PDA

View Full Version : Cuộc chiến giữa nam rợ và văn minh ở Mông Cổ.


bagiai
05-07-2004, 22:39
Hoạ Mông Cổ - Cuộc chiến không khoan nhượng giữa văn minh và man rợ:

Lịch sử loài người không phải lúc nào cũng tiến lên phía trước. Đã hơn một lần, nền văn minh nhân loại đã tưởng phải tan biến đi trong tro bụi dưới vó ngựa hung tàn man rợ của các bộ tộc du mục hiếu chiến. Sử Trung Quốc còn ghi lại những cuộc xâm lấn khủng khiếp của các bộ lạc Hung Nô (Huns theo cách gọi của người phương Tây), đến mức người Trung Hoa đã phải tốn công xây cả Vạn Lý Trường Thành chắn đỡ. Đến khi những bộ tộc Hung Nô di cư sang phía Tây, cả đế quốc Đông và Tây Roma đã phải kinh hoàng trước các cuộc tàn phá của quân Huns dưới trướng của Thiền vu (chan-yu) Attila. Mãi đến khi liên quân của người Roma và German chặn đứng được quân rợ Hung nô tại Chalons, cứu thoát cả nền văn minh phương Tây khỏi nguy cơ tuyệt diệt. Cùng với cái chết của Attila, những bộ tộc du mục thiện chiến khủng khiếp này nhanh chóng tan rã và tản mát đi. Cả thế giới văn minh ở phía Đông và phía Tây thở phào nhẹ nhõm khi cơn bão tố đã qua, vì vào thời buổi chưa phát minh ra thuốc súng và hoả khí đó, nền văn minh đô thị và nông nghiệp không có một vũ khí nào hữu hiệu chống lại cánh cung vó ngựa của đám người du mục vùng thảo nguyên Trung Á. May mắn thay cho nền văn minh nhân loại, suốt hơn tám thế kỷ sau Attila đã không có bàn tay nào có khả năng tập hợp các bộ lạc du mục thiện chiến đó thành một đạo quân đủ mạnh để đe doạ các quốc gia văn minh được thành trì bảo vệ, nếu không khó tưởng tượng nổi nền văn minh của con người sẽ đi về đâu. Nhưng đúng lúc bóng ma ghê rợn của Attila chỉ còn là một ký ức nhạt nhoà, từ phía chân trời, một lần nữa, các bộ lạc du mục, hậu duệ của cơn bão tố Hung nô khi xưa lại tập hợp lại như một bóng ma khủng khiếp bao trùm lên cả thế giới văn minh, và chưa bao giờ kể từ khi những trang lịch sử đầu tiên của loài người được viết ra, quá trình tiến hoá của nền văn minh nhân loại lại lâm vào cảnh trớ trêu bi hài đến thế. Cơn dông tố khủng khiếp của những đạo quân Mông Cổ xâm chiếm khắp đông tây có lẽ là trang đen tối buồn thảm nhất cho cả loài người, cho dù với riêng các bộ lạc Mông Cổ đó là thời kỳ huy hoàng nhất của họ. Có thể nào tưởng tượng những bộ lạc du mục bán khai chưa có cả chữ viết đó lại làm lịch sử phải một phen chao đảo. Sau hơn tám trăm năm chìm trong quên lãng, bóng ma của Attila lại quay trở lại còn ghê gớm hơn, chết chóc hơn dưới cái tên sẽ mãi mãi khắc sâu vào lịch sử: Temujin - Gengis Khan. Bắt đầu từ năm 1206, khi Temujin đã thống nhất được tất cả các bộ lạc du mục trên thảo nguyên Mông Cổ, bắt đầu một kỷ nguyên dài mà lịch sử thế giới có thể viết được bằng một dòng sông máu và một đại dương nước mắt. Chưa bao giờ, cùng một lúc, hầu như tất cả các quốc gia có nền văn minh phát triển của cả châu Á và châu Âu đều lâm vào hoạ diệt vong một cách nhanh chóng, không cưỡng lại được đến thế trước một đạo quân xâm lăng thiện chiến có một không hai và cũng man rợ, tàn bạo không ai sánh kịp. Dưới vó ngựa hung tàn của Temujin và con cháu gã, hầu như tất cả các quốc gia lớn nhất của hai nền văn minh quan trọng nhất phương Đông: văn minh Hồi giáo và văn minh Trung Hoa đều bị tàn phá nặng nề và dìm trong biển máu. Nhiều thành phố lớn - các trung tâm văn hoá, thương mại nhộn nhịp với hàng triệu dân cư - như Bukhara, Samarkand, Bagdad, Damascus, Bắc Kinh, Hàng Châu ... đều biến thành đống tro tàn và những nấm mồ chung dưới tay quân Mông Cổ. Với những kẻ du mục lang thang này, thành phố, làng mạc, cung điện, đền đài, khoa học, sách vở... tất cả những thành quả của hàng ngàn năm tiến hoá văn minh của loài người, đều không có chút ý nghĩa gì. Đối với chúng chỉ có những đồng cỏ, những đàn gia súc là có ý nghĩa. Thật đáng rùng mình ghê sợ khi nhìn lại những gì đã xảy ra trong thời kỳ mà chỉ thiếu chút nữa thôi sức mạnh bạo tàn đã khiến con người bị lôi ngược trở lại thời kỳ mông muội, tối tăm. Rồi khi gần như cả phương Đông chỉ còn là đống tro tàn run rẩy dưới vó ngựa Mông Cổ, đám du mục hiếu chiến lại quay sang phía Tây. Cả nước Nga Kiev rộng lớn bỗng chốc sụp đổ tan tành, rồi chẳng bao lâu sau cả vùng Đông Âu và Trung Âu đến lượt mình cũng biết cảnh "núi xương biển máu". Câu cảnh báo kinh hoàng của hơn tám trăm năm trước: "Vó ngựa Huns đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó!" trong chốc lát đã trở thành hiện thực. Nếu chẳng có sự kiệt sức và mâu thuẫn tranh dành quyền lực giữa đám vương tôn du mục kẻ cướp này thì hẳn thế giới Thiên Chúa giáo cũng đã chịu chung cảnh ngộ với những nền văn minh phương Đông xấu số.
Nhưng có ai đó đã nói thật chí lý: "Người ta có thể đánh thắng cả thế giới trên lưng ngựa nhưng không thể khuất phục cả thế giới trên lưng ngựa." Những dân tộc có nền văn minh lâu đời, có lòng tự tôn đã không chấp nhận ách thống trị bạo tàn của các bộ tộc man rợ bán khai, trong khi bản thân những kẻ chiến thắng cũng chợt nhận ra khả năng của chúng không kham nổi việc khống chế, cai quản những dân tộc bị đánh bại nhưng lại có nền văn minh phát triển hơn.
May mắn thay cho loài người, trong cuộc vật lộn ác liệt có một không hai trong lịch sử giữa văn minh và man rợ, sức mạnh tàn bạo của các bộ lạc du mục cuối cùng cũng tự tan rã. Nhưng cũng phải hàng thế kỷ sau cơn ác mộng của thế kỷ 13, loài người văn minh mới hoàn toàn rũ bỏ được mối đe doạ của những đám người du mục. Với thuốc súng và đại bác, văn minh vật chất của con người đã lần đầu tiên có thể khuất phục được cánh cung vó ngựa vốn khi xưa bách chiến bách thắng. Hài hước thay, những kẻ xâm lược man rợ ngày nào vẫy vùng xưng hùng xưng bá như một cơn bệnh dịch chết chóc tràn ngập khắp đại lục Á - Âu giờ đây trở thành những kẻ bị tiến trình văn minh đào thải, vứt ra rìa con đường phát triển của loài người. Đó là cái giá đích đáng dù chua xót mà các bộ lạc du mục mãi mãi bán khai đó phải trả khi lựa chọn sức mạnh của vũ lực thô bạo dã man thay cho sức mạnh của văn minh và tri thức. Sự hình thành, đắc thắng rồi suy sụp của đế quốc Mông Cổ không chỉ là lịch sử của một đế quốc, đó còn là bản anh hùng ca bi tráng về cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa văn minh và dã man, giữa ánh sáng và bóng tối. Nhân loại văn minh đã phải trả giá cho chiến thắng trước thế lực bạo tàn bằng không biết bao nhiêu máu xương, nước mắt, bằng hàng thế kỷ đau thương mà đáng lẽ ra con người đã có thể tiến xa hơn về phía trước nếu không bị chặn đường bởi bóng ma của các đạo quân du mục.
Nhìn lại quá khứ của thời kỳ đau thương đó, mỗi người Việt Nam không khỏi tự hào rằng cha ông chúng ta đã đứng kề vai sát cánh với các dân tộc văn minh khác chống lại cơn thuỷ triều hắc ám của vó ngựa Mông Cổ. Chúng ta tự hào vì trong khi tự cứu lấy dân tộc, tổ quốc mình bằng ba lần kháng chiến kiên cường anh dũng, chúng ta đã góp phần cùng loài người tiến bộ giúp nền văn minh nhân loại vượt qua được cơn hiểm nghèo thử thách lớn nhất trong suốt quá trình hình thành và phát triển.