PDA

View Full Version : Lễ Hội Việt Nam.


GiangHo_LangLe
06-08-2003, 10:18
[center:dfb733bafe]Hội Đua Voi Ở Tây Nguyên[/center:dfb733bafe]
Hội đua voi diễn ra vào mùa xuân (khoảng tháng 3 âm lịch). Hội đua voi thường diễn ra ở Buôn Ðôn hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêvepốc (Ðac Lak).

Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng ít cây to) đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1-2 km.

Một hồi tù và rúc lên, theo lệnh điều khiển, từng tốp voi đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát thì những chu voi bật lên như chiếc lò xo, phóng về phía trước, tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ ầm vang cả núi rừng.

Cuộc đua kết thúc, những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy, mắt lim dim đón nhận những ống đường hoặc khúc mía của những người dự hội.

Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M'Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng.

GiangHo_LangLe
06-08-2003, 10:23
[center:756a5f6483]Nét Độc Đáo Trong Lễ Giỗ Nguyễn Trung Trực[/center:756a5f6483]
Trước lễ giỗ chính thức 5-7 ngày hàng trăm người từ các tỉnh Ðông bằng sông Cửu Long đã kéo về ... để làm công quả. Họ chung tay sửa sang đền thờ, dựng trại, đắp lò nấu cơm... thành tâm như con cháu lo cung giỗ cho ông bà vâỵ nhiều người tiếp tục nấu cơm, rửa bát đũa, don dẹp cho đến hết lễ hội 3-5 ngày mới quay về nhà.

Trong lễ giỗ đóng góp là tuỳ tâm. Các bà, các chị buôn bán ở chợ thì thường 5-7 người góp lại gạo, rau cho đủ một xe đạp, xe lôi rồi gọi một xe nào ở gần, nói là gửi cho đền cụ Nguyễn. Chỉ cần nói vậy là đảm bảo số hàng trên được chuyển đến nợi chu đáo. Nhiều người đạp xe lôi còn không lấy tiền chở đò đến đền cụ Nguyễn.

Trong và sau lễ giỗ 3-5 ngày, nhân dân tự nguyện kê lo ở một khu riêng trong đền để nấu cơm chay phục vụ miễn phí cho tất cả khách đến dự lễ. Cơm và thức ăn được dọn lên mâm, ai đói cứ việc ăn, ăn xong lại có người dẹp. Nhà bếp phục vụ bà con tư 3 giờ sáng đến 12 giờ đêm hàng ngày. Gạo và thức ăn do người dân hỷ cúng, năm nào sau lễ giỗ cúng dư và trăm kg và Ban quản lý đem tặng người nghèo.

Chị Sáu Hồng ở An Giang năm nào cũng về đền thờ làm công quả cho biết : "Ðoàn chúng tôi đi hơn 10 người, đạp xe từ An Giang qua đây làm tiếp nhà bếp. Khách ăn đông, làm mệt nhưng bù lại rất vui. Có lẽ chỉ ở lễ giỗ cụ Nguyễn mọi người mới được bình đẳng trước mâm cơm như thế. Giầu có hay sang hèn đến đâu đều được phụ vụ chu đáo ". Một du khách từ Nha Trang vào thì ngạc nhiên: "Tôi chưa thấy lễ hội nào đông mà trật tư như thế này. Ban ngày hay ban đêm đường phố chật như nêm nhưng không hề xẩy ra chuyện lộn xộn"

Khách xa đi thành đoàn có nhu cầu còn được bố trí chỗ ngủ chu đáo, miễn phí. Ðó có thể là trụ sở cơ quan nhà nươc hoặc nhà dân gần đền...
(còn tiếp)

GiangHo_LangLe
06-08-2003, 10:27
[center:d3a8126bdf]Lễ hội Chol- Chnam-Thmey[/center:d3a8126bdf] :
Hằng năm, cứ vào đầu tháng tư dương lịch khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, bà con Khơme các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung háo hức chuẩn bị đón một năm mới theo phong tục truyền thống.

Thật ra lễ đón mừng năm mới Chol- Chnam- Thmey chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng 14/4 (năm nhuận bắt đầu vào ngày 13/4). Lễ hội Chol- Chnam- Thmey mang đậm nét văn hoá Phật giáo tiểu thừa: từ thời gian (gắn với Phật lịch), địa điểm tổ chức (nhà chùa), nghi thức lễ (tụng kinh, cầu phước, dâng cơm cho các vị sư sãi), và chủ tiến hành lễ (thường là các vị sư sãi) nên ngoài ý nghĩa mừng năm mới còn là lễ làm phước lớn của đồng bào Khơme. Trong ba ngày lễ hội (năm nhuận là bốn ngày), ngoài việc tham gia các hoạt động chính ở chùa, người Khơme còn tổ chức thể thao tranh tài giữa thanh niên các phum sóc như lễ giấu khăn, kéo co, cướp cờ, chọi trâu, hay đá cầu, bóng chuyền... Có nơi tổ chức văn nghệ như hát ayay, lam-thol...

Trong năm, ngoài lễ hội Chol- Chnam- Thmey, người Khơme ở Trà Vinh còn tổ chức các ngày lễ khác như Pithi Sene-Dolta (lễ cúng ông bà); Bon OK- Om-Bok (lễ cúng trăng), Chotsima (lễ mừng xây xong chùa mới)... và hầu hết được tổ chức tại chùa, mang đậm nét văn hoá Phật giáo. Chùa Khơme ngoài chức năng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng còn là nơi giao lưu trao đổi văn hoá cộng đồng.

Hơn 30% dân số tỉnh Trà Vinh là đồng bào Khơme, có hơn 100 ngôi chùa (nhiều ngôi được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia như chùa Ông Mẹt, chùa Âng, chùa Sam- Krông- Ek...) với kiểu hợp mái độc đáo và những hoạ tiết trang trí sặc sỡ, thường khép mình dưới những tán dầu đại thụ, trên những giống cát được phủ kín bởi những cây thốt nốt to khoẻ, xanh um.

Trà Vinh còn là điểm dừng chân, thưởng ngoạn của du lịch với di tích ao Bà Om nổi tiếng miền Tây Nam bộ- một địa danh độc đáo gắn với nét văn hoá Khơme. Chùa Cò, chùa Dơi, biển Ba Động... cũng là những điểm du lịch khá lý tưởng nếu như chúng được khai thác, kết hợp tổ chức một cách đúng mức và khéo léo vào những dịp lễ hội truyền thống.

Về Trà Vinh khi những hạt mưa đầu mùa lất phất bay, khi những tán lá thốt nốt vừa vươn mình thay lá, khi bông băng lăng vừa trổ tím góc sân chùa... du khách có dịp biết đến những nơi mà phồn hoa chưa từng chạm tới để đắm mình trong không khí lễ hội Khơme độc đáo đầy màu sắc tín ngưỡng và để ngắm các cô thiếu nữ Khơme duyên dáng trong điệu múa lam-thol..

lsb_soi hoang
18-08-2003, 22:19
Hội Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội):

Mở từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng Âm lịch tại làng Triều Khúc (tục gọi là Kẻ Đơ) để tưởng nhớ công lao của Bố cái đại vương (Phùng Hưng) là thành hoàng làng. Tương truyền đây là nơi Phùng Hưng (thế kỷ VIII) dừng chân trước khi đánh thành Thăng Long giải phóng đất nước rồi ngày 10 tháng Giêng lên ngôi. Trước khi tế có cuộc rước mũ áo Hoàng đế từ đình Sắc về đình Đại. Người đi rước xếp thành hai hàng dọc, quay mặt vào nhau và đi ngang. Tế lễ diễn ra tại đình Đại có kèm theo múa rồng. Người tế và người múa đều mặc trang phục đẹp cầu kỳ, tỏ rõ tay nghề của địa phương. Trong các trò vui có đấu vật, đặc biệt là điệu múa rồng nổi tiếng. Ngày rã đám (trưa 12 tháng Giêng) có cuộc chạy cờ nhắc lại sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài sung quân đánh giặc.

Hội Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình):

Diễn ra vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Mở đầu là lễ rước nước từ bến sông Hoàng Long về tế ở đền vua Đinh. Nhiều trò chơi và trò diễn dân gian: cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình, dẹp loạn 12 sứ quân, bơi chải, vật, thổi cơm thi, bịt mắt bắt dê… Cờ lau tập trận là trò chơi tưởng nhớ vua Đinh tập trận cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đội quân cờ lau có khoảng 60 em học sinh, chia làm hai đội tượng trưng cho quân Thung Lau và quân Thung Lá. Một bên mặc quần đùi xanh nẹp đỏ, áo xanh lá cây, nón lá; một bên quần đùi xanh nẹp đỏ, áo trắng, nón lá. Mỗi người dắt hai bông lau bắt chéo sau lưng, tay cầm gậy. Mỗi đội có một tướng cầm kiếm, đội mũ bằng lá mít hay lá dừa. Chọn một em bé khôi ngô làm vua Đinh - mặc quần đùi đen sọc đỏ, đầu đội mũ Bình Thiên bằng rơm, tay cầm bông lau. Đội quân cờ lau có trống cái, chiêng, thanh la, kèn bằng lá dứa.

Hội làng Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội):

Tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch tưởng nhớ thành hoàng làng là phúc thần Hoàng Ngọc Trung người bản xã. Truyền thuyết: đời Lý Thánh Tông, con gái vua dong thuyền trên sông Thiên Đức (sông Đuống) bị rắn thành tinh bắt. Đám tùy tùng bất lực may có chàng trai nghèo họ Hoàng đánh thủy quái cứu công chúa (có thuyết cho là công chúa bị lật thuyền, chết đuối), chàng trai từ chối vàng bạc và chức tước vua ban, chỉ xin được phép đưa dân đi khai hoang lập trại ở những vùng hoang vu phía tây thành Thăng Long. Chàng đã cùng dân nghèo lập được 13 trại, tức 13 làng mang tên Thủ Lệ, Vạn Phúc, Vĩnh Phúc, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Cống Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Thụy Khê, Ngọc Khánh, Kim Mã, Đại Yên, Phủ Đề. Các làng này hàng năm còn cử đại diện về dự hội làng Lệ Mật, dâng lễ vật tế tổ. Lễ hội có: Rước nước, múc ở ao đình, nghi thức của cư dân trồng lúa nước. Rước cá: cá chép to nhất bắt ở ao đình để nhắc lại nghề cũ của ông tổ. Tế thành hoàng do làng và 13 trại dâng cúng: Hương, đăng, trà, quả, hoa, thực. Đặc sắc nhất có múa rắn diễn lại tích đánh rắn cứu công chúa (rắn to làm bằng khung tre trên phủ vải). Tiết mục trên còn gắn với nghề độc đáo của làng: bắt, nuôi rắn để làm thuốc.

Hội làng Đào Xá (Tam Thanh, Vĩnh Phú):

Đình Đào Xá xây dựng từ thời vua Lê Gia Tông, niên hiệu Đức Nguyên (1671), thờ Hoàng Hải Công (bộ tướng Hùng Vương) làm thành hoàng làng. Hàng năm mở hội vào các ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 7 Âm lịch. Tương truyền Lý Bôn xưa đóng quân ở Đào Xá, vào một đêm có hai chiếc thuyền rồng nổi lên ở đoạn sông này, trên thuyền có người xưng là Thủy thần đến để âm phù cho ông đánh giặc… Nhớ lại sự tích đó, nửa đêm mồng 10, ở đầm Đào Xá lúc canh ba, dân làng tổ chức bơi chải. Chải Đào Xá sơn đen, mũi hình đầu rồng giao long, đuôi hình đuôi tôm; đầu và đuôi chải sơn son thếp vàng. Trong cuộc đua, bơi hai thuyền, một thuyền đực, đầu hình chim và một thuyền cái, đầu hình cá, (bơi thành cặp). Ngoài ra, ở Đào Xá còn có tục múa xuân ngưu vào mồng 5 tháng 1 Âm lịch, tục múa voi kèm theo đám rước kiệu, cùng một số trò vui dân gian như: đấu vật, đánh cờ, hát chèo tuồng.