PDA

View Full Version : Đêm thứ hai- Ảo tưởng dai dẳng và mê đắm điên cuồng…


Tiểu Siêu
04-07-2005, 19:54
(Cảm tác với "Đêm thứ hai" trong tập "Những đêm trắng" của F.Đôxtôiepxki)

Nàng đã gặp gã trong 4 đêm của “Những đêm trắng”, mặc dù thực tế, gã đã ở đó- trên kệ sách của nàng- đã được 19 năm, 19 năm im lìm trong một góc tối tăm, câm lặng, tựa hồ như chẳng còn ai trên đời nhớ đến sự tồn tại của gã. Rồi một ngày, trong sự rỗi rãi đến chán ngấy, nàng đưa tay kéo gã ra khỏi cái góc tăm tối, lặng lẽ ấy, phủi lớp bụi thời gian đã bao bọc gã, thì thào: “Hãy để tôi đọc anh nhé!”. Gã ngỡ ngàng, vui sướng và đáp lại bằng một giọng rụt rè: “Nhưng… nhưng tôi chỉ có thể dành cho cô 4 đêm...”. Nàng bật cười: “4 đêm là quá nhiều. Tôi chỉ muốn gặp anh ở “đêm thứ 2””.
Đêm thứ 2 gã xuất hiện, bỏ qua cái lớp vỏ của một kẻ bình thản, bàng quan, luyên thuyên đủ điều về những gì gã gặp trên đường, những gì xảy ra xung quanh cuộc sống của gã. Gã xuất hiện trong đêm thứ hai, nguyên hình là gã, chính xác là gã, từ mặt thể xác đến tâm hồn- thứ mà nàng hoặc bất kỳ ai khác không thể thấy được ở gã trong đêm trước hay hai đêm sau đó.
Gã- nguyên mẫu của một kẻ cô đơn, hoàn toàn cô đơn và tuyệt đối cô đơn. Một nghĩa phải được hiểu chính xác như vốn dĩ bản chất của hai từ “cô đơn”, phải được nhìn ở mặt chân thực nhất, thô ráp nhất chứ không phải bằng bất kỳ cái nghĩa hay cách diễn đạt bóng bẩy nào của văn chương. Gã vẫn gặp mọi người mỗi ngày nhưng gã vẫn cô đơn, hoàn toàn cô đơn, bởi gã không nói chuyện với họ- chữ “không” theo đúng nghĩa của chữ “không”.
Gã- nguyên mẫu của một kẻ cô đơn và mơ mộng, mơ mộng và kỳ dị. Gã không phải là con người thực, thế giới của gã là sự hoang đường, kỳ quái và những thứ tương tự như sự dị thường. Gã yêu cái màu sắc xám xịt của 4 bức tường, cái màu buồn thảm và tẻ ngắt với tơ nhện răng xung quanh hơn là thứ ánh sáng rực rỡ của mặt trời chiếu ngoài khung cửa sổ căn phòng gã ở- gã là kẻ chạy trốn ánh sáng.
Gã- kẻ xa lạ với những hình thức giao tiếp “kiểu con người”. Gã dè dặt, bối rối và lúng túng trước những cuộc thăm viếng xã giao của một số ít ỏi những bạn bè mà gã có. Gã- giống như “một con mèo nhỏ nhắn và khốn khổ, rón rén trốn vào gầm ghế, sau khi bị một lũ trẻ bắt giữ bằng cách quái ác và hành hạ, ngược đãi… nó cố nén mình suốt cả tiếng đồng hồ dưới ghế, lông xù lên, ho khục khặc, cố chùi bộ mặt bé tí đáng thương bằng cả hai chân, và rất lâu về sau, nó cứ nhìn một cách ác cảm với cả thế giới…”. Vâng, đó chính là hình ảnh của gã trong mỗi cuộc giao tiếp, thậm chí những cuộc thăm viếng ấy có thể khiến gã rối loạn trong suốt khoảng thời gian sau đó của ngày. Để rồi sau đó, hoảng hốt đến bấn loạn khi cánh cửa nhà gã đột ngột bị mở ra… Và gã, để kết thúc thứ cảm giác khốn khổ của một con mèo bị hành hạ, hay thứ cảm giác “nhục nhã quỵ xuống bởi gánh nặng của lòng hiếu khách”, gã đã tìm ra một cách ổn thoả, đó là không kết thân với bất cứ ai khác nữa.
Vâng, đến đây thì có thể thấy gã là một kẻ tội nghiệp, trong mắt nàng gã tội nghiệp đến mức đáng thương hại. Nhưng gã vẫn sống, vẫn tồn tại trong sự sợ hãi và run rẩy, và cái nguồn động lực đã giúp gã sinh tồn không phải tình thương đồng loại, bởi đó là thứ mà gã không có. Hay nói chính xác là gã sợ hãi đến mức từ chối tiếp cận nó và được nó bao bọc. Thứ nuôi sống gã đó là trí tưởng tượng của gã, mà phải thừa nhận rằng trí tưởng tượng của gã là thứ tuyệt diệu nhất trong những gì gã có. Nó có thể khiến cho khuôn mặt xanh xao, nhợt nhạt đầy lo âu thay bằng một vẻ hân hoan kỳ dị. Được thả mình vào thế giới của sự hoang đường, được đắm mình trong cái kỳ ảo của đời sống ấy… có tác dụng với tinh thần của gã một cách lạ kỳ. Không ai biết một cách rõ ràng cái thế giới gã tưởng tượng ấy bao gồm những gì, không một hình dung cụ thể, nhưng trong tất cả những “bức tranh sống động đầy ma lực mà ảo tưởng dệt nên” cho gã, vai trò của gã là quan trọng nhất và nổi bật nhất. Và gã cảm thấy khoái trá với những giấc mơ, những cuộc phiêu lưu được tạo ra bởi sự tưởng tượng đó. “Gã là nghệ sĩ của riêng gã, sẵn sàng tạo ra một thế giới cho mình bất cứ lúc nào khi bị khêu gợi bởi một trò chơi mới”.
Vâng, trí tưởng tượng của gã là bất tận, nó phong phú đến mức có lúc gã cơ hồ tưởng như tất cả là sự hiện hữu thực sự, không phải là kết quả của những cơn mê đắm được tạo ra bởi óc tưởng tượng bệnh hoạn của gã. Gã đã có “nàng” của gã, gã đã thấy “nàng gục đầu vào ngực gã khóc nức nở đớn đau trong cái đêm ấy, cái đêm chia ly mà không nghe thấy bão tố đang quay cuồng, không hay biết gió đang thổi rơi những giọt nước mắt trong đôi mắt đen của nàng và cuốn chúng bay xa…”. Gã đã đau đớn thực sự, đau đớn bởi một tình yêu trong những giấc mơ của gã, bởi thứ cảm xúc trong những sự mộng tưởng triền miên của gã.
Vâng, nếu như vậy, nàng hay bất kỳ ai quan sát cuộc sống của gã đều có thể nghĩ rằng gã đang lụt lội trong những ảo tưởng của chính gã, và không ai có thể kéo gã ra được những ảo tưởng dai dẳng, những cơn mộng mị điên cuống của bản thân gã. Nhưng không, thực tế chính là kẻ phá bĩnh đáng ghét nhất của gã, nó lôi tuột gã ra khỏi cái thiên đường ảo vọng mà gã mê đắm, phũ phàng đến mức phá tan nát cái vương quốc đẹp đẽ mà gã xây dựng. Nhưng rồi “một cảm giác mơ hồ nào đó, một nỗi ước ao mới, làm tim gã đập nhanh, đau nhói, nó mời gọi, kích thích trí tưởng tượng của gã đầy cám dỗ, và mơ hồ kêu lên một lô lốc những ảo tưởng mới… Nó bùng lên êm ái, nó bắt đầu sôi sùng sục như nước trong ấm cà phê để trên bếp lửa… Và rồi những ảo tưởng của gã vỡ ào ra trong ngọn lửa bập bùng… Trí tưởng tượng của gã trỗi dậy và hài hoà trở lại , bất ngờ như một thế giới mới, một thế giới ma lực chợt loé sáng rực rỡ trong trí óc gã. Một giấc mơ mới- một niềm hạnh phúc mới! một liều thuốc độc mới, ngọt ngào và gợi cảm…”.

Nàng gấp cuốn sách, trả lại gã về kệ sách. Gã không phải là trường hợp bất thường hay hiếm hoi trong cuộc sống. Nàng cũng đã gặp những con người như gã, co mình lại trong lớp vỏ bọc, tránh né sự đụng chạm với thế giới xung quanh, và nuôi sống mình bằng những ảo tưởng của bản thân, vẽ nên những bức tranh loè loẹt sắc màu hư ảo. Gã có thể sống hết quãng đời của gã trong mê đắm và mộng mị triền miên, chẳng ai có thể cấm cản gã chọn lựa cho gã cách sống nào. Nhưng gã vấn tồn tại trong thế giới thật, thế giới thật không thể biến thành cái thiên đường ảo vọng mà gã mong muốn. Đó cũng chính là lý do vì sao gã thường xuyên cảm thấy đau khổ, đau khổ vì những vấn đề của cuộc sống thực tế luôn thò tay một cách thô bạo và phũ phàng đập tan những vương quốc đẹp đẽ của gã. Mà đôi khi vấn đề ấy chỉ là một câu hỏi như gã đã bằng cách nào ăn hết thức ăn trong bữa tối?… Và những ảo tưởng khốn khổ ấy đã đẩy gã vào những căng thẳng liên miên, cuối cùng là sự hư hao và mệt mỏi…
“Và rồi ta tự hỏi: những giấc mơ của ta đâu rồi? Rồi lắc đầu tự đáp: ngần ấy tháng năm đã trôi qua! Rồi lại tự hỏi: ta đã làm gì cuộc đời của ta? Ta đã chôn vùi những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời vào đâu? Ta đã từng sống hay chưa? Ta tự bảo mình: đấy, hãy xem cái thế giới này… Nhiều năm nữa sẽ trôi qua, mang theo nỗi cô đơn sầu thảm, và rồi tuổi già đáng sợ chống nạng bước đến, sau đó tất cả chỉ còn là xót xa sầu khổ. Cái thế giới ảo mộng của ta sẽ trở nên âm u, những giấc mơ của ta sẽ khô héo và rụng xuống như những chiếc lá úa vàng. Ôi!… khi đó chỉ còn lại cô đơn, hoàn toàn cô đơn, thậm chí chẳng có gì để tiếc nuối, chẳng có gì, tuyệt chẳng có gì…”.
Tiểu Siêu