PDA

View Full Version : Bàn thêm về bộ Thuỷ hử


LSB-Huy_Aka
03-02-2004, 11:43
Thủy Hử tức Thủy Hử truyện (câu chuyện nơi bến nước) ra đời cách đây đã 600 năm, viết về một cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống (thế kỷ 12) do Tống Giang lãnh đạo. Đó là một cuộc khởi nghĩa có thực trên lịch sử. Quy mô và tác động của nó rất to lớn, các sử gia phong kiến mặc dù rất căm ghét cũng không thể không ghi chép lại. Nhưng chung quy, họ chỉ viết dăm ba giòng ngắn ngủi, không tương xứng với vai trò lịch sử của nó. Tống sử quyển 22 chép: "Bọn cướp ở Hoài Nam là Tống Giang xâm phạm quan quân ở Hoài Dương, lại xâm phạm Kinh Đông, Giang Bắc, xâm nhập địa phận Hải Châu đất Sở, nhờ vua hạ lệnh cho tri châu Trương Thúc Dạ chiêu hàng. Còn nhân dân thì lại khác. Câu chuyện các hảo hán nơi bến nước đã được nhanh chóng truyền tụng, những "nhà văn không biết chữ" ấy đã tô điểm sáng tạo thêm và xuất bản bằng cách truyền miệng. Dần dần nó trở nên hoàn chỉnh và các nghệ nhân kể chuyện đời Tống đã thu thập, gia công, chỉnh lý thành những tác phẩm truyện kể, hiện còn lưu lại trong bộ sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự ra đời cuối Tống đầu Nguyên, trong đó có ghi những chuyện cướp quà mừng sinh nhật, Dương Chí bán đao, Tống Giang thả Tiều Cái, Lưu Đường đưa thư, Tống Giang giết Diêm Bà Tích v. v... Đời Nguyên cũng đã có đến 20 vở tạp kịch lấy đề tài Thủy Hử, trong đó vai chính là Lý Quỳ, Tống Giang, Võ Tòng, Dương Hùng, Trương Thuận v. v... Có thể nói từ Nam Tống đến cuối Nguyên là thời kỳ thai nghén trước khi Thủy Hử truyền ra đời. Những năm cuối cùng của triều đại Mông Nguyên, khởi nghĩa nông dân liền tiếp bùng nổ. Phong trào vừa mang nội dung đấu tranh giai cấp, vừa mang nội dung yêu nước chống xâm lược này đã phát triển ngày một sâu rộng, thế như chẻ tre, và cuối cùng đã lật đổ nền thống trị Nguyên Mông. Hiện thực hùng vĩ đó đã thôi thúc nhà văn Thi Nại Am dùng tài năng văn chương của mình hoàn thành bộ Thủy Hử đồ sộ.
Về Thi Nại Am chúng ta biết rất ít, sử sách không ghi chép gì về ông. Theo mộ chí và huyện chí (Hưng Hóa huyện tục chí) thì áng chừng ông sinh vào năm 1296 mất vào năm 1370, tên là Nhĩ, tên chử là Tử An, quê ở Cô Tô (nay thuộc huyện Hưng Hóa tỉnh Giang Tô), 36 tuổi đỗ tiến sĩ, từng làm quan 2 năm ở huyện Tiền Đường, nhưng chẳng bao lâu bất mãn với thời cuộc, chán cảnh vào luồn ra cúi, phủ áo về quê, đóng cửa viết văn. Ông viết nhiều bộ truyện như Tùy Đường chí truyện, Tam toại bình yêu truyện, Giang hồ hảo khách truyện (tức Thủy Hử) trong đó Thủy Hử là tác phẩm nổi tiếng nhất. Tương truyền mỗi lần viết xong một tác phẩm ông đều đưa cho môn sinh xem lại, và trong việc này La Quán Trung là người có đóng góp nhiều nhất. Cũng tương truyền ông có tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân cuối Nguyên do Trương Sĩ Thành lãnh đạo và là người được Chu Nguyên Chương (lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối Nguyên, sau này trở thành Minh Thái Tổ) hết sức quí trọng, từng nhiều lần vời ra làm quan nhưng ông từ chối.
Theo Lỗ Tất, thì tổng cộng có đến 6 bản Thủy Hử, chung quy thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi. Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng - hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân - Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác nhau về tình tiết câu chuyện nhưng chung quy đều nói đến quá trình thất bại của nghĩa quân. Có thể thấy, người đời sau đã xuất phát từ những động cơ khác nhau mà viết tiếp truyện Thủy Hử. Lỗ Tấn nói:
"... Nguyên bản Thủy Hử truyện này không còn, bộ Thủy Hử lưu hành hiện nay có hai loại, một loại 70 hồi, một loại trên 70 hồi. Loại trên 70 hồi cũng bắt đầu từ chuyện Hồng thái uý lạc bước vào điện ma vương rồi sau đó 108 người tụ về Lương Sơn Bạc, đánh người cướp của, cuối cùng nhận lệnh chiêu an, được phái đi đánh dẹp giặc Liêu, bình định Điền Hổ, Vương Khánh, bắt được Phương Lạp (lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa nông dân cùng thời) lập công lớn. Cuối cùng triều đình nghi kỵ, bắt Tống Giang uống thuốc độc mà chết, rồi hóa thành thần. Còn chuyện chiêu an thì vốn là cách nghĩ của người cuối Tống đầu Nguyên, bởi vì lúc này xã hội loạn lạc, quân lính áp chế nhân dân, những người dân hòa bình thì nhẫn nhục chịu đựng, những người không hoa bình thì ly khai làm giặc. Kẻ làm giặc một mắt chống cự với quân lính, quân lính không thắng nổi họ, mặt khác cướp bóc nhân dân, tất nhiên nhân dân thường xuyên bị họ nhũng nhiễu. Nhưng một khi giặc ngoại xâm đến, quân lính không chống cự nổi, nhân dân vốn căm ghét ngoại tộc xâm lược, liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp đã chiến thắng quân lính để chống xâm lược, bởi vậy giặc cướp lúc này lại trở thành kẻ hành đao. Còn như chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì lại do người đầu Minh thêm vào. Minh Thái Tổ, sau khi nhất thống thiên hạ đã sinh lòng nghi kỵ các công thần, ra tay chém giết, những kẻ giữ được trọn vẹn không nhiều. Để tỏ lòng đồng tình với những công thần bị sát hại, nhân dân đã thêm vào chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát rồi hóa thành thần. Đó âu cũng là chỗ khiếm khuyết có thực, một ví dụ thường thấy về cách quyết "đoàn viên" của tiểu thuyết".
Bản Thủy Hử mà chúng ta đọc ở đây thuộc loại 70 hồi, do Kim Thánh Thán - một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn "anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm" của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một "giấc mộng kinh hoàng", của Lư Tuấn Nghĩa, ông ta mơ thấy 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ "thiên hạ thái bình". Chúng ta dịch lại bản Thánh Thán, vì đó là bản phổ biến nhất, giữ được tinh hoa cốt truyện, văn chương được gọt giũa, nhuận sắc.
*
* *
Tóm lại, giá trị cơ bản của Thủy Hử là giá trị nhận thức. Bằng những cuộc đời chân thực, sinh động, đầy sức thuyết phục, Thủy Hử giúp chúng ta thấy được đứng đắn nguyên nhân phát sinh, quá trình phát triển và thất bại của một cuộc khởi nghĩa nông dân dưới chế độ phong kiến, từ đó càng nung nấu thêm ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột, giải phóng phải có một lý tưởng chính trị sáng suốt và triệt để của một giai cấp tiên tiến trên lịch sử soi đường. Trong thời hiện đại, đó chính là giai cấp vô sản cách mạng.
*
* *
Cũng có người cho rằng, giá trị cơ bản của Thủy Hử là ở chỗ đã xây dựng được hàng loạt nhân vật hảo hán Trung Hoa võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa cả. Bản dịch ra tiếng Pháp lấy tên là Les chesvaliers Chinois (Hiệp sĩ Tàu), bản dịch ra tiếng Anh của nữ văn sĩ Pearl Buck lấy tên là All men are brothers (Mọi người đều là anh em) chính đã hiểu Thủy Hử trên tinh thần đó. Người ta đã hết lời đề cao các hảo hán Lương Sơn Bạc, nào là tượng trưng cho ước vọng muôn đời của quần chúng nông dân thấp cổ bé họng, nào là những ông tiên ông Phật có xương có thịt hẳn hoi v. v...
Văn chương Thủy Hử không "dệt gấm thêu hoa" như Tây Sương Ký, không "nhả ngọc phun châu" như Hồng Lâu Mộng mà là: "nhạc trỗi chuông ngân", hùng hồn, dồn dập. Có thể Kim Thánh Thán đã quá lời khi so sánh Thủy Hử với Sương Ký. "Ta thường nói Thủy Hử hơn cả Sương Ký, người đời không tin... Thực ra, Sử Ký là đem văn mà viết vào việc, còn Thủy Hử là nhân văn mà sinh ra việc". Văn Sử Ký là văn thực lục chỗ mạnh của nó là sự chọn lọc sắp xếp sự kiện chặt chẽ, tác giả không hư cấu tưởng tượng mà để cho sự kiện tự bốc men tạo nên cảm hứng của người đọc. Thủy Hử cũng có những đoạn như thế. Nhưng nhìn chung văn Tư Mã Thiên là văn chương bác học còn văn chương Thủy Hử vẫn giữ được tính chất sống động của cuộc đời trong tư tưởng và hành động của nhân vật, trong ngôn ngữ gần gũi với đời sống hàng ngày, trong lối hàng ngày, trong lối hành văn chân chất ít trang sức tô điểm, và bao quát hơn cả, trong âm hưởng trần tục của nó.
Đã 600 năm nay, Thủy Hử vẫn được bạn đọc ưa chuộng, được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật v. v... Tùy nơi, tùy lúc, bạn đọc sẽ có những cách thưởng thức tác phẩm khác nhau. Và đó là quyền của bạn đọc. Có điều, hiểu Thủy Hử thế nào cho đúng tinh thần nguyên tác, cho khỏi phụ tấm lòng của nhà văn nhân dân Thi Nại Am thì đó là điều cần bàn. Đương nhiên, Thủy Hử không phải là sách dạy võ, càng không phải là sách khuyến khích kẻ cướp như các nhà nho cổ hủ vẫn nói, cũng không phải là sách "tuyên truyền cách mạng" như những người mao ít vẫn khẳng định. Đọc Thủy Hử cũng không phải để thưởng thức lối nhậu nhẹt "thịt thái miếng to, rượu đong bát lớn", không phải để bắt chước cách tụ nghĩa chích máu ăn thề, càng không phải để thỏa mãn cái tức khí cá nhân. Thủy Hử là một tác phẩm văn học, nó trưng bày cho chúng ta một bức tranh cuộc sống sinh động và có phần dữ dội về nước Trung Quốc thế kỷ 12 cũng là nước Trung Quốc thế kỷ 14 của tác giả, qua đó có thể rút ra nhiều bài học nhận thức về con đường giải phóng nông dân dưới chế độ phong kiến. Hiểu như vậy Thủy Hử mới thực sự trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho chúng ta lúc này .

Chan Thien
05-02-2004, 06:17
Đúng như Huy_Aka huynh nói. Giá trị của Thủy Hử không phải là nội dung mà là các nhân vật trong truyện đại diện cho mọi tầng lớp, từ nghèo khó đàn áp vượt lên trở thành các tấm gương tiêu biểu cho toàn dân. Trong thời nhà Tống thối nát, đàn áp dân chúng, các hảo hán Lương Sơn như một niềm tin vào sự công bằng, niềm hy vọng vào tương lai, động lực sống cho cả một tầng lớp dân đen nhà Tống. Thủy Hử không có giá trị lịch sử như Tam Quốc nhưng thể hiện tinh thần nghĩa hiệp, gần gũi với nhân dân vì đại diện và thể hiện được rõ nét mọi tầng lớp xã hội.

LSB-YenThanh
13-06-2004, 03:13
Chuyện thuỷ hử này kết thúc không thấy gì là tốt đẹp . Làm người đọc hay người xem phim thấy tức . Ai ngờ các anh hùng LS lại đi đầu hàng chiều đình

LSB-TruongThanh
13-06-2004, 09:41
Nói như các huynh đài cũng đúng. Nhưng mà đệ lại thấy điểm này. Có rất nhiều vị trong nhóm 108 anh hùng là vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng mới lên núi tụ nghĩa chứ chẳng phải thiết tha gì. Ví dụ như Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa, Mỹ Nhiệm Công Chu Đồng, Thanh Nhãn Hỗ Lý Vân,..v...v...Nói tóm lại, một số người nhận định rằng "108 vị anh hùng" chẳng qua chỉ là từ ngữ văn hoa để chỉ bọn cướp núi. Trên thực tế, họ đúng là cướp núi!! Trong truyện, bản thân tác giả cũng từng nhìn nhận về cách đánh giết của 108 người "thủ đoạn quả là tàn bạo". Bởi thế, tiểu đệ mới tự hỏi ngoài cái nghĩa khí của bậc đại trượng phu, tác giả còn muốn gửi gắm điều gì khác nữa không?
Ông bà xưa cũng bảo "Trai không được xem Thuỷ Hử. Gái chẳng nên đọc Thuý Kiều". Quả là có nhiều điều cần suy nghĩ!!

P/S: Cái này nên để trong Luận Văn Đàn chứ nhỉ?