PDA

View Full Version : Tiểu sử của các nhà thơ


LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:43
HÀN MẠC TỬ

Hàn Mạc Tử (1912-1940)

Chính tên là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22 Septembre 1912 ở Lệ Mỹ (Đông Hới), mất ngày 11 novembre 1940. Trú ngụ ở Qui Nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc Điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Nhơn. Kế đó mắc bịnh hủi, đưa vào nhà thương Quy Hòa rồi mất ở đó.

Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử. <1>

Đã đăng thơ: Phụ Nữ Tân Văn, Saigon, Trong Khuê Phòng, Đông Dương Tuần Báo,Ng Người Mới.

Đã xuất bản: Gái Quê (1936).

* * *

Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo: "Hàn Mạc Tử? thơ với thẩn gì! toàn là nói nhảm." Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: "Thơ gì mà rắc rối thế! mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!" Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mạc Tử trong khi việt đoạn này: "Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! tôi điên đây! -- Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống." <2>

Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắt mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọnn những lúc đêm khuya thang vắng, họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vì giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết: "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử." <3>

Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử. <4> Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần Tiên Hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ Điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh. Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi.

Thơ Đường Luật: Theo Ông Quách Tấn, <5> Phan Sào Nam hồi trước xem Thơ Đường Luật Hàn Mạc Tử có viết trên báo đại khái nói: "Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp được bài nào hay đến thế... <6> Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thỏa hồn thơ đó." Thơ Đường Luật Hàn Mạc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem, tôi cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:

Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sử nẩy nở một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mạc Tử.

Gái Quê: Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Văn Kỳ đề tựa tập thơ ấy là phải lắm: Gái Quê và Une voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục.

Thơ Điên: Thơ Điên gồm có ba tập:
1) Hương Thơm
2) Mật Đắng
3) Máu Cuồng và Hồn Điên

Hương Thơm: Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.

Mật Đắng: Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồn sáng lạ chói cả mắt. Nguồn sáng tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mạc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu.

Máu Cuồng và Hồn Điên: Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cái thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy những gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người... Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đáy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử. Ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mạc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người đã nguyền với Chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ Điên. Một tác phẩm như thế, ta không có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương Thơm, hấp hối với tập Mật Đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn tỏa lên nghi ngút.

Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu Cuồng và Hồn Điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.

Như tả cảnh đồi núi một đêm trăng có câu:

Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.

Lên chơi trăng có câu:

Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm.
Ta ở côi cao nhìn trở xuống:
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm.

Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lại có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mạc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước thành ra:

Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.

Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng trở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy monh manh;
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết,
Cả lòng ta trong nhớ chữ rung rinh.

Tôi chỉ trích ra vào đoạn có thể thích được. Còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì hợp với lòng ta, nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mạc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực, thiết tha lắm.

Xuân Như Ý: Mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Jésus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy dẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để ban ơn phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng -- sao lại há miệng? -- cho thơ trào ra, làm chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người sẽ thấy:

Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.

Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo khôngcó có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, linh lung, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân Như Ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.

Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật Giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với di thảo của thi nhân.

Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể.

Thượng Thanh Khí: Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tú trên kia Đại khái không khác cảnh Xuân Như Ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo, huyền bí nhưng không thiêng liêng.

Cẩm Châu Duyên: Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mạc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khải ái: nàng Thương Thương. Nàng Thương Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc Tử hình như cũng không biết gì hơn ngoài hai chữ Thương Thương. Nhưng như thế cũng đủ để thi nhân đưa nàng vào tháp thơ. Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người mơ thấy mình là Tư Mã Tương Như đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:

Đã mê rồí! Tư Mã chàng ôi!
Người thiếp lao đao sượng cả người.
Ôi! ôi! hãm bớt cung cầm lại,
Lòng say đôi má cũng say thôi.

Song những phút mơ khoái lạc ấy có được là bao. Tỉnh dậy, người thấy:

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!
Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,
Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa.

Ta tưởng nghe lời than của Huy Cận.

Nhưng cuộc đời đau thương kia đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn. Hàn Mạc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.

Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội: Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mạc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần Tiên Hội viết chưa xong và không có gì. Duyên Kỳ Ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. Thi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ở đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ở đó Hàn Mạc Tử sẽ gặp nàng Thương Thương mà người không mong được gặp ở kiếp này. Nàng sẽ nói với người những lời nồng nàn âu yếm khiến chim nước đều say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu cùng đi như vụt nhớ đến cái nghiệp nặng nề đương chờ người nơi trần thế. Và giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.

Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập thơ này là trong trẻo hơn cả. Còn từ Thơ Đường Luật với những câu:

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

cho đến Gái Quê, Thơ Điên, Xuân Như Ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục.

* * *

Tôi đã nói hết cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã...

Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn.

Hoài Thanh - Hoài Chân

________________________________________________
* Trích Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.


Tài Liệu

+ Thơ Hàn Mặc Tử hay Những Bài Tình Ca Bi Thiết của Huy Phong và Yến Anh.
+ Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại - Quyển I của Trần Tuấn Kiệt.
+ Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:44
ĐINH HÙNG

Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ...


Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay là Hà Sơn Bình). Ông dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm, và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.

Sau khi đậu xong Cao Đẳng tiểu học, ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ; chịu sự dẫn dắt của Thế Lữ, bắt đầu nổi tiếng nhờ thi phẩm Kỳ Nữ mà Thế Lữ in trong truyện Trại Bồ Tùng Linh.

Đinh Hùng di cư vào Sài Gòn năm 1954, chủ trương nhật báo Tự Dọ Ông mất ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư ruột.

Từ nhỏ ông đã quen dùng nha phiến làm nguồn kích thích thi hứng. Tác phẩm tiêu biểu: 2 tập thơ Mê Hồn Ca (1954) và Đường Vào Tình Sử (1961 -- Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về Thi Ca năm 1962); tiểu thuyết dã sử Cô Gái Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La...; kịch Cánh Tay Hào Kiệt, Phan Thanh Giản.

Sở trường của Đinh Hùng là thơ Tượng Trưng. Thơ ông trau chuốt, gọt dũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma. Ông cũng có những tác phẩm đài các, sang trọng đến lạ lùng. Tạ Tỵ gọi Đinh Hùng là nhà thơ với "cơn mê trường dạ". Hoàng Phủ Ngọc Tường thì lại chê thơ Đinh Hùng "lòe loẹt, ghê ghê như son phấn".

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:45
Hồ Dzếnh

Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (Hồ Dzếnh là phiên âm của Hà Anh theo giọng Quảng Đông).

Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha là người Quảng Đông, sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng 1890, mẹ là người Việt.

Hồ Dzếnh ra Hà Nội học trung học, dạy tư, viết thơ, viết báo từ năm 1931. Năm 1953 vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội viết báo, làm thơ.

Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội.

Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Quê Ngoại (1942), Hoa Xuân Đất Việt (1946); tập truyện ngắn Chân Trời Cũ (1942); và các tiểu thuyết Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (1942); Những Vành Khăn Trắng (1946).

Sự pha trộn của hai giòng máu chi phối nhiều sáng tác của tác giả. Tập thơ Quê Ngoại gây được nhiều ấn tượng nhất với những lời thơ êm đềm, nhẹ nhàng, trong sáng, và những cảm xúc đằm thắm chân thành dành riêng cho "quê ngoại" thân thương.


Tài liệu tham khảo

Quê Ngoại, Hồ Dzếnh, NXB Hội Nhà Văn tái bản, 1995.
Hồ Dzếnh. Tác Phẩm Chọn Lọc, NXB Văn Học, Hà Nội, 1988.
Tổng Tập Văn Học Việt Nam, tập 27, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.
Chân Trời Cũ, Hồ Dzếnh
Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng
Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, Trần Tuấn Kiệt
Tuyển Tập Thơ Tiền Chiến, Hoài Việt biên soạn
Thơ Mới -- Những Bước Thăng Trầm, Lê Đình Kỵ
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:47
Huy Cận

Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà...




Tên thật Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919, quê làng Ân Phú huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; cha là một nhà nho.

Đậu tú tài Tây ở Huế, sau đó theo học ở trường Cao Đẳng Canh Nông, ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Năm 1943 ông đậu kỹ sư canh nông.

Từ năm 1945 đến nay là Thứ trưởng rồi hàm Bộ trưởng, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ.

Làm thơ từ 1934, đăng thơ từ năm 1936. Tác phẩm tiêu biểu gồm có các tập thơ Lửa Thiêng (1940), Kinh Cầu Tự (1942), Vũ Trụ Ca (chưa in, 1942-43), Trời Mỗi Ngày Lại Sáng (1958), Đất Nở Hoa (1960), Bài Thơ Cuộc Đời (1963), Những Năm Sáu Mươi (1968), Cô Gái Mèo (1972), Chiến Trường Gần Chiến Trường Xa (1973), Ngày Hằng Sống Ngày Hằng Thơ (1975), Ngôi Nhà Giữa Nắng (1978).

Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, thơ ông có một bản sắc và giọng điệu riêng, có chiều sâu xã hội cũng như triết lý. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của "đêm mưa", của "người lữ thứ", nỗi buồn của "quán chật đèo cao", của "trời rộng sông dài".

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:48
[center:c39bf8e85b]Nguyễn Tất Nhiên[/center:c39bf8e85b]
Ông tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30-5-1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau 5-1975 sống tại Hoa Kỳ. Mất ngày 3-8-1992 tại California. Lúc còn trẻ ông còn có biệt danh là Hải Khùng.

Theo lời nhà thơ Thái Thụy Vy (người cùng quê với ông) "hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên; anh nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, tuổi Thìn; anh thường làm thơ in ronéo đi phát không cho nữ sinh, họ đều quăng vào thùng rác, đến lúc Vĩnh Phúc và Nguyễn Xuân Hoàng dạy trường Ngô Quyền gửi đăng ở tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, được Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ các bản "Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá", "Trúc đào", "Vì tôi là linh mục"," Em hiền như ma soeur", "Kià cô em Bắc kỳ nho nhỏ","Hai năm tình lận đận" thì nữ sinh ùn ùn kiếm mua thơ anh; Nguyễn Tất Nhiên sau lấy Minh Thủy, xóm Cây Me, chú út tôi là Kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam lấy chị thứ ba là Minh Vân ....
... Lúc Nguyễn Tất Nhiên quyên sinh trước cửa chùa Việt Nam, California, anh chưa được trông thấy tác phẩm "Minh Khúc" của anh ra đời. Quyễn thơ nầy đang bị tranh chấp giữa Minh Thủy và gia đình Nguyễn Ngọc (cha của Nguyễn Tất Nhiên) chưa ngã ngũ"

Tác phẩm đã in:

nàng thơ trong mắt (1966, cùng với Đinh Thiên Phương)
dấu mưa qua đất (1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình)
thiên Tai (Thơ, 1970)
thơ Nguyễn Tất Nhiên (Thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á - Paris in lần đầu tiên)
những năm tình lận đận ( tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam)
chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ - California)

Sẽ in:

thiên tai (thơ, tái bản)
cũng cần cho hạnh phúc
tâm dung (thơ)
truyện ngắn Nguyễn Tất Nhiên


- Đăng lại từ phần "Tiểu Sử Thi Sĩ" của Thư Viện Việt Nam -

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:49
[center:96c63e0eb9]Nguyên Sa [/center:96c63e0eb9]


Nguyên Sa tên thật Trần Bích Lan, sinh năm 1932 tại Hà Nội.

Du học Pháp từ thuở niên thiếu và đậu cử nhân văn chương, Nguyên Sa về Việt Nam sau hiệp định Genève năm 1954 và làm ngạc nhiên nhiều người vì khả năng xử dụng tiếng Việt tuyệt vời của ông. Ông sinh sống bằng nghề giáo sư dạy Triết và rất thành công.

Thơ Nguyên Sa trữ tình, lãng mạn, giàu nhạc điệu, chất chứa sáng tạo trong ngôn ngữ cũng như hình ảnh, đôi khi pha lẫn thi tứ triết học.

Ông sang Mỹ năm 1975 và từ đó làm báo. Ông đã từ trần ngày 18-4-1998 tại Orange County, nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 68 tuổi.

Tác phẩm tiêu biểu: Thơ Nguyên Sa (1958), các tập biên khảo Quan Điểm Văn Học và Triết Học, Một Bông Hồng cho Văn Nghệ..., truyện Gõ Đầu Trẻ, tập truyện Mây Bay Đi.

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:50
[center:8aa1188077]XUÂN DIỆU[/center:8aa1188077]


Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi ...


Tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 tại Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ, nơi cha là Ngô Xuân Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là Nguyễn Thị Hiệp.

Xuân Diệu sau ra Hà Nội học; 1938-1940 ông và Huy Cận ở gác 40 Hàng Than. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông năm 1943.

Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985.

Xuân Diệu viết nhiều, có khoảng 450 bài thơ. Một số lớn chưa được xuất bản. Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Thơ Thơ 1938), Gửi Hương Cho Gió (1945), Ngọn Quốc Kỳ (1945), Một Khối Hồng (1964), Thanh Ca (1982), Tuyển Tập Xuân Diệu (1983); truyện ngắn Phấn Thông Vàng (1939); và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới. Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Thơ Xuân Diệu là "vườn mơn trớn", ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong Thơ Thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi Hương Cho Gió. Nhiều câu nhiều bài chịu ảnh hưởng từ thi ca lãng mạn Pháp.

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:54
[center:7ece2ca8bb]ANH THƠ[/center:7ece2ca8bb]

Tên thật là Vương Kiều Ân (Vuơng là họ cha, Kiêù họ mẹ). Sinh năm 1919 tại Ninh Giang (Bắc Việt). Ông thân sinh là nhà nho, đậu tú tài, làm trợ tá. Vì ông là công chức, thuyên chuyển nay đây mai đó nên con cái thường phaỉ đôỉ trường luôn. Do đó, Anh Thơ thay đôỉ tơí ba trường (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang) mà vẫn chưa qua bậc tiểu học.

Lười học, nhưng rất thích văn chuơng, tập làm thơ từ nhỏ. Thoạt đâù, lâý bút hiệu Hồng Anh, sau mơí đôỉ thành Anh Thơ.

Từng đăng thơ trên các tuần baó: Hà Nội báo, Tiểu Thứ Năm, Ngày Nay, Phụ Nữ, Bạn Đường. Được giaỉ thưởng khuyến khích về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 vơí thi phẩm Bức Tranh Quê.

Đã xuất bản: Bức Tranh Quê (Đời Nay 1941); Xưa (hợp tác với Bàng Bá Lân - Sông Thuơng, 1941); Răng Đen, tiêủ thuyết (Nguyễn Du, 1942).

LSB-Kaiser
23-01-2004, 00:57
[center:85a91a0865]Nhà Thơ Bùi Giáng - Tiểu sử tự ghi [/center:85a91a0865]


1926 - được bà mẹ đẻ ra đời

1928 - bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm,hai năm trời chết đi sống lại

1933 - bắt đầu đi học a, b, c... trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Qúy

1936 - học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn

1939 - ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh, vân vân

1940 - về Quảng Nam chăn bò

1942 - trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế

1949 - nhập ngũ , bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ

1952 - vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyền Thanh Quang, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm ...(TÂN VIỆT xuất bản)

1957 - TÂN VIỆT xuất bản :giảng luận về Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, giảng luận về Chú Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Tho Trường và Phan Văn Trì

1962
Tập thơ Mưa Nguồn
Tư Tưởng Hiện Đại

1963
Lá Hoa Cồn (thơ)
Ngân Thu Rớt Hột (thơ)
Màu Hoa Trên Ngàn (thơ)
Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại (hai tập) (do đứa em ..)

1965 - nhà cháy mất trụi bản thảo

In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm)

Dialogue (viết Avantpropos (viết giúp cho Nhất Hạnh, Lá Bối) và Letre à René char) (Lá Bối in)

Sa Mạc Trường Ca (An Tiêm in bản)

1968 - 68

Dịch Martin Heidegger Erlauteninger gu Heidergger dich. Giảng giải về thơ.

(Lời, Cố Quận (An Tiêm) Lễ Hội Tháng Ba) (Quế sơn Võ Tánh)

Con Đường Ngã Ba (An Tiêm)
Bài Ca Quần Đạo (Nguyễn Đình Vương)

1969 - Bắt đầu điên rực rỡ

1970

1. Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền)

2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu

3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu)

1971 - 75 - 93

Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang

Rong chơi như hài nhi (con nít)

Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh.

Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc.....

Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)

Do đâu mà ra được như thế ?

Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết.

22-8-93