PDA

View Full Version : Quách Mạt Nhược


Tiểu Siêu
01-02-2005, 21:59
Quách Mạt Nhược sinh năm 1892, trong một gia đình quý tộc ở Tứ Xuyên. Ngay từ thuở nhỏ đã chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca, như thơ Đường... Bên cạnh đó, ông cũng tiếp thu khá nhiều tư tưởng "phú quốc cường binh" của chủ nghĩa dân chủ cũ.
Năm 1914, ông sang Nhật Bản học nghề thuốc với mong ước “cứu nước giúp dân”, nhưng sau, sẵn có khiếu về thơ văn, ông dần chuyển sang làm văn chương.
Cùng thời gian diễn ra Cách mạng tháng Mười của Nga và phong trào Ngũ tứ, Quách Mạt Nhược đã cho ra đời tập thơ "Nữ thần". Trước đó, ông đã cùng một số lưu học sinh Trung Quốc thành lập “Hạ xã”, xuất bản sách báo, tuyên truyền phản đối đế quốc Nhật. Và cũng trong thời gian diễn ra phong trào Ngũ tứ, Quách Mạt Nhược đã bắt đầu viết những vở kịch lịch sử. Trong đó có thể kế đến những vở như “Trác Văn Quân”, “Vương Chiêu Quân”, “Nhiếp Oanh”…(từ khoảng năm 1920-1923)
Năm 1921, Quách Mạt Nhược cùng Thành Phương Ngô, Úc Đạt Phu trở về Trung Quốc và thành lập ra “Sáng tạo xã”. Trước khi cuộc nội chiến lần thứ nhất diễn ra, ông đã cho xuất bản tập thơ "Tiền mao". Đồng thời vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động của “Sáng tạo xã”.
Năm 1924, Quách Mạt Nhược dịch cuốn "Tổ chức xã hội và cách mạng xã hội của một nhà lý luận vô sản Nhật Bản". Và khi nội chiến lần I chính thức bùng nổ, ông đảm nhiệm chức phó chủ nhiệm bộ chính trị quân đội Bắc phạt. Và đến năm 1927, khi Tưởng Giới Thạch phản biến, Quách Mạt Nhược làm uỷ viên Uỷ ban Cách mạng cuộc khởi nghĩa “Bát nhất” ở Nam Xương. Khi cuộc khởi nghĩa “Bát nhất” đã thất bại, ông lui về Thượng Hải, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, và sau đó cho ra đời tập thơ "Khôi phục".
Năm 1928, Quách Mạt Nhược bị Quốc dân đảng ra lệnh truy nã, phải sang Nhật lánh nạn và phải sống cuộc đời lưu vong trong suốt 10 năm.
Năm 1937, chiến tranh Hoa Nhật diễn ra, Quách Mạt Nhược về nước tham gia kháng chiến. Trong thời gian ấy, ông đã viết nhiều thơ ca, văn xuôi, nhất là những vở kịch lịch sử như "Khuất Nguyên", "Hổ phù", "Đường lệ chi hoa"… tố cáo chính sách đầu hàng Nhật chống Cộng của Quốc dân đảng.
Khi nước CHND Trung Hoa ra đời, Quách Mạt Nhược giữ chức Phó trưởng ban thường vụ quốc hội, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật TQ, Viện trưởng Viện khoa học TQ và phó chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới. Thời gian về sau, ông cho ra đời những tập thơ như "Tân hoa tụng", "Trăm hoa đua nở", "Trường xuân tập"... đây đều là những tập thơ ca ngợi nhà nước TQ mới, Mao Trạch Đông, hoà bình thế giới…
Năm 1959, cho ra đời vở kịch “Thái văn cơ”(5 màn), một năm sau (1960) là “Võ Tắc Thiên”(4 màn). Tuy nhiên, trong tất cả những vở kịch của Quách Mạt Nhược, Khuất Nguyên vẫn là vở kịch được biết đến nhiều nhất.
Quách Mạt Nhược- nhà thơ, nhà viết kịch, sử học- người đã có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng TQ, đồng thời cũng là người đặt nền móng cho nền thơ mới TQ thời Ngũ tứ.
...
(Dựa theo tài liệu Lịch sử Văn học Trung Quốc)
Tiểu Siêu