PDA

View Full Version : Lí Bạch (701 - 762)


LSB_Yến Thi
03-02-2005, 13:22
Lí Bạch (701 - 762)

Lí Bạch - nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc.

Lí Bạch, tự Thái Bạch, là người văn võ toàn tài. Tuy học rộng, tài cao, nhưng tính tình hào phóng, ưa cuộc sống giang hồ, chưa bao giờ đi thi và làm một chức quan nào cả. Từ năm 25 tuổi, ông đi du lịch khắp vùng trung, hạ lưu Trường Giang, Hoàng Hà, thăm những danh lam thắng cảnh, quan hệ với nhiều người, sáng tác nhiều bài thơ ca tụng cảnh núi sông hùng vĩ đại và nói lên chí nguyện của mình. Năm 713, vua Đường Huyền Tông (hiệu Đường Minh Hoàng) nghe tiếng thơ hay, đã vời ông vào cung. Nhưng vua Đường chỉ dùng ông để sáng tác những bài thơ ca ngợi cảnh ăn chơi sa đọa của nhà vua, do đó ba năm sau, ông rời bỏ triều đình, tiếp tục đi du lịch. Năm 755, viên tướng người Hồ coi giữ biên thùy của nhà Đường là An Lộc Sơn nổi loạn chống lại triều đình, chiếm kinh đô Trường An. Lí Bạch đã tham gia vào đội nghĩa quân của Lí Lân (con của Đường Huyền Tông). Nhưng vua Đường Túc Tông (mới lên ngôi thay thế Đường Huyền Tông) nghi ngờ Lí Lân âm mưu chống lại mình, nên phái đại quân tiêu diệt đội nghĩa quân của Lí Lân. Lí Bạch bị kết tội mưu phản, suýt bị giết chết. May nhờ một viên tướng của Túc Tông xin cho, ông được giảm xuống tội đi đày ở biên cương. Năm sau được ân xá, ông lại tiếp tục cuộc đời phiêu lãng. Năm 60 tuổi, ông còn đệ đơn vào quân đội của triều đình đi đàn áp bè đảng tàn dư của An Lộc Sơn. Nhưng giữa đường bị bệnh trở về, ông mất năm 762, thọ 61 tuổi.

Lí Bạch để lại cho đời sau hơn một nghìn bài thơ. Qua những bài thơ, ông đã biểu lộ thiết tha yêu tổ quốc, thông cảm đời sống khổ cực của nhân dân, tố cáo sự tàn bạo và xa hoa của giai cấp thống trị, phản đối chiến tranh do giai cấp thống trị gây nên, đặc biệt ông yêu chuộng cuộc sống tự do độc lập, không chịu "khom lưng khuất phục bọn quyền quý". Thơ ca của Lí Bạch cho đến ngày nay vẫn được nhân dân Trung Quốc và thế giới truyền tụng.

Sưu tầm tại http://www.binhthuan.gov.vn/khtt/vanhoa/0001/0002/
(yêu cầu YT đọc lại nội quy trên CHÚ Ý của DTKC trước khi post bài. LSB-LyQuy)

LSB-RongLuaBacCuc
25-02-2005, 08:36
Đời Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên, có một người vợ nhà họ Lý đêm nằm chiêm bao thấy Thái Bạch Kim Tinh rơi vào bụng mình, thời gian sau bà sinh hạ một bé trai đặt tên là Lý Bạch. Lý Bạch từ nhỏ đã có tài làm thơ, mọi người đồn rằng thần tiên giáng thế chẳng trách văn thái phi phàm nhường vậy. Lý Bạch không chỉ thích làm thơ mà ông còn say mê cả kiếm thuật, ông theo học một đạo sĩ ở núi Nga Mi, thói quen uống rượu làm thơ cũng được hình thành trong thời gian này.

Thời ấy Đường Huyền Tông là một vị vua anh minh. Về văn thơ mà nói ông cũng là một người am hiểu sâu sắc, bởi vậy có người trong triều tiến cử ông lập tức cho triệu Lý Bạch vào cung, Lý Bạch với phong cách ung dung, thư thái vung bút thành những áng thơ bất hủ đã chiếm được cảm tình của Huyền Tông sau đó ông đươc phong chức Hàn Lâm.

Trong một lần Đường Huyền Tông cùng Dương Quý Phi ngắm hoa thưởng rượu. Khi mà cả rượu lẫn hoa đều không còn làm vui lòng người Đường Huyền Tông bèn cho người gọi Lý Hàn Lâm đến, lúc bấy giờ Lý Bạch đang say trong men rượu mở mắt ra thấy sắc đẹp của Dương Phi quá ư lộng lẫy mới vung bút viết ra bài thơ bất hủ "Thanh Bình Điệu". Đại ý của bài thơ nói : Trông thấy áng mây đẹp thì nhớ tới xiêm áo của Dương Quí Phi ...Triệu Phi Yến thời nhà Hán dẫu tân trang cũng khó lòng sánh kịp...Người đẹp như Dương Phi nếu không phải ở núi... Tây Vương Mẫu, thì cũng là tiên nữ đến từ chốn Dao đài. "Thanh Bình Điệu" được coi là tác phẩm bất hủ như vậy nhưng trên thực tế bài thơ đó đã là một tai họa đối với ông.

Dương Phi nghe xong bài thơ ấy thì trong lòng vui mừng khôn xiết, tuy xưa nay bà đã nghe nhiều lời ca tụng sắc đẹp của mình song không ai nói được như Lý Bạch mặc dù về mặt văn thơ mà nói Dương Phi không phải là người am hiểu rộng. Cao Lực Sĩ là một viên hoạn quan trong cung thấy vậy thì trong lòng mang đầy tức tối, ganh ghét đối với Lý Bạch. Trong một lần Lý Bạch say khướt mới nằm sõng xoài ra kêu Cao Lực Sĩ cởi giầy cho mình. Thực ra sai một tên hoạn quan trong cung cởi giầy thì cũng là một việc bình thường nhưng Cao Lực Sĩ lại là ở một vị thế khác, trong cung hắn là người được Huyền Tông sủng ái, thế lực ở trong nội cung thì không một kẻ hầu người hạ nào bằng, lúc bấy giờ họ Cao chẳng biết làm sao đành phải nhắm mắt nín thở chịu mùi hôi thối từ giầy của Lý Bạch bốc ra, từ đó Cao Lực Sĩ càng thêm căm hận Lý Bạch hơn, luôn tìm cơ hội để trả thù và "Thanh Bình Điệu" lại chính là công cụ để Cao Lực Sĩ mang ra hãm hại Lý Bạch. Cao Lực Sĩ mới tâu với Dương Phi rằng : Lý Hàn Lâm so sánh Triệu Phi Yến kẻ đã làm cho nhà Hán lụi bại với Quí Phi chẳng phải là đã làm nhục Quí Phi đó sao ? Dương Phi nghe xong mới giật mình cho là phải từ đó hễ Huyền Tông có cất nhắc cho Lý Bạch việc gì Dương Quí Phi cũng đều can ngăn. Lý Bạch thấy Huyền Tông quá ham mê sắc dục ông liền cáo quan bỏ đi du ngoạn thắng cảnh khắp nơi.

Đến một huyện lọ Lý Bạch cưỡi lừa nghênh ngang đi qua cửa quan huyện. Viên quan lọ cho người ra bắt bớ, Lý Bạch cười vang rồi ngâm một bài thơ đại ý: Từng được lệnh lấy khăn rồng lau đồ nôn ra, Quí Phi bê nghiên mực, Lực Sĩ cởi giầy, Trước cửa cấm cung còn có thể cưỡi ngựa được, qua huyện cỏn con này không được cưỡi lừa sao ?. Ngâm xong lại quay đầu lừa đi tiếp.

Bổ sung cho bài viết trên của LSB-Yến Thi : Người đã xin cho Lý Bạch thoát tội chết là danh tướng Quách Tử Nghi người đã dẹp loạn An Sử, đồng thời Quách Tử Nghi cũng đã từng chịu ơn cứu mạng của Lý Bạch.