khu biệt thự du lịch thì ta sẽ tới đền Bà Ðế, một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng.

Ðền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì "Nam thiên đệ nhất động" (Chùa Hương).

Như bao đình chùa, miếu mạo ở nước ta thường được hình thành bắt nguồn từ một sự tích. Tương truyền vào năm 1718 ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức cầu xin trời phật cho một người con. Trời phật động lòng, chứng giám rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày tròn tháng đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên đứa trẻ (Bà Ðế) càng xinh đẹp, lộng lẫy.

Bà Ðế rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Hàng ngày bà đi chăn trâu, cắt cỏ, tay làm, miệng hát, tiếng hát ngân vang cả núi rừng. Người ta nói rằng, tiếng hát của bà làm chim ngừng hót, sóng ngừng vỗ, đất trời lặng đi để lắng nghe.

Vào năm 1736, chúa Trịnh Giang về Kinh lý Ðồ Sơn. Chúa cùng đoàn người dạo thắng cảnh bằng thuyền rồng trên núi Ðộc. Xúc động trước tiếng hát mượt mà, chúa truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được bà với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón bà.

Bà mang thai, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa của chúa. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem bà ra khu núi Ðộc rồi dìm bà xuống biển.

Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: "Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần."

Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân.

Người đời sau thương tiếc và khâm phục lòng thuỷ chung của bà. Nhiều danh nhân đã đề thơ ca ngợi:

"Lòng sáng như băng trời đất biết
Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay
Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy
Ðể giải hồn oan cõi thế này"

Từ bấy đến nay, khách thập phương tấp nập trẩy hội đền Bà Ðế. Người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải.
Đảo Cát Bà và Vườn quốc gia Cát Bà
Cát Bà, Hải Phòng

Cát Bà là một quần đảo có tới 366 đảo lớn, nhỏ. Ðảo chính là Cát Bà rộng khoảng 100 km2, cách cảng Hải Phòng 30 hải lý, tiếp nối với vịnh Hạ Long tạo nên một quần thể đảo và hang động trên biển làm mê hồn du khách. Diện tích vườn quốc gia Cát Bà được quy hoạch bảo vệ là 15.200 ha, trong đó có 9.800 ha rừng và 4.200 ha biển.

Ðịa hình vườn đa dạng, chủ yếu là dãy núi đá vôi với nhiều hang động kỳ thú và xen kẽ là những bãi cát trắng phau, mịn màng, nơi du khách tắm biển. Các ngọn núi đá vôi có độ cao trung bình 150 m, cao nhất là đỉnh Cao Vọng cao 322 m so với mặt biển.

Theo một câu chuyện dân gian vùng Ðông Bắc, thì đảo Cát Bà khi xưa vốn là hậu cung của người đàn ông đầu tiên đến khai sơn phá thạch ở vùng này. Khi ông phát hiện ra cái vịnh quý giá với nhiều hòn đảo đẹp mà sau này có tên là Hạ Long, thì cũng là lúc ông phải cưu mang cùng lúc nhiều số phận nhi nữ đơn côi, mà chồng của họ đã vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển đầy bất trắc. Rồi để rảnh tay khai phá vùng Hòn Gai, Bãi Cháy, ông đã tập hợp tất cả các bà ra sống tại hòn đảo xinh đẹp, trù phú, biệt lập giữa biển khơi, nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là Ðất Của Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là Ðảo Các Bà. Trải bao biến đổi, thăng trầm, bây giờ còn lại hai địa danh Cửa Ông (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) là do gọi chệch đi mà thành.

Lại có câu chuyện khác gắn với lịch sử giữ nước của Việt Nam rằng, thời chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược, người anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo đã chọn vùng biển Ðông Bắc này làm nơi tập kết, luyện quân, tích trữ lương thảo. Những hang động trong vùng biển này đều được huy động vào việc cất giấu quân lương, che ém tàu thuyền của quân ta. Vì vậy, vùng biển phía Hạ Long được chọn làm khu vực quân sự - ngày nay còn có Hang Dấu Gỗ tương truyền là nơi quân ta cất dấu những chiếc cọc gỗ bịt sắt đã làm nên chiến thắng Bạch Ðằng lừng lẫy, còn vùng biển phía vịnh Lan Hạ là nơi tích trữ lương thảo, chăm sóc y tế, là khu vực do Các Bà cai quản. Vì thế mà có tên là Cửa Ðức Ông, Ðảo Các Bà, sau gọi chệch thành Cửa Ông, Cát Bà...

Khí hậu trên đảo Cát Bà rất mát mẻ, trong lành, thích hợp cho du lịch nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Từ Hà Nội đến Cát Bà, khoảng 150km về phía Ðông, thuận tiện nhất là đi bằng đường bộ hay đường sắt đến Hải Phòng rồi từ Hải Phòng dùng ca nô hoặc tàu thủy ra đảo. Thuê một chiếc tàu du lịch, bạn có thể đi khắp vịnh Lan Hạ, ghé vào hơn 100 bãi tắm lớn nhỏ khác nhau, những bãi tắm cực đẹp với cái tên thật hấp dẫn: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Bãi Ðá Bằng, Bãi Bến Bèo, Bãi Cô Tiên...

Thậm chí, bạn có thể vòng sang vịnh Hạ Long, cũng chỉ mất 4 đến 6 giờ để tha hồ ngắm cảnh và ghé thăm những bãi tắm không tên, những hang động kỳ thú còn chưa được đưa vào danh sách khai thác. Ngay ở đảo Cát Bà, bạn cũng có thể đi thăm động Trung Trang, động Hoa Cương, động Thiên Long, nơi hứa hẹn nhiều phát hiện lý thú.

Cát bà là một cụm du lịch thiên nhiên, sinh thái không thể tách rời.Ở đây đã phát hiện được nhiều di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đá mới, những di tích văn hoá Hạ Long và dấu vết của người Việt cổ. Ngày nay Cát Bà trở thành vườn quốc gia, bảo tồn trong lòng mình hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh. Biển Cát Bà có tới 300 loài cá biển, 500 loài thân mềm và giáp xác, trong đó nhiều loại có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng mỹ nghệ quý như đồi mồi, tôm rồng, trai ngọc, san hô, vỏ trai, ốc biển...

Vườn Quốc gia Cát Bà là khu vườn duy nhất ở Việt Nam vừa có rừng, vừa có biển với nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan đẹp và nhiều loại động thực vật quí hiếm. Tổng diện tích của vườn là 15.200 ha, trong đó diện tích rừng núi là 9.800 ha và diện tích biển là 4.200 ha. Ðịa hình đa dạng, chủ yếu là núi đá vôi có nhiều hang động. Với độ cao trung bình là 150 m, trong vườn còn có nhiều đèo nhỏ như đèo Ðá Lát, đèo Eo Bùa, đèo Khoăn Cao... và nhiều suối lớn quanh năm có nước như suối Thuồng Luồng, suối Treo Cơm, suối Việt Hải... Rừng Cát Bà thuộc loại rừng nhiệt đới với các kiểu phụ thổ nhưỡng đặc biệt. Rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn nhất, xen kẽ là những khu rừng mọc tự nhiên trên núi đất, đặc biệt ở khu vực Trung Trang có khu rừng Kim Giao mọc tự nhiên. Hệ thực vật ở đây có 620 loài, thuộc 123 họ có giá trị như Chó Ðãi, Trai Lý, Lát Hoa, Ðinh, Kim Giao... Ðây là những loại cây cần được bảo vệ và phát triển. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú với 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, đặc biệt có loài Voọc đầu trắng thường sống ở các vách đá cheo leo ven biển - đây là một loài thú rất quí hiếm mà bây giờ chỉ còn thấy ở Cát Bà. Hang động trên đảo Cát Bà cũng rất phong phú, mỗi hang có một vẻ đẹp khác nhau, tạo ra những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, sống động khiến người xem như lạc vào cõi tiên. Tiêu biểu nhất là hang Luồn, động Trung Trang, động Gia Luận, động Thiên Long... với những nhũ đá muôn hình, muôn vẻ, rất đẹp mắt.

Cát Bà hôm nay vẫn còn như một nàng tiên e lệ giữa biển khơi với dáng vẻ nguyên sơ, còn giữ được sức hấp dẫn với những truyền thuyết bao đời về bề dày lịch sử văn hoá của vùng đất này.


Hội chọi trâu Đồ Sơn

Hội chọi trâu ở Ðồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra chính thức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên trước đó đã có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch.

Việc chuẩn bị cho lễ hội này thật là công phu, phải chọn mua, nuôi và luyện trâu. Trâu chọi phải là" ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi...", trâu từ 4 đến 5 năm tuổi trở lên. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, không tiếp xúc với trâu thường.

Mở đầu lễ hội là cuộc tế lễ kéo dài gần đến trưa mới xong. Tiếp theo là đám rước trâu độc đáo có phường bát âm cùng một kiệu lớn do 12 trai đinh vạm vỡ khiêng. Sáu con trâu được tắm rửa sạch sẽ, lưng trùm vải đỏ, sừng thắt dải lụa hồng. Sau đến nghi thức múa cờ của 24 thanh niên như là 2 đội quân đang giao chiến. Múa cờ xong, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng (ở hai bên). Hiệu lệnh phát ra thì hai trâu từ hai phía di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 m. Hiệu lệnh tiếp theo người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi, hai trâu liền lao vào nhau, với các động tác điêu luyện.... Khán giả hò reo cổ vũ.

Khi đã phân thắng bại, cảnh "Thu trâu" cũng diễn ra vô cùng hấp dẫn bắt bằng được con thắng để phải thi đấu xếp loại, phân ngôi nhất nhì...

Chọi trâu ở Ðồ Sơn là một ngày hội, gắn với tục thờ thuỷ thần và với tục hiến sinh. Nhưng độc đáo hơn cả là thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Ðồ Sơn, Hải Phòng

lsb_Golden
21-11-2005, 19:25
BẮC NINH
http://www.nhanmonquan.net/images/bdbacninh.gif
Diện tích: 797,2 km2. Dân số(01/04/1999): 941.389 người. Tỉnh lỵ: thị xã Bắc Ninh. Các huyện: Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Dân tộc: Việt (Kinh), Hoa, Tày...

Ba mặt tỉnh có sông tạo thành những ranh giới thiên nhiên. Phía Bắc là sông Cầu. Đông có sông Thái Bình (thuộc Hải Dương, sát ranh giới với Bắc Ninh), Tây-Nam là sông Hồng Hà và Thái Bình ăn thông với sông Đuống. Mùa nước lớn. Sông Đuống đổ nước ra sông Hồng Hà vào sông Thái Bình.

Địa thế Bắc Ninh toàn đồng bằng ít núi cao, có một số ngọn núi đã đi vào thơ ca (núi Thiên Thai). Nhiệt độ trung bình khoảng 13,4° C, rất thích hợp cho du lịch. Ở huyện Tuyên Du có núi Chè 127 m (381 ft), núi Khánh hay Long Sơn, núi Bát Vạn, núi Phật Tích hay Lạn Kha Sơn (tục gọi là núi Rạm, núi Sơn Đông và núi Sơn Nam. Ở Quế Dương có núi Thiên Sơn. Hai núi Yên Sơn và Thiên Thai ở Gia Bình. Hai quốc lộ 4 và 18 nối liền Bắc Ninh với các tỉnh lân cận. Phi trường ở Gia Lâm khá lớn.

Tỉnh lỵ Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30 km (18.8 miles), có quốc lộ chạy qua, có nhiều sông lớn, vì vậy hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông đều thuận lợi.
Chùa Phật Tích
Chùa còn được gọi là Vạn Phúc, toạ lạc trên sườn núi Phật Tích, xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII-X. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057 vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng phật mình vàng.

Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ XVII. Năm 1947 do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991 chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ.

Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85 mét (tính cả bệ đá là cao 3 mét). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bàu, trống cơm,...

Chùa Phật Tích xưa kia là nơi có nhiều nhà tu hành tu luyện. Theo sử sách để lại thì chùa Phật Tích chính là nơi Phật ngự.

Chùa Dâu
Chùa Dâu còn có tên là Diên ứng, tọa lạc ở làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ðây là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ III. Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ IV, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ XIV, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau. Hiện nay ở sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17 m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18. Ngoài ra, còn có tượng bà Pháp Vân,
tượng Kim Ðồng và Ngọc Nữ.

Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp, xã Ðình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó. Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVII). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự" được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện - gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc. Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá...

Ðáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng... đều rất sinh động, thần tình. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Những cái tên, những kiểu kiến trúc gợi nên một vẻ hoang sơ độc đáo mà hấp dẫn, một nét đẹp rêu phong cổ kính. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung. Ðến với chùa Bút Tháp, du khách sẽ được chứng kiến những nét độc đáo tài tình của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ.

Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong mà ngồi ở đấy ta có thế ngắm những nét đẹp riêng của cảnh chùa. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà. Ðấy là chưa kể đến một công trình nghệ thuật độc đáo của chùa: toà "cửu phẩm Liên Hoa". Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ!

Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Báo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.

[b]Đền Đô với tám triều Vua Lý

Đền Đô nằm trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Thủ đô Hà Nội gần 20 km). Từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng là vùng văn hóa, là nơi có phong cảnh đẹp. Đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ XI). Đền thờ 8 vị vua nhà Lý đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).

Khu di tích đền Đô có diện tích 31.250m2, với trên 20 hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, cửa rồng, nhà thuỷ đình, văn chỉ , võ chỉ... Nhà thuỷ đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng nhưng cũng chính nó bị thực dân Pháp phá huỷ hoàn toàn cùng với quần thể kiến trúc đền Đô vào năm 1952 trong một trận càn quét "đốt sạch, phá sạch".

Quê hương nhà Lý là nơi tiêu biểu cho các làng quê vùng kinh Bắc. Nơi đây có các di tích lịch sử - văn hóa như chùa Cổ Pháp, Kim Đài (một trong những trung tâm Phật giáo cực thịnh vào thế kỷ VIII); đình làng Lý Khánh Văn, nơi thờ và tưởng niệm người cha nuôi của vua Lý Thái Tổ; Thọ Lăng Thiên Đức, khu lăng mộ của 8 vua nhà Lý khiêm tốn, giản dị.

Lễ hội đền Đô được tổ chức rất trọng thể vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất - 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời và đang ngày càng tham gia tích cực vào việc "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đình Bảng còn là quê hương có truyền thống cách mạng. Hội nghị Trung ương Đảng đã từng họp tại đây để quyết định vận mệnh của đất nước vào năm 1945. Sau khi đất nước giành được độc lập (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm xã.

Đền Đô - Đình Bảng cũng là nơi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Thăng Long - Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước "Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long" theo nghi lễ cổ truyền. Đền Đô Đình Bảng thực sự là điểm du lịch đầy hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước...

Lễ hội đền Đô

Ðền Ðô là một ngôi đền đẹp toạ lạc tại làng Ðình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 15/3 đến ngày 19/3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của 8 vị vua nhà Lý.

Chính hội là ngày 16/3, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô (khoảng 3 km). Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.

Phần hội có các trò vui như chọi gà, thả chim bồ câu, thi đấu vật, hát Quan họ và nhiều trò vui khác.

Du khách về dự hội đền Ðô, vừa được dâng hương tưởng niệm 8 vị vua nhà Lý, vừa được ghé thăm, vãn cảnh vùng đất Kinh Bắc. Ðám rước hội đền Ðô đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng của ngày hội, vừa tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, vừa khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn phục hưng và thăng hoa của đất nước từ thuở Ðại Việt

Đình làng Đình Bảng

Đình làng Đình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km; Vùng địa linh này là quê hương Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ), người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng long (năm 1010).

Đình Bảng có cả cụn di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, đền, chùa, lăng, tẩm .... đặc trung của một văn hóa làng Việt Nam.

Đình làng Đình bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của của quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng và bà vợ rất đảm đang Nguyễn thị Nguyên quê ở Thanh hóa đã mua gỗ lim về dâng làng, xây dựng ngôi đình có thế trường tồn. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).

Toà Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20 mét, rộng 14m chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng và những cột lim hiếm thấy ở những ngôi đình khác. Có khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55- 0,65 mét. Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức Bát mã quần phi, tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên...từng bức, từng bức gợi tả bao điều

Làng tranh Đông Hồ

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.

Ðông Hồ, một cái tên làng quen thuộc xinh xắn nằm bên bờ sông Ðuống thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.

http://img42.photobucket.com/albums/v130/tieuthotu/dongho1.gifhttp://img42.photobucket.com/albums/v130/tieuthotu/dongho3.gif
Giấy dùng in tranh là loại giấy gió mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Ðông Hồ.

Sau khi in thành tranh, kể cả cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên. Các màu đã hoà quyện in tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên : màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó ; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm , màu vàng lấy từ hoa hòe , màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp...Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Ðã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt.

Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.

Ðã có một thời gian tranh dân gian Ðông Hồ bị lãng quên nên nghề làm tranh mai một ít nhiều. Không ít hộ bỏ làm tranh chuyển sang làm đồ vàng mã. Những vài năm năm trở lại đây người Ðông Hồ lại hoan hỉ trở lại với nghề tranh nhiều hơn bởi người dân của ta đã lại nhận ra vẻ đẹp trong sự mộc mạc giản dị của tranh Ðông Hồ là không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật, nhất là ngày Tết.

Hội Lim

Quan họ là loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa và nay là tỉnh Bắc Ninh. Lim là tên Nôm của xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km. Hội mở trên đồi Lim, có chùa Lim nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập tục hát quan họ.

Hội Lim mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Khách kéo về dự hội Lim rất đông để được xem hát quan họ giữa các "liền anh" "liền chị", hát sau chùa, hát trên đồi, hát đối đáp từng cặp đôi, hát trên thuyền... với đủ các làn điệu quan họ khác nhau. Ngoài ra, trảy hội Lim còn được xem các cuộc thi dệt của các cô gái Nội Duệ, vừa dệt thi vừa hát quan họ. Cũng như các Hội khác, hội Lim cũng có đủ các phần từ lễ rước đến tế lễ cùng nhiều trò vui khác.

Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.

lsb_Golden
24-11-2005, 15:17
HÀ GIANG
http://www.nhanmonquan.net/images/bdhagiang.gif
Diện tích: 7.831 km2. Dân số (01/04/1999): 602.684 người. Tỉnh lỵ: Thị xã Hà Giang. Các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Quang. Dân tộc: Việt (Kinh), Tày, H'Mông, Dao, Nùng, Cao Lan, Hoa, Sán Dìu...

Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có những ngọn núi cao lưng trời và nhiều sông suối. Phía bắc tỉnh Hà Giang giáp Trung Quốc (chiều dài đường biên giới 274 km), phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang.

Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới, chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24 - 28° C, mùa đông nhiệt độ rất lạnh có khi xuống -5° C. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Khí hậu vùng này chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và thị xã Hà Giang. Tại vùng này, nhiệt độ trung bình năm 21 - 23° C.

Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh cao tới 2.419 mét, có nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng có nhiều gỗ quí, có tới 1.000 loại dược liệu quí hiếm. Động vật có hổ, công, trĩ phượng, tê tê... và hàng trăm loại chim thú khác. Hà Giang có cao nguyên Đồng Văn nên thơ hùng vĩ, có chợ tình Khâu Vai hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đồng Văn - "cổng Trời"
Ðồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang. Ðộ cao vùng này khoảng 1.000 m so với mặt biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Huyện lỵ cách thị xã Hà Giang 146 km nhưng giao thông rất khó khăn. Huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1oC, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24oC. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Ðồng Văn có điểm cực Bắc của Việt Nam tại Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời".

Ðồng Văn nổi tiếng về trái ngon: đào, mận, lê, táo, hồng... về cây dược liệu quý: tam thất, thục địa, hồi, quế... Ðồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu... Chính nơi đây đã tạo cho các nghệ sỹ nguồn cảm hứng sáng tác nên những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh có một không hai trên thế giới về thiên nhiên: núi rừng, ruộng bậc thang...

Ðến với Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm của bạn bởi đèo cao vực thẳm, nhiều khi phải đi bộ. Nhưng đổi lại, bạn được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Biết đâu nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ khi rời chốn xa xôi này.

lsb_Golden
24-11-2005, 15:20
CAO BẰNG
http://www.nhanmonquan.net/images/bdcaobang.gif
Diện tích: 8.444,65 km2. Dân số (01/04/1999): 491.055 người. Tỉnh lỵ: Thị xã Cao Bằng. Các huyện: Bảo Lạc, Hà Quảng, Thông Nông, Trà Lĩnh, Trùng khánh, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An. Dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Việt (Kinh), Hoa, Sán Cháy...

Cao Bằng là một tỉnh miền núi ở phiùa Bắc Bắc Bộ. Phiùa bắc và phiùa đông Cao Bằng giáp Trung Quốc, phiùa tây giáp Tuyên Quang và Hà Giang, phiùa nam giáp Bắc Cạn và Lạng Sơn. Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp vì vậy giao thông giữa các huyện trong tỉnh bị hạn chế. Cao Bằng có khí hậu ôn đới. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình mùa hè là 25 - 28° C, mùa đông là 16 - 17° C. Một số vùng núi cao như Trùng Khánh, Trà Lĩnh về mùa đông có tuyếât rơi.

Nhìn chung khí hậu Cao Bằng mát mẻ quanh năm lại có nhiều núi cao, phong cảnh thiên nhiên hữu tình rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, du lịch. Từ Hà Nội theo quốc lộ 3 đến thị xã Cao Bằng khoảng 272 km (170 miles).

Hai con sông chính là sông Bằng Giang và sông Gầm. Sông Bằng Giang từ biên giới Trung Hoa chảy sang, gặp hai sông Nà Giang và Dẻ Rao ở An Hòa, gặp sông Hiền và sông Cửu, rồi hợp với sông Ba Vọng từ Trùng Khánh đổ xuống. Sông Gầm có hai chi lưu là sông Neo và Nho Quế chảy ngang tỉnh dài 50 cây số. Ngoài ra, còn có sông Năng, sông Quảy Sơn (có khúc chia làm hai, chảy xuống khe núi tạo thành thác Bản Giốc).

Vì là miền núi cao nên chỗ đất bằng của tỉnh cũng ở cao độ 190 thước. Các ngọn núi cao trong tỉnh là Pia Đa 1.980 thước, núi Pia Quắc 1.931 thước, Pia Pioc 1.575 thước, và nhiều ngọn núi trên 1.000 thước. Đèo cao cũng nhiều: đèo Pia Quắc 1.360 thước, đèo Gió 804 thước, đèo Cao Bắc 810 thước, đèo Mã Phục 620 thước.
Pắc Bó

Pắc Bó là một huyện nhỏ thuộc xã Trung Hoà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội 350 km, cách thị xã Cao Bằng 55 km về phía Bắc.

Tên Pắc Bó còn có nghĩa đen là "miệng nguồn". Pắc Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, nơi đây có hang Cốc Bó được chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (8/2/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Các di tích ở khu này gồm có:
- Hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, Hang Cốc Bó
- Suối Lê Nin, núi Các Mác.
- Suối Nậm: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương.

Ði trên những tảng đá nhám rêu phong dọc bờ suối là nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó. Ðây là nơi khởi nguồn của suối Lê-nin. Hang Pắc Bó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Ðứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: "Ngày 8 tháng 2 năm 1941". Ðấy là ngày Bác đến ở hang này, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới.

Phía trước cửa hang Pắc Bó khoảng 1.000m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nặm. Nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Cách cái lán nhỏ này vài bước chân là đường biên giới Việt Trung - cột mốc 108. Nơi đây, Bác Hồ đã cuối xuống ôm hôn mảnh đất Tổ quốc thân thương sau bao năm xa cách. Khi đó Bác đã 50 tuổi, mái tóc đã pha sương.

Thăm khu di tích lịch sử này, du khách hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi trong ký ức họ sống mãi những vần thơ lạc quan cách mạng của Người:

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang".

Thác Bản Giốc

Từ thị xã Cao Bằng đi tiếp 65 km nữa đến huyện lỵ Trùng Khánh. Thác Bản Giốc cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc.

Bản Giốc là một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Ngay từ xa du khách đã nghe thấy tiếng thác nước réo ào ào. Từ độ cao trên 30 m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng sông thành 3 luồng nước như ba dải lụa trắng. Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Vào những ngày nắng, làn hơi nước còn tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo.

Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt, lác đác điểm những chùm hoa phong lan, những đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ làm cho cảnh sắc càng thêm sinh động. Ðộng Ngườm Ngao ở ngay bên cạnh thác, dài khoảng 3 km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam.

Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai.

lsb_Golden
24-11-2005, 15:29
LÀO CAI
http://www.nhanmonquan.net/images/bdlaocai.gif
Diện tích: 8.044 km2. Dân số (01/04/1999): 594.637 người. Tỉnh lỵ: Thị xã Lào Cai. Các huyện: Thị xã Cam Đường; huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa, Bảo Yên, Than Uyên, Văn Bàn. Dân tộc: Việt (Kinh), H'Mông, Tày, Nùng, Dao, Thái, Giáy, Lự, Bố Y, Kháng, La Chí, Phù Lá (Xá Phó), Hà Nhì, Mường, La Ha...

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới. Phía Bắc giáp Vân Nam (Trung Quốc) với 230 km (144 miles) đường biên, phía tây giáp Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía nam giáp Yên Bái và Sơn La.

Địa hình của tỉnh gồm có núi, đồi và thung lũng. Hệ thống sông suối của tỉnh Lào Cai chằng chịt, lắm thác ghềnh. Lào Cai có đường giao thông huyết mạch nối liền Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam nên Lào Cai có vị trí quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự. Khí hậu chia ra làm nhiều vùng. Ở các vùng thấp: khí hậu mang tính chất nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình năm ở các vùng này khoảng chừng 20 - 22° C. Ở các vùng cao từ 700 m (2,100 ft) trở lên: khí hậu mang tính chất bán nhiệt đới pha ôn đới. Nhiệt độ trung bình năm từ 18 - 28° C, riêng ở Sa Pa (Lào Cai) có khi nhiệt độ xuống dưới 0° C và có mưa tuyết.

Lào Cai có nhiều dải rừng lớn, rừng có nhiều gỗ quý như pơmu, lát hoa, chò chỉ... Nhiều cây dược liệu và các loại động vật quý hiếm như lợn rừng, hổ, báo, hươu, nai...

Tỉnh Lào Cai không chỉ giàu về tài nguyên thiên nhiên mà còn có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như ruộng bậc thang bên sườn núi, mùa đông các đỉnh núi cao luôn có tuyết phủ trắng xoá, mùa xuân có hoa đào nở rộ khắp núi đồi. Lào Cai có nhiều hang động và danh thắng đẹp, có Sa Pa nơi nghỉ mát lý tưởng về mùa hè...

Sa Pa
Sa Pa là một thị trấn nghỉ mát đẹp và thơ mộng nằm ở độ cao 1.600 m so với mặt biển, cách Hà Nội 333 km, cách thị xã Lào Cai 38 km. Khí hậu Sa Pa mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 180C, mùa hạ không nóng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và rất lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 00C, có năm tuyết rơi. Thời tiết ở Sa Pa một ngày có tới bốn mùa: sáng, chiều là thời tiết của mùa xuân, mùa thu. Buổi trưa là thời tiết của mùa hạ, thường có nắng nhẹ, trời quang mây nhưng khí hậu vẫn dịu mát. Ðêm đến trời lạnh là thời tiết của mùa đông. Từ tháng 5 đến tháng 8 ở Sa Pa có mưa nhiều.

Ở ngay trung tâm thị trấn, xen giữa rừng đào thơ mộng và những rặng samu xanh ngát là những biệt thự cổ kính xen cùng biệt thự hiện đại kiến trúc theo kiểu phương Tây khiến cho thị trấn mang nhiều dáng dấp của thành phố châu Âu. Dọc theo các sườn đồi là những ngôi nhà xinh xắn với tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng ẩn hiện khi lên cao, lúc xuống dưới thấp dọc theo các trục lộ làm cho thị trấn càng trở nên thơ mộng. Từ thị trấn Sa Pa nhìn sang phía tây là dãy Hoàng Liên Sơn xanh thẳm, bốn mùa sương giăng buổi sớm. Nơi đây có đỉnh Phan-Xi-Păng cao 3.143 m rất hấp dẫn những ai mê leo núi.

Sa Pa còn có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc, cầu Mây, cổng Trời, rừng Trúc, hang động Tả Phìn.

Khí hậu Sa Pa trong lành, nổi tiếng với những vườn rau ôn đới như bắp cải, su hào, su su..., cây dược liệu quý và nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, lê...

Những ngày phiên chợ ở Sa Pa thật nhộn nhịp vào tối thứ 7 hàng tuần, chợ Sa Pa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới.

Núi Phan-Xi-Păng
Tuy chỉ cách thị xã Lào Cai không xa, nhưng nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới tới đỉnh núi. Phan-Xi-Păng nằm ở phía tây nam Sa Pa, là một ngọn núi cao nhất của bán đảo Ðông Dương (3.143m). Phan-Xi-Păng nằm ở giữa các ngọn núi trong dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao hơn 3.000 m so với mặt biển (Lang Cung, Pu Luang, Sapin).

Ðịa hình của Phan-Xi-Păng có thể chia thành nhiều loại. Thung lũng Mường Hoa ở vị trí thấp nhất 950 - 1.000 m so với mặt biển. Loại thứ hai ở độ cao 1.300 - 1.400 m được cấu tạo bởi một dải hẹp ở chân núi phía đông. Những loại địa hình khác ở các độ cao 1.700 - 1.800 m, 2.100 - 2.200 m và 2.700 - 2.800 m. Nếu đứng ở điểm thấp nhất nhìn lên đỉnh Phan-Xi-Păng và một số đỉnh núi khác chỉ thấy hiện ra lờ mờ phía xa.

Hệ thực vật ở Phan-Xi-Păng khá phong phú. Có tới 1680 loại cây chia làm 679 chi thuộc 7 nhóm. Có một số loại thuộc nhóm quý hiếm.

Phan-Xi-Păng rất hấp dẫn với khách du lịch ưa mạo hiểm. Du khách đến đây để khám phá và chinh phục nó.


CHINH PHỤC ĐỈNH PHAN XI PANG


Hoa tùng trên đỉnh Phan Xi Păng

Phan Xi Păng - đôi dòng lịch sử

Các nhà địa chất nói rằng mãi đến thời kỳ tân kiến tạo (khoảng 100 triệu năm) dãy núi Hoàng Liên, cao nhất là đỉnh Phan Xi Păng, mới nổi lên ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Phan Xi Păng theo tiếng địa phương là Hủa Xi Pan, có nghĩa: phiến đá khổng lồ chênh vênh. Người Pháp đến Việt Nam và năm 1905 đã đặt cột mốc đánh dấu đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét và gọi đó là Mái Nhà Đông Dương. Thời ấy rất ít người leo lên đến đỉnh Phan Xi Păng.


Rồi chiến tranh kéo dài, Phan Xi Păng trở thành nơi bỏ hoang cho săn bắn và phá phách. Con đường người Pháp mở cũng nhanh chóng bị vùi lấp. Phải đến năm 1991 khi có người bộ đội quay trở về phố núi quyết định sẽ chinh phục bằng được đỉnh Phan Xi Păng. Cũng phải đến lần thứ 13, Nguyễn Thiện Hùng (tên người bộ đội ấy) cùng một thanh niên dân tộc Mông mới chinh phục được đỉnh bằng cách bám theo dấu chân của loài sơn dương. Đi là để thỏa cái chí nguyện chinh phục non nước thiên nhiên dè đâu tên tuổi Hùng được sách lữ hành ghi dấu. Và đó chính là thời điểm du lịch Sa Pa mở lại một tour mới. Dường như lúc ấy tour Phan Xi Păng chỉ dành cho ai muốn thử khả năng cơ bắp của mình.

Lên đường

Giờ, Phan Xi Păng cách Hà Nội chừng 400 km đang được xét duyệt công nhận là một trong rất ít điểm du lịch sinh thái của Việt Nam với 2.024 loài thực vật và 327 loài động vật. Du lịch Phan Xi Păng từ tháng 10 đến tháng 12 được người nước ngoài chuộng nhất bởi lúc này rất khó bị những cơn mưa lớn cản đường. Trong khi từ tháng 2 đến tháng 4 lại được dân Việt Nam khoái hơn do thời tiết không quá lạnh. Tuy nhiên đẹp nhất vẫn là cuối tháng 2 đầu tháng 3 mùa các loài hoa trên dãy Hoàng Liên Sơn đồng loạt nở và du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tím, hoa phong lan, hoa đỗ quyên, hoa ngâu bạt ngàn.


Mùa hoa mới rồi ở Hoàng Liên Sơn là thời điểm chúng tôi "chinh phục" đỉnh Phan Xi Păng. Đoàn có 8 người: hai chúng tôi, hai người bạn Đức Gerd Schnorrer, Tina Walter, hai hướng dẫnviên Nguyễn Cảnh Tiến, Đoàn Ngọc Hải cùng hai anh Vũ Quang Thanh, Vàng A Lung giúp chúng tôi đem đồ đạc.


Hình như lúc mới quen người ta thường tỏ ra dễ thương. Chuyến du lịch này cũng vậy, khởi đầu đầy nắng ráo, sau khi lòng vòng hơn 6 km trên chiếc Uaz già cỗi, chúng tôi được thả xuống chân một con đèo thoai thoải, cỏ xanh mởn trông chẳng có vẻ gì hứa hẹn những thử thách trước mặt. "Đèo Trạm Tôn đấy" - Tiến khoát một vòng tay giới thiệu như để bắt đầu "Từ bây giờ tất cả các bạn phải luôn đi theo sự chỉ dẫn của tôi. Trước mắt sẽ rất nhiều trở ngại, chỉ một sai lầm có thể xảy ra nguy hiểm". Đã hết một con đèo, lại một con đèo khác cũng thoai thoải không kém. Chướng ngại vật duy nhất mà chúng tôi phải vượt qua là những dòng suối ngập chưa đến mắt cá chân. Vừa đi tôi vừa băn khoăn nhớ lại lời của Thiện Hùng nói trước khi lên đường: Những năm trở lại đây trung bình có khoảng 20 đoàn có ý định chinh phục Mái Nhà Đông Dương. Chỉ 1/3 số đoàn có người đặt chân đến ngọn Phan Xi Păng. Và trong số ấy cũng chỉ có 1/3 thực sự chạm tay vào cột mốc đánh dấu độ cao tuyệt đối...


Hết chừng bốn con đèo là bắt đầu đến núi. Núi dựng đứng. Những con dốc cũng gần như dựng đứng, phổ biến là 70o-80o. Những đoàn trước đã khoét vào đất mùn từng hốc nhỏ chỉ đủ đặt mũi giày. Vừa cẩn thận trong mỗi bước chân vừa cúi rạp người bám lấy những gốc, rễ cây hai bên đường. Sau cả chục lần ngã oành oạch chẳng mấy chốc tôi đã có chút kinh nghiệm trò chuyện được với đám cây. Đen: không đáng tin tưởng thường là những rễ đã chết, rất dễ đứt. Nâu sậm: những cây bị ngâm nước rất trơn. Chỉ có rễ trắng của cây đỗ quyên và thân trúc là dẻo dai và chắc chắn. Đây là một khu rừng mới. Xen giữa những trảng cây bụi lúp xúp là những gốc cổ thụ cháy đen, mọt ruỗng. Nghe nói năm 1991 đã xảy ra một vụ cháy khủng khiếp tại khu rừng này. Thoảng lắm trên đường đi mới gặp những khoảng rừng nguyên sinh. Dưới những bóng cây to ken sít một loại cây giống dong riềng nhưng cao hơn nhiều, phảng phất một mùi thơm của bát phở quen thuộc: thảo quả đấy. Những nương thảo quả thơm nồng nhưng ẩm thấp của người Mông mù mịt muỗi. Thấy động và có hơi người, đám muỗi bay vung lên, bám lên tóc, đậu đầy mặt. Ai cũng nhắm tịt mắt lại, thỉnh thoảng thở phì phì để đẩy những con muỗi chui đầy vào miệng vào mũi.


Thấy tôi nặng nhọc bám sau cùng, Hải bảo: "Đây là đoạn ngắn và dễ nhất đấy" - Dễ nhất! Tôi la lên. Hơn bốn tiếng đồng hồ mới đi được vài cây số. Dễ nhất mà mọi người đều ướt sũng mồ hôi, vừa lê vừa bò qua những vệt mòn trơn trượt. 1.900m, 1.500m, 2.100m. Trèo lên đỉnh núi lại xuống thung lũng để rồi nhìn thấy một quả núi còn cao hơn truớc mặt. Rồi cuối cùng cũng đến nơi. 5h30 chiều chúng tôi hạ trại tại một bãi bằng tuyệt đẹp có dòng suối róc rách uốn quanh ở độ cao 2.060m. Cả hội nhóm lửa nấu cơm, pha trà, hong quần áo. Những câu chuyện, lời hát cứ nổ như ngô rang quanh ánh lửa bập bùng... Tôi tin những ai sinh ra và lớn lên trong khối hộp bê-tông đô thị chắc hiếm khi được tận hưởng không gian thanh bình đến thế. Mọi thứ đều yên lặng, không gian thanh khiết đến khó ngờ. Mùi lá cây, cái nồng nồng của mùn đất, một loài hoa vô danh đang lặng lẽ tỏa huơng. Tất cả tạo nên một mùi rất đặc trưng mà Gerd Schnorrer buổi chiều nay đã gọi là hương rừng. Tất thảy đều cảm thấy nhẹ nhõm, an lành. Nhỏ bé mà an toàn như về với vòng tay của mẹ... Chợt nhớ lại câu chuyện của Tina Walter. Cô đã đến Annapurna của Nepal. Đây là một khu du lịch sinh thái rất nổi tiếng. Mỗi năm có hơn 36.000 du khách ưa mạo hiểm. Nó tạo ra nguồn thu nhập cho 40.000 người dân địa phương. Nhưng chính vì lẽ đó tất cả vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho Annapurna không còn nữa. Lượng khách đông kèm theo sự quản lý lỏng lẻo đã phá hủy nghiêm trọng môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa địa phương.

Khắc đi khắc đến

Thực ra cũng chỉ có ngày đầu tiên mọi người còn vui vẻ với nhau. Những ngày dài, đêm thâu sau đó là vô số thử thách hết sức khắc nghiệt. Cái lạnh, sự mệt mỏi làm giấc ngủ không đến. Thể lực tụt một cách nhanh chóng. Và chính lúc ấy nghị lực vượt qua chính bản thân mình mới trở nên cần thiết. Đi bằng ý chí. Tạm quên mình đang đi đâu, đi làm gì, bao giờ đến. Quên cả những cơn đau cơ giằng xé. Quên cả cái mũi liên tục đổ máu cam và cái tai ù đi vì áp suất. Không nhìn xuống cũng chẳng nhìn lên. Đầu cúi, tập trung đặt từng bước chân chậm rãi, chắc chắn cùng lúc giữ nhịp thở cho đều. Một bước, hai bước, ba bước... cứ thế không biết bao nhiêu vạn bước tôi đi như người mộng du trèo qua đủ bộ sưu tập dốc của dãy Hoàng Liên : dốc đá, dốc rễ cây, dốc bùn, dốc lòng suối với bộ quần áo sũng nước.


Rồi đột nhiên cả đoàn dừng lại, Tiến tuyên bố "Ai cũng mệt mỏi lắm rồi, đề nghị cả đoàn dừng lại nghỉ một tiếng". - Đây là một điều hết sức kỳ lạ bởi để tránh cứng cơ và chuột rút chưa lần nào Tiến cho mọi người nghỉ quá một phút lại cả cái điệu cười ranh mãnh kia nữa chứ. Chợt Hoài Linh đi đầu hét lên : "Đến rồi" và lao bổ vào khoảng sáng đằng sau những thân trúc rậm rì. Đi thêm dăm bước nữa, trước mặt cả đoàn hiện ra một khối trụ kim loại sáng lòa - cột mốc đánh dấu độ cao 3.143 mét.

Gió ù ù. Mây vần vũ. Xa tít dưới kia là thị trấn Sa Pa trông bé hơn bàn tay. Cao hơn chút nữa là từng đám mây đặc sánh tưởng có thể nhảy lên đó mà ngả lưng. Những ngọn núi hùng vĩ cũng trở nên nhỏ bé. Tất cả giờ đã ở dưới chân. Bầu trời như gần lắm tưởng có thể chạm được. Trên cái nền xanh ngắt lá cờ Tổ quốc do phóng viên Hoài Linh vừa rút ra phần phật theo gió thật rực rỡ. Ngay lúc này đây, khi đang đứng trên "Mái Nhà Đông Dương" chuyến đi tưởng như diễn ra từ rất lâu trong quá khứ, chỉ còn trong ký ức biết bao con suối lững lờ vượt qua, những em bé H'Mông tôi đã gặp, hoa đỗ quyên, hoa tùng, hoa lan cùng vô số loài hoa vô danh khác mọc kín hai bên đường. Và trên đỉnh cao Phan Xi Păng tôi đã hái được một cành hoa tùng - dấu ấn may mắn của cuộc đời.

LSB_nuquaichonhoangvu
07-01-2006, 12:36
Quảng Trị
''...Quê hương yêu dấu của tớ đó ...''



Quảng Trị là một tỉnh Bắc Trung Bộ, Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, Nam giáp Thừa Thiên - Huế, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp nước CHDCND Lào. Dân số 600.895 người (31/12/2001). Diện tích tự nhiên: 4.745,74 Km2. Tỉnh Quảng Trị có 7 Huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hoá, ĐaKrông và 2 thị xã: Đông Hà, Quảng Trị. Tỉnh lỵ là thị xã Đông Hà. Các dân tộc chính sinh sống ở Quảng Trị là dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô. Lợi thế của Quảng Trị trong phát triển kinh tế là có bờ biển dài, có 2 cảng biển và cảng sông, có sân bay đang được chuẩn bị xây dựng lại, có đường sắt, quốc lộ 1A chạy qua. Đặc biệt đường 9 nối với đường liên Á qua cửa khẩu Lao Bảo sẽ tạo điều kiện cho Quảng Trị là nơi giao lưu hàng hoá qua tuyến đường bộ quan trọng này.

Quê hương Quảng Trị từ thời xa xưa đã là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, đó chính là bề dày lịch sử văn hóa của mảnh đất và con người Quảng Trị. Như GS Trần Quốc Vượng đã từng viết về nền văn hóa Quảng Trị: “Văn hóa Quảng Trị có gốc rất sâu, rễ rất bền. Các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội loạn li không dễ gì lay chuyển được”.

Quảng Trị có nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hoá được bảo tồn như: Thành Cổ Quảng Trị, văn hoá Chăm,... Quảng Trị là ranh giới chia cắt, là chiến trường ác liệt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ nên đã để lại một hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thế giới: Đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Hệ thống đường Trường Sơn...

Người dân Quảng Trị từ bao đời nay đã phải vượt lên sự khắc nghiệt, khô cằn của thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Mảnh đất khô cằn của Quảng Trị đã từng là “Trọng trấn”, là “Trấn biên”, là “Phên dậu” của phía Nam Tổ quốc, là “Tiêu điểm” khốc liệt trong những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm… Là “Ranh giới” của những cuộc chia cắt đất nước. Mảnh đất Quảng Trị đi vào lịch sử dân tộc như những bản anh hùng ca đượm chất sử thi. Với địa hình thiên nhiên khắc nghiệt và quá khứ lịch sử hào hùng đã tạo nên cho người dân Quảng Trị một bản sắc riêng biệt: Cần cù, chịu khó, giản dị, dũng cảm, thông minh và rất tự tin trong cuộc sống…

Để hội nhập với cả nước, trong khu vực và trên thế giới, đồng thời để tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ hơn, tỉnh Quảng Trị đã hoạch định một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001 - 2010. Trong đó, xác định một số khu công nghiệp: Khu Thương mại Lao Bảo, Khu Công nghiệp Cửa Việt, Khu Công nghiệp Nam Đông Hà… và đề xuất thực thi một số dự án lớn như: Xây dựng Nhà máy Phân bón NPK - Thủy lợi - Thủy điện Rào Quán, Nhà máy Chế biến thủy sản.

Hiện nay Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Quảng Trị, thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy phép cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác với tỉnh Quảng Trị.

Nhân dân Quảng Trị luôn mở rộng cửa chào đón du khách đến thăm quan, các nhà đầu tư và bạn bè gần xa quan tâm, hợp tác làm ăn trên quê hương Quảng Trị với một tình cảm chân thành và tha thiết nhất.



Sưu tầm từ www.quangtri.gov.vn
7.1.2006

doccocaubai0073
07-01-2006, 14:19
Tại hạ không biết nhiều nơi, nhưng vừa rồi tại hạ có làm một chuyến xuyên Việt từ Bắc vào Nam cùng vài ba người bạn. Có đi mới biết, chỗ nào cũng có cảnh đẹp, trước đây chỉ nghe nói "Hải vân đệ nhất hùng quan" chứ bây giờ khi tại hạ qua Đèo Cả thì mới biết nó đẹp hơn Hải vân nhường nào. Bên vách núi dựng đứng, bên biển cả xanh thẳm, quanh co uốn lượn, hùng vĩ hiểm trở. Bên dưới lại gần kề Vũng Rô, nơi con tàu không số của ta bị phát hiện trong cuộc chiến trên con đường HCM trên biển... thật là đẹp.!!!
Từ đó vào đến Phan Thiết, mọi cảnh vật đều như một bức tranh, tiếc rằng tại hạ không phải là họa sỹ.... nếu không đã có nhiều bức tranh đẹp!!!
Rất vui khi đọc chủ đề mà các bạn tạo ra, tại hạ sẽ gắng hết sức để có một bài viết về một thắng cảnh của đất nước ta, để góp vui cùng các bạn!!!

doccocaubai0073
07-01-2006, 14:28
Nghe lsb_Gondel viết về Thác Bản Giốc đẹp quá, thơ mộng quá !!! Nhưng không biết là bạn đã đặt chân lên đến đó chưa vậy???
Vì trước đây, Thác BẢn Giốc có giống thế thật, nhưng bây giờ bạn thử lên xem có còn cảnh thơ mộng như vậy nữa không nha. Một lời khuyên chân thành đấy!!! Vì bây giờ nó đâu còn được như bạn viết. Hai phần ba Thác bây giờ là của người Trung Quốc mất rồi. BẠn chỉ được đứng ở xa ngắm nó thôi, nhìn nó và những người lính biên phòng Trung Quốc chứ không lại gần được... Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao lại như vậy, chính tại hạ cũng không hiểu tại sao, vì nếu có đi sâu vào vấn đề này sẽ mắc vào chuyện chính trị không hay ho gì, và nó cũng là điều cấm kỵ của Lương Sơn diễn đàn... Chỉ biết rằng cả một Thác Bản Giốc hùng vỹ trước đây chỉ còn lại có thế , sau khi chúng ta ký hiệp định đường bộ với Trung Quốc....!!!
Thế cho nên tại hạ khuyên các hạ là nếu có viết gì thì nên đi thực tế trước đi !!!