PDA

View Full Version : Cùng xem vua triều Nguyễn tiêu khiển như thế nào


Be'_Ngo^c
17-07-2004, 17:51
Sau những giờ làm việc căng thẳng, vua Tự Đức ưa giải trí bằng thú chơi đầu hồ (trò tung thẻ sao cho thẻ rơi vào miệng một chiếc bình rồi gõ lên mặt trống đặt dưới đáy bình). Nhà vua chơi trò này rất tài và trong các cuộc chơi với các quan đại thần bao giờ ông cũng thắng. Vua Tự Đức còn có thú dong thuyền trên sông, đi thăm viếng các lăng tẩm hoặc săn bắn ở vùng rừng núi. Ông cũng là người đam mê sách vở và có tài thơ phú.

Vua Duy Tân lại ham cưỡi ngựa và thường phi ngựa ra tận các cổng thành. Nhà vua còn là người yêu nghệ thuật và có khiếu về âm nhạc. Ông thích nghe hòa tấu cổ nhạc và chơi được 5 loại đàn: đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị và đàn tì bà. Vua Duy Tân cũng ham đọc sách, tập thể thao và thỉnh thoảng còn chơi bài với các phi tần.

Vua Đồng Khánh đặc biệt thích sưu tầm hàng lụa. Ông cũng thích sắm các đỗ gỗ, gốm, bạc, các loại đồ chơi Pháp... Khi vua nghỉ ngơi có đến 5 cung nữ phục dịch, chăm chút cho mọi thứ từ nếp áo, vành khăn đến bộ móng tay dài hơn cả ngón của ngài luôn hoàn hảo.

Vua Minh Mạng thư giãn cũng có 5 bà hầu hạ với 5 nhiệm vụ riêng: người quạt, người đấm bóp, người têm trầu, vấn thuốc, người hát ru và người đợi sai vặt. Ông vua ưa sắc dục này cũng nổi tiếng hay chữ, thích đọc sách, ham làm thơ, viết văn.

Các vua Nguyễn có một thú tiêu khiển khá mạo hiểm: xem voi đấu với hổ. Những trận đấu này diễn ra rất sôi động hàng năm tại đấu trường trên gò Long Thọ gần bờ sông Hương, nhưng đến cuối đời Tự Đức thì bị bãi bỏ.

Vào tiết hè nóng bức các vua Nguyễn cùng cung phi còn ưa ra hóng mát và tắm sông tại bến Phu Văn Lâu. Cả một vùng cát trắng, nước xanh quanh đó được quây lại dành cho thú vui này. Ngoài ra, các vua Nguyễn còn thích những cuộc du ngoạn cùng các cung phi trên sông Hương trong những chiếc thuyền rồng tráng lệ, rộn ràng tiếng nhạc.

Một thú tiêu khiển rất phổ biến của các vua Nguyễn là xem diễn tuồng. Vua Minh Mạng không chỉ mê xem tuồng mà còn tham gia viết tuồng và đã cho xây một nhà hát có quy mô lớn nhất trong Tử Cấm Thành là Duyệt Thị Đường để diễn tuồng.

Vua Tự Đức cũng rất thích tuồng. Dưới thời ông, hàng trăm vở tuồng mới đã được sáng tác, mấy trăm đào kép giỏi quy tụ về kinh đô khiến nghệ thuật tuồng phát triển rực rỡ. Nhà vua còn cho xây dựng một sân khấu tuồng ở Khiêm Lăng để giải trí khi lên đó nghỉ.

Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên nhiều nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích đặt cho các cung nữ. Vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào kép giỏi, ông không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy hát bội. Ông là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng đồng thời là một tay trống tuồng tài ba.

Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của ông (thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định, ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển... mà tuồng Huế phần nào khởi sắc trở lại như thời Tự Đức, Minh Mạng.

Riêng vua Bảo Đại, do ở Pháp từ nhỏ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương nên không ham thích tuồng lắm. Tuy vậy, theo tập quán của triều đình, thỉnh thoảng ông cũng xem diễn tuồng.

Được tìm hiểu đôi chút về cuộc sống của các vua triều Nguyễn trước khi thăm Đại nội, trung tâm sinh hoạt của các vị Thiên tử xưa, hy vọng chuyến tham quan Huế của du khách càng thêm phấn thú vị.
(saigonnet)