PDA

View Full Version : Nguyễn Trãi, Triều Lê và v.v


tieuphi
19-12-2003, 16:13
Triều Lê sát hại nhiều công thần, trong đó có Nguyễn Trãi. Bản chất vụ án Lê Chi Viên là gì? Lê Thánh Tông có phải vị vua anh minh hay không?...
Tiểu Phi xin lần lượt post 1 số bài viết của các nhà nghiên cứu, sử gia về vấn đề này để các huynh đệ thưởng lãm và bình luận.
Hôm nay là phần đầu bài viết "Trắng án Nguyễn Thị Lộ" của nhà văn chuyên viết về lịch sử Hoàng Quốc Hải, đã đăng trên báo Văn Nghệ 15/2/03. Vãn bối xin phép được lược bớt cho gọn, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến văn phong và lập luận của tác giả.
---
Trắng án Nguyễn Thị Lộ
Vụ án vườn Lệ Chi năm Nhâm Tuất (1442), ĐVSKTT do sử gia Ngô Sĩ Liên chủ biên ghi như sau:
"Tháng 8, ngày mồng 4, vua đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung làm lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua".
Cách vài dòng lại viết: "Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 đời".
Với hơn 100 chữ của sử quan, ta thấy có mấy vấn đề đáng chú ý:
1. Nguyễn Thị Lộ là 1 người đẹp.
2. Nguyễn Thị Lộ là 1 người tài vì "văn chương hay".
3. Nguyễn Thị Lộ là 1 người có chức tước vì được ban chức Lễ nghi học sĩ.
4. Chi tiết "ngày đêm hầu bên cạnh" để dẫn tới khi về vườn Lệ Chi "vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng".
Tất cả những tình tiết trên là án tích cực kỳ nguy hiểm cho 1 mưu đồ kinh thiên động địa, khiến chúng khẩu đồng từ: "Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua".
5. Nguyễn Thị Lộ dù tài sắc nhưng vẫn là đàn bà, không thể âm mưu đại sự. Kẻ chủ mưu ắt phải là Nguyễn Trãi. Vì vậy, 10 ngày sau khi phát tang Lê Thái Tông thì "giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết tới 3 đời".
Thế là xong 1 vụ án. Triều đình Lê hoàn toàn phủi tay. Màn kịch được bố trí khá lớp lang và chặt chẽ.
Song có nhiều điều hình như chưa ổn.
1. Về tuổi tác, tuổi bà Lộ ít ra gấp đôi tuổi Lê Nguyên Long (Thái Tông).
Vì rằng Nguyễn Trãi ra mắt Lê Lợi theo nhiều tài liệu nói có 2 thời kỳ.
Thời kỳ thứ 1 Nguyễn Trãi vào Lam Sơn khoảng 1417 để thăm dò xem thủ lĩnh nghĩa quân có đủ tư chất và đức độ làm việc cứu nước không, có đáng để ông gửi thân và thờ làm minh chủ không? Truyện dân gian kể rằng, Nguyễn Trãi nhìn thấy Lê Lợi vừa ngồi thái thịt, vừa bốc ăn nhồm nhòam. Dáng dấp tướng mạo tựa như Lưu Bang. Ông thầm nghĩ hạng người này hẹp hòi, không thể cùng hưởng hạnh phúc. Vì vậy ông lại trở về ẩn náu ở thành Đông Quan và nghe ngóng.
Nhưng tin thắng trận dồn dập dội về, nghĩa quân Lam Sơn lớn mạnh, hào kiệt khắp nơi tìm đến. Do đó năm 1420, Nguyễn Trãi dẹp bỏ mọi điều nghi hoặc về tướng mạo và tư cách Lê Lợi. Lấy việc cứu nước làm trọng, ông lại tìm vào Lam Sơn. Lần này Nguyễn Trãi dâng Lê Lợi Bình Ngô Sách với chiến lược Tâm công, tức là chiến lược đánh vào lòng người. Được Lê Lợi hào hứng đón nhận, giữ luôn ông bên mình như 1 vị quân sư, sớm hôm bàn kế đánh giặc.
Nguyễn Trãi vào Lam Sơn với cả người thiếp yêu là Nguyễn Thị Lộ. Cuộc gặp Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ là cuộc gặp gỡ giữa giai nhân và tài tử, không thể xem là 1 cuộc tình tạm bợ. Nguyễn Trãi sinh ra để làm việc lớn, nên ông lấy bà Lộ làm thiếp là để tri âm, tri kỷ. Do đó Nguyễn Thị Lộ không thể là 1 cô bé vị thành niên.
Như vậy Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ vào khoảng từ 1415 đến 1420, tức là khi ông ở độ tuổi 35-40. Và Nguyễn Thị Lộ cũng vào khoảng 20-25 tuổi, tức là 2 người chênh lệch nhau từ 10-15 tuổi.
Ta còn biết Lê Nguyên Long (Thái Tông) sinh năm 1423, như vậy bà Lộ hơn Lê Nguyên Long từ 23-28 tuổi. Và lưu ý rằng khi Lê Thái Tông mất, ông mới 18 tuổi 10 tháng 24 ngày.
Trong tiểu thuyết "Vằng vặc sao Khuê", nhà văn Hoàng Công Khanh mô tả Nguyễn Thị Lộ thường săn sóc, tắm táp, bế ẵm hoàng tử Lê Nguyên Long với tình cảm như 1 người bảo mẫu. Tôi cho chi tiết này là có lý.
Có thể nào 1 ông vua mới lớn, ham hưởng lạc, chỉ hơn 18 tuổi đã lập tới 5 người vừa hoàng hậu vừa hoàng phi, chưa kể hàng trăm cung nữ tuổi xuân hơ hớ hầu hạ nhà vua lại ăn nắm với Nguyễn Thị Lộ, khi bà đã 45 hoặc 50 tuổi. Đó là sự khiên cưỡng thái quá của các nhà viết sử thời Lê.
Chỉ có thể nói, Thái Tông mời bà Lộ vào cung làm Lễ nghi học sĩ là để dạy cho đám hậu-phi biết lễ nghi, phép tắc, gần gũi bà với tình cảm như 1 người bảo mẫu xưa, như 1 người mẹ tinh thần thì đúng hơn là 1 người tình.
Không 1 kẻ hiếu sắc trẻ trai nào lại si mê 1 bà già bằng tuổi mẹ mình. Do đó khó có thể có chuyện tình ái giữa Thái Tông và bà Lộ. Vậy mà sử quan lạnh lùng chép: "thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng". Xem ra sử quan đã vượt lên trên cả sự phi lý và vô luân, để ghi bằng được những lời trên vào quốc sử.
Trước khi xảy ra sự kiện bất hạnh này, Nguyễn Trãi đã nhìn thấu tim đen các sử gia, nên ông đã than: "Nước chẳng còn có Sử Ngư" (Sử Ngư là nhà viết sử có lương tâm, có dũng khí của nước Lỗ, được Khổng Tử khen).
(còn tiếp)

tieuphi
19-12-2003, 16:42
Trắng án Nguyễn Thị Lộ (tiếp)
2. Điều phi lý thứ 2 là quàng lên đầu Nguyễn Trãi âm mưu giết vua.
Tác giả Bình Ngô sách chủ trương "tâm công", là chinh phục trái tim người ta, sao lại có chuyện mưu giết vua được. Nguyễn Trãi không hề kéo bè kết cánh với ai trong triều thì làm sao có thể giết vua?
Giết vua để làm gì trong khi ông đang được vua (Lê Thái Tông) ưu ái, kính trọng. Chưa bao giờ Nguyễn Trãi được trọng dụng như dưới thời Lê Thái Tông. Ông đang có cơ may thi thố những điều sở nguyện. Trong biểu tạ ơn vua, Nguyễn Trãi nói khá rõ:
"Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi
Cho thần như thông qua năm rét, còn rạn tuyết sương
Quần ngôn mặc kệ gièm pha
Thánh ý cứ bền tín nhiệm
..."
Cuộc đời Nguyễn Trãi chưa bao giờ mãn nguyện như lúc này. Vu cho vợ chồng ông giết vua là điều thậm vô lý.
Vì sao triều đình Lê giết Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ? Có 2 vấn đề cần nhận ra:
1. Hầu hết các tướng lĩnh Lam Sơn đều xuất thân từ ruộng đồng nên họ không ưa 1 kẻ sĩ như Nguyễn Trãi.
Hơn nữa Nguyễn Trãi tuy học thức cao, nhưng về tụ nghĩa sau họ, thế mà suốt thời kháng chiến được Lê Lợi ưu trọng. Mọi việc bang giao đều do 1 tay ông chủ trương.
Hòa bình, các tướng tâm phúc quê Thanh được Lê Lợi trọng dụng. Bọn họ chỉ lo kết bè kết cánh đục khoét dân và hưởng lạc. Nguyễn Trãi nhiều lần sỉ mắng bọn chúng.
Bọn chúng, lũ công thần, cường thần đang nắm hầu hết các chức vụ then chốt trong triều, hầu như cả triều đình ấy không thể tha thứ cho Nguyễn Trãi được, bởi ông là 1 tài năng lớn, 1 nhân cách lớn. Triều đình ấy, thể chế ấy không thể dung dưỡng 1 người như ông. Vì thế Lê Lợi đã 1 lần tống ông vào ngục thất. 1 năm sau cuộc kháng chiến thắng lợi, Lê Lợi giết ngay vị đệ nhất khai quốc công thần Trần Nguyên Hãn và sau đó, Lê Lợi giết luôn vị đệ nhị công thần- Phạm Văn Xảo.
2. Việc thứ 2 khiến Nguyễn Trãi phải chết là ông đã can thiệp vào sự tranh giành quyền lực nơi hậu cung, đó là mâu thuẫn giữa Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao.
Thị Anh sinh ra Bang Cơ (sau là Nhân Tông), Ngọc Dao sinh ra Tư Thành (sau là Thánh Tông).
Nguyên nhân sâu xa là bà Ngọc Dao đang có mang, nằm mơ thấy Ngọc Hoàng sau 1 vị tiên đồng đầu thai vào bà. Thị Anh sợ bà Ngọc Dao sinh quý tử thì ngôi thái tử của Bang Cơ chắc phải lung lay, bèn tìm cách hãm hại bà. Thị Anh từng vu cho Ngọc Dao có dính dáng tới vụ làm bùa của Huệ phi và có mưu làm hại thái tử (Bang Cơ). Và Thị Anh xin Thái Tông khép Ngọc Dao vào tội voi giầy. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ra sức cứu bà Ngọc Dao, thuyết phục được Thái Tông cho bà Ngọc Dao vào chùa Huy Văn, ít lâu sau bà sinh hoàng tử Tư Thành.
Vậy là mối thâm thù giữa Nguyễn Thị Anh và vợ chồng Nguyễn Trãi được xác lập.
Tới đây nảy sinh 1 tình tiết nữa trong đường dây vụ án. Sau khi giết vợ chồng Nguyễn Trãi vào 16/8, thì 9/9 kế đó Thị Anh lại sai giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng.
Tại sao phải giết 2 hoạn quan này? Phải chăng Đinh Phúc, Đinh Thắng giữ sổ theo dõi ngày giờ vua nhập phòng với hậu nào, phi nào, để biết đứa trẻ sinh ra có đủ ngày, đủ tháng, có đúng là "máu rồng" hay không?
Từ rất lâu, lần tìm tới đoạn này, tôi thường bị nghẽn lối vì không đủ tư liệu để đi tiếp.
May thay, gần đây có đọc bài viết của tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ, ông sử dụng 1 chi tiết trong ngọc phả họ Đinh, phần "Bút ký Hồng Mai" thái sư Đinh Liệt có làm bài thơ như sau:
"Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa?
Chủ kháo Tống Thai vi linh dược
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa".
"Nhung tân" đọc lái là Nhân Tông (tức Bang Cơ, con Thị Anh), "Tống Thai" nói lái là Thái Tông, "Thịnh y" nói lái là Thị Anh.
Bài này tạm dịch:
"Nhân Tông 6 tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha".
Đường dây vụ án có thể đi tiếp.

tieuphi
20-12-2003, 08:43
Trắng án Nguyễn Thị Lộ (tiếp)
Bài thơ cho ta biết từ khi Thái Tông nhập phòng với Thị Anh, tới lúc y thị sinh Bang Cơ chỉ có 6 tháng. Nếu đúng là con của Thái Tông thì đứa trẻ bị đẻ non. Nền y học VN thế kỷ XV không thể cứu được cái thai 6 tháng trở thành đứa trẻ khỏe mạnh như Bang Cơ. Vậy Bang Cơ thuộc dòng máu khác. Nói cho đúng, Thị Anh hoang thai.
Người ghi sổ việc này chắc chắn là 2 hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng.
Vì vậy, sau khi giết vợ chồng Nguyễn Trãi, lại giết nốt 2 hoạn quan họ Đinh để bịt đầu mối. Dẫn đến cái chết của 2 viên hoạn quan này là từ "khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối hận không nghe lời của Thắng và Phúc". (ĐVSKTT)
Nếu chi tiết này là tin cậy, thì vụ án quy về kẻ chủ mưu giết Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ là Nguyễn Thị Anh. Nguyễn Thị Anh sinh Bang Cơ là con ngoại tình, nên thị phải thủ tiêu mọi nhân tố có thể gây nguy hại cho thị. Vậy còn cái chết của Thái Tông?
Thái Tông tự làm mình chết, do đường xa mệt nhọc, uống rượu say, sinh hoạt tình dục thái quá nên kiệt sức, hay chính Nguyễn Thị Anh sai tay chân đầu độc?
Giết Thái Tông, giết vợ chồng Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ, giết luôn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng là triệt mọi nguồn nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng y và ngôi báu của con y thị. Một khi còn ngôi báu, là còn quyền uy tối thượng, thị muốn gì mà chẳng được. Con mới hơn 1 tuổi, thị sẽ buông rèm thính chính, quyết sách trong triều thế nào là ở nơi thị và phe lũ.
Âm mưu này được thực hiện trót lọt, phải có sự liên kết giữa Nguyễn Thị Anh và phe đảng của thị trong triều đình.
Thật ra, nếu Nguyễn Thị Anh không nhúng tay vào vụ mưu sát Nguyễn Trãi, thì lũ nhặng xanh trong cái triều đình thối nát kia cũng giết ông. Bởi giữa 1 lũ ngu ác đầy quyền lực mà nổi lên 1 nhà văn hóa lớn, 1 nhân cách sừng sững như 1 cây đại thụ giữa đám dây leo, tầm gửi hôi mù, thì đích thị người đó phải chết! Rõ ràng là thời đại đã không chấp nhận được nhân tài, không dung dưỡng được hiền tài, mà kẻ khơi nguồn không ai khác, ngoài Lê Lợi. Nó bắt đầu từ vụ Lê Thái Tổ giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.
Trong vụ án vườn Lệ Chi, tôi không tin 1 dòng, 1 chữ nào mà sử gia Ngô Sĩ Liên chép vào chính sử, bởi không những ông phải chịu sức ép nhiều bề mà ngay cả nhân cách ông cũng không tin được. Điều đó được thể hiện khi ông phục vụ dưới triều Lê Thánh Tông, bằng những vụ ăn của đút của, các vụ tiến cử người cùng phe cánh hoặc kẻ bất tài vô hạnh vào chiếm chỗ trong triều.
Chính Lê Thánh Tông đã nhiếc mắng Ngô Sĩ Liên thậm tệ:
"Vua (Lê Thánh Tông) dụ bảo đô ngự sử đài là Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:- Ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tôn nên mới đầu xuân tế Giao, ngươi lại bảo tổ tôn đặt ra tế Giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ-đức hầu (Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức ngự sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự trong triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ-đức hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vì lợi lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư?" (ĐVSKTT).
Tư cách của sử quan như thế thì chúng ta có quyền tin tưởng sâu sắc rằng những điều họ chép ghi về vụ án vườn Lệ Chi là dối trá. Điều này được chứng minh trong lời văn Đại xá của Nghi Dân sau khi giết Bang Cơ, trong đó Nghi Dân khẳng định: "Diên Ninh (Bang Cơ) tự biết không phải là con của tiên đế..." (ĐVSKTT).
Tới đây, có thể xác nhận trở lại bài thơ ghi trong ngọc phả nhà Lân quốc công Đinh Liệt là chính xác. Nếu được công bố rộng rãi chắc sẽ giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử.
Và như vậy, sự việc trở nên rõ ràng, bởi mọi âm mưu của Nguyễn Thị Anh đã hiển lộ.
Tuy nhiên sử gia Ngô Sĩ Liên đã hạ 1 lời bình rất bất lương về bà Nguyễn Thị Lộ:
"Nữ sắc làm hại người quá lắm thay. Thị Lộ là 1 người đàn bà thôi, Thái tôn yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?" (ĐVSKTT).
Nguyễn Thị Lộ trước sau vẫn là nạn nhân của 1 giai đoạn lịch sử đáng ghê tởm. Thế mà gần 600 năm qua chưa có 1 sử gia nào chiêu tuyết cho bà. Chẳng lẽ tất cả bọn họ đều bị Ngô Sĩ Liên mê hoặc sao? Tôi không tin như vậy. Nhưng tôi tin là họ vô tâm. 1 sự vô tâm còn lớn hơn cả sự vô trách nhiệm.
Đối với Nguyễn Trãi thì lịch sử ưu ái hơn. Chỉ 22 năm sau vụ án, 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho ông, truy phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Tân Trù Bá. Và cho người con duy nhất còn sót lại là Nguyễn Anh Vũ làm chức tri huyện.
Thật ra, tước Lê Thánh Tông phục phong cho Nguyễn Trãi vẫn còn kém 1 bậc so với Lê Lợi phong cho ông, sau khi cuộc kháng chiến thành công. Trước hết Lê Lợi ban cho ông quốc tính (họ vua), Nguyễn Trãi thành Lê Trãi. Chức quan nhập nội hành khiển kiêm Lại bộ thượng thư, quản công việc cơ mật viện, tước Quan phục hầu.
Ấy là xuất phát từ việc Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ vô tội lại vừa là ơn cứu tử đối với mẹ con Lê Thánh Tông. Đủ chứng tỏ, giới cầm quyền không bao giờ chịu thừa nhận chúng có sai lầm.

tieuphi
20-12-2003, 08:47
...
(Vãn bối xin lược 1 đoạn nhà văn Hoàng Quốc Hải bình luận về các tác phẩm văn học nghệ thuật nói đến vụ án Lệ Chi Viên)
...
Nỗi đau không hóa giải được qua vụ án Lệ Chi Viên, giai cấp thống trị triều Lê được lũ học giả bồi bút tiếp tay, lại phủ lên vụ án này bằng 1 huyền thoại đánh cắp muộn màng của triều Minh về câu chuyện Rắn báo oán, để che giấu tội ác của chính nó, xoa dịu nỗi đau của dân tộc và biến bà Lộ mãi mãi là 1 con rắn độc.
Truyện Rắn báo oán được sao chép vụng về và thay đổi 1 vài chi tiết từ chuyện của 1 vị đại học sĩ, bị Minh Mục Tông phế bỏ. Đó là ông Chu Tuệ gặp nàng Kiều Oanh đang đi bán hoa. Mọi tình tiết tiếp theo y hệt nhau.
Gần 600 năm bị ngẽn tắc trong oan khuất đối với 1 người phụ nữ tài sắc như bà Nguyễn Thị Lộ. Nếu lịch sử công bằng 1 chút, chỉ 1 chút thôi thì bà Nguyễn Thị Lộ không mãi mãi là cái bóng mờ nhạt bên cạnh Nguyễn Trãi.
Ta phải khẳng định Nguyễn Thị Lộ có sự nghiệp riêng của bà. Nhưng chế độ phong kiến nhà Lê không những chỉ thủ tiêu sự nghiệp mà còn thủ tiêu luôn cả sinh mệnh của bà.
Nhân đây, tôi đề nghị giới văn học và sử học nước ta, đuổi truyền thuyết Rắn báo oán ra khỏi lịch sử và văn chương nước ta, trả lại danh dự vốn có cho nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Cũng cần nói thêm rằng, cái thói kỳ thị nữ giới đã ngự trị trong nhiều đầu óc lớn ở nước ta. Ví như trong lịch sử chống ngoại xâm và giao hảo cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV có 2 nàng công chúa nặng lòng vì nước mà vẫn bị đời quên lãng. Đó là An Tư công chúa và Huyền Trân công chúa. An Tư thì không ai đả động đến, còn Huyền Trân được đem ra đặt tên cho 1 đường phố hẹp ở thủ đô, rồi người ta lại nhẫn tâm tước bỏ.
Còn nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, duy nhất có 1 ngôi miếu nhỏ, do dân làng Khuyến Lương vì cảm nghĩa mà dựng lên để khói hương cho bà. Tiếc thay, 1 số người làm bậy đã 1 thời biến ngôi miếu thành cái chuồng dê.
Sự bạc bẽo của hậu thế, tưởng đến thế là cùng!
Nhân đây, tôi kiến nghị:
1. Chính quyền thành phố Hà Nội nên đứng ra tu bổ ngôi phế miếu hoặc xây lại thành ngôi đền khang trang làm nơi thờ bà Nguyễn Thị Lộ.
2. Bộ VH-TT nên sớm có 1 quyết định công nhận điểm thờ bà Nguyễn Thị Lộ tại Khuyến Lương (Thanh Trì) là di tích lịch sử văn hóa.
3. Tòa án Nhân dân Tối cao nên ra 1 phán quyết đặc biệt, phủ nhận tính hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên năm 1442 để trả lại sự trong sáng cho bà Nguyễn Thị Lộ, đồng thời làm sáng rõ tính nghiêm minh của lịch sử.
Láng Thượng, 4/12/2002.
Hết
Chú thích của Tiểu Phi:
1. Nhà văn Hoàng Quốc Hải có lúc gọi Nguyễn Thị Anh là y. Vãn bối trước đây tưởng từ y chỉ dùng gọi đàn ông, chắc là vãn bối lầm.
2. Phố nhỏ mang tên Huyền Trân công chúa nay là phố Bùi Thị Xuân ở Hà Nội.
3. Những kiến giải của nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ là 1 giả thuyết. Giới sử học chính thức có những nhận định thận trọng hơn nhà văn về vụ án Lệ Chi Viên. Vãn bối sẽ bình luận hoặc cung cấp các thông tin khác sau.
4. Rất mong các huynh đệ thảo luận về đề tài này trước khi vãn bối post ý kiến của sử gia Phan Huy Lê về vụ án Nguyễn Thị Lộ.

LSB-ThuyDuong
07-01-2004, 13:09
May thay, gần đây có đọc bài viết của tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ, ông sử dụng 1 chi tiết trong ngọc phả họ Đinh, phần "Bút ký Hồng Mai" thái sư Đinh Liệt có làm bài thơ như sau:
"Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa?
Chủ kháo Tống Thai vi linh dược
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa".
"Nhung tân" đọc lái là Nhân Tông (tức Bang Cơ, con Thị Anh), "Tống Thai" nói lái là Thái Tông, "Thịnh y" nói lái là Thị Anh.


Cái ông Đinh Công Vĩ này nói thế nào ấy chứ. Từ hồi xửa xưa ấy mà đã có nói lái rồi ư? Gia phả ở nước ta khó tin lắm!

@@ Tứ Kỳ Tứ Khoái
07-01-2004, 23:54
Trong Lương Sơn Tàng Thư Các cũng có một truyện rất hay của Đinh Công Vỹ viết nằm ở dưới phần "Lịch sử" , tên là "Vụ án những công thần đời Lê" - rất đáng nghiên cứu. Truyện đó không những chỉ viết riêng về vụ án của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ mà cả về Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Vấn... đầy đủ hết trơn. Huynh đệ nào có rảnh và có hứng tìm hiểu mời vào đó xem thêm.

TKTK.

tieuphi
08-01-2004, 10:27
To Thùy Dương: Về vấn đề nói lái có từ bao giờ, tiểu huynh không rõ vì không nghiên cứu văn hóa dân gian. Nhưng chắc chắn là nó không xuất hiện quá muộn, ít ra thì từ thời vua Lê chúa Trịnh đã có những trò nói lái tinh quái của Trạng Quỳnh.
Về vấn đề cần thận trọng khi tiếp cận với các gia phả thì Tiểu Phi hoàn toàn đồng ý với Thùy muội. Nhiều khi những người viết gia phả sẵn sàng thêm bớt sao cho có lợi cho dòng họ mình. Và chính vì thế, những thông tin trong gia phả Đinh Liệt mới chỉ là để tham khảo.
Về nhà nghiên cứu Đinh Công Vỹ: ông là 1 nhà nghiên cứu có uy tín, cuốn "Vụ án những công thần thời Lê" của ông mà bạn Tứ Khoái giới thiệu (và có trong Tàng Thư Các) được giới sử học đánh giá là đáng tin cậy về mặt sử liệu dù đó là 1 cuốn sách mang dáng dấp truyện ký (tác phẩm văn học) chứ không phải công trình nghiên cứu lịch sử thuần túy.
Về vụ án Lệ Chi Viên, việc kết luận Nguyễn Thị Anh là chủ mưu giết vua rồi đổ tội cho Nguyễn Trãi chưa được giới sử học đồng tình. Thị Anh lợi dụng cái chết của vua để trừ Nguyễn Trãi thì rõ rồi (nghĩa là mượn gió bẻ măng). Còn Thị Anh giết vua (tạo ra gió) thì chưa chắc. Nhà sử học Phan Huy Lê, chủ tịch (hay TTK, Tiểu Phi không nhớ chính xác) Hội nghiên cứu lịch sử VN có nói tại hội thảo về Nguyễn Thị Lộ rằng không nên vì để minh oan cho 1 người đàn bà (NT Lộ) lại vội vã kết tội thiếu cơ sở cho 1 người đàn bà (NT Anh) khác.