PDA

View Full Version : Nhân vật Lương Sơn


LSB-TruongThanh
11-08-2004, 09:36
Theo tại hạ nhận xét thì trong 108 vị anh hùng LSB, 5 nhân vật sau đây là được người đọc yêu thích hơn cả

1/ Ngọc Kỳ Lân - Lư Tuấn Nghĩa: là một vị viên ngoại ở Hà Bắc nhưng ông không có những tật xấu của bọn trọc phú. Ngược lại, ông lại văn võ song toàn, nổi danh hào kiệt. Nhiều người cho rằng nếu ông ngồi chức trại chủ Lương Sơn thì sẽ không có tình cảnh các hảo hán phải bỏ mình

2/ Hành giả - Võ Tòng: câu chuyện của ông đã trở thành một truyền thuyết. Nhắc đến ông là người đọc nghĩ ngay đến "Võ Tòng đả hổ", "Võ Tòng sát tẩu". Ông được yêu mến là nhờ vào cái nghĩa khí ngất trời và một thân võ nghệ tuyệt luân

3/ Báo Tử Đầu - Lâm Xung: nếu hỏi ai là tay anh dũng nhất trong 108 người thì câu trả lời là Lâm Xung. Vị giáo đầu từng cai quản tám mươi vạn cấm quân này gây chú ý nhiều cho người đọc thông qua vũ công vô địch của mình

4/ Trí Đa Tinh - Ngô Dụng: là một người thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung tri nhân sự. Nhờ vào tài mưu lược của ông mà quân Lương Sơn đánh đâu được đó. Nhiều người cho rằng chính ông mới xứng là thủ lĩnh của trại Thuỷ Hử

5/ Lãng Tử - Yến Thanh: là một người tài hoa hiếm thấy. Ông giỏi vũ nghệ, rành văn thơ, lại ca hát rất sành điệu. Không những thế ông còn rất phong lưu anh tuấn, thông hiểu nhiều thứ tiếng địa phương. Tuy nhiên, có lẽ cái làm cho người đọc tôn trọng ông là lòng trung thành

Mời mọi người viết tiếp những suy nghĩ về các anh hùng, nữ hiệp Lương Sơn

Tây Môn Xuy Tuyết
11-08-2004, 10:18
Hì ,Tiểu Trương đặt Lư Tuấn Nghĩa lên đầu bẳng cũng đúng thôi .Về võ nghệ hay về tài năng nhiều mặt thì có lẽ Lư Tuấn Nghĩa trên Tống Giang một bậc .Nhưng ngẫm cho cùng thì tác giả đặt Tống giang đầu tiên một phần cũng vì khía cạnh lịch sử và hơn hết là cái chủ trương của Tống Giang là nhân nghĩa làm đầu (đây là tư tưởng chính của đạo Khổng ) mà nó có gì đó hướng tới cái tương lai bây giờ ( xã hội hiện nay thì việc tồn tại một Lương Sơn Bạc giết người nhanh như chớp là điều phi lí ) .Tống Giang luôn chủ trương không giết dân lành vô tội chỉ nhắm vào bọn cường hào ác bá .Có lẽ nói về Tống Giang thì cũng cần nhiều giấy mực chẳng kém viên ngoại họ Lư .Thế nên khi dương danh 108 vị đầu lĩnh ,họ đã cho thêu lá cờ có chữ :
"Sơn Đông Hô Bảo Nghĩa
Hà Bắc Ngọc Kỳ Lân"
Hai người này là tinh hoa của Lương Sơn Bạc vậy .

Nhắc tới những nhân vật thành danh thì không thể bỏ qua Nhất Thanh đạo nhân -Nhập Vân Long Công Tôn Thắng : Ông là nhân vật có nhiều chiến công và góp công lớn trong việc tạo dựng nên một Lương Sơn Bạc gần như bất khả chiến bại .Giỏi võ nghệ ,tinh thông pháp thuật .Cùng Ngô Dụng ông trở thành một trong 2 vị quân sư của Lương Sơn Bạc ngày ấy .

Một Vũ Tiễn Trương Thanh : Võ tướng mà Tiểu Trương kia mang tên đó :P .Chắc là để người dùng tên của ông nói về ông thì có lẽ hay hơn nhiều .Chỉ dám nói một đôi dòng để thấy ngưỡng mộ vị tướng này .Ông có lẽ là 1 trong những đối thủ mà Lương Sơn Bạc khó trị trước khi đầu nhập Thuỷ Hử trại .Khác với trận chiến với Chúc Gia Trang mà Lương Sơn thu được nữ hổ tướng Nhất Trượng Thanh -Hổ Tam Nương ,cuộc chiến với Trương Thanh là trận mà các đầu lĩnh Lương Sơn gần như thảm bại .Một mình đánh ngã đến mười mấy tướng của Lương Sơn ,đánh gục cả những tay cao thủ như Lỗ Trí Thâm ,Lý Quỳ .........chỉ bằng tài ném đá .Có lẽ Lương Sơn thu được Trương Thanh là do cái đầu thần toán của Ngô Dụng ,quân số đông và một phần do thiên cơ muốn kết hợp đủ 36 sao Thiên Tinh cùng 72 ngôi sao Địa Sát .

Nhân nhắc về Hổ Tam Nương thì cũng xin nói tiếp về vị nữ anh hùng này .Có thể nói trong 3 nữ Đầu Lĩnh của Lương Sơn thì chỉ có Hổ Tam Nương là nổi bật hơn cả .Kết duyên cùng Vương Anh ,phu thê của bà đã cùng Lương Sơn Bạc đánh rất nhiều trận và lập nhiều chiến công .Nhan sắc hơn người ,võ nghệ xuất chúng (ngang tài với rất nhiều hảo hán Lương Sơn) .Nói về phái nữ thì bà quả là người đáng để tôn vinh .....

Còn rất nhiều điều muốn nói nhưng thời gian có hạn nên đành để bàn luận sau.Lương Sơn Bạc còn nhiều nhân vật đáng để bàn .Đã có mặt trong diễn đàn này thì cũng mong mọi người cùng nhau bàn luận chút nữa cho rôm rả .Rất mong mở rộng tầm mắt

papillon
11-08-2004, 21:05
nhắc đến 108 anh hùng Lương Sơn Bạc tại hạ nghĩ không thể không nhắc đến cặp bài trùng là Thần hành thái bảo ĐỚI TUNG và Hắc toàn phong LÝ QUỲ . lý quỳ không sợ ai lại chỉ sợ Đới Tung ( qua việc mời Nhập vân long CÔNG TÔN THẮNG ), và cặp này gây bao truyện buồn cười trong THUỶ HỬ
nhưng tại hạ không thích nhân vật SÀI TIẾN cho lắm vì nhân vật này chẳng có tài gì ngoài việc là mạnh thường quân , chỉ biết mỗi việc tiếp khách

Tây Môn Xuy Tuyết
12-08-2004, 20:48
Nhân vị huynh đệ này nói về Hắc Toàn Phong Lý Quỳ ,tại hạ cũng muốn tiếp tục bàn về nhân vật này .Tíh tình nóng nẩy ,sức khoẻ phi thường mà theo ngôn ngữ mà sử sách vẫn dành cho những con người kiểu Trương Dực Đức trong Tam Quốc thì Lý Quỳ cũng được coi như thế :Hữu Dũng Vô Mưu .Tuy nhiên cái đáng để khâm phục Lý Quỳ cũng giống như các anh hùng khác của Lương Sơn Bạc ngày đó là tinh thần xả thân vì nghĩa .Đôi búa sắt trong tay ,Lý Quỳ được miêu tả như một đại sát tinh .Nhưng cái kẻ hiếu sát như vậy lại là một nhân vật hiếu nghĩa theo kiểu mạnh mẽ hơn cả Hiếu Nghĩa Hắc Tam Lang trại chủ :một mình chém 4 hổ vì mất mẹ -đó cũng là một cái đáng khâm phục của Lý Thiết Ngưu .Hơn nữa ,theo thiển ý của tại hạ thì Lý Quỳ là người có chút "cá tính" ,hay gây trò không chỉ cùng Đới Tung nhu huynh đệ nói ,ví dụ như cuộc đánh nhau cùng Lãng Lý Bạch Điều Trương Thuận để kiếm cá tươi cho Tống Giang hay như đánh nhau với đám cờ bạc vì thua mất tiền của Tống Giang cho mượn và còn nhiều nhiều tình huống khác .

Song song cùng Lý Quỳ là Thần Hành Thái Bảo Đới Tung (có sách còn dịch là Đới Tôn hay Đái Tôn hoặc Đái Tung) .Nói chung là tên tuổi không quan trọng nhiều ,điều mà người đọc thích ở cái ông Đái (Lung:) ) Tung này là cái phép thần hành mà ông sở hữu .Với bốn mảnh giáp mã có phép thuật ,buộc hai mảnh thì một ngày đi được 500 dặm ,buộc cả bốn mảnh thì một ngày đi được 800 dặm -ủa là thần kì .Ông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tin tức và do thám cho Lương Sơn.

Song Chiên Hô Diên Chước :có thể nói đây cũng là một trong những hùng tướng của Lương Sơn Bạc cùng với Tích Lịch Hoả Tần Minh hay Báo Tử Đầu Lâm Xung .Hai ngọn roi sắt (song chiên hay song tiên ) và sở trường là cách bầy trận liên hoàn mã ông đã từng làm cho Tống Giang ,Ngô Dụng và các đầu lĩnh Lương Sơn điêu đứng .Nếu không có tài câu liêm của Từ Ninh trợ giúp thì có lẽ ông đã không thua và không đàu nhập Lương Sơn -có lẽ là lương duyên ,là ý trời .

Đứng đầu trong nhóm Thuỷ Quân của Lương Sơn Bạc có lẽ là Hỗn Giang Long Lý Tuấn .Đọc xong Thuỷ Hử thì nhiều người cảm nhận Lương Sơn Bạc có đến cả chục Yết Kiêu như Việt Nam .Trong Thuỷ Hử rất ít hoặc những lời miêu tả về tài bơi lội của họ ngoài việc Nguyễn Thị Tam Hùng ra tay hồi cùng Tiều Cái lên Lương Sơn ,cùng Lâm Xung chém Vương Luân rồi chỉ huy và xây dựng Lương Sơn Bạc .Tuy nhiên người ít được nhắc đến như Lý Tuấn lại được đánh giá là Đầu Lĩnh thuỷ quân vì ngay từ đầu ông đã là người đứng đầu trong nhóm anh em Mục Xuân ,Mục Hoằng ,Trương Hoành .....toàn những tay kình ngư cả .NKT rất muốn nghe thêm về vị đầu lĩnh này ,mong mọi người hiểu nhiều hơn có thể viết thêm để tại hạ hiểu .

LSB-TruongThanh
13-08-2004, 11:44
Liệt kê thêm một số nhân vật được yêu thích nữa:

- Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh: ông đứng hàng thứ 10 trong 108 người. Sở hữu một tài cung tiễn tuyệt vời, ông lập không ít chiến công cho đại trại Lương Sơn cũng như binh nhà Tống. Ngoài ra Hoa Vinh cũng là kẻ cơ trí hơn người, mưu cao kế hiểm

- Hoa Hoà Thượng Lỗ Trí Thâm: ông có sực mạnh kình Trương Phi, đương Hạng Võ. Nhổ bứng cả gốc dương liễu đường kính rộng hơn hai vòng tay người lớn. Ông tính tình bộc trực, nghĩ sao làm vậy nhưng lại nghĩa khí hơn người. Bởi thế tuy lỗ mãng nhưng ông được rất nhiều người yêu mến

- Lăng Lý Bạch Điều Trương Thuận: biệt hiệu "ngọn sóng trắng" cũng chứng tỏ được tài bơi lội hơn người của ông. Chính họ Trương là người giải cứu khi quần hùng bị vây khốn tại Bạch Long miễu. Giữ chức thuỷ quân đầu lĩnh, ông đã không ít lần lập chiến công nơi bến Thuỷ Bạc. Khi ông tử trận tại Dũng Thiên môn, Tống Giang cùng các hảo hán vô cùng thương tiếc

- Tiểu Toàn Phong Sài Tiến: được biết đến như một Mạnh Thường Quân sẵn sàng cứu trợ các hào kiệt lúc lâm nguy. Ông tinh thông võ nghệ, lại giỏi văn chương......nhưng mọi người kính trọng lòng hào hiệp của ông hơn cả

- Hỗn Giang Long Lý Tuấn: xuất thân từ bến Tầm Dương, tài lội nước của ông được khẳng định qua ngoại hiệu "Rồng khuấy sông". Sau khi cùng các anh hùng dẹp binh Phương Lạp, Lý Tuấn cùng anh em họ Đổng từ bỏ công danh, du thuyền ra biển. Theo truyến thuyết thì ông trở thành quốc vương ở hải ngoại

Mời các huynh đệ kể tiếp về những nhân vật mình yêu thích

Tây Môn Xuy Tuyết
14-08-2004, 18:52
Hãn Địa Hốt Luật Chu Quý :người được nhắc đến có lẽ cũng hơi nhiều trong Thuỷ Hử .Chú Quý hầu như không tham gia vào các trận đánh của Lương Sơn nhưng cũng không phủ nhận là ông là người cũng được rất nhiều người yêu mến .Chu Quý mở tửu điếm ngay dưới chân núi Lương Sơn với mục đích :thám thính những "món hàng" cho những "Đại Sơn Tặc" của Lương Sơn thu thập ,đón tiếp các anh hùng hảo hán trong thiên hạ lên núi tụ nghĩa .Có thể nói ông là người giỏi giao tiếp ,võ nghệ cũng khá mà ngay cả văn thơ cũng tinh thông .Nhiều ý kiến cho rằng ,nếu ngày ấy Chu Quý không đọc được bài thơ của Lâm Xung khi ông muốn đầu nhập Lương Sơn và mời Lâm Xung lên núi thì có lẽ không có Lương Sơn Bạc như đã bàn.

Biển Mệnh Tam Lang Thạch Tú :là phận em khi kết nghĩa với Bệnh Quan Sách Dương Hùng nhưng ông lại có vẻ là người xuất sắc hơn hắn nghĩa huynh và được độc giả yêu mến nhiều hơn .Thạch Tú được yêu mến nhiều cũng như "Võ Tòng giết chị báo hồn anh" vậy .Tuy chỉ là anh chàng làm nghề mổ lợn và kết nghĩa cùng Dương Hùng nhưng ông coi gia đình họ Dương nhu nhà mình vậy .Ông đã khẳng khái vạch mặt gian phu dâm phụ mặc dù Dương Hùng có chút nghi ngờ .Võ công cũng giỏi mà nghĩa khí ngất trời ,ông cũng là vị hảo hán được yêu mến và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Xích Phát Quỷ Lưu Đường:Dung nhan cổ quái ,tóc đỏ như máu nên được gọi là Xích Phát Quỷ (quỷ tóc đỏ) .Võ nghệ ,nghĩa khí cũng xứng anh hùng .Ông là một trong những hảo hán đầu tiên của sơn trại .Hội ngộ cùng Thác Tháp Thiên Vương Tiều Cái ,Trí Đa Tình Ngô Dụng ,Nhập Vân Long Công Tôn Thắng và Nguyễn Thị Tam Hùng ,7 người đã cướp lấy số tài sản phi nghĩa mang đút lót quan trên để mua chức tước ,cái nghĩa khí ấy đáng được tôn trọng và yêu mến .

Xin mời mọi người tiếp tục

LSB-TruongThanh
14-08-2004, 21:38
Tiếp theo

- Đại Đao Quan Thắng: võ công trác tuyệt, vốn là hậu duệ của Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường. Ông đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng của Lương Sơn, thường dương cờ thêu hình "thanh long" khi xuất trận. Tuy nhiều người cho là Lâm Xung vô địch, nhưng xem ra Quan Thắng cũng không hề thua kém. Bởi ông ngồi chiếc ghế đầu lĩnh thứ năm trong khi họ Lâm đứng thứ sáu

- Mỹ Nhiệm Công Chu Đồng: là người nghĩa khí, hào hiệp. Ông nhiều lần phóng thích các hảo hán như Triều Cái, Lôi Hoành chỉ vì tình bằng hữu. Võ công của ông cũng thuộc hàng xuất chúng, đó là lý do ông nằm trong đội Bát Đại Phiêu Kỵ Tướng của trại Thuỷ Hử. Việc Tống Giang làm đủ mọi cách để đưa ông về Lương Sơn cũng chứng tỏ tài năng của ông không phải tầm thường

- Kim Sang Thủ Từ Ninh: cũng như Lâm Xung, ông là một võ quan nổi tiếng tại kinh đô. Chỉ có tài đánh liêm sang của ông mới giúp Lương Sơn phá được trận liên hoàn mã của Hồ Duyên Chước. Từ Ninh thọ thương trong cuộc đối đầu với binh Phương Lạp rồi chết đã để lại nhiều đau xót cho các anh em hảo hán

- Cửu Vân Long Sử Tiến: là nhân vật xuất hiện đầu tiên trong số 108 anh hùng. Họ Sử tinh thông thập bát ban võ nghệ, lại phong lưu, hào sảng. Vì cứu nguy cho bọn Chu Vũ, Trần Đạt, Dương Xuân, ông phóng hoả đốt cả cơ nghiệp của tổ tiên mà không hề hối tiếc. Khi binh Lương Sơn bình giặc Phương Lạp, Sử Tiến bị loạn tiễn phân thây. Tuy nhiên đa số người đọc vẫn rất dành nhiều tình cảm cho ông

- Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ: tuy nằm trong nhóm 72 phó tướng nhưng Chu Vũ là một nhân vật rất quan trọng của Lương Sơn đại trại. Nếu Tống Giang có Ngô Dụng bày mưu thì Lư Tuấn Nghĩa cũng có họ Chu lập kế. Tuy cơ trí Chu Vũ khó sánh với Ngô Dụng nhưng ông lại am tường binh pháp trận đồ nhiều hơn. Khi bình giặc Liêu, dẹp nội loạn, ông không ít lần gỡ gạc thể diện cho binh Tống

Có mỗi mình lão NKT tham gia, buồn quá!

Bệnh Quan Sách
14-08-2004, 21:51
Hai Người viết hay lắm .. lại rất am tường , nhiều người đọc thuỷ Hử nhưng để bình luận đc ko có mấy người .. tham ra chỉ e bị chê cười :D thui ngồi coi hai người viết thui ah , cố gắng lên nhé đọc cũng thích, tui mà làm trong thưởng phạt thì , hai cậu mỗi ngưòi 50 điểm

Tây Môn Xuy Tuyết
15-08-2004, 09:12
Tiểu Trương viết về Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ hay quá NKT đang định viết về ông này thì chú em viết mất rồi ,Địa Khôi Tinh Chu Vũ đứng đầu trong 72 sao Địa Sát coi như sánh với Thiên Khôi Tinh Tống Giang đứng đầu trong 36 ngôi sao Thiên Tinh .Tuy tài năng của ông trong Thuỷ Hử chuyện không được nói nhiều nhưng trong bộ hậu Thuỷ Hử thì tài năng của ông quả là hiếm thấy .NKT xin được nêu thêm vài vị nữa cũng rất đáng được chú ý

Thanh Diện Thú Dương Chí :Nguyên làm chức Chế Sứ ,nhận nhiệm vụ trở đá hoa cương để xây lăng mộ chẳng may bị đắm thuyền khiến cuộc đời lưu lạc của ông bắt đầu từ đó .Từng là nạn nhân để Lâm Xung lập đầu danh trạng khi muốn đầu nhập Lương Sơn theo yêu cầu của bọn Vương Luân ,ông đã trổ tài đấu ngang ngửa cùng Lâm Xung -Việc này đủ chứng minh tài nghệ của Dương Chí ngang ngửa với những bậc thầy về võ nghệ của Lương Sơn Bạc .Sau này cùng với đoàn quân của Lương Sơn Bạc vị tướng mặt xanh này cũng đã lập rất nhiều chiến công .Rất tiếc NKT không thông Hậu Thuỷ Hử nên không biết được hết những tình tiết sau này diễn ra như thế nào đối với Dương Chế Sứ .

Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn : ông cũng là một trong những võ tướng tài ba của Lương Sơn .Với sở trường là ngón nghề dùng hoả bác ,ông cùng với Hô Diên Chước sử dụng trận Liên hoàn mã gần như bất khả chiến bại .Theo thiển ý của NKT :nếu ngày đó Ngô Dụng không lập mưu mà thu Lăng Chấn về Lương Sơn đầu tiên thì có lẽ ngay cả có được Kim Sang Thủ Từ Ninh cũng không thể phá nổi Liên Hoàn Mã Trận của Hô Diên Chước và Lăng Chấn .

Thái Viên Tử Trương Thanh :Vị này tài ba không được như người cùng tên họ là Một Vũ Tiễn Trương Thanh ,tuy nhiên điều người đọc cảm thấy thích và gần như có nhiều người khiếp sợ ở ông là cái nghề mà ông làm trước khi đầu nhập Lương Sơn .Võ nghệ cũng giỏi ,ngay cả bà vợ Mẫu Đại Trùng Cố Đại Tẩi của ông cũng là một nữ kiệt .Hai vợ chồng ông lập một tửu điếm mà món thịt mà họ có dùng để kinh doang đó là "thịt người".Đánh thuốc mê cướp tiền của còn xác người thì phi tang bằng cách mổ thịt làm nhân bánh -quá ghê rợn .Nhưng cũng chính bằng ngón nghề này mà ông đã cùng Cố Đại Tẩu cứu sống Võ Tòng và biến một vị Đô Đầu phạm tội khi đánh Tưởng Môn Thần và phạm tội giết một lúc cả nhà quan chi phủ thành một ông Hành Giả mà sau này đó là danh hiệu của vị anh hùng tay không đánh hổ .

Tạm thời dừng lại ở đây hẹn lần sau sẽ tham gia cùng Tiểu Trương tiếp vậy .Mong mọi người cùng tham gia cho vui .Bệnh Quan Sách đại ca ,đệ không cho rằng huynh không thể viết thêm gì .Cảm ơn lời động viên của huynh và cũng dám mong huynh tham gia cho có anh em ,đệ xin nhịn cơm để chờ bài viết của huynh đó :)

Tiểu Siêu
15-08-2004, 19:05
Có mỗi mình lão NKT tham gia, buồn quá!
Để hôm nào tỷ vời Chu quân sư vào luận bàn Thuỷ Hử với Trương tiểu đệ , có lẽ Chu Vũ quân sư rành về khoản này hơn :) . Còn tỷ thì . . . chịu thua :( .
Tiểu Siêu

papillon
16-08-2004, 20:26
sao không thấy các vị nhắc tới Nhập vân long CÔNG TÔN THẮNG vậy?
vị này tài phép đầy người cứ như là người ở trên trời vậy
trong nhiều trận nếu không có ông này (như trận đánh nhau với HỖN THẾ MA VƯƠNG PHÀN THUỴ ) thì TỐNG GIANG thua là cái chắc
nhưng tui thấy ẹ nhất là 2 ông chuyên hành nghề đao phủ SÁI PHÚC và SÁI KHÁNH ( không biết có đúng không) , chắc là tác giả cho vào cho đủ 108 vị anh hùng thì phải

LSB-LyQuy
09-09-2004, 16:17
Nếu nói về các vị anh hùng của LSB, Lý gia chỉ thích nhất mỗi Hắc Toàn Phong Lý Quỳ mà thôi. Vì sao? Vì tuy ông không có học, gọi là "hữu dũng vô mưu" nhưng cái chính là bản chất của ông là một người rất thật thà. Ông ghét sự dối trá và chính ông là người luôn đứng ra tố cáo tội dối trá của Tống Giang. Thánh Thán đã bàn rằng Thi Nại Am sinh ra Lý Quỳ để đối lại với Tống Giang trong những lúc TG tỏ ra là một người mềm yếu và dối trá. Ngoài ra trong số 108 vị anh hùng thì LQ có một hoàn cảnh thật thương tâm khi mẹ ông bị cọp ăn thịt. Võ Tòng giết hổ trong lúc say rượu còn LQ giết hổ trong sự căm hận! Muốn về đón mẹ lên LSB để hưởng sự an nhàn nhưng hóa ra lại là hại mẹ, có lẽ chính ông sẽ phải ân hận suốt đời vì việc làm của mình tuy rằng nó có một động cơ rất tốt. Sinh thời ông hết lòng vì sơn trại để rồi cuối cùng ông chết vì đúng tay người đại huynh của mình. Số phận ông quả là đáng thương nhất nhì LSB.
Như Lý gia đã từng nói, trong số 108 vị anh hùng thì có nhiều vị dường như tác giả cho vào để đủ bộ chứ thực chất không hề có tài và công trạng gì cho LSB. Ví dụ như Hoạt Diêm La Vương Đình Lục, Kim Mao Khuyển Đoàn Cảnh Trụ...là những con người rất được ít nói đến và không hề có một chút ít gì công trạng cho sơn trại.
Quả thật LSB chỉ nên có 36 vị thiên cương thôi thì đúng hơn!

LucTieuPhung
09-09-2004, 18:13
Như Lý gia đã từng nói, trong số 108 vị anh hùng thì có nhiều vị dường như tác giả cho vào để đủ bộ chứ thực chất không hề có tài và công trạng gì cho LSB. Ví dụ như Hoạt Diêm La Vương Đình Lục, Kim Mao Khuyển Đoàn Cảnh Trụ...là những con người rất được ít nói đến và không hề có một chút ít gì công trạng cho sơn trại.
Quả thật LSB chỉ nên có 36 vị thiên cương thôi thì đúng hơn!
Bé Lý nghe anh nói đây!
Vương Đình Lục biệt hiệu thật là Hoạt Thiểm Bà (mặc dù là đàn ông), trong Thủy Hử có nhiều bản dịch nhầm. Nguyễn Tiểu Thất mới là Hoạt Diêm La chính hiệu. Họ Vương không phải là không công. Ông gia nhập muộn, lúc nồng cốt của LS đã gần như hoàn tất. Sau này khi Tống Giang về hàng triều đình, Vương Đình Lục theo Lý Tuấn, tam hùng họ Nguyễn,..v...v...giữ chức đầu lĩnh thủy binh, cũng lập được một số công trạng trước khi tử trận
Còn Kim Mao Khuyển Đoàn Cảnh Trụ xuất thân là người buôn ngựa, sau lỗ vốn mà hành nghề trộm cắp. Ông có tài xem tướng ngựa rất hay. Mỗi người một sở trường, đâu phải vì ông ít ra trận mà cho là vô công được! Hơn nữa, họ Đoàn rất thành thạo đường lối ở các địa phương hẻo lánh, ông góp một phần không nhỏ cho trận thắng quân Liêu đầu tiên của binh mã Lương Sơn
LSB nếu không có Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ thì ai giúp Lư Tuấn Nghĩa bày mưu? Thiếu Thần Y An Đạo Toàn thì kẻ nào trị khỏi bệnh cho Tống Công Minh? Địa Sát Tinh hay Thiên Cương Tinh gì cũng có một vị thế riêng của nó!
Bé Lý thông chưa? :rolleyes:

LSB-LyQuy
10-09-2004, 10:40
LTP có vẻ am hiểu quá hả? Vậy Lý gia mời Lục huynh đài hãy đọc kỹ coi Lý gia nói gì đã nhá. Lý gia nói Vương Đình Lục không hề có một chút công trạng gì cho LSB chứ không nói là không có công cho triều đình nhà Tống đâu. Nếu đúng như Lục huynh đài nói thì VDL chỉ có công cho triều đình nhà Tống chứ không hề có công cho sơn trại đâu. VDL vốn là một người yếu đuối, sinh ra gần bến Tầm Dương thì tất nhiên là có thể quen việc sông nước và đánh thủy quân được. Thế nhưng đó là chuyện của Hậu Thủy Hử chứ không phải của Thủy Hử. Mà ở đây chúng ta đang bàn về các nhân vật của Thủy Hử chứ không phải bàn về các tướng của triều đình nhà Tống trong Hậu Thủy Hử đâu.

Nếu nói cho đúng thì Đoàn Cảnh Trụ chính là thủ phạm gián tiếp hây ra cái chết cho Tiều Cái khi dám khai khống là người của LSB để rồi cuối cùng LSB xích mích với Chợ Tăng Đầu, Tiều Cái nổi khùng vác quân ra trận rồi chết bởi mũi tên của Sử Văn Cung. Đúng ra phải chém DCT bởi cái tội đó mới đúng.

Nếu để phân tích các nhân vật trong Thủy Hử truyện thì đến ngay như Lãng Tử Yến Thanh cũng chẳng có công khỉ gì cho sơn trại ngoài việc cứu Lư Tuấn Nghĩa thoát khỏi bàn tay Đổng Siêu, Tiết Bá ( hai tên này đáng lẽ Lỗ Chí Thâm phải xử rồi khi cứu Lâm Xung trong rừng Lợn Lòi). Rồi Tống Giang tự nhiên đỏ ra cái bịnh kia, Lãng Lý Bạch Điều đi mời được Thần Y về cũng chỉ mỗi nhiệm vụ chữa khỏi bệnh cho TG xong là thôi, mất tăm mất tích không hề thấy nói đến nữa. Thời Thiên có một chút công lao trong việc dụ dỗ Từ Ninh, Bạch Thắng có công trong vụ án Hoàng Nê Cương chứ ngay như đến đệ ruột của TG là Tống Thanh cũng chẳng làm lên cơm cháo gì ngoài việc lo tiệc tùng cho sơn trại.

Để mà phân tích các nhân vật trong TH thì cõ lẽ chỉ có Tống Giang, Lý Quỳ, Lâm Xung, Võ Tòng, Lỗ Chí Thâm...là có thể phân tích được vì tác giả nói đến nhiều chứ phân tích mấy vị kia cũng chẳng có gì để mà nói cả....híc...!

LucTieuPhung
10-09-2004, 11:27
Bé Lý trở quẻ nhanh thật!
Ở đây chúng ta nhàn đàm về cái sở học, cái tính cách của các anh hùng LS chứ không đá động đến địa vị thân thế. Họ có làm quan triều Tống hay cướp nơi miền Thủy Bạc thì vẫn là họ!
Nếu bé Lý muốn nói về công cán thì anh kể như vầy. Một Vũ Tiễn Trương Thanh, Song Thương Tướng Đổng Bình có chút công nào cho đại trại đâu mà vẫn ngồi ghế thập ngũ, thập lục đầu lĩnh, trên cơ biết bao kẻ dày công hạng mã như Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, Lăng Lý Bạch Điều Trương Thuận.... đấy thôi. Quan trọng là thực tài. Tống Giang có thể nào cho hai vị này làm lâu la vì vô công không?
Dĩ nhiên nhân vật được đề cập nhiều dễ phân tích hơn. Điều đấy ai cũng làm được, không bàn cãi. Như bé Lý luận về Võ Tòng, Lỗ Chí Thâm, Lâm Xung còn đỡ, chứ đến như Chu Vũ, Tôn Lập, Bao Húc thì chắc hết người nghe!
P/S: Trong Hậu Thủy Hử, Đổng Bình và Trương Thanh lập vô số kỳ công chiến đấu chống chọi với toán quân triều đình do Đồng Quán, Cao Cầu chỉ huy nhưng anh không kể vì bé Lý chỉ cho nói về Thủy Hử thôi :D

LSB-LyQuy
10-09-2004, 12:47
Lý gia không hề đề cao Trương Thanh và Đổng Bình tuy rằng đây thực sự là hai người rất giỏi trong việc binh đao. Một lúc hạ hơn 2 chục vị đầu lĩnh LSB như Trương Thanh không phải chuyện đơn giản. Thế nhưng để phân tích về tính cách của hai vị này thì dúng là potay.com. Thà rằng phân tích Lã Phương, Quách Thịnh còn dễ hơn! :D
Còn Lý gia không thích nói đến Hậu TH vì thực tại những ai yêu mến các anh hùng LSB đều không muốn có những kết cục như HTH. Sự ngu ngốc của Tống Giang đã đem đến một kết cục bi thương cho toàn bộ anh em trong sơn trại. Lư Tuấn Nghĩa uống thuốc độc đứt ruột mà chết, Yến Thanh chung nghĩa tự tử chết theo. Võ Tòng mất một cánh tay, Hoa Vinh, Ngô Dụng treo cổ tự vẫn. Lý Quỳ vì quá tin vào Tống Giang mà uống chén rượu ấy...Cùng với bao cái chết thảm thương cũng chỉ vì một lòng trung mà quá lãng phí. Chính vì thế mà Lý gia thực sự không thích HTH và cũng không thích nhắc tới.
Còn chuyện Trương Thanh và Đổng Bình đứng trên Trương Thuận và Lý Quỳ không phảido Tống Giang sắp xếp lên được vì cái chính là do thứ tự ghi trong tấm bia đá đào được. Ở trong đó đã ghi rõ ràng tên tuổi cũng như thứ tự của từng người. Chứ nếu tính theo tài mà Tống Giang sếp vị trí thì sao Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ lại có thể tài hơn những người như Đan Đình Khuê hay Ngụy Địch Quốc được mà có thể đứng đầu trong 72 vị sao Địa Sát.

*tay_mon_khanh*
10-09-2004, 17:17
Tại hạ xin nói về Đầu lĩnh Tống giang !
Tống giang là người nhân lễ nghĩa chí tín Trung quân ái quốc
Tống giang bất chấp sự nguy hiểm để cứu Tiều cái trong vụ cướp cống phẩm mừng thọ rồi ngay cả việc cứu mẹ con nhà tích bà để rồi sau đó bị phản
Cũng như việc quy thuận triều đình của tống giang cũng vậy
đó là một quyết định đúng hay sai giờ đây không ai nói
Hắc toàn phong lý quỳ đã từng đứng ra ngăn cản tống giang việc này và bảo tống giang lên làm vua
nhưng rõ ràng tư tưởng trung quân của ông không cho phép ông làm như vậy

Tiểu Siêu
10-09-2004, 20:54
... Chứ nếu tính theo tài mà Tống Giang sếp vị trí thì sao Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ lại có thể tài hơn những người như Đan Đình Khuê hay Ngụy Địch Quốc được mà có thể đứng đầu trong 72 vị sao Địa Sát.Lý huynh có thể giải thích rõ hơn nghĩa của câu này ko? Tiểu Siêu tính tham gia chút đỉnh mà chưa hiểu rõ ý của Lý huynh trong câu này là gì . Nếu Lý huynh có thịnh tình , xin giải rõ nghĩa hơn , Tiểu Siêu sẽ xin dành thời gian luận bàn với Lý huynh :).
Tiểu Siêu

LSB-LyQuy
11-09-2004, 09:39
Lý huynh có thể giải thích rõ hơn nghĩa của câu này ko? Tiểu Siêu tính tham gia chút đỉnh mà chưa hiểu rõ ý của Lý huynh trong câu này là gì . Nếu Lý huynh có thịnh tình , xin giải rõ nghĩa hơn , Tiểu Siêu sẽ xin dành thời gian luận bàn với Lý huynh :).
Tiểu SiêuTheo đúng Thủy Hử truyện thì Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ vốn suất thân cũng chỉ là một chàng thảo khấu. Trận đầu đã chịu thua Cửu Van Long rồi. Không hiểu Chu Vũ có tài cán thế nào mà mang ngoại hiệu Thần Cơ Quân Sư? Có thể chỉ sau này khi về làm tướng cho triều đình nhà Tống ông mới thể hiện được bản lĩnh thật sự của mình, cái đó không nói đến vì vốn Lý gia đã không thích đọc Hậu TH rồi! Ở bài trước Luc Tieu Phung có nhắc tới việc Chu Vũ bày mưu cho Lư Tuấn Nghĩa nhưng thực chất không làm nên cơm cháo gì.
Vậy nhưng trong số 72 vị sao địa sát được ghi trên bia đá thì Chu Vũ lại là người đứng đầu khi thực tại ông không hề tài hơn rất nhiều người xếp phía sau ông như Thánh Thủy Tướng Quân Đan Đình Khuê, Thần Hỏa Tướng Quân Ngụy Địch Quốc, Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn, Xú Quận Mã Tuyên Tán hay Bệnh Úy Trì Tôn Lập...
Tôn Lập là một vị tướng giỏi, sử dụng hai cây roi sắt chiến với Song Chiên Hô Duyên Chước không phân thắng bại. Ông được miêu tả như một Huất Trì Cung của đời Tống. Hay như Chấn Tam Sơn Hoàng Tín là một vị tướng chuyên môn được cử đi đánh dẹp thảo khấu cũng vẫn chỉ được xếp sau Chu Vũ...
Chính vì thế mà nói rằng không chỉ giỏi và lập được nhiều công cho sơn trại là được xếp trên đâu.
Ở đây Lý gia muốn bác bỏ việc Luc Tieu Phung cho rằng Tống Giang là người sắp xếp các vị trí trên dưới trong 108 vị anh hùng mà chính là do tấm bia đá có ghi mà thôi. Còn Tiểu Siêu hiểu việc này như thế nào? Xin cho biết ý kiến.

LSB-LyQuy
11-09-2004, 09:58
Tại hạ xin nói về Đầu lĩnh Tống giang !
Tống giang là người nhân lễ nghĩa chí tín Trung quân ái quốc
Tống giang bất chấp sự nguy hiểm để cứu Tiều cái trong vụ cướp cống phẩm mừng thọ rồi ngay cả việc cứu mẹ con nhà tích bà để rồi sau đó bị phản
Cũng như việc quy thuận triều đình của tống giang cũng vậy
đó là một quyết định đúng hay sai giờ đây không ai nói
Hắc toàn phong lý quỳ đã từng đứng ra ngăn cản tống giang việc này và bảo tống giang lên làm vua
nhưng rõ ràng tư tưởng trung quân của ông không cho phép ông làm như vậyTống Giang được các anh hùng trong giang hồ ngưỡng mộ bởi câu" trọng nghĩa khinh tài". Trong 5 chữ mà TMK nói ở trên "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" thì chữ "nghĩa" quả nhiên TG có không sai. Nhưng chữ "nhân" thì chưa chắc! Thời buổi binh đao, đứng giữa sự sống và cái chết thì hầu như không thể có chữ "nhân" trong người được. Tất nhiên nhân nghĩa là một đức tính tốt cần có trong mỗi con người, thế nhưng nếu cứ sử dụng chữ "nhân" nhiều quá sẽ bất lợi cho chính bản thân mình, nhất là một người đứng đầu như TG.
Chữ "tín" trong con người TG thì lại càng không thể có vì quá hiểu rằng TG tuy ngoài mặt vẻ tử tế nhưng trong bụng thực chất là giả dối. Mà nói chung một vị tướng cầm quân trong thời loạn, lại cầm đầu một lũ thảo khấu đa phần hữu dũng vô mưu thì không thể lúc nào cũng thật thà được. Một con người đa nghi, nhiều mánh khoé như Tào Tháo mà nhiều lúc vẫn còn chết dở...! :D
Cũng vẫn biết TG vì lòng trung mà về hàng triều đình, cái này quả đáng khen. Thế nhưng ông lại không biết đến thời thế khi vua Tống, quan lại nhà Tống và cả cái triều đình kia đang vào hồi suy kiệt. Công sức của TG cùng 107 người kia bỏ ra cuối cùng cũng thành công cốc, triều đình nhà Tống vẫn bị mất bởi tay quân Nguyên Mông. Nếu có sự thay đổi trong cách nghĩ của TG thì với lực lượng có trong tay ông thừa sức có thể vào chiếm lĩnh ngôi vua và biết đâu sẽ có một lịch sử khác...

Hồ Thiết Hoa
11-09-2004, 10:56
Vinh quang thuộc về người còn sống.. chiến thắng dành cho người tồn tại.. biết là chết mà vẫn làm thì không khỏi ngu.. "quân tử tàu" thường như vậy.
Ờ thêm một cái ấu trĩ nữa của Lý Nhi.. thời mà cửa anh hùng Hảo hán Lương Sơn bạc Nhà tống còn mạnh lắm.. khi mất nước về Nhà Nguyên thì bọn TG và ND đã chết đc vài lần rồi...
Thời hưng thịnh nhất của LSB thì cũng là thời gian Tống - Kim giao tranh lúc này Mông Cổ mới chỉ đang là những bộ lạc du mục rời rạc chưa thống nhất thành một đế chế
Thú hai nữa là.. TG binh hùng tướng mạnh nhung chỉ dựa vào địa hình của Thủy bạc để mà chống cự.. căn cứ vào đâu mà có thể lật đổ triều đình.. muốn lên ngôi hoàng đế thì e rằng.. hơi khó còn xưng Vương là chuyện dễ ợt.. biết vậy nhưng đây là chuyện của tác giả. Vậy mà ghét nhất là điều gì bé Lý cũng nói như đinh đóng cột ấy

LSB-LyQuy
11-09-2004, 11:11
Vinh quang thuộc về người còn sống.. chiến thắng dành cho người tồn tại.. biết là chết mà vẫn làm thì không khỏi ngu.. "quân tử tàu" thường như vậy.
Ờ thêm một cái ấu trĩ nữa của Lý Nhi.. thời mà cửa anh hùng Hảo hán Lương Sơn bạc Nhà tống còn mạnh lắm.. khi mất nước về Nhà Nguyên thì bọn TG và ND đã chết đc vài lần rồi...
Thời hưng thịnh nhất của LSB thì cũng là thời gian Tống - Kim giao tranh lúc này Mông Cổ mới chỉ đang là những bộ lạc du mục rời rạc chưa thống nhất thành một đế chế
Thú hai nữa là.. TG binh hùng tướng mạnh nhung chỉ dựa vào địa hình của Thủy bạc để mà chống cự.. căn cứ vào đâu mà có thể lật đổ triều đình.. muốn lên ngôi hoàng đế thì e rằng.. hơi khó còn xưng Vương là chuyện dễ ợt.. biết vậy nhưng đây là chuyện của tác giả. Vậy mà ghét nhất là điều gì bé Lý cũng nói như đinh đóng cột ấyĐã dốt thì đừng vào nói, đã không hiểu thì đừng này nọ. Không khẳng định như thế thì làm gì còn cái khỉ gì để mà tranh cãi nữa chứ hả? Cũng như Triệu Vân rõ ràng là đàn ông hẳn hoi nhưng vẫn khẳng định đến 99% là con gái giả trai, thế mới nổ ra một cuộc cãi vã lộn tùng bậy để tìm xem Triệu Van là con trai hay con gái chứ! Nếu ai vào đây cũng nói chung chung thì chẳng còn gì để mà bàn cãi với nhau cả và DTKC sẽ tốt nhất đóng cửa cho rồi. Hiểu không hả "ông nhớn"?
"Ông nhớn" nói thời đó nhà Tống còn mạnh lém, mạnh đến nỗi không trị nổi mấy thèng sơn tặc, cử tướng nào đi dẹp là mất toi tướng đó, cuối cùng phải đưa chiếu dụ hàng!!! Mạnh quá hén! :D "Ông nhớn" am hiểu giải thích việc này cho "bé" cái coi nèo!

LSB-TruongThanh
11-09-2004, 20:05
Theo đúng Thủy Hử truyện thì Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ vốn suất thân cũng chỉ là một chàng thảo khấu. Trận đầu đã chịu thua Cửu Van Long rồi. Không hiểu Chu Vũ có tài cán thế nào mà mang ngoại hiệu Thần Cơ Quân Sư? Có thể chỉ sau này khi về làm tướng cho triều đình nhà Tống ông mới thể hiện được bản lĩnh thật sự của mình, cái đó không nói đến vì vốn Lý gia đã không thích đọc Hậu TH rồi! Ở bài trước Luc Tieu Phung có nhắc tới việc Chu Vũ bày mưu cho Lư Tuấn Nghĩa nhưng thực chất không làm nên cơm cháo gì.
Vậy nhưng trong số 72 vị sao địa sát được ghi trên bia đá thì Chu Vũ lại là người đứng đầu khi thực tại ông không hề tài hơn rất nhiều người xếp phía sau ông như Thánh Thủy Tướng Quân Đan Đình Khuê, Thần Hỏa Tướng Quân Ngụy Địch Quốc, Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn, Xú Quận Mã Tuyên Tán hay Bệnh Úy Trì Tôn Lập...
Tôn Lập là một vị tướng giỏi, sử dụng hai cây roi sắt chiến với Song Chiên Hô Duyên Chước không phân thắng bại. Ông được miêu tả như một Huất Trì Cung của đời Tống. Hay như Chấn Tam Sơn Hoàng Tín là một vị tướng chuyên môn được cử đi đánh dẹp thảo khấu cũng vẫn chỉ được xếp sau Chu Vũ...
Chính vì thế mà nói rằng không chỉ giỏi và lập được nhiều công cho sơn trại là được xếp trên đâu.
Ở đây Lý gia muốn bác bỏ việc Luc Tieu Phung cho rằng Tống Giang là người sắp xếp các vị trí trên dưới trong 108 vị anh hùng mà chính là do tấm bia đá có ghi mà thôi. Còn Tiểu Siêu hiểu việc này như thế nào? Xin cho biết ý kiến.Chát chát, hàm hồ quá! :eek:
Chu Vũ bày làm quân sư cho đội quân của Lư Tuấn Nghĩa. Ông ngầm đứng phía trong mách nước cho Tống Giang lúc đấu khẩu trận pháp với tướng Liêu, gỡ thể diện cho binh Tống. Hơn nữa không ít lần hiến nhiều cao kiến phá thành đánh giặc. Ngô Dụng tuy túc trí đa mưu nhưng so về am hiểu bày binh, bố trận thì vẫn còn nằm dưới Chu Vũ. Họ Chu nếu so võ thì dĩ nhiên kém xa Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc. Tuy nhiên, Khổng Minh đánh nhau có thắng Triệu Vân, Quan Vũ hay không? Tôn Lập được so với Uất Trì Cung thì có lẽ Chu Vũ cũng là Tần Thúc Bảo. Hai ông này thuộc đời Đường của Lý Thế Vân chứ không phải đời Tống, Lý huynh à ;)
Lý huynh bảo cái bia đá quyết định vị trí của các đầu lĩnh? Không hoàn toàn đúng đâu! Lúc Lâm Xung mới về Thủy Bạc, chưa có công cán gì cũng ngồi trên Chu Phú đấy thôi! Khi ấy làm gì có bia đá hay bia ngọc! Các hảo hán tùy theo tên tuổi và tài năng sẽ được thủ lĩnh sắp xếp vào một trật tự nhất định. Đến khi "bia đá nổi hàng văn" thì khẳng định được việc 108 anh em tụ nghĩa vời nhau là do thiên cơ, đồng thời cho biết rõ hơn tên sao của từng người!8-)

Sử Tiến
11-09-2004, 20:40
Trương hiền đệ ví Chu Vũ với Tần Thúc Bảo, huynh thấy không được ổn. Họ Chu dù gì cũng thuộc hàng trí mưu, chứ đâu phải dõng tướng nơi sa trường như Tần Quỳnh. Nếu muốn tìm một vị tương đương với Chu Vũ, có lẽ nên nghĩ đến Từ Mậu Công.

Tên húy của vua Thái Tôn nhà Đường không phải là Thế Vân. Cao Tổ Lý Uyên hy vọng nam tử của ông ta đem lại thái bình cho trăm họ, thành một bậc tế thế an dân, vì thế mới đặt tên cho đứa con thứ 3 của mình là Thế Dân.

LSB-TruongThanh
11-09-2004, 20:48
Trương hiền đệ ví Chu Vũ với Tần Thúc Bảo, huynh thấy không được ổn. Họ Chu dù gì cũng thuộc hàng trí mưu, chứ đâu phải dõng tướng nơi sa trường như Tần Quỳnh. Nếu muốn tìm một vị tương đương với Chu Vũ, có lẽ nên nghĩ đến Từ Mậu Công.

Tên húy của vua Thái Tôn nhà Đường không phải là Thế Vân. Cao Tổ Lý Uyên hy vọng nam tử của ông ta đem lại thái bình cho trăm họ, thành một bậc tế thế an dân, vì thế mới đặt tên cho đứa con thứ 3 của mình là Thế Dân.
Ờ, Sử huynh nói chí phải. Do ta nhầm. Chu Vũ phải là Từ Mậu Công thì hợp hơn. Nhưng lúc đầu cũng nghe nói họ Chu có đánh đấm tí đỉnh nên mới ví với Tần Quỳnh (cho nằm vai trên Uất Trì Kinh Đức :p .) Lại sai, Lý Thế Dân mà mình phán rằng Lý Thế Vân, chậc, dốt quá :(.
Dường như Lý Uyên không có ý định truyền ngôi cho Thế Dân phải không Sử huynh? Nếu phải thì tại sao lại đặt tên mang ý nghĩa đó?
P/S: Sử huynh vẫn mãi là người ta ngưỡng mộ nhất tại LS :)

Tây Môn Xuy Tuyết
12-09-2004, 14:12
Sử Tiến huynh quả cao kiến ,nói có mấy câu mà đọc thấy thông hơn hẳn mấy đồng chí dài dòng ,có tí chuyện mà cũng cãi nhau.Việc luận về lịch sử thì mỗi người một ý ,đến cả các sử gia lớn nhiều khi còn nhầm.Các vị nên hiểu ý của nhau để tham khảo chứ không nên dùng nó để mà vặn vẹo nhau.

Lý huynh ,huynh viết "xác thực" lắm nhưng có vẻ chưa thỏa đáng.Bàn về Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ mà nói vẻn vẹn có mấy trang chuyện viết về ông thì có lẽ không đáng.Nếu Lý Huynh nói không xét đến Hậu Thủy Hử thì đệ xin hỏi nên xét về cái gì đây.Thủy Hử chuyện viết theo kiểu tiểu thuyết chương hồi cổ của Trung Quốc thế nên có những sự kiện chỉ được tóm tắt lược bớt.Xin hỏi Lý huynh nếu nhân vật nào mà Thi Nại Am cũng viết đầy đủ cả tiểu sử lẫn diễn biến tâm trạng hay gì gì nữa giống như đối với Cao Cầu,Tống Giang hay Võ Tòng thì liệu huynh có nhớ nổi bằng ấy nhân vật mà mang ra bàn luận không vậy???

Tất nhiên là trong chuyện có vài chi tiết chưa thỏa đáng chỉ để cuối cùng đạt đến cái đích của tác giả là có 108 vị anh hùng.Ví như cái chết của Tiều Cái chẳng hạn :lãng nhách.Vì thế cho nên có nhiều nhân vật không được nhắc đến nhiều nhưng không phải vì vậy mà họ không có công trạng gì mà thành người thừa như Lý huynh nói.Chẳng lẽ cái danh do bạn bè giang hồ ,do thiên hạ đặt cho lại là hư danh.Bọn Chu Vũ thua Sử Tiến ngay trận đầu cũng chẳng có gì lạ :Sử Gia Thôn được Sử Tiến củng cố xây dựng như một "pháo đài" để chiến đấu trong khi bên Chu Vũ không biết một chút gì về Sử gia thôn.Võ nghệ của Sử Tiến cũng chẳng phải tầm thường trong khi bên Chu Vũ tuy có chút võ nghệ nhưng sao sánh được với Cửu Văn Long
.Cái trận thua ấy là cái duyên cho họ thì đúng hơn chứ không phải là điều tác giả viết để chứng tỏ rằng Sử Tiến hơn người hay Chu Vũ là danh hão....

Đệ viết xàm đôi chữ ,cũng đành nhờ anh em chỉ thêm vậy

Sử Tiến
13-09-2004, 04:31
Cho dù Lý Uyên có muốn truyền ngôi cho Thế Dân cũng không thể nào phế trưởng lập thứ. Kiến Thành thân nắm quyền trưởng tử, tọa nơi Đông cung là lẽ đương nhiên. Ngôi cửu ngũ chính ra của ông ta mới phải. Sử chép: Thế Dân phục binh ở Huyền Vũ Môn, bức tử hoàng huynh, ép phụ hoàng nhượng vị.

Nếu phải thì tại sao lại đặt tên mang ý nghĩa đó? Huynh không hiểu ý đệ. Cái tên thì quan hệ gì đến việc truyền ngôi hay không truyền ngôi?

Sakura
01-11-2004, 18:41
Mạn phép đưa chủ đề này lên vậy, tại trước nhìn thấy mờ cứ quên quên không vào trả lời.

Nếu nói về thích các nhân vật Lương Sơn; muội thích Võ Tòng nhất. Ngày xưa, khi muoi còn bé, lúc ấy muội chẳng biết mặt mũi "Thủy Hử" nó là cái gì, muội chỉ biết Võ Tòng qua sách qua những câu chuyện, trong đó có truyện "Võ Tòng đánh hổ", từ đó muội thích VT. Sau này đọc "Thủy Hử" mới biết VT là một trong những anh hùng Lương Sơn Bạc. Và kể cũng lạ, Thủy Hử có hai người đánh hổ, một là Võ Tòng và hai là Lý Quỳ nhưng muội thật không được nghe kể "Lý Quỳ đánh hổ" cả...
Ngoài ra, muội thích Lỗ Đạt, Lý Quỳ và Yến Thanh...

Muội đã từng đọc phần nhận xét của Kim Thánh Thán về các anh hùng LSB và quả thực đọc thấy rất sướng, sướng về những lời nhận xét sắc sảo của ông. Tuy nhiên, ở phần "Tống Sử Cương" có nói về một vị quan Tri Hải Châu Trương Thúc Dạ, nói ông là người đã đánh được quân Tống Giang (Trương Thúc Dạ đã dồn quân Tống Giang đến tận bờ biển... Tống Giang đầu hàng). Và điều đặc biệt, vị Tri Hải Châu này rất được Kim Thánh Thán khen ngợi...

Không hiểu Tống Giang tự nguyện hàng, bán sơn trại hay là bị bắt tại bờ biển bởi Trương Thúc Dạ?

Cơ Băng Nhạn
02-11-2004, 07:43
. Sau này đọc "Thủy Hử" mới biết VT là một trong những anh hùng Lương Sơn Bạc. Và kể cũng lạ, Thủy Hử có hai người đánh hổ, một là Võ Tòng và hai là Lý Quỳ nhưng muội thật không được nghe kể "Lý Quỳ đánh hổ" cả...
Có gì là khó hiểu đâu Sa.Lý Quỳ tuy một mình giết 4 hổ nhưng có đến mấy con hổ con -hiền như con miu nhà anh ý mà ,trong tay Lý Quỳ lại có vũ khí là thành đao mang theo ( do Tống Giang không cho mang theo song thiết phủ).Lý Quỳ giết 4 hổ là một hành động bộc phát ,xuất phát từ lòng hiếu nghĩa với mẫu thân ông mà biến thành căm tức mới giết.
Việc Cảnh Dương Cang đả hổ của Võ Tòng lại là điều khác ,nó thể hiện cái chí ngang tàng của bậc anh hùng hơn.Uống mấy bình rượu mạnh ( được gọi là loại Tam Bôi Bất Quá quan -3 chén không thể qua đường) ,ấy thế mà ngà ngà say một mình qua núi.Lại tay không đánh ác hổ mà thợ săn trong vùng phải bó tay.Thần lực cùng cái khí phách của ông mới đáng để nhắc đến.Thế nên cái việc Võ Tòng Đả Hổ được nhắc lại như một truyền thuyết đến tận bây giờ.
Còn nhớ trong cuốn "Đất Rừng Phương Nam" của Đoàn Giỏi -đã được dựng thành phim cũng có một nhân vận đánh hổ rừng U Minh và được mệnh danh là Võ Tòng.Thế mới biết cái truyền thuyết này nổi tiếng đến mức nào

Tiểu Linh Ngư
02-11-2004, 08:16
Nhân vật Trương Thúc Dạ mà Sakura cô nương đề cập là tri phủ Tế Châu. Trong Hậu Thuỷ Hử, ông thể hiện mình là người cơ trí thâm trầm, thường chủ hoà không chủ chiến. Lần đầu Tống Huy Tông ban chiếu chiêu an, giao cho thái uý Trần Tông Thiện và hai người thân tín của Cao Cầu, Sái Kinh; Trương Thúc Dạ lên tiếng ngăn cản là không nên cho hai tên này theo nhưng bị bỏ ngoài tai. Lúc Đồng Quán xua binh tiến đánh Thuỷ Bạc, ông lại lần nữa khuyên răng, bày kế nhưng họ Đồng hiếu chiến cũng chẳng chịu nghe....Tại hạ chỉ biết đến vậy
Còn như chuyện 108 anh hùng LSB, tên tuổi mỗi người gần như gắn với một chiến công, một biệt tài, một cá tính. Ví dụ: Mã Lân giỏi thổi địch, Yến Thanh ca hát hay, An Đạo Toàn có tài y học, Lý Quỳ nóng nảy, Tống Giang vang danh vì nhân nghĩa....v...v....Võ Tòng nổi tiếng nhờ đánh hổ tại Kiển Dương Cang. Trùng hợp là tại hạ cũng thích vị anh hùng này nhất

LSB-LyQuy
02-11-2004, 09:37
Có gì là khó hiểu đâu Sa.Lý Quỳ tuy một mình giết 4 hổ nhưng có đến mấy con hổ con -hiền như con miu nhà anh ý mà ,trong tay Lý Quỳ lại có vũ khí là thành đao mang theo ( do Tống Giang không cho mang theo song thiết phủ).Lý Quỳ giết 4 hổ là một hành động bộc phát ,xuất phát từ lòng hiếu nghĩa với mẫu thân ông mà biến thành căm tức mới giết.
Việc Cảnh Dương Cang đả hổ của Võ Tòng lại là điều khác ,nó thể hiện cái chí ngang tàng của bậc anh hùng hơn.Uống mấy bình rượu mạnh ( được gọi là loại Tam Bôi Bất Quá quan -3 chén không thể qua đường) ,ấy thế mà ngà ngà say một mình qua núi.Lại tay không đánh ác hổ mà thợ săn trong vùng phải bó tay.Thần lực cùng cái khí phách của ông mới đáng để nhắc đến.Thế nên cái việc Võ Tòng Đả Hổ được nhắc lại như một truyền thuyết đến tận bây giờ.
@Sakura: muội độc truyện TH rồi mà không biết Lý Quỳ giết 4 con hổ ở chỗ nào sao? Không hiểu muội đọc kiểu gì nữa. Lý Quỳ về quê đón mẹ lên LSB để mẹ hưởng chút an nhàn tuổi già, giữa đường mẹ ông đã bị 4 con hổ ăn thịt trong lúc ông đi lấy nước cho mẹ uống. Phẫn uất lên, ông đã giết chết cả 4 con hổ đó.
Chuyện LQ giết hổ khác hẳn với VT vì LQ giết hổ vì thù hận còn VT giết hổ vì giữa đường gặp. Nhưng cho dù thế nào thì mỗ vẫn yêu thích nhân vật LQ nhất trong bộ truyện TH vì tính trung thực, ngay thẳng và có một hoàn cảnh thật bi thương. Lý Quỳ vô học, lỗ mãng nhưng chính sự vô học đó đã tạo lên cho ông một bản tính thật thà, có sao nói vậy chứ không úp mở quanh co, mưu mỗ xảo quyệt như những kẻ trong người đầy học thức kia. Rõ ràng Thi Hại Am xây dựng nhân vật Lý Quỳ để làm sự đối lại với nhân vật Tống Giang. TG thì chẳng mất mát gì, cha và em trai đều sống sung túc trên LSB. Còn LQ thì hoàn toàn ngược lại, ông mơ ước mẹ mình cũng có một cuộc sống lo đủ sau cả đời nghèo đói nhưng rốt cục thì ông lại gián tiếp giết chết mẹ ông. Điều này đã khiến ông phải dằn vặt và ân hận cả cuộc đời mình. Sự báo hiếu của ông đã hại chết mẹ mình. Có thể nói về hoàn cảnh thì cả Lý Quỳ lẫn Võ Tòng đều như nhau duy chỉ khác có chuyện đánh hổ mà thôi.

LSB-LyQuy
02-11-2004, 09:50
Lý huynh ,huynh viết "xác thực" lắm nhưng có vẻ chưa thỏa đáng.Bàn về Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ mà nói vẻn vẹn có mấy trang chuyện viết về ông thì có lẽ không đáng.Nếu Lý Huynh nói không xét đến Hậu Thủy Hử thì đệ xin hỏi nên xét về cái gì đây.Thủy Hử chuyện viết theo kiểu tiểu thuyết chương hồi cổ của Trung Quốc thế nên có những sự kiện chỉ được tóm tắt lược bớt.Xin hỏi Lý huynh nếu nhân vật nào mà Thi Nại Am cũng viết đầy đủ cả tiểu sử lẫn diễn biến tâm trạng hay gì gì nữa giống như đối với Cao Cầu,Tống Giang hay Võ Tòng thì liệu huynh có nhớ nổi bằng ấy nhân vật mà mang ra bàn luận không vậy???
NKT đệ, ở đây chủ đề này đã ghi rõ ràng là bàn về các nhân vật LSB. Còn không biết mọi người nghĩa sao chứ riêng về cá nhân mỗ thì mỗ cho rằng cho đến thời kỳ Hậu TH thì không phải là anh hùng LSB nữa mà là anh hùng triều đình nhà Tống thì đúng hơn đấy ( vì về hàng triều đình rồi còn đâu). Và rõ ràng cho dù tổng cộng là 108 vị anh hùng nhưng đâu phải ai cũng được tác giả nhắc đến nhiều đâu. Như Tống Giang, Lâm Xung hay Lý Quỳ....thì không nói là gì vì hầu như được nhắc liên tục, nói đến anh hùng LSB là phải nói đến họ. Chú còn những nhân vật như Châu Uyên, Châu Nhuận, Khổng Minh, Khổng Lượng và thậm chí ngay đến cả ẻm ruột của Tống Giang là Phiết Thiết Thử Tống Thanh cũng chẳng mấy khi được nhắc tới. Chính vì thế nên ở đây tốt nhất là chúng ta nên bàn về những nhân vật được nhiều người biết đến và chỉ được biết đến trong bộ Thuỷ Hử. Còn về Hậu TH thì tư tưởng của các vị ành hùng đã khác xa lắm rồi so với cái thời kéo nhau lên núi tụ nghĩa.

Sakura
02-11-2004, 15:48
Lão Ní (nay là lão Hận) có đọc kỹ bài của muội hông? :( Muội có nói là muội không biết Lý Quỳ oánh hổ ở đâu à? :(
Cái vụ ông Lý Quỳ oánh 4 con hổ (gồm 1 con hổ mẹ và 3 con hổ con) muội là muội rành lắm gùi á, đọc mí lần Thủy Hử, xem 2 lần phim mà không biết thì muội chẳng dám thò mẹt vào đây mà nói cùng mọi người đâu. Xì...
@ Ngư Nhi đệ (làm phu quân của sư muội ta -> là đệ đệ của ta :)) )
Có một bài thơ khen Trương Thúc Dạ đó, muốn coi không? Ta copy ra choa mà coi :D
Không hiểu Tống Giang tự nguyện hàng, bán sơn trại hay là bị bắt tại bờ biển bởi Trương Thúc Dạ?
Còn câu hỏi của ta, chẳng thấy ai trả lời :(
Trong Tống Sử Cương ghi Trương Thúc Dạ mộ tử sĩ được 1000 người (cả ông là 1000 đóa), vây bắt quân của TG, TG cướp được 10 thuyền đựng của cải cướp được nhưng quân của TTD đốt thuyền, bắt được "thằng giặc phó" (chắc là chỉ Lư Tuấn Nghĩa :D) thế là Tống Giang chịu hàng. Nhưng mờ trong TH thì không phải, chẳng nhẽ là hư cấu à? :(
Thế là thế nào?

Lý Thám Hoa
02-11-2004, 16:45
Vậy là từ hồi nảo hồi nào đến bi chừ, bé Sa vẫn cho Thủy Hử truyện là thật ? So bad!

Khởi nghĩa Lương Sơn là có thật, nhưng bị Tri phủ Trương Thúc Dạ đánh một trận tan tành xí wách. Bắt sống Tống Giang, Ngô Dụng treo cổ tự vẫn tại Trung Nghĩa Đường. Mấy chú hảo hán lau nhau kia thì không nhắc gì đến.

LSB-Kaiser
03-11-2004, 21:36
Anh Lý mua "Đãng Khấu Chí" về đọc đi... đọc xong rồi tặng em cũng được. Hôm trước ra hàng sách ngó giá 4 quyển tí ướt đũng quần. :D
-----------

http://www.fahasahn.com.vn/book_pictures/9000032.jpgTên tác phẩm: Đãng khấu chí

Tên tác giả: Du Vạn Xuân (tác giả đời Thanh)

Dịch giả: Ông Văn Tùng

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đà Nẵng
Năm xuất bản: 1999
Giá bìa: 49.000 VNĐ
Số trang:
Kích thước: 13 x 19
Loại sách: Văn học
Sách bộ: Trọn bộ 4 tập
Sách liên kết: Phối hợp cùng Fahasa
Giới thiệu: "Đãng Khấu Chí" - Cuốn sách viết về chuyện diệt trừ giặc cướp - tức cuốn "Kết Thủy Hử toàn truyện" gồm 70 hồi và một hồi "Kết", tất cả là 71 hồi. Tác giả là Du Vạn Xuân (1794-1849) tự là Trọng Hoa, hiệu là Hốt Lai đạo nhân, người Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng) tỉnh Triết Giang. Xuất thân nho sinh, cả đời không có chức quan chính thức. Đã từng theo cha đến Quảng Đông, sau về Triết Giang, sống bằng nghề làm thuốc ở Hàng Châu. Những năm cuối đời, nhạt với Phật giáo, trọng Nho giáo, hết sức tôn sùng Đạo giáo.
"Đãng Khấu Chí" được viết vào năm Đạo Quang thứ 6 triều Thanh (1826), hoàn tất vào năm Đạo Quang thứ 27 (1847), trong thời gian đó, thay đổi ba lần bản thảo, tổng cộng 22 năm, nhưng tác giả "chưa kịp sửa chữa thì đã qua đời". Năm Hàm Phong nguyên niên (1851) con trai là Long Quang nhuận sắc và cho khắc in ra với đời.
"Đãng Khấu Chí" với tư cách "Kết Thủy Hử toàn truyện" như tác giả nói là hoàn toàn không can hệ gì đến "Hậu Thủy Hử" cả. Rồi chính tác giả nói : "Hậu Thủy Hử chỉ khăng khăng cho Tống Giang là chân trung chân nghĩa ... Đúng là tà thuyết dâm từ, hại nhân tâm thuật, di hại vô cùng". Và tác giả khẳng định như Kim Thánh Thán đã chỉ rõ. Tác giả không ngại gì mà không vạch ra sự thật, phá tan những lời giả dối, để thiên hạ mai sau phân biệt rõ ràng giặc cướp với trung nghĩa...

Lý Thám Hoa
05-11-2004, 12:05
Bộ sách này được cái là văn viết hay, là một trong số những ngòi bút hiếm hoi đả kích tinh thần nông dân. Có điều đây vẫn chỉ là Truyện, nếu chỉ muốn biết về Thủy Hử mà mua thì phí. Xem lại Thủy Hử, bỏ những phần chính truyện của TNA, chỉ đọc Kim Thánh Thán thôi cũng đủ rồi.

Nhất Điểm Hồng
05-11-2004, 19:06
Nếu so Đãng Khấu Chí với Thủy Hử thì Đẵng Khấu Chí chỉ là hệ em út , văn của Đãng Khấu Chí không so với Thủy Hử được. Cách lột tả nhân vật của Đãng Khấu Chí không có được cái thần, cái gần gũi với thực tế như Thủy Hử. Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc có đủ mọi tính cách của con người thực ( anh hùng, gian trá, ngay thẳng, tàn bạo.... ). Nếu xét về khía cạnh văn học thì DKC của Du Vạn Xuân chưa theo kịp Thủy Hử của Thi Nại Am


Đãng Khấu Chí là bộ chuyện nói về một nhóm cướp đánh bại Lương Sơn Bạc lập công với triều đình. Theo như Du Vạn Xuân thì ông không hài lòng với kết cục của Thủy Hử lên viết bộ truyện này nhưng theo cảm nhận của tôi thì Đãng Khấu Chí làm mất hình tượng của 108 anh hùng LSB.

LSB-Kaiser
06-11-2004, 07:56
Hì, KTT thì Kai đọc rồi còn ĐKC cũng phải đọc, để mấy hôm rảnh đi lòng vòng mấy hàng truyện kiếm vậy.
Có thể đọc ĐKC nó hơi thừa vì KTT cũng đã chỉ hết ra rồi... ĐKC chỉ làm nổi bật và rõ ý thêm... với trình độ đọc & hiểu của một số người thì đọc KTT cũng là đủ nhưng để biết chi tiết thì đọc thêm ĐKC chắc cũng có nhiều cái mới mẻ. Và quan trọng nhất vẫn là đọc cách "hành văn"... cách "hành văn" của KTT & DVX chắc là khác nhau.
Kiếm vài câu hay hay cũng thú vị lắm.

Người Hà Nội
06-03-2005, 12:37
Theo đệ thì 108 vị anh hùng của chúng ta thực sự là rất đáng khâm phục nhưng rồi cuối cùng cũng không thoát ra khỏi một kết cục đầy bi thương. Một phần là do : Tống Giang. Vì quá nhân nghĩa , quá tin người để rồi để toàn bộ sơn trại lâm vào cảnh bi diệt vong.
Có một nhân vật , có thể là không thuộc sơn trại , bị mọi người ghét bỏ , thậm chí căm thù. Nhưng , kết thúc , đó là người đi đến cuối cùng của cuộc chơi. Đó chính là ----> CAO CẦU. Ban đầu chỉ là một kẻ tầm thường , nhờ tài đá cầu mà làm nên nghiệp lớn. Có thể trong mắt mọi người , đó là kẻ tồi tệ nhất. Tuy nhiên , phải công nhận rằng , 108 vị anh hùng của chúng ta đã thua hắn. :) Trong một cuộc chơi , kẻ đi đến đích mới là kẻ chiến thắng.

Đệ căm thù nó. :D
Dương :)

LSB-LyQuy
05-06-2005, 22:13
Căm thù thì nên căm thù Tống Giang mới đúng! Tất nhiên cũng chẳng thể trách TG được vì thế thời phải thế mà! TG hông đầu hàng triều đình cũng không được mà. Không thể sống mãi kiếp thảo khấu đưọc đúng không?
Truyện nó là vậy! Đọc và hiểu để phân tích thôi chứ trach ai, khâm phục ai và căm thù ai cũng chẳng được ích lợi gì.
http://luongsonbac.de/forum/showthread.php?t=13509
Mai Thu Sương giờ không còn là MTS của ngày trước nữa nhưng nếu MTS giờ còn quan tâm tới vấn đề này thì vào chủ đề trên nhé. Ở đó Lý gia có một bài nói về Cao Cầu đấy :)

leader001
30-01-2011, 00:06
Thanh Diện Thú Dương Chí :Nguyên làm chức Chế Sứ ,nhận nhiệm vụ trở đá hoa cương để xây lăng mộ chẳng may bị đắm thuyền khiến cuộc đời lưu lạc của ông bắt đầu từ đó .Từng là nạn nhân để Lâm Xung lập đầu danh trạng khi muốn đầu nhập Lương Sơn theo yêu cầu của bọn Vương Luân ,ông đã trổ tài đấu ngang ngửa cùng Lâm Xung -Việc này đủ chứng minh tài nghệ của Dương Chí ngang ngửa với những bậc thầy về võ nghệ của Lương Sơn Bạc .Sau này cùng với đoàn quân của Lương Sơn Bạc vị tướng mặt xanh này cũng đã lập rất nhiều chiến công .Rất tiếc NKT không thông Hậu Thuỷ Hử nên không biết được hết những tình tiết sau này diễn ra như thế nào đối với Dương Chế Sứ .

Trận đánh Dương Chí vs Lâm Xung là Lâm Xung dùng đao, không phải dùng mâu sở trường. Có đoạn về sau nói Dương Chí đánh ngang với Lỗ Trí Thâm. Tên này cũng là chính tướng võ nghệ cao tuy không được xếp vào hàng Ngũ hổ tướng. Sau Dương Chí và Lâm XUng đều ốm bệnh mà chết.

- Đại Đao Quan Thắng: võ công trác tuyệt, vốn là hậu duệ của Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường. Ông đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng của Lương Sơn, thường dương cờ thêu hình "thanh long" khi xuất trận. Tuy nhiều người cho là Lâm Xung vô địch, nhưng xem ra Quan Thắng cũng không hề thua kém. Bởi ông ngồi chiếc ghế đầu lĩnh thứ năm trong khi họ Lâm đứng thứ sáu

Võ công Quan Thắng không hề thua kém Lâm Xung là đúng nhưng chiếc ghế trong LSB không phân theo đến sau đến trước. Lư Tuấn Nghĩa, Công Tôn Thắng cũng đứng trước kìa. Chủ yếu ta nghĩ do địa vị tướng quân hoặc là xuất thân ông này là cháu Quan Vũ