PDA

View Full Version : Tìm hiểu về danh họa VN


Giáo Chủ Xiển Giáo
16-04-2003, 16:50
Trước đây tiểu đệ có tìm hiểu qua về hội họa Việt Nam, có nghe nói đến Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh,... như những bậc tiền bối trong làng họa Việt Nam, mỗi người ghi dấu ấn lên một phong cách hội họa riêng.
Nay mong được chư vị chỉ giáo thêm về trường phái, phong cách của các danh họa đó, các tác phẩm tiêu biểu của họ; và cả các họa sĩ ngày nay,...

LSB-TienPhongTuong
16-04-2003, 21:35
Tô Ngọc Vân

Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Tô Ngọc Vân luôn giữ vị trí trang trọng với tư cách một danh hoạ, một nhà sư phạm mẫu mực và một nhân cách lớn.
Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906 tại Hà Nội, là hiệu trưởng đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Tháng 6/1954, Tô Ngọc Vân hy sinh bên đèo Lũng Lô. Hiện nay, tại Hà Nội và TP HCM đều có đường phố mang tên ông.

Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa 2 (1926-1931) Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và ngay từ năm cuối khóa, với tác phẩm ''Bức thư'', ông đã nhận giải thưởng triển lãm mỹ thuật thuộc địa tại Paris. Vào những năm 30, các tác phẩm như ''Thuyền trên sông Hương'', ''Lăng Tự đức'', ''Bụi chuối ngoài nắng'', ''Sư sãi Campuchia đi khất thực''... với những vẻ đẹp đặc thù đã thực sự đi vào lòng người. Những năm 40, nghệ thuật sơn dầu của Tô Ngọc Vân đạt tới tầm cao của đời ông với các bức hoạ ''Thiếu nữ bên hoa huệ'', ''Thiếu nữ bên hoa sen'', ''Buổi trưa''... Vẻ đẹp đó đã được tôn vinh và đi vào lịch sử, trở thành chuẩn mẫu cho nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam.

Không chỉ để lại cho đời những hoạ phẩm tuyệt vời, ông còn giúp xây dựng một đội ngũ học trò tài năng. Theo thày giáo Tô Ngọc Vân, điều quan trọng là phải biết phát hiện những cá tính của từng học trò, hướng họ trở về những gì mình có và khắc phục sự vay mượn trong nghệ thuật. Không ít hoạ sĩ đã định hình được vị trí trong đời sống mỹ thuật và đều khẳng định công lao to lớn của người thày tận tuỵ Tô Ngọc Vân.

@@ Tứ Kỳ Tứ Khoái
17-04-2003, 13:36
Nguyễn Phan Chánh (1890-1984) với tranh lụa Việt Nam

Từ thời thơ ấu hoạ sĩ đã được rèn luyện trong nền nghệ thuật viết chữ (calligraphie). Ở tuổi 14, hoạ sĩ đã đi tới các chợ để bán các bức tranh cuộn đầu tiên của mình.
Sau thế chiến thứ 2, trường Cao đẳng Mỹ thuật được thành lập ở HN, hoạ sĩ được nhận vào trường với tư cách là ngưòi duy nhất thi đỗ trong số hàng trăm thí sinh của Trung kỳ lúc ấy. Nhà trường dành ra 10 chỗ cho "những người bản xứ" trên toàn Đông Dương. Ở năm thứ 4 của khoá học, hoạ sĩ đã làm quen với tranh lụa, sau này trở thành niềm say mê, số phận và nội dung cuộc sống của con người này.
Đối với giới nghệ sĩ và các nhà phê bình nghệ thuật Pari thì các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh đã rất quen biết và được thừa nhận từ Triển lãm thuộc địa 1931.
Trong kháng chiến 1945-1954, hoạ sĩ tạm thời xa cách các tấm tranh lụa do trong vùng kháng chiến không có lụa dùng cho tranh. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyễn Phan Chánh trở về HN với tranh lụa. Kỹ thuật này từ lâu đã là một kỹ thuật được các hoạ sĩ Đông phương ưa chuộng, nhất là ở Trung Hoa và Nhật Bản. Đề tài của hoạ sĩ là con người: người nông dân của vùng châu thổ sông Hồng, cô thôn nữ tắm cho con, một phụ nữ gánh thóc, người con gái nghiêng mình xuống nước... Mảnh đất quê hương đã đưa lại cho hoạ sĩ tất cả - từ chủ đề cho đến độ đậm giảm bớt trong gam màu của hoạ sĩ, tới các màu sắc kín đáo của những ngày mây mù với tất cả nền màu nâu ánh đỏ... tất cả đều đã được mang lại chính từ những cô thôn nữ vùng châu thổ và ngay cả các cánh đồng lúa sau mùa gặt hái.

trích lại từ Lịch Văn hoá