PDA

View Full Version : Khúc phóng túng trên chủ đề Thơ


LSB-ThuyDuong
01-06-2004, 11:44
Mượn 1 thuật ngữ trong âm nhạc cổ điển, TD tôi viết về thơ. Nói cho cùng, Thơ hay Nhạc Cổ Điển cũng đều sang trọng và hướng thiện. Không phải là 1 bản giao hưởng có cấu tứ các chương nghiêm ngặt, cũng không phải là 1 bài phê bình hàn lâm được bố cục lớp lang, đây chỉ là cuộc chuyện trò thân ái mang tính "phóng bút" giữa người yêu thơ với người yêu thơ.

1. Thơ ngắn và thơ dài
Những năm tháng chiến tranh và bao cấp, người ta tính nhuận bút thơ theo cách đếm chữ, đếm dòng, đếm trang, tất nhiên có tính đến đẳng cấp, vị trí của tác giả trên chiếu thơ đương thời. Vì thế mà trường ca hồi đó nhiều đến thế. Những câu thơ nối tiếp nhau ào ạt tuôn chảy như nước lũ, hoành tráng đấy, nhưng rút đi lại chả đọng được gì. Bây giờ ngoảnh lại mà nhìn, chỉ có Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, có Những người đi tới biển của Thanh Thảo là đáng kể, nếu chiếu cố thì may ra thêm được Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn. Cũng vì thơ quá dài, mà ít hàm súc, có chuyện để kể trong thơ mà không có những chữ thần câu thánh để đời.
Trong khi đó, Trần Dần, nhà thơ đa nạn thành Nam, sĩ phu Bắc Hà đích thực, người khổng lồ không sổ gạo lại gò mình vào 1 cuộc chơi kỳ khu rất Trần Dần: thơ mi ni.
Có khi là 1 bài thơ 2 dòng:
Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời.
Có khi chỉ có mỗi 1 dòng:
Mưa rơi không cần phiên dịch.
Chỉ 1 dòng 6 chữ không phụ trang màu mè, không vần không điệu mà tạo ra trong lòng người đọc thơ những dư ba, những cơn sóng liên tục dội vào tâm tưởng. Một cái đẹp bi tráng được viết ra bởi 1 đời thơ đã can đảm đi qua cơn mưa...
Nhưng ngắn nhất, độc đáo nhất vẫn là 1 bài thơ chỉ có mỗi 1 từ của 1 thi sĩ bình dân được gọi là Chúc bờ sông (ông này tên là Chúc, sống ở bờ đê sông Hồng Hà Nội). Bài thơ "Vợ chồng" của ông chỉ vẻn vẹn 1 từ:
Xong!
Lời bình của nhà thơ Trần Dần về bài thơ này cũng ngắn và độc đáo: "Hai chữ vợ chồng, thế là xong!"
Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu! Mỗi người, tùy sự trải nghiệm của riêng mình về đời sống vợ chồng, hiểu bài thơ này theo 1 cách.
Lạ thật, cái nước Trung Hoa láng giềng, núi cao sông rộng mà những bài thơ lại ngăn ngắn xinh xinh. Những bài tứ tuyệt, hay tuyệt cú. Nếu bát cú chỉ có nghĩa là 8 câu thì tứ tuyệt..., xin lưu ý cho chữ "tuyệt"- chỉ 4 câu 28 chữ mà có khi chứa cả 1 trời tâm tưởng, người viết phải nén ý dồn chữ cao thủ đến thế nào. Những bài thơ ngắn thường hàm súc!
Làm thơ ngắn khó hơn làm thơ dài rất nhiều. Bởi vì thơ dài, câu sau tiếp ý cho câu trước, câu sau đỡ đòn cho câu trước, nhiều khi sau cả đoạn lê thê chợt có 1 câu hay, như công tắc điện bật lên làm sáng cả bài thơ, thế là cứu được thơ rồi. Thơ ngắn thì không thể phung phí những chữ thừa. Thơ ngắn buộc người ta đắn đo từng con chữ.
Nhớ ngày xưa Nguyễn Ái Quốc tập viết báo bằng tiếng Pháp, ban đầu thì viết ngắn (do vốn từ chưa phong phú), sau đó viết dài lên, đến khi viết được dài rồi thì lại phải tập rút ngắn lại. Rút ngắn không hề dễ!
Có người hỏi 1 nhà thơ nữ lừng danh năm 22 tuổi vì sao nàng không viết lục bát, nàng đáp nàng muốn thơ mình hiện đại, còn vì sao không viết tứ tuyệt, câu trả lời lại là "không viết được".

LSB-ThuyDuong
11-06-2004, 11:51
2. Thơ và ấn tượng thị giác
Phần viết này không đề cập đến những thi phẩm được các bậc thầy về thư pháp trình bày một cách đẹp mắt và gây ấn tượng thị giác rõ nét. Chuyện đó xin để các chuyên gia bên Minh Kim Cục luận bàn nếu có nhã hứng. Một thi phẩm được "vẽ lại" theo cách đó thực ra cũng giống như 1 bài thơ được phổ nhạc, nó sống thêm cuộc sống thứ 2. Còn trước đó, khi chưa được trình bày dưới dạng thư pháp, nó đã là một sinh thể thơ độc lập và rất có thể sinh thể thơ đó không gây ấn tượng thị giác nào.
Phần viết này chỉ bàn đến những bài thơ mà khi ra đời, tác giả của nó đã dụng công trình bày nó sao cho gây ấn tượng thị giác đến người đọc thơ.
Người tiên phong trong việc gây ấn tượng thị giác đến độc giả là thi hào Pháp Apollinaire. Đầu thế kỷ XX, ông phối hợp giữa ý nghĩa của bài thơ với cách trình bày thơ sao cho cách trình bày thơ tạo được ấn tượng thị giác nơi người đọc, làm độc giả cảm thơ rõ hơn. Trong bài "Chim bồ câu bị dao đâm", các câu thơ được chép xếp theo hình một con chim câu, còn ở bài "Vòi nước phun", các câu thơ được xếp chéo theo hình những tia nước vọt ra 2 bên rồi cong xuống. Quả là trong khi đọc thơ, độc giả còn xúc cảm với hình dạng tranh vẽ của thơ.
Vào thời điểm Apollinaire gây ấn tượng với cách trình bày thơ độc đáo của mình trong tập "Caligrammes", ở VN, 1 nhà thơ không biết tiếng Pháp, ít tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhưng lại là 1 thi tài thiên bẩm đã gặp gỡ với Apollinaire mà không hề biết. Đó là Tản Đà.
Cuối tập Giấc mộng con I, xuất bản năm 1916, Tản Đà vẽ một mặt trăng hình lưỡi liềm gợi hình dáng một con mắt nhìn, trong ruột vẽ tên ông: Nguyễn Khắc Hiếu. Xung quanh vầng trăng-Tản Đà-mở mắt ấy là 1 vòng tròn tinh tú, nhưng dưới dạng chữ in của 2 câu lục bát:
Trăm năm cõi tục còn dài/ Con đường vô hạn trên đời còn xa/ Có chăng ta biết cùng ta/ Rõ ràng mở mắt bây giờ hỏi ai.
"Còn dài" vì Tản Đà lúc đó mới 28 tuổi, "mở mắt" đó chính là tiên-sinh-trăng-lưỡi-liềm còn 4 câu thơ làm thành vòng tinh tú quanh mặt trăng kia là cả 1 vòm trời.
Nghĩ ra 1 bài thơ-tranh như vậy, khi chưa hề biết Apollinaire là ai, chỉ có Tản Đà làm được!
Chỉ vài năm sau, vào thời đại Thơ Mới, một thế hệ các nhà thơ "Tây học", am hiểu văn thơ Pháp đã trình làng những tác phẩm tân kỳ của mình. Và lối thơ thị giác được gắn liền với tên tuổi Nguyễn Vỹ.
Chẳng hạn bài "Sương rơi" nổi tiếng (được đưa vào Thi nhân VN) được xếp thành 3 cột lệch nhau, ở mỗi cột mỗi dòng thơ chỉ có 2 con âm là đã xuống dòng, tạo một cảm giác mỏng manh như sương nhỏ giọt:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
....
Giả sử ta không xuống dòng như vậy, giả sử ta "không muốn câu dòng" mà viết liền thành:
Sương rơi nặng trĩu
Trên cành dương liễu
thì bài thơ có khác không?
Chắc chắn là khác. Cái cảm giác mỏng và nhẹ của sương, cái ấn tượng thị giác mà tác giả nhấn vào người đọc sẽ không còn nữa. Và cái hay của bài thơ sẽ rơi rụng ít nhiều!
Nguyễn Vỹ còn có bài "Hoàng hôn" được xắp chữ mô phỏng cánh cò bay. Và bài "Mưa" xếp theo hình quả trám, số chữ trong mỗi câu thơ lúc đầu tăng dần giống như mưa càng lúc càng to, sau đó lại giảm dần đến khi mưa tạnh hẳn.
Trong lúc các nhà thơ Việt say mê theo thơ Pháp thì ở nước Nga Xô viết, Maiakovsky và các chiến hữu của ông trình làng thể thơ bậc thang, để rồi nhiều năm sau, trong kháng chiến chống Pháp, lối thơ ấy du nhập vào VN.
Các thi tài thời ấy, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt... say mê lối thơ này, coi nó như một sự giải thoát khỏi thơ tiền chiến, bắc cây thang thơ hiện thực hòng vươn tới trời xanh của thi ca. Chỉ 1-2 chữ là các bác đã xuống dòng, lùi 1 tab, bắc thang rồi.
Giờ đây đọc lại nhiều đoạn thơ, ta thấy đó chỉ là "mốt", có khi viết liền tù tì thành 1 câu thơ dài mà thi cảm cũng không thay đổi.
Nhưng cũng có rất nhiều đoạn, việc bắc thang thơ là đắc địa.
Ví dụ như bài "Đèo Cả" của Hữu Loan, những chỗ xuống dòng liên tiếp, lùi tab liên tiếp tạo nên 1 bức tranh gập ghềnh khúc khủyu, giúp ta như hình dùng thêm sự gian khổ của các chiến sĩ trên vùng đèo núi hiểm trở. Hay như bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, có đoạn:
Em ơi
.......... giây phút cuối
.................. không
........................ được
............................. nghe
................................... nhau
....................................... nói
Không được trông nhau
..................................... một lần
Thì sự xuống dòng liên tục tạo nên một cảm giác nghẹn nấc và cảm giác này không thể có nếu ta viết liền tù tì:
Em ơi giấy phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Tương tự như vậy, đoạn thơ sau của Trần Dần trong "Nhất định thắng":
Em đi
......... trong mưa
..................... cúi đầu
............................. nghiêng vai
Sự xuống dòng và lùi tab, tạo nên những điểm dừng của con mắt, ta đọc rồi dừng lại, rồi đọc tiếp và thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng.
Con mắt của ta cảm nhận những khúc khủyu của thơ, và đó cũng là những khúc khủyu của những số phận người.
Bài viết này như lời tỏ bày một sự tiếc nuối vì TD có làm thơ bậc thang mà không biết cách nào post được nó lên các diễn đàn! :)

LSB-ThuyDuong
19-06-2004, 10:32
3. Công bố thơ. Đừng hỏi vì sao!
Vì sao lại thế ôi vì sao lại thế
Sao không thế này mà lại là thế kia?
(lời 1 bài hát nhi đồng)
Nghe các bậc tiền bối kể rằng, thời bao cấp xưa, công bố thơ là chuyện cực khó. Đến như Xuân Diệu mà khi truyền y bát cho đồ đệ còn bảo: làm thơ phải tuyệt đối vô tư, nhưng công bố thơ thì phải có mánh khóe.
Thời thế thay đổi. Bây giờ in 1 tập thơ là chuyện quá dễ dàng, chỉ cần "nhà thơ" bỏ tiền túi ra in là okie. Tất nhiên những tay đầu nậu in thơ cũng biết thừa những thứ thơ như vậy không bán được cho ai mà chỉ phục vụ mục đích quảng danh cho "nhà thơ" thôi. Thế nên tirage cực thấp, nhà thơ in độ 500 cuốn đem tặng bè bạn để khoe mình cũng biết làm thơ, đầu nậu bụp ít tiền dịch vụ, thơ thẩn thế nào chẳng thèm ngó qua, còn vai trò của NXB chỉ là cho thuê biển hiệu.
TD có quen 1 ông chú cũng có tập thơ như thế. Khi đến nhà ông, ông hỏi:
- Cháu đã có tập XXX của chú chưa? Cực kỳ cảm động, lâng lâng hoành tráng!
- Dạ cháu chưa có.
Thế là ông với tay lên tủ sách, rút lấy 1 tập, ký cái roẹt và đề tặng: "Với TD, 1 trưa hè".
Độ tuần sau có việc qua nhà ông, lại bị hỏi y như vậy. Nếu bảo đã được ông tặng rồi, ông bắt bình luận thì chết! Đành nói dối là chưa có. Nào ngờ ông tưởng thật, lại với tay lên tủ sách, lại rút lấy 1 tập, lại ký và đề: "Với TD, 1 tối mưa".
2 tập thơ này, TD cẩn thận xé trang có dòng chữ đề tặng đi, phần còn lại thì đem bán đồng nát!
Nghĩ mình cũng hơi tệ, nhưng nếu đã thừa biết đọc thơ của ông chỉ mất thời gian và chuốc bực vào người thì đọc làm gì. Lại thấy thương những người như ông ấy, bỏ tiền ra in thơ mà chắc gì đã có ai thèm đọc thơ mình. Cái danh hão nhà thơ hỏi có gì là cao sang?
Ngày xưa Brodsky hồi còn ở Liên Xô bị kết tội "ăn bám" vì không làm gì ngoài việc làm thơ. Thế rồi Brodsky ra phương Tây, sống lưu vong, đoạt giải Nobel văn học. Nhưng những người như Brodsky hiếm lắm, cứ sau 1 thời đại thi ca, kiểm lại ta thấy chỉ còn có vài người. Thời Nguyễn Du, trên cả nước VN này hẳn phải có vài nghìn người làm thơ, bây giờ điểm lại chỉ còn vài chục. Những người khác đâu rồi? Thơ của họ không sống được với thời gian, tên tuổi họ bị lãng quên, hỏi đời họ còn lại gì? Nếu họ chỉ biết có làm thơ không thôi thì đích thực họ là "ăn bám", nào oan uổng gì nữa! Như những con thiêu thân lao đầu vào ngọn lửa hư danh rồi chết, ôi nhà thơ, người thật đáng thương hại làm sao!
Dẫu đã được in thành tập thơ, nhưng nếu trên thực tế không có ai đọc thì chưa phải là thơ ấy đã được công bố đâu!
Công bố thơ trên báo khó hơn, vì còn phải qua cửa tay biên tập thơ của báo. Nếu tờ báo đó coi trọng thơ ca thì tay biên tập viên phải gác cửa cho báo cái phần thơ, chỉ thơ nào hắn thấy hay thì mới cho qua cửa. Hắn là vua, thật đấy! Nhưng vua đấy cũng cầu người tài bỏ xừ! Thơ hay mà không đăng thì nhà thơ gửi cho báo khác, phí! Tổng biên tập mà biết thì hắn bị rầy rà!
Còn bài thơ nào hắn thấy không hay thì không đăng, không trả bản thảo, không giải thích vì sao không đăng.
Đừng có hỏi tại sao! Phải tự hiểu rằng thơ ấy chưa hay, chưa đạt chuẩn để được đăng trên tờ báo của hắn. Chỉ có vậy thôi!
Nhiều người làm thơ tay ngang không hiểu cái lẽ này. Có cụ hưu trí đến thắc mắc với báo VNT vì sao những dòng thơ cực kỳ nồng nhiệt cụ ca ngợi Hồ Chủ tịch, không phạm lỗi gì lại không được đăng.
Thơ của cụ có đoạn thế này:
Trông cốt cách rõ ràng cán bộ
Mà tại sao đức độ hơn người!
Cháu yêu Bác lắm Bác ơi
Cháu yêu Bác suốt một đời cháu đây.
Song thất lục bát hẳn hoi nhá! Vần luật nghiêm chỉnh nhá! Không vi phạm thuần phong mỹ tục nhá! Không nói xấu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước nhá! Ý tứ rõ ràng dễ hiểu nhá! Thế tại sao lại "chuyển vào hậu sơn"?
Thơ cụ chả có lỗi nào cả. Nó không được đăng chỉ vì nó không được hay.
Ở đời có bao việc hay ta có thể làm, không làm được thơ hay chẳng phải là điều gì đáng hổ thẹn. Mà cái bọn làm được thơ hay đó nào chắc đã có ích cho đời bằng ta! Nhưng... Không làm được thơ hay mà cứ thắc mắc tại sao người ta không chịu in thơ mình, kiện cáo vung tí mẹt thì "nhà thơ" ơi, người thật không hiểu lẽ đời lắm sao?
Thế nhưng cũng có khi tay biên tập thấy thơ không hay mà hắn vẫn cho đăng. Mà lại là thơ của 1 gã nhà thơ hắn không ưa. Khi hỏi tại sao thơ dở thế mà vẫn đăng thì tay biên tập viên nọ cười nham hiểm:
- Tờ báo của tớ không thể chết chỉ vì trót đăng 1 bài thơ dở. Nhưng cái thằng X đó (nhà thơ) sẽ chết vì bài thơ quá dở hơi của hắn! Chỉ 1 bài thơ như thế đủ tiêu tùng cái danh hiệu nhà thơ của X rồi!
Đúng quá rồi. Người đọc đi qua đi lại, ngó vào bài thơ của X, thấy vần điệu lủng củng, ý tứ lộn xộn, trình độ non kém ai chả chê cười. Tay biên tập nọ cho đăng thơ của X là để hại X chơi đấy mà!
Giả dụ có một ông nhà thơ nghiệp dư Y nào đó, thấy thơ X dở như thơ mình vẫn được đăng, thơ mình thì bị bỏ, lên tòa soạn kiện. Nếu ông thấy thơ mình hay mà kiện thì đã đi một lẽ, nhưng ông lại kiện vì: "ừ thơ tôi dở, nhưng thơ anh X cũng dở không kém, sao thơ tôi không được đăng như thơ anh X?"
Bác Y ạ, bác đừng hỏi tại sao một cách đần thộn như thế! Nếu có hỏi thì phải hỏi ngược lại: "tại sao thơ tôi được không đăng mà thơ anh X vẫn bị nằm đấy trên mặt báo cho người qua kẻ lại chê cười?"
Vì sao lại thế, ôi vì sao lại thế! Sao không thế này mà lại là thế kia? Nhà thơ ạ, trước khi hỏi, nhà thơ hãy nghĩ đi đã, rồi mai thành nhà thơ nhớn!

Tiểu Siêu
20-06-2004, 00:14
Bữa nay , Tiểu Siêu mới rảnh lên diễn đàn , thực tình mà nói , đọc bài này trong Luận Văn Đàn của Thuỳ Dương muội đã lâu mà không có cảm hứng để luận cùng . Nói chính xác , thì chưa . . . gom đủ kiến thức về chuyện này để đàm luận . Nay nhâm nhi tách cà phê , mạo muội nói đôi lời . . . :) .
Nhớ cách đây không lâu , một người bạn thưở thiếu thời của phụ thân Tiểu Siêu tới chơi nhà . Nói là bạn thưở thiếu thời nhưng cũng là bạn văn chương , thơ phú . Tối đó , nghe bá bá nói về một ví dụ về thơ trong văn , là văn mà lại là thơ , đọc văn mà mang đậm hơi hướng và cái trữ tình của thơ ca . Tiểu Siêu không ham thơ phú văn chương , nên cũng chỉ nhớ lõm bõm được đôi chút :D một câu như sau : Hạnh phúc là một thân cây gẫy khúc , còn đẫm nước mưa nhưng mọc đầy hoa .
Điều cốt yếu là nói cái ý đầy hơi hướng thơ ca trong câu văn , mà ta cũng có thể viết như sau :
Hạnh phúc
. . . là
. . . . . . một thân cây
. . . . . . . . . gẫy khúc
Còn đẫm nước mưa
. . . nhưng
. . . . . . mọc đầy hoa .
Chẳng biết có phải là cái phóng túng mà Thuỳ Dương muội muốn nói tới hay không , có điều , Tiểu Siêu vẫn ấn tượng với nó cho tới tận bây giờ . Hôm nay . . . phóng túng theo mà tạm gọi nó là cái phóng túng về ý trong thơ , được lồng trong văn :) .
Lại nhớ , lâu lâu rồi , đọc bài Những Từ Lang Thang của Nguyễn Hữu Hồng Minh :
. . .
Ta chết trong ánh sáng khó hiểu
của một từ. Như những mẫu tự
. . . . . . bị tháo rời (M, I)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . mất dần nghĩa (N, H)
Khi mất những con dấu (/ .\ ? ~)
thậm chí với tên của ta,
. . . . . . . . . . . . . . . . . . ta cũng chẳng biết giấu mình vào đâu?
. . .
Có nên chăng nói đây là một thứ . . . phóng túng trong thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh ? Chẳng biết có phải vì Tiểu Siêu là một kẻ chẳng bao giờ làm được ra một câu thơ cho ra hồn , một khổ thơ viết cho đúng luật đúng âm nên . . . rất thích dạng thơ tự do siêu hình kiểu như Nguyễn Hữu Hồng Minh hay không :D ??? Hay lấy một ví dụ khác trong bài Bùng Nổ Từ Ghi Chú của nhà thơ này :
. . .
Ghi chú Thơ
Như nén thêm một nghĩa vào phạm trù đã chật
Những khoảng rỗng
. . . đựng trong khoảng rỗng
. . . . . của một khoảng rỗng
. . .
:( Mạn phép để ngày mai nói tiếp về vấn đề này vậy , Euro phân tán tư tưởng quá :D . :( Không dám đọc lại nữa , vì Tiểu Siêu vừa viết mà tai và mắt đang ngóng về màn hình TV , nên ngôn từ lủng củng thì mong bỏ qua :D .
Tiểu Siêu

LSB-ThuyDuong
21-06-2004, 17:34
....
Hạnh phúc
. . . là
. . . . . . một thân cây
. . . . . . . . . gẫy khúc
Còn đẫm nước mưa
. . . nhưng
. . . . . . mọc đầy hoa .
....
. . .
Ta chết trong ánh sáng khó hiểu
của một từ. Như những mẫu tự
. . . . . . bị tháo rời (M, I)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . mất dần nghĩa (N, H)
Khi mất những con dấu (/ .\ ? ~)
thậm chí với tên của ta,
. . . . . . . . . . . . . . . . . . ta cũng chẳng biết giấu mình vào đâu?
. . .
...
. . .
Ghi chú Thơ
Như nén thêm một nghĩa vào phạm trù đã chật
Những khoảng rỗng
. . . đựng trong khoảng rỗng
. . . . . của một khoảng rỗng
. . .
...
...vì Tiểu Siêu vừa viết mà tai và mắt đang ngóng về màn hình TV , nên ngôn từ lủng củng thì mong bỏ qua :D .
Tiểu Siêu


TD đọc bài của TS mà tai đang ngóng về phía tụi bạn bình luận trận đấu tối qua, nên chưa kịp thấy đoạn nào TS viết "ngôn từ lủng củng"!
Nhưng những đoạn thơ được in đậm thì đập ngay vào mắt, cực kỳ ấn tượng.
Đoạn đầu dù xuất xứ của nó là 1 câu văn đi nữa thì đó là 1 câu văn có chất thơ. Và khi được viết lại theo cách Tiểu Siêu, nó đã là thơ rồi. Và là thơ hay, theo TD.
Thơ hay hay không là ở hình ảnh thơ, tứ thơ chứ không phải ở vần điệu.
Bài đó nghe quen quen, hình như nó đã được 1 nữ hiệp LSB lấy làm chữ ký. Không nhớ là ai, nhưng chữ ký thì ấn tượng! :P
Còn 2 trích đoạn thơ sau của NHHM thì TD rất mê. Nguyễn Hữu Hồng Minh đang là ngôi sao sáng trong giới thơ trẻ hiện nay, cùng với Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải và Vi Thùy Linh. Nhưng hiểu được anh ấy, cảm được anh ấy không hề đơn giản. Bạn bè Minh có người còn đùa: "Dạo này cu cậu chả ăn uống gì cả, vì đã ăn 1 hải cảng rồi!" (Minh có câu hình như là Tôi đã ăn hải cảng một đêm buồn!)
Nói chung thơ NHHM giàu trí tuệ mà không làm mất đi cảm xúc. Nó buộc người đọc phải ngẫm ngợi và cùng tưởng tượng với tác giả. Thơ Minh không dành cho những người lười tư duy.
Cái mỹ cảm thơ tiền chiến, với những cụm từ giờ đây đã trở nên sáo rỗng về sóng biển, sầu bi, khói thuốc, nắng vàng, heo may, những rưng rưng đầu đời vẫn còn trói buộc nhiều người làm thơ VN. Cái giọng đều đều bốn dòng một khổ, số chữ vuông vức cân đối khiến thơ mất đi chất "phóng túng"!
Tràn ngập thi đàn là thứ thơ xi-rô ngòn ngọt không thể làm ta say!
Những người như anh Minh phá tung cái xích "mỹ cảm thơ tiền chiến" đó và bày ra cho ta một thứ thơ mới, như rượu vodka, làm cháy cổ những ai chưa biết uống rượu nhưng thật tuyệt vời đối với những ai đích thực tửu đồ!
Ngày xưa gọi TS là tỷ vì tưởng nàng hơn tuổi, nay thấy TS thích được thơ NHHM thì TD vẫn gọi TS là tỷ! :)

PS: Trong chiến dịch dần dần rút lui khỏi LSB, bài này là bài cuối cùng của TD ở box Luận Văn Đàn, xin cám ơn tất cả những ai đã giành thời gian đọc những bài luận ấm ớ của TD!