PDA

View Full Version : Trưng Vương - Anh Thư Nước Việt


LSB_congaiSG
25-12-2003, 21:50
Vấn đề quốc gia đại sự, từ các cấp lãnh đạo thượng tầng đến hàng thứ dân, không phân biệt già trẻ gái trai đều phải nghiêng vai gánh vác, lúc thanh bình phải phòng khi nguy biến, lúc thạnh trị nên tiên liệu khi loạn ly (an tắc tư nguy, trị tắc tư loạn) thì chủ quyền quốc gia được vững bền, dân giàu nước mạnh là trách nhiệm của toàn dân đối với san hà xã tắc (quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách). Trong truyền thống tốt đẹp đó, từ nửa đầu thế kỷ thứ I và thế kỷ thứ III quốc gia Việt Nam đã xuất hiện những nhân vật lịch sử lưu danh thiên cổ, đi liền những danh ngôn tôn vinh sự nghiệp kỳ vĩ của chư vị. Tiêu biểu là câu "Ðầu voi phất ngọn cờ vàng" hay giới bình dân thường nói "giặc đến nhà đàn bà phải đánh" là hàm ý tán dương công đức hai bà Trưng và các tướng lãnh quân binh, đặc biệt là hàng nữ lưu đã phất cờ khởi nghĩa chống quân Ðông Hán dày xéo quê hương Việt Nam vào tiền bán thế kỷ thứ I. 200 năm sau, có Triệu Nương (có sách chép là Triệu Thị Trinh hay Triệu Nhụy Kiều) cũng khởi binh ở quận Cửu Chân, Thanh Hóa, giúp bào huynh là Triệu Quốc Ðạt chống quân Ðông Ngô vào tiền bán thế kỷ thứ III. Các nữ tướng nầy thường mặc áo giáp, cưỡi voi, tay kiếm tay cờ xuất trận với uy phong lẫm liệt, chẳng khác gì các đấng anh hùng mã thượng khiển tướng điều binh, làm cho đối thủ phải kiêng vì, quân dân thường ngưỡng mộ, nên đã tạo được khí thế oai hùng, lập được nhiều chiến công lừng lẫy.
Trưng Nữ Vương hay Nhị Trưng tức là bà Trưng Trắc, em là Trưng Nhị, hai vị anh thư chống giặc cứu nước vào tiền bán thế kỷ I. Theo thần tích tại quê quán thì hai bà là hai chị em song sinh, tử tiết một lần vào ngày Mùng 6 tháng 2 năm Quí Mão (năm 43, sau Tây lịch) tại Hát Giang, xã Hát Môn, Sơn Tây, thọ 29 tuổi.
Hai bà là con quan lạc tướng Mê Linh, dòng dõi Hùng Vương, quán làng Cổ Lai, huyện Châu Diên, quận Phong Châu, đất Mê Linh, nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phú, ngoại thành Hà Nội. Thân sinh mất sớm, hai vị được thân mẫu là bà Man Thiện, có nơi chép tên húy là Trần Thị Ðoan nuôi dưỡng chu đáo, giáo dục về trí đức vẹn toàn, tuổi trẻ thông minh, hiếu học, lại có khiếu kiếm cung, nên hai vị tinh thông cả nghề văn nghiệp võ. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết duyên với ông Thi Sách là huyện lệnh huyện Châu Diên, con quan lạc tướng nơi nầy.
Gặp lúc quốc gia suy vi, nhà Ðông Hán đánh chiếm nước ta, cử Tô Ðịnh làm thái thú đô hộ phủ đóng tại thành Liên Châu. Tô Ðịnh là viên thái thú hung hãn tham tàn, với chánh sách cai trị hà khắc, lòng người căm phẫn, nên tinh thần yêu nước của nhân dân lên cao độ, họ căm ghét hận thù viên thái thú bạo tàn Tô Ðịnh qua những câu ca dao phổ biến trong dân gian lúc bấy giờ như những sấm truyền: "Cả mưa nước dãy sông đoài, cỏ lên đè lúa, cá hoài yểu vong". Rõ nhất là hai câu nguyền rủa Tô Ðịnh đủ cả họ tên, thời vận: "Họ gì bộ thảo hòa ngư, gặp thêm tên định, bây chừ lênh đênh".
Ðúng là chữ Tô có bộ thảo bên trên, với chữ hòa là lúa, song song với chữ ngư là cá bên dưới. Họ Tô với tên Ðịnh là ứng điềm chìm nổi lênh đênh chứ không bền vững gì. "Cỏ lên đè lúa, cá hoài yểu vong" cũng cùng ẩn ý với 2 câu sau, trù dập viên thái thú họ Tô phải bại vong, bởi cuộc nổi dậy như vũ bão của nhân dân Giao Chỉ, quyết diệt trừ Tô Ðịnh và quân cường bạo ngoại xâm.
Ðại biểu cho hàng nghĩa sĩ nuôi chí diệt thù cứu nước là Thi Sách, dòng dõi hùng anh, một huyện quan thanh liêm yêu nước thương dân, có tâm chí sắt son quật cường. Người công minh chính trực với kẻ tham lam cường bạo sẽ không đội trời chung, nên họ dễ chống đối tàn hại nhau, mạnh được yếu thua là thế sự thường tình, nên Thi Sách bị Tô Ðịnh sát hại để gây thanh thế.
Với bậc cân quốc anh thư, sẵn tài thao lược, trước nợ nước thù chồng, Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị chiêu mộ hào kiệt, phất cờ cởi nghĩa vào đầu năm Canh Tý (năm 40, sau Tây lịch). Với chủ trương vì nước dấn thân, vì dân trừ bạo, lúc đầu được 27 anh thư nhiệt tình hưởng ứng, lần hồi hào kiệt nam nữ bốn phương quy tụ đông đảo đến mấy vạn người.
Trong hàng nữ lưu của hai bà, nổi tiếng là bà Lê Chân, có sắc có tài, con ông Lê Ðao và bà Trần Thị Châu là nhà mô phạm ở Ðông Triều, Hải Dương, không khuất phục ngoại bang, nên Tô Ðịnh đã giết hại gia đình nầy. Là người đồng hội đồng thuyền, bà Lê Chân chiêu mộ sĩ phu dũng tướng tham chiến và được bà Trưng cử về An Biên, Hải Phong, kia hoang lập ấp trấn vùng biển.
Hai bà làm lễ xuất quân hôm 6 tháng Giêng năm Tân Sửu (năm 41, sau Tl). Trước hồn thiêng sông núi, bên dưới là linh vị Thi Sách và các chiến sĩ, đồng bào tử nạn, trước ba quân tướng sĩ, bà Trưng dõng dạc tuyên thệ 4 điểm:

- Thề phục quốc và quang huy sự nghiệp họ Hồng Bàng;
- Thề trả thù cho Thi Sách;
- Thề không đội trời chung với Tô Ðịnh;
- Hứa gã Trưng Nhị cho dũng tướng lập công to.

Sau lễ tế cờ là cuộc thao diễn ba quân tại bãi Trường Sa, bên sông Bạch Hạc ở Vĩnh Yên, rồi tiến chiếm thành Liên Châu. Tô Ðịnh cùng tùy tướng thì chủ quan ham hưởng thụ, quân hai bà với khí thế đang lên nên hạ được thành. Tô Ðịnh hoảng sợ tút quân tháo chạy về Tàu, bị Hán Quang Vũ hài tội, rồi bị chuyển về quận Ðạm Nhĩ, một quận thuộc đảo Hải Nam.
Tin thắng trận loan ra, nhân dân các quận Hợp Phố (Quảng Ðông, Trung Quốc), Giao Chỉ (Bắc Việt), Cửu Chân và Nhật Nam(Trung Việt ngày nay)... hoan ca chúc tụng. Thừa thắng, quân hai bà thâu tóm 65 thành trì đất Lĩnh Nam, rồi làm lễ xưng vương, đặt tên nước là Triệu, đóng đô ở Mê Linh (Phong Châu), tôn mẹ làm hoàng thái hậu, tưởng thưởng quân sĩ, phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi Công Chúa, giữ chức Chưởng Quản toàn quân kiêm việc giao dịch với các lạc hầu lạc tướng và thủ lãnh các dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Việt và dân tộc Choang ở Long Châu (Quảng Tây) cùng các bộ tộc trên lãnh thổ Triệu quốc lúc bấy giờ, để gây thanh thế và chiêu hiền kiến quốc.
Uy danh hai bà chấn động khắp nơi, vua Hán Quang Vũ vì thể diện của một cường quốc, phải cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân và Lưu Long làm phó tướng, thống lãnh hai vạn tinh binh sang phục thù vào tháng chạp năm Tân Sửu. Với tuyên ngôn của vị lão tướng nhà Hán vừa đàn áp xong cuộc nổi dậy của người Khương bên Trung Quốc, nổi danh là viên tướng bách chiến bách thắng: "Làm trai nên chết ở chốn sa trường, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chứ ốm nằm xó giường, chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ phỏng có ích gì" làm cho quân sĩ dưới trướng khiếp sợ phải đánh đến cùng mới toàn tính mạng, hy vọng được trở về đất Bắc chung sống với gia đình.
Quân Mã Viện vượt biên giới tiến về Lãng Bạc, đổ về đánh Mê Linh. Hai bà nhờ có binh hùng tướng dũng, quyết tâm bảo vệ thành trì nên chưa phân thắng bại. Mã Viện phải xin thêm mấy vạn tinh binh, kéo dài chiến trận từ Cẩm Khê đến Lãng Bạc ròng rã suốt một năm. Quân hai bà vừa giữ thành vừa cầm cự với giạc lâu ngày nên tiêu hao lực lượng khá nhiều, phải rút về Cẩm Khê (phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên). Nơi đây, quân hai bà bị phục binh của Mã Viện tấn công kịch liệt, thế cùng lực kiệt hai bà phải gieo mình tự tận tại Hát Giang, xã Hát Môn, Sơn Tây để bảo toàn danh tiết! Một số tướng lãnh dưới trướng cũng tuẫn tiết với hai bà, đền nợ non sông!
"Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi", việc chiến đấu trên sa trường, rất hiếm người trở về yên ổn với chiến công hiển hách! Phương chi hàng nữ lưu mà chống đỡ với viên kiện tướng lừng danh thì ta không thể "đem thành bại mà luận anh hào". Ðạo làm vua, làm tướng, khi sa cơ thất thế phải chọn cái chết oai hùng, lưu lại điểm son cho hậu thế. Hai bà đã hoàn thành sứ mạng "anh thư" "quốc mẫu" của nước ta.
Trong Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập có bài thơ vịnh hai bà với đôi câu thực và đôi câu kết lẫm liệt bi hùng:

Tô Ðịnh bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành
...
Còn nước, còn non, còn miếu mạo
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.

Bậc anh hùng liệt nữ sanh làm vua làm tướng, sau khi băng liệt được suy tôn là thần, để muôn đời dân chúng khói hương thờ phượng. Nơi nguyên quán, nơi ghi dấu thần tích, lịch sử các ngài, thường được lịch triều tôn phong làm bổn thổ thần hoàng và xã dân chiếu lệ mở hội linh đình, để viễn khách về chiêm bái. Ở Bắc hà có 3 đền thờ Trưng Vương tự lâu đời và nổi tiếng linh thiêng trịnh trọng là Miếu Hát, Cẩm Khê và tại làng Ðồng Nhân, Hà Nội. Hàng năm có quốc tế, rước sắc chỉ, thần tích và mở hội vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch tại làng Ðồng Nhân.

Mai Nguyệt, Ðái Ðức Tuấn còn có cặp đối nơi đây:

Má đỏ lòng son, tình chị nghĩa em, gương liệt nữ
Sử xanh khói biếc, thù chồng nợ nước, chí hùng anh!

Nữ sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn viết:

Xung trận em nêu gương dũng tướng,
Ra quân chị thắt dải tang chồng.

Tại miền Trung và Sài Gòn cũng có nhiều đền miếu tưởng niệm Trưng Vương được nhân dân kính ngưỡng và suy tôn làm quốc mẫu hay phúc thần. Ðâu đây còn rất nhiều câu đối và thơ văn cung vịnh hai bà:

Nghìn thu công đức nhớ hai bà
Cân quắc anh hùng đất Việt ta.
Nghĩa nặng một lòng em với chị,
Thù chung hai mối nước như nhà.
Mê Linh phất ngọn cờ nương tử
Lãng Bạc kinh hồn tướng Phục Ba.
Chí khí quật cường ghi sử sách,
Phương danh còn mãi với sơn hà.

Vịnh Hai Bà Trưng

Rửa hận xâm lăng, gái Lạc Hồng
Trưng Vương danh rạng cõi trời đông.
Thù chồng chị quyết bền gan sắt,
Cứu nước em chung kết chữ đồng.
Hơn sáu mươi thành bia tạc dấu,
Trong nghìn muôn thuở sử ghi công.
Trời Nam nghi ngút làn hương tỏa,
Thơm cả non song, cả giống dòng.

Hồng Liên Lê Xuân Giáo trong văn tế Hai Bà Trưng do hội Phụ Nữ Bắc Cali tổ chức năm xưa, có những câu đanh thép hào hùng:

Gia thù quốc hận, bó tay nào chịu nhục vong nô
Binh luyện tướng hô, quyết chí đuổi phăng phường quân phiệt
Sóng reo nước gợn, Hồ Tây nổi áng phong trần,
Phách lạc hồn xiêu, Tô Ðịnh tìm phương tẩu biệt
Thay quyền tướng quân, phất cờ khởi nghĩa, hành vi chính chính đường đường
Cởi ách ngoại xâm, dựng nước lên ngôi, sự nghiệp oanh oanh liệt liệt..

Hôm nay mùa trọng xuân năm Nhâm Ngọ, vào đầu thiên niên kỷ thứ III, người Việt hải ngoại nói chung tại địa địa phương, một lần nữa đốt nén tâm hương kỷ niệm Trưng Nữ Vương, những bậc anh thư cân quắc của dân tộc đã xả thân vì đại nghĩa quốc gia, tiên phong trong việc chống giặc cứu nước trả thù nhà.
Bậc trượng phu phải xem thường trở ngại, vượt khó để vươn lên. Ðau buồn, không phải là điều làm chùn bước kẻ hùng anh, tuổi tác chưa hẳn chuyện đáng cầm chân người dũng sĩ. Nhị Trưng dấy nghiệp trong tuổi thanh xuân, tuẫn tiết chưa tròn 30 tuổi thọ, Triệu Nhụy Kiều khảng khái muốn cưỡi cơn gió mạnh đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông lúc vừa tròn 20 tuổi và đền nợ non sông sau 3 năm chống đỡ san hà!
Ðể biểu dương sự nghiệp của hai bà, chúng tôi nhớ lại câu đối rất chỉnh, lời văn lưu loát, ý tứ hào hùng với nhiệt tình ngưỡng mộ Trưng Vương, nhưng không rõ tác giả:

Chính khí lẫm kiền khôn, Giao Chỉ thiên thu tâm bất diệt,
Phương danh lưu vũ trụ, Trưng Vương vạn tuế chí trường tồn.

Chúng tôi xin phỏng dịch sau đây, để tỏ lòng súng kính tiền nhân, trân quý những lời hay ý đẹp và cống hiến chư đồng hương thưởng lãm:

Chánh khí quyện đất trời, dân Giao Chỉ nghìn đời ngưỡng mộ,
Phương danh lừng hoàn vũ, chí Trưng Vương muôn thuở rạng soi.