PDA

View Full Version : Các Nhân Vật nổi tiếng VN


LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:15
[center:3e6c89f9e9]Bá Ðế[/center:3e6c89f9e9]
Ngày xưa, dưới triều Lê, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh nam bắc, giặc giã nổi lên tứ tung trong nước. Ở làng Đỗ Hải sát ven bờ biển miền Bắc thuyền bọn cướp bể Tàu ô thường hay ra vào đánh phá.
Một hôm, một chiếc thuyền trận lớn từ phía tây nam dong buồm thẳng vào vịnh Hạ Long, ngang đầu làng Đỗ Hải thì rẽ lái vào bờ, tìm đến chỗ vắng vẻ mà thả neo. Trên thuyền lớn ròng xuống một chiếc ghe nhỏ cho một vị tướng trẻ tuổi cùng năm người lính hộ vệ lên bờ.
Trên cánh đồng cỏ cạnh bãi bể, một cô gái đang cắt cỏ hát nghêu ngao. Vị tướng lắng nghe tiếng hát ngọt ngào hướng đi về phía ấy. Người con gái quê ngửng đầu lên, ngạc nhiên, sợ hãi thấy quan quân trước mắt vứt liềm toan bỏ chạy. Vị tướng gọi lại cho biết mình là một hoàng tử họ chúa Trịnh đi tuần ngoài biển ghé qua đây, muốn vào làng. Cô gái cắt cỏ nghe nói trở nên bạo dạn, dẫn đường đi trước. Qua đỉnh một ngọn đồi nhìn ra khắp vùng, hoàng tử dừng chân dưới gốc cổ thụ im mát, ra dấu cho đám tùy tùng lui. Còn lại một mình với cô gái quê da thịt dậy thì, hoàng tử kéo tay ôm choàng lấy vào lòng. Cô gái cố vùng vẫy gỡ ra song hai cánh tay khỏe mạnh càng siết chặt lại. Rồi chiếc áo gấm hoàng bào phủ lên lớp vải nâu sồng. Đến lúc cô gái quê mở mắt ra thì vị hoàng tử đã đâu mất, thấy bên cạnh mình một nén vàng óng ánh trên cỏ. Nàng đưa mắt nhìn ra phía biển, thấy chiếc thuyền buồm đã chạy xa phía Hạ Long, chỉ còn một chấm trắng trên nền trời. Tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn, nàng ứa nước mắt cầm nén vàng lên rồi mạnh tay quẳng vào bụi.
Từ ngày đó, cô gái cắt cỏ mất cả giọng hát hồn nhiên. Ba tháng sau, một hôm đội cỏ về nhà, nàng bỗng thấy hoa mắt, trời đất như sụp đổ, ngã lịm trên đường làng. Bụng nàng cứ lớn dần, bà mẹ nghi ngờ tra hỏi, nàng tình thật kể lại việc đã qua.
Bà mẹ không ngớt lời chửi mắng, nguyền rủa và đánh đập cô gái chửa hoang, rồi báo tin xấu hổ cho chồng hay. Để tránh tiếng nhục nhã với làng nước và khỏi phải phạt vạ, cả gia đình gồm ông bà nội, cha mẹ và cô chú, bà bác họp lại để xử ot^.i đứa con gái bất hạnh. Muốn ém nhẹm tiếng xấu cho giòng họ, mọi người đồng ý bắt nàng thả trôi sông.
Nàng bị đưa xuống ghe, trói tay chân lại, buộc đá vào cổ, rồi chở ra ngoài khơi, ẩy xuống biển. Khi quẳng nàng xuống biển, lạ thay người con gái chửa hoang đeo nặng trĩu đá vẫn trồi lên mặt nước. Người ta phải lấy sào nhận xuống một hồi xác mới chịu chìm.
Song từ đó, ghe thuyền qua lại vùng này thấy cô gái thường hiển hiện trên sóng nước làm nhiều việc linh ứng. Dân chúng miền duyên hải lấy làm sợ hãi, dựng miếu thờ ở ngọn đồi trông ra biển, gọi là đền Bà Đế ngày nay hãy còn dấu tích.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:16
[center:185ba919a3]Chàng Lía[/center:185ba919a3]
Chiều chiều én liệng truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Ngày xưa, ở miền Bình Định, có một người đàn bà nhà quê góa chồng, sống với đứa con trai còn nhỏ tên là Lía. Mới lớn lên, Lía đã tỏ ra sức mạnh hơn chúng bạn, tánh tình ngang ngược, khảng khái. Nhà nghèo, thấy mẹ thường phải ăn uống cực khổ, Lía đi bắt trộm gà, chim về nấu cho mẹ ăn. Biết được con làm bậy, bà mẹ rầy la. Lía mới chịu thôi. Thương mẹ vất vả, Lía đi ở giữ trâu cho mỘt nhà phú hộ trong làng để lấy tiền đỡ cho mẹ già.
Thường ngày Lía học tập võ nghệ, bắt trẻ cùng lứa làm kiệu rước mình, tự xưng làm vua. Một hôm Lía bắt trâu của chủ làm thịt để khao đãi chúng bạn, bị chủ đuổi đi. Lía trở về nhà rồi nhờ mẹ già xin cho đi học ở nhà thày đồ trong vùng. Nghe Lía là đứa trẻ ngỗ nghịch, cứng đầu, thày dạy từ chối, song thấy bà mẹ già hết lời van nài và Lía tự nguyện sửa đổi tính nết nên rốt cục cũng nhận cho vào hàng môn đệ. Học tập được ít lâu, Lía chia học trò ra làm hai phe, làm náo động cả trường. Lía lại cầm đầu một nhóm bạn học trường đêm đi bắt súc vật, lấy của cải các nhà giàu đem về giúp mẹ già và phân phát cho những người nghèo khó ở xóm làng. Hành động quấy rối của Lía khiến thày đồ sợ vạ lây, phải mời bà mẹ đến để trả Lía về nhà.
Lía đã khôn lớn, thêm tin ở tài sức mình, thường ngày gặp việc bất bình là ra tay can thiệp, đương đầu với các kẻ thế lực dùng oai quyền, tiền bạc hiếp đáp dân lành. Một hôm Lía lên tỉnh, khôn khéo vận động vào làm thuộc hạ một viên đội tâm phúc của quan tỉnh. Từ đó, Lía chuyên lo tập luyện võ nghệ, học hành kinh sử, hy vọng một ngày kia đỗ đạt làm quan, để làm vui lòng mẹ già.
Đến kỳ thi, mặc dầu văn võ tinh thông, Lía làm bài đều đúng cả, song vì không chịu mang tiền đút lót như mọi người, Lía bị viên chánh chủ khảo đánh hỏng. Tức giận, Lía kéo đồ đảng đến nhà viên chánh chủ khảo kể tội rồi chặt đầu viên quan hối lộ, đoạn bắt luôn người vợ lẽ đem đi. Bị quan quân truy nã, Lía chiếm lấy một vùng hiểm trở tựa vào rừng núi làm căn cứ.
Từ khi ra mặt chống lại triều đình, Lía ngang dọc vùng vẫy một phương trừ gian diệt ác, lấy của nhà giàu giúp người nghèo, tiếng tăm lan rộng. Nhiều kẻ bất mãn với chế độ hà khắc, bất công của vua quan thời bấy giờ theo về cùng Lía khá đông. Triều đình rao trọng thưởng tiền bạc cho ai bắt nộp được đầu Lía.
Mấy lần bị bao vây ráo riết, Lía nhờ võ nghệ cao cường, nên đều thoát được dễ dàng. Người vợ viên chủ khảo đã bị Lía giết, bấy lâu theo Lía, cố chiều chuộng hầu hạ để lấy lòng tin tưởng của chàng, đợi dịp để trả thù cho chồng cũ và lãnh thưởng lớn. Lía không dè mà lo đề phòng sẵn nên một hôm, trong lúc cùng các đồng đảng đang chè chén say sưa tại sào huyệt ở rừng sâu, thì bọn quan quân kéo đến vây bắt. Người vợ lẽ đã thừa lúc chung quanh không ai để ý, lẻn đi báo quan hay chỗ đóng trại của Lía. Phần lớn bộ hạ của Lía bất ngờ không kịp đối phó đều bị hãm hại, còn Lía nhờ tài nhảy cao, phóng giỏi nên phi thân thoát khỏi vòng vây.
Lía bị thoát nạn, son phẫn uất vì người làm bà làm nhục, đồ đảng tan rã, lại bị quan quân truy nã gắt gao. Trong lúc lẩn tránh, Lía ẩn tại nhà một ông lão nhà quê, nghĩ tức giận vì bị kế mỹ nhân, lòng tự ái bị xúc phạm, bèn lấy gươm tự cắt đầu mình trao cho ông già mang lên quan để lãnh thưởng.
Thương cho người dũng khí sa cơ, không muốn để chàng lọt vào quan quân, ông già lặng lẽ đem đầu chàng Lía bí mật đi chôn, không màng đến số tiền thưởng lớn lao của triều đình.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:16
[center:ebbf88695d]Cố Bu[/center:ebbf88695d]
Ngày xưa, vào thời vua Minh Mạng, ở Nghệ An có một người tên là Cố Bu, tài trí khác thường, lại rất giỏi phép độn, bơi lặn tài tình có thể ở dưới nước rất lâu. Bất bình với chế độ đè nén của vua quan, Cố Bu bèn chiếm vùng núi Truông, một địa thế hiểm trở, làm căn cứ xưng hùng. Quan quân không phá vào chốn này được. Cố Bu thường đi lấy của nhà giàu để giúp nhà nghèo, còn lại thì dùng để nuôi bộ hạ. Ai nghèo khó nhờ đến, Cố Bu sẵn sàng giúp đỡ, ai muốn theo thì được đối xử tử tế. Nhờ thế mà Cố Bu được cảm tình của dân.
Một ngày cuối năm, Cố Bu về làng Long Phang viếng mộ cha mẹ, viên lý trưởng hay tin vội vàng đi báo huyện. Huyện báo lên tỉnh, tỉnh phái hai ngàn quân cùng mười voi, lưới sắt bao vây bắt Cố Bu.
Biết chắc Cố Bu còn ở tại làng, vòng vây của quan quân thắt chặt lại, quyết bắt cho kỳ được. Lệnh xuống cho quân tuần lùng xét khắp mọi nhà, hễ gặp Cố Bu thì chém. Ai cũng lo ngại cho Cố Bu chết phen này, nhưng Cố Bu vẫn thản nhiên ngồi cười, nói: "Không hề gì, ta thoát khỏi như chơi". Rồi Cố Bu lấy chiếu bó thành một bó giả làm xác chết, bảo hai người khiêng. Cố Bu cầm cuốc, tên đầy tớ vác thuổng, vừa đi vừa khóc, ra tới ranh làng nhằm phía nghĩa địa. Quan quân thấy vậy tưởng đám chôn người thật, mà không biết mặt Cố Bu ra sao nên để cho đi. Cố Bu ra khỏi vòng vây, kêu lớn: "Cố Bu là ta đây này, đố bắt được ta". Quan quân ùa đuổi theo, Cố Bu nhảy xuống sông lặn mất. Lưới bổ vây cả quãng sông, voi lội xuống nước tìm. Cố Bu gỡ lọt khỏi lưới, trồi lên đầu mặt sông thách quan quân: "Đố bay bắt ta được". Rồi dông tuốt lên rừng.
Một lần khác, Cố Bu xuống làng ăn cưới, lý trưởng báo lên quan. Quan tính Cố Bu có tài độn giỏi nên tìm một thày độn đem theo để giúp sức bắt Cố Bu. Quân vây cả bốn phía nhà có tiệc cưới, Cố Bu mới làm phép độn, múc một bát nước đầy, lấy chiếc đũa gác ngang qua miệng bát, làm phép độn bước qua rồi lên gác trốn. Quân ào vô nhà kiếm không thấy, quan mới bảo thày độn xem thử Cố Bu trốn đi đâu. Thày độn tính một lúc rồi nói: "Cố Bu đã trốn qua cầu sang sông rồi". Quan quân nghe theo bỏ ra về, Cố Bu nằm trên gác thoát chết, nhờ đã gạt được thày độn lấy bát nước làm sông, đũa làm cầu bắc ngang nên thày độn không bắt được.
Từ đó về sau, Cố Bu cứ vùng vẫy một cõi, không ai bắt được, đến già chết mới thôi ngang dọc.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:16
[center:34c7f1cf2d]Cô Ðào Giết Giặc[/center:34c7f1cf2d]
Ngày xưa, vào cuối thế kỷ XIV (1390), ở làng Chế Cầu, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, có hai vợ chồng người dân quê tên Lương, sinh được một đứa con gái xinh đẹp, đặt tên là Huệ. Khi lớn lên, vì không muốn phải xa cha mẹ nên Huệ nhất định không lấy chồng. Đến lúc song thân đều mất, nàng lên Thăng Long làm nghề đào hát. Biết bao vương tôn công tử ở kinh đô say theo sắc đẹp và giọng hát mê hồn của nàng.
Thuở ấy, quân nhà Minh đang chiếm đóng nước Nam. Trước cảnh lầm than của đồng bào sống dưới ách đô hộ tàn ác của giặc, tiếng đàn câu hát qua trận cười thâu đêm không làm cho cô đào Huệ quên được mối thù đất nước. Gương chị em hai bà Trưng, bà Triệu ngày xưa nhắc nhở, thúc dục nàng đem mình ra cứu nước.
Nghe tiếng Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, được toàn dân hưởng ứng, nàng bèn tìm cách liên lạc. Sau đó, nàng mở một quán rượu nổi tiếng tại đất Thăng Long, tướng sĩ quân Minh thường ngày lui tới. Nhờ sắc đẹp và tài ăn nói, chiều chuộng khách hàng, nàng dò la được biết tình hình của quân giặc.
Một hôm, nàng báo tin cho Lê Lợi hẹn ngày khởi sự "nội ứng ngoại công" để đánh chiếm kinh thành. Lê Lợi phái các tướng Lê Khôi, Đinh Liệt, Nguyễn Xí và Bùi Hưng Nhân mang quân ra Bắc.
Tối hôm ấy, đào Huệ bày tiệc lớn mời khắp các tướng tá quân Minh đến. Trong bữa tiệc, nàng dùng các cô gái đẹp để mời rượu, ép khách uống. Quân giặc không ngờ, bị phục rượu say mèm, không về được dinh trại. Đến nửa đêm, quân ta đã mai phục sẵn, vào quán bắt trói hết tướng tá quân Minh bỏ vào bao tải thả xuống sông Nhị. Đồng thời theo hỏa lệnh, quân sĩ Lê Lợi tiến đánh Thăng Long.
Đào Huệ bỏ mình trong trận mạc. Sau khi chiếm được kinh thành, nhớ công ơn cô đào đã hy sinh cứu quốc, Lê Lợi phong cho nàng làm Phúc Thần Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân, lập đền thờ ở huyện Thọ Xương (đường Hàng Trống bây giờ) gọi là đền Đông Hương.
Tương truyền rằng vào đầu nhà Lê, thôn Tự Tháp thuốc huyện Thọ Xương bị một trận hỏa hoạn lớn. Đang lúc lửa cháy lan dữ dội, người ta thấy ở trên một ngọn cây có một người đàn bà cầm cây quạt thần quạt tắt ngọn lửa. Nhờ đó mà cả vùng thoát khỏi làm mồi cho bà hỏa.
Dân chúng nhớ ơn gọi là Tháp Bà, quanh năm đèn hương nghi ngút ở đền. Người ta còn gọi đào Huệ là Ngọc Kiều Phu Nhân. Vì kiêng tên và nghề nghiệp của đào Huệ nên người ta tránh không dùng đến hoa huệ và mời ả đào hát trong dịp cúng lễ ngày húy kỵ của nàng.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:17
[center:9193667476]Công Chúa Huyền Trân[/center:9193667476]
Ngày xưa, vào đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên tu ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay đi du ngoạn các nơi, vào đến đất Chiêm. Trong khi ở Chiêm Thành, vua Chế Mân biết du khách khoác áo cà sa là Thượng Hoàng nước Việt, nên lấy tình bang giao mà tiếp đãi nồng hậu. Không rõ Thượng Hoàng vân du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía nam không, hay vì cảm tình đối với ông vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.
Vua Chiêm cử sứ giả Chế Bố Đài cùng đoàn tùy tùng hơn trăm người mang vàng bạc, châu báu, trầm hương, quý vậy sang Đại Việt dâng lễ cầu hôn. Triều thần nhà Trần không tán thành, chỉ có Văn Túc Đạo Tái chủ trương việc gả.
Vua Chế Mân tiến lễ luôn trong năm năm để xin làm rể nước Nam, rồi dân hai châu Ô, Ly (từ đèo Hải Vân Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ cưới côn chúa Huyền Trân về nước.
Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm Thành được một năm thì vua Chế Mân mất. Thế tử Chiêm phái sứ giả sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo về việc tang. Theo tục lệ nước Chiêm, vua mất thì cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông hay tin vua Chiêm mất, sợ em gái là công chúa Huyền Trân bị hại, bèn sai võ tướng Trần Khắc Chung hướng dẫn phái đoàn sang Chiêm Thành nói thác là điếu tang, và dặn bày mưu kế để đưa công chúa về. Trần Khắc Chung trước kia đã có tình ý với Huyền Trân, song rồi vì việc lớn, cả hai cùng dẹp bỏ tình riêng, ngày nay lại được vua giao phó nhiệm vụ đi cứu công chúa.
Sang đến nơi, Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng: "Bản triều sở dĩ kết hiếu với Vương quốc vì vua trước là Hoàn Vương, người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, là đất Việt thường: hai bên cõi đất liền nhau thì nên yên phận, để cùng hưởng hạnh phúc thái bình cho nên gả công chúa cho Quốc vương. Gả như thế vì thương dân, chứ không phải mượn danh má phấn để giữ trường thành đâu! Nay hai nước đã kết hiếu thì nên tập lấy phong tục tốt. Quốc vương đây mất, nếu đem công chúa tuẫn táng thì việc tu trai không người chủ trương. Chi bằng theo lệ tục bản quốc, trước hãy ra bãi bể để chiêu hồn ở trên trời, đón linh hồn cùng về rồi mới hỏa đàn sau".
Lúc bấy giờ các cung nữ của Huyền Trân biết rằng công chúa sẽ bị hỏa táng, nhưng không biết làm thế nào, thấy sứ Trần Khắc Chung tới mới hát lên một câu ngụ ý cho sứ Nam biết mà lo liệu cứu côn chúa khỏi bị lên thang hỏa đàn:
Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.
Người Chiêm Thành nghe theo lời giải bày của Trần Khắc Chung, để công chúa Huyền Trân xuống thuyền ra giữa bể làm lễ Chiêu Hồn cho Chế Mân. Trần Khắc Chung đã bố trí sẵn sàng, cỡi một chiếc thuyền nhẹ chực sẵn trên bể, đợi thuyền chở công chúa ra xa, lập tức xông tới cướp công chúa qua thuyền mình, dong buồm ra khơi nhắm thẳng về phương bắc. Huyền Trân công chúa gặp lại người tình cũ đến cứu mạng về, hoa xưa ong cũ ai ngờ còn có ngày tái ngộ, đôi trai tài gái sắc kéo dài cuộc tình duyên trên mặt biển, hơn một năm mới về đến kinh.
Về sau, các văn nhân thi sĩ cảm hứng về quãng đời lịch sử của công chúa Huyền Trân, đã mượn điệu hát, lời thơ mà làm nên nhiều bài còn truyền tụng đến ngày nay.
Như khúc "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, mà có kẻ cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc:
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim lồng nhạn bay đi.
Tình lai láng,
Hướng dương hoa quì.
Dặn một lời Mân Quân:
Như chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần.
Một nhà thơ khác vịnh Huyền Trân công chúa:
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười.
Vốn đà không mất lại thêm lời.
Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi?
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời?
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn trông nhau mấy đứa Hời!
Trong dân gian, người ta than tiếc cho công chúa Huyền Trân:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mọi thằng Mường nó leo.
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:18
[center:385e49e932]Ðoàn Thượng[/center:385e49e932]
Ngày xưa, dưới triều vua Huệ Tông nhà Lý, có một tướng tên là Đoàn Thượng quê làng Hồng Thị, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, có sức khỏe phi thường, xương cứng như đồng, da rắn tựa sắt, mỗi lần ra trận chỉ mang theo một thanh đao và một mình một ngựa có thể chống lại với hàng vạn quân địch, chưa hề một lần nào thua.
Đến khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi nhà Lý lại cho Trần Thái Tôn lên làm vua, Đoàn Thượng bèn chiếm lấy vùng mình ở, không chịu thần phục triều mới.
Quân sư Trần Thủ Độ sai sứ đến dụ hàng, Đoàn Thượng đuổi về, rồi tụ tập binh mã tự xưng là Đông Hải Vương, mưu đồ khôi phục cho nhà Lý. Trần Thủ Độ nhiều lần đem quân đi đánh nhưng không thắng nổi, bèn lập kế một mặt phái người đến thương thuyết giảng hòa, còn một mặt cho tướng Nguyễn Nộn bí mật mang quân đi vòng để thừa cơ đánh úp.
Đoàn Thượng không dè quỷ kế của đối phương nên chẳng đề phòng cẩn thận. Nguyễn Nộn kéo quân đánh bọc hậu, Trần Thủ Độ cầm đầu đại binh mã tấn công mặt tiền, hai đạo quân của nhà Trần đánh cả hai mặt, bao vây quân Đoàn Thượng vào giữa. Trong khi thấy quân mình bỏ chạy tứ tán, Đoàn Thượng quay ngựa xông vào tiền quân đối phương, chẳng dè một võ tướng nhà Trần theo sau lưng bất ngờ chém gần đứt lìa đầu. Mặc dầu bị tử thương, Đoàn Thượng quay lại chống cự, tướng Trần hoảng sợ bỏ chạy. Đoàn Thượng tháo thắt lưng buộc vào cổ giữ cho đầu khỏi rơi rồi thục ngựa phóng về phía đông. Binh sĩ nhà Trần thấy khí thế dữ dội của Đoàn Thượng đều tránh dạt mở đường cho đi.
Chạy đến làng An Nhân, Đoàn Thượng thấy một ông cụ già khăn áo chỉnh tề đứng một bên đường chắp tay vái mà rằng: "Chào tướng quân, Ngọc Hoàng thượng đế đã chọn tướng quân làm thần xứ này, ở trên đồi làng kia là đất của tướng quân, xin tướng quân nhận cho".
Đoàn Thượng gật đầu rồi đến nơi ông lão đã chỉ, xuống ngựa, nằm gối đầu lên thanh đao, rồi tắt thở. Mối đùn đất lên thi thể Đoàn Thượng làm thành một ngôi mộ.
Dân làng thấy thế bèn dựng đền vào nặn tượng để thờ. Về sau, đê bị vỡ, nước lụt cuốn trôi pho tượng đến giữa làng, dân lập thêm một đền thờ khác gần bờ sông Hồng.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:18
[center:9646945d28]Hà Ô Lôi[/center:9646945d28]
Ngày xưa, về đời vua Trần Dụ Tông, có Đặng Sĩ Dinh, ở làng Ma La làm quan An phủ sứ. Năm Thiệu Phong thứ ba, vâng mệnh vua đi sứ nước Tàu, để vợ là Vũ Thị ở nhà.
Nguyên làng này có một đền thờ thần Ma La, nhân dịp ấy đến đêm thần hiện ra người, hình dung cử chỉ chẳng khác nào Sĩ Dinh rồi vào phòng Vũ Thị cùng nhau giao hoan, đến gà gáy lại biến đi mất. Đêm sau, Vũ Thị hỏi rằng: "Chàng vâng mệnh vua đi sứ Tàu, sao thường đêm lại về nhà sáng ra lại không thấy"? Thần nói dối rằng: "Vua đã sai người khác thay ta, mà ta thì ngài bắt ở cạnh ngài để hầu cờ không cho ra ngoài, nhưng ta nghĩ tình vợ chồng lẻn trộm về để cùng nàng ân ái, mờ sáng phải vội vào chầu, không dám trì hoãn". Nói xong, gà gáy lại đi, Vũ Thị trong bụng lấy làm nghi lắm.
Được một năm, Sĩ Dinh đi sứ về thấy Vũ Thị có thai đã gần đẻ, bèn làm trạng tâu vua, Vũ Thị liền bị hạ ngục. Đêm ấy, vua mộng thấy thần đến tâu rằng: "Tôi là thần Ma La lấy vợ là Vũ Thị có thai mà bị Sĩ Dinh cướp mất". Vua kinh ngạc tỉnh dậy, đến sáng mai sai quân giữ ngục đưa Vũ Thị ra mà phán rằng: "Vợ thì trả cho Sĩ Dinh, con thì giao lại thần Ma La". Ba ngày sau, Vũ Thị sinh được một bọc đen, xé ra được một đứa con trai đen như mực. Năm lên 12 tuổi vì thần không có họ, vua bèn đặt họ Hà tên Ô Lôi. Da Ô Lôi tuy đen nhưng đen nhoáng như mỡ. Năm 15 tuổi, vua triệu vào hầu cận, rất yêu và đãi làm bậc tân khách.
Một hôm Ô Lôi đi chơi gặp tiên Lữ Động Tân hỏi: "Đứa bé kia ngươi muốn gì không"? Đáp rằng: "Ngày ngay thiên hạ thái bình, nước nhà vô sự, xem phú quý cũng như mây nổi, chỉ muốn được cái giọng hay, sắc đẹp để làm vui tai mắt chơi thôi". Động Tân cười mà rằng: " Giọng hay sắc đẹp của ngươi rồi sẽ một hay một dở. Nhưng ta cũng cho cái tuyệt kỹ ấy để lưu tên một thời". Bèn bảo Ô Lôi há miệng lưỡi ra mà nhổ nước bọt vào bảo nuốt đi, xong rồi cưỡi mây đi mất. Từ đó Hà Ô Lôi tuy không biết một chữ gì cả nhưng thông mẫn, biện bạch giỏi hơn người, làm được cả tứ phú thơ ca. Cái giọng ca hát ngâm vịnh của anh chàng như cợt gió bỡn trăng, mây bay, nước chảy, làm cho người ta để ý và thích nghe. Thường đi chơi các chùa miếu cầu đò nhàn ngâm dật hứng, đi khỏi rồi mà cái dư âm còn văng vẳng, đàn bà con gái lại càng muốn xem cho được mặt anh ta. Vua thường truyền lệnh ở triều rằng hễ Ô Lôi có phạm gian con gái nhà ai, bắt được giải đến vua, sẽ bắt ta tiền một nghiền quan. Nếu ai tự tiện giết hay làm bị thương thì phải bồi thường một vạn quan.
Bấy giờ trong tôn thất có bà quận chúa tên là A Kim, hiệu nàng là Kim Liên, năm 23 tuổi chồng chết ở góa thủ tiết. Bà quận chúa có một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, trong đời chẳng một ai sánh kịp. Vua vẫn có lòng yêu muốn chung tình mà không được, nên giận thường để bụng. Một hôm bảo Ô Lôi rằng: "Mày có cách gì để ta chung tình với nàng chăng"? Ô Lôi tâu: "Hạ thần xin hẹn trong một năm, như không thấy hạ thần về, ấy là mưu không thành, hạ thần đã chết rồi vậy". Tâu xong lạy tạ ra đi.
Về đến nhà, Ô Lôi bỏ cả quần áo rồi xoa đất bùn vào người, đoạn ra trời dầm dãi nắng mưa cho nhớp nhúa. Lại đóng một cái khố, cầm một cái liềm, quảy hai sọt tre giả làm anh chăn ngựa đến nhà Quận Chúa, cho tên coi cổng một gói trầu để xin nó vào vườn cắt cỏ. Buổi ấy vào khoảng tháng năm hoa lài đang đại hội nở, Ô Lôi cắt hết hoa bỏ vào sọt. Thị tỳ thấy vườn hết hoa bèn hô người bắt Ô Lôi lại, để đợi người tới chuộc, bắt họ bồi thường tiền hoa. Ô Lôi nói rằng: "Tôi vốn là kẻ phiêu lạc không nhà chủ, không cha mẹ, thường đi làm thuê gánh mướn kiếm ăn. Vừa rồi có một ông quan buộc ngựa ở cửa thành Nam, ngựa đói khôn có cỏ ăn, có cho tôi năm tiền bảo cắt gánh cỏ. Tôi được tiền lấy làm mừng liền đi cắt, không biết cây lài là vật chi, chắc cũng là cỏ cả. Nay không có gì bồi thường, tôi xin làm đầy tớ để đền nợ hoa". Bèn lưu ở ngoài cửa hơn một tháng, bọn thị tỳ thấy đói khát thương cho ăn uống. Ban đêm Ô Lôi thường ca hát cho người canh cổng nghe, bọn thị tỳ và nấu bếp trong nhà chúa, thấy chàng hát lại nghe và đều nhìn mặt cả, ai nấy đều quên mất tâm chí mà vui nghe tiếng hát. Có một lần trời đã hoàng hôn mà đèn chưa thắp, Quận chúa ngồi mò, gọi tả hữu không có một ai, giận quá bèn gọi về trách tội bỏ trễ công việc hầu hạ, toan nọc xuống đánh. Họ lạy tạ mà rằng: "Có đứa cắt cỏ hát hay quá, chúng tôi mải nghe quên mất cả, đến nỗi như vầy chúa có nọc đánh cũng xin cam chịu tội". Quận chúa cũng làm ngơ không hỏi đến.
Một đêm mùa hè trời nóng nực, chúa cùng các thị tỳ ngồi ngoài sân hóng gió trông trăng bỗng nghe cách bức tường có tiếng hát của Ô Lôi như khúc nhạc ở trên trời đưa xuống chớ chẳng phải tiếng người nữa. Quận chúa bấy giờ say mê, rất vui lòng, bèn cho Ô Lôi vào làm đầy tớ nhà trong để sai vặt và để nghe cho gần, thường bắt chàng ca hát để tả mối tình uất kết. Từ đó Ô Lôi càng ra công hầu hạ quận chúa để mua chuộc lòng yêu, ngày thì hầu bên cạnh, đêm thắp đèn chầu chực, lanh lẹn được việc, hoặc khi chúa sai ca hát thì cất giọng lanh lảnh ra ngoài. Ô Lôi có bài hát cợt gió rằng:
Nhớ gió xưa ở trong trái đất,
Từ hang sâu phất phới bay ra.
Ngày xuân lãng uyển la đà,
Ấy ai đưa lại lân la chốn này,
Vào song bắc vui ngày thái cổ,
Sang đài hè mừng rỡ Tương Vương.
Đưa dương liễu, đón hải đường,
Sầu này gỡ hộ cô nường này đây.
Lại có bài thơ cười trăng:
Tựa bàn ngọc âm tinh là chất,
Mảnh trăng này vốn thật đa đoan.
Đông tây luống những bàng hoàng,
Khi đầy khi thiếu chẳng toàn in nhau.
Mượn ánh sáng bóng câu rực rỡ,
Yêu chị Hằng mà ở trên cao,
Với trời đất mãi sống lâu,
Long lanh một dạ khi nào có nguôi.
Giọng hát của Ô Lôi khiến cho chim cá phải lắng nghe. Quận chúa nhân cảm động thành bệnh sầu tư, trải ba bốn tháng bệnh càng thêm nặng. Các thị tỳ hầu hạ thuộc thang đã lâu mệt quá, một khi đêm khuya ngủ mê, chủ gọi không dậy, chỉ có một mình Ô Lôi ứng chực vào hầu, cái u tình của chúa không ngăn cầm được, nhân bảo rằng: "Cái giọng hát của ngươi làm mê mệt tinh thần ta, làm ta yêu mến đến nỗi như vầy. Vừa rồi ngươi ở giữa sân hát mấy câu mà gió ùn ùn thổi, mây từ từ lại, vật còn như thế huống chi người ru? Vì giọng hát ngươi mà làm ta sinh bệnh nên ta cũng không nề hà gì trên dưới, ngươi nếu thiệt biết chung nghĩa sắt cầm thì không phiền gì đến thày thuốc mà bệnh lành vậy"! Ô Lôi từ chối, chúa lại nói: "Ôi! Ngươi lầm lắm! Lấy cái giọng hơn đời sánh với cái nhan sắt tuyệt thế, sao lại chẳng được mà lại phải bắt ta nói đi nói lại. Ngươi quá câu nệ làm bệnh ta khó lành". Ô Lôi vâng dạ. Quận chúa bèn cùng anh chàng dan díu quên mất cả bên xấu bên đẹp và chẳng đoái tiếc gì nữa. Bệnh dần dần khỏi mà tình ái càng tăng. Quận chúa còn muốn tậu ruộng làm nhà cho tình nhân nhưng anh chàng đáp rằng: "Tôi vốn không có nhà cửa nay gặp chúa chẳng khác gì thiên tiên thực là hạnh phúc, tôi chẳng xin ruộng nương, châu báu vàng bạc gì cả, chỉ xin chúa cho cái mũ tiến triều giát bằng nog.c mà đội thì chết mới nhắm mắt". Cái mũ ấy vốn của Đức tiên đế ban cho để những ngày triều hạ, lễ tất thì đội vào chầu. Vậy mà chúa cũng cho Ô Lôi không tiếc. Ô Lôi được mũ, trốn thẳng về đội vào chầu vua, vua rất mừng bèn ra lệnh vời quận chúa tiến triều rồi sai Ô Lôi đội mũ ngọc vào trước đứng hầu bên cạnh. Vua thấy Quận chúa đến bèn chỉ Ô Lôi mà hỏi rằng: "Nhà ngươi có quen người này chăng"? Quận chúa thẹn thùng vô kể.
Từ đó Ô Lôi nhờ giọng hát được nổi tiếng trong nước. Buổi ấy anh chàng có câu thơ tự vịnh rằng:
Chỉn đà náu đến làm tôi,
Ngộ chữ Thiên phúc để cha Lôi.
Con gái người nhà vương hầu thường chê cười có câu:
Dùng chi mặt mũi cháy mà lem,
Kẻ chộ người quở mấy dèm,
Nhẫn có hoàng kim cùng quốc sắc.
Thấy nàng men đến thử dòm xem.
Dẫu rằng cười cái hình dạng nhưng chung quy bị giọng hát anh ta cám dỗ, tránh không nổi mà thường tư thông với nữa. Ô Lôi cũng lấy giọng hát mình để gợi tình rồi thông gian với con gái người ta. Thiên hạ sợ lệnh vua, không ai dám bắt vì sợ phải bồi tiền. Từ đó Ô Lôi lại tư thông với con gái vương hầu, cũng không ai dám bắt. Sau thông gian với con gái Minh Uy Vương. Vương bắt được nhưng chưa giết. Sáng hôm sau Vương vào chầu quỳ tâu vua rằng: "Đêm qua Ô Lôi vào nhà thần, tối tăm không biết là ai trót đánh chết, vậy số tiền đền bao nhiêu, thần xin nộp"? Vua ngỡ là chết rồi, bèn phán rằng: "Thôi đương đêm không biết là ai đã trót giết đi, không phải đền nữa". Bởi vì Minh Uy Vương là người thân của Thánh hoàng hậu nên vua không bắt tội. Vương về nhà dùng trượng đánh Ô Lôi mà không chết liền bỏ vào cối giã mới chết. Khi sắp chết Ô Lôi có thơ quốc ngữ rằng:
Tử sinh do mệnh quản nài sao?
Nam nhi miễn được chí anh hào
Chết vì thanh sắc cam đành chết
Chết ốm đau nên cơm cháo nào?
Ngày trước Lữ Động Tân có răn rằng giọng hay sắc đẹp một hay một dở cân nhau, nay mới biết là nhiệm.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:19
[center:2f92e0cc28]Lãnh Tạo[/center:2f92e0cc28]
Ngày xưa, tại làng Tuần Lễ, huyện Hương Sơn ở Nghệ An, có một người tên là Lãnh Tạo, học hành tài giỏi, nghề văn chương võ đều hay, tính tình phóng túng khác thường. Lãnh Tạo khinh thường vua quan, một lần bị bắt cầm tù về tội phạm thượng, anh ta bẻ xiềng leo thành vược ngục. Sau đó Lãnh Tạo tụ tập nhiều người, lập thành cơ ngũ riêng, lấy Truông Mây làm căn cứ để tung hoành ngang dọc.
Thuở ấy vào thời vua Minh Mạng, triều đình sai Thượng công Lê Văn Duyệt ra làm Tổng Trấn Nghệ An dẹp quân Lãnh Tạo. Lê Văn Duyệt không bắt nổi Lãnh Tạo mới ra yết thị cho ai bắt được Lãnh Tạo là người có vết ta đỏ ở tai thì được thưởng một trăm lạng vàng và phong tước quan.
Nghe vậy Lãnh Tạo mới sửa soạn quân gia giả làm Thanh Tra triều đình đi dò xét các tỉnh, kéo cờ đỏ đề chữ "Phụng mạng khâm sai" đi thẳng vào tỉnh đường Nghệ An, có binh sĩ bồng súng vác gươm theo hầu.
Lê Văn Duyệt được tin đội hầu vào báo vội vã ra tiếp kiến. Lãnh Tạo nắm tay Lê Văn Duyệt hỏi: "Quan Thượng có biết Lãnh Tạo là ai không? Lãnh Tạo chính là tôi đây, có vết đỏ ở tai đây. Vậy tôi có tội gì mà yết thị bắt tôi? Nay tôi về đây cho mà biết mặt, ông tính làm sao thì tính đi"? Lê Văn Duyệt bèn dụ, nói: "Ta đến xứ này ai ai cũng đều chịu phục, chỉ một mình ngươi là không, nên ta mới sai bắt. Nhưng thôi bây giờ nhà ngươi đã ra mặt thì ta ban cho một trăm lạng vàng, ba trăm lạng bạc, đừng có chống lại triều đình nữa, kết nghĩa anh em với ta, rồi ta tâu với vua tha tội cho, và phong cho làm quan nữa". Lãnh Tạo đáp: "Vàng bạc thì nhận, còn làm quan thì xin cám ơn thôi. Ông phái một trăm lính đưa tôi về rừng".
Lê Văn Duyệt sợ bị giết đành phải cho lính đi. Nghĩ tức giận mắc mưu Lãnh Tạo, cho là lỗi tại quân canh ơ hờ, Lê Văn Duyệt bắt đội hầu quân canh đem chém hết, rồi phái người đi tìm bắt vợ và mẹ Lãnh Tạo.
Bắt được rồi, Lê Văn Duyệt sai làm cái lầu cao ba trăm thước, để mẹ và vợ Lãnh Tạo ở trên đó, có ý cho Lãnh Tạo trông thấy, rồi gởi thư cho Lãnh Tạo dụ về hàng, không thì mẹ và vợ sẽ bị chết chém. Lãnh Tạo được thư, nghĩ mình không về thì mẹ và vợ phải chết, nên đem quân về đầu.
Đến trước cửa thành, nhìn thấy mẹ và vợ bị bắt làm con tin giữ trên lầu cao, Lãnh Tạo mới làm một bài phú, nói tài mình chọc trời quấy nước, mà chỉ vì thương mẹ nên mới ra đầu. Tổng trấn Lê Văn Duyệt đọc bài phú cho là xấc, lại nhớ đến mối hận thua trí Lãnh Tạo trước kia, bèn thừa cơ Lãnh Tạo giải giáp về hàng mà bắt chém đi. Xong rồi làm sớ tâu về triều đình gởi kèm theo bài phú của Lãnh Tạo. Vua Minh Mạng đọc qua bài phú xuống lệnh khiển trách Lê Văn Duyệt đã giết mất người tài giỏi, và phạt Tổng trấn mất nguyên bổng một năm.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:19
[center:fe9225ed90]Lê Như Hổ[/center:fe9225ed90]
Ngày xưa, vào thời Lê mạt, có Lê Như Hổ làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, người cao lớn đẫy đà, nhà nghèo mà hiếu học, ăn thì cực khỏe, mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm mà chưa no. Học được nửa năm, vì nhà nghèo một nồi năm cơm, thì Như Hổ thường lơ lửng nhác hoạc. Cha vợ mới hỏi cha đẻ Như Hổ: "Trước tôi nghe thấy nói con ông chăm học lắm, sao từ khi hắn đến ở nhà tôi thì lười biếng không chịu học là cớ làm sao"? Ông này nói: "Từ khi cháu ở nhà ông, ông cho ăn uống thế nào"?
- Mỗi bữa nồi năm cơm rồi đấy!
- Nhà tôi nghèo như thế, mỗi bữa còn phải cho nó ăn nồi bảy cơm. Ông cho nó ăn ít làm vậy, trách nào mà nó chẳng biếng học!
Ông cha vợ nghe lời, mới cho ăn hơn khi trước, từ bấy giờ Như Hổ học thêm được vài tiếng lại thôi. Bà mẹ vợ bảo với chồng: "Ông khéo kén được rể quý hóa quá nhỉ! Chỉ được bộ ăn khỏe thì không ai bằng. Dù có gượng mà học thì cũng chẳng làm trò gì được tuồng hay ăn ấy". Cha vợ biết đều bảo: "Nó ăn hơn người, sức nó tất cũng hơn người, can gì mà lo"? Bà mẹ vợ nói: "Có phải sức nó hơn người, tôi có vài mẫu ruộng bỏ cỏ kia kìa, ông thử bảo nó dọn cỏ đi, xem nó có làm được không"?
Như Hổ nghe nói như vậy, sáng sớm mai lập tức vác dao phát bờ ra ruộng. Đến chỗ gốc cây đa to, thấy chỗ ấy mát mẻ, mới nằm xuống ngủ. Mẹ vợ thấy rể vác dao ra đồng, đi chợ mua thức ăn về làm cơm cho con rể ăn. Khi về qua ruộng, thấy rể nằm khì ở dưới gốc cây, bà điên tiết, chạy tất tưởi về bảo chồng: "Ông còn bảo thổi cơm nhiều cho nó ăn nữa thôi? Nó nói ra đồng dọn cỏ, thế mà từ sáng đến giờ, vẫn còn nằm ngáy khò khò ở dưới gốc cây, ông ra mà xem".
Hai ông bà mới cùng ra đồng. Không dè từ lúc bà mẹ vợ đi về, thì Như Hổ đứng dậy lập tức phát cỏ. Chỉ một lúc dọn sạch quang cả mấy mẫu ruộng. Cá dưới ruộng chạy không kịp, chết nổi lều bều trên mặt nước. Cha mẹ vợ đến nơi, thấy ruộng đã sạch rồi, bấy giờ mới biết tài sức của Như Hổ.
Khi lúa chín, mẹ vợ thổi cơm sẵn nồi hai mươi, sai Như Hổ đi gọi thợ gặt. Như Hổ đi một lát trở về nói rằng: "Tôi đã gọi nhưng không ai chịu làm, vậy để tôi ăn xong sẽ giúp mẹ". Nói rồi dọn cơm ra ăn, một mình đánh hết nồi hai mươi cơm. Mẹ vợ lấy làm quái lạ bảo: "Cối xay nào mà chứa được thế, có vỡ bụng ra mất không"? Như Hổ nói: "Mẹ đừng ngại, việc gặt hôm nay con xin làm lấy một mình". Rồi lấy một cây tre to làm đòn càn và đem liềm hái, thừng chạc ra đồng. Vừa được nửa buổi thì gặt xong hai mẫu ruộng, bó làm bốn quảy về. Mẹ vợ từ đấy mới có bụng yêu, mỗi bữa cho ăn thật no nê để mà học.
Làng bên cạnh có hội đánh vật, năm nào Như Hổ cũng đến phá giải. Các đô vật ai cũng chịu, không ái dám ganh sức với Như Hổ, vì thế đặt tên chàng là Như Hổ.
Đến năm gần 30 tuổi, Như Hổ văn chương lừng lẫy rồi thi đỗ tiến sĩ trong thời Quang Hòa nhà Mạc. Bấy giờ có người cùng đỗ với Như Hổ tên là Nguyễn Thanh, ở huyện Hoàng Hóa tỉnh Thanh, nhân khi nói chuyện đến gia tư mìn, Như Hổ nói bỡn rằng: "Gia tư nhà bác thì đủ cho tôi ăn một tháng là cùng". Nguyễn Thanh nói: "Ông khinh tôi quá làm gì thế, tôi tuy chẳng có gì nhưng cũng đủ cung phụng ông dược ba tháng".
- Thôi đừng nói ba tháng, ông thử cho tôi ăn một bữa ra sao.
Nguyễn Thanh hẹn ngày mời Như Hổ vào chơi. Đến hôm hẹn, Như Hổ vào nhà Nguyễn Thanh, không ngờ hôm ấy lại đi vắng. Như Hổ bảo với vợ Nguyễn Thanh rằng:
- Tôi là bạn với quan Nghè đây, nhân có việc quan qua đây, có hơn ba mươi gia nhân, nhờ phu nhân một bữa cơm.
Người vợ sai người nhà làm thịt một con lợn, dọn sáu mâm cơm đem ra. Như Hổ bảo người đầy tớ rằng: "Mày ra gọi chúng nó vào đây". Mãi không thấy một người nào, chỉ có một mình Như Hổ ngồi đánh hết cả sáu mâm cơm. Ăn xong gởi lời cảm tạ rồi đi. Chiều tối Nguyễn Thanh về, vợ kể lại.
- Hôm nay có một người nói là quen với ông, nhân việc quan đem nhiều đầy tớ qua, nhờ một bữa cơm, tôi tưởng là thật, làm sáu mâm cỗ té ra chỉ một mình người ấy ngồi ăn, tôi ở trong buồng trông ra, cứ mỗi lần một bát là một miếng, ăn như hùm đơm đó, chỉ một lát hết ba nồi cơm và sáu mâm cỗ, không biết là người hay là quỷ đói.
Nguyễn Thanh phàn nàn rằng:
- Đấy là người anh em với tôi, trước có hẹn đến chơi, nhỡ ra quên mất, chắc là ông ta lại trách tôi sai hẹn.
Bữa khác Nguyễn Thanh nhân việc đi qua làng Tiên Châu, vào chơi nhà Như Hổ. Như Hổ sai người nhà làm thịt hai con lợn béo và thổi bốn mâm xôi dọn ra hai bàn, mỗi bàn một con lợn, hai mâm xôi. Một bàn thết Nguyễn Thanh, còn một mình ngồi riêng một bàn. Nguyễn Thanh ăn hết một góc mâm và một phần tư con lợn. Như Hổ ăn hết sạch cả bàn mình, lại ăn thêm sang một góc xôi thịt ở bàn mời bạn, chỉ còn một nửa để cho người nhà.
Nguyễn Thanh thất kinh nói rằng:
- Ngày xưa ông Mộ Trạch đã có tiếng là ăn khỏe, mà chỉ hết 18 bát cơm và 12 bát canh là cùng. Nếu ông ấy sinh ra đồng thời với ông thì cũng phải kém ôn ba bậc.
Về sau Như Hổ làm đến thượng thư, được phong làm Thiếu bảo Lữ quận công, rồi về trí sĩ, thọ đến 72 tuổi.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:19
[center:ffef608092]Thần Ðình Lập[/center:ffef608092]
Ngày xưa, cuối thời Bắc thuộc, trong lúc cả nước đang rên siết dưới ách đô hộ ròng rã một ngàn năm, ở miền núi non Bắc Việt, có một vị tù trưởng họ Đặng nổi lên chống lại quan quân Tàu. Được nhiều người yêu nước hưởng ứng nồng nhiệt, họ Đặng phất cờ khởi nghĩa từ châu nhà, rồi giải phóng được các vùng thượng du, làm chủ lại một phần giang sơn đã mất.
Đối phương phải huy động đại đội binh mã đương đầu rồi thừa thế đông tràn chiếm lại vùng giải phóng. Trong một trận chiến đấu ác liệt với quân thù đông đảo gấp bội, anh hùng họ Đặng chống trả oanh liệt cho đến chết. Muốn diệt trừ hậu họa, tướng Tàu cho quân vây bắt để giết cả gia đình họ Đặng, song bà vợ cùng con trai là Đặng Cao trốn thoát được vào rừng sau khi nghe tin chồng và cha tử trận.
Người vợ góa nuôi con với chí phục thù cho chồng, trả nợ cho nước. Đặng Cao lớn lên trong hoài bão chiếm lại giang sơn đã mất vào tay quân giặc, nên vừa đến tuổi trưởng thành đã sửa soạn chiến đấu, ngấm ngầm quy tụ chiến hữu bốn phương, chờ thời cơ nổi dậy.
Một hôm, trong lúc dạo chơi, Đặng Cao gặp một con kỳ lân hiện ra trao cho một chiếc kiềng bằng vàng có phép thần làm cho người mang nó được bất khả xâm phạm và bất tử. Nhưng nếu chủ nhân rời khỏi chiếc kiềng thần, dù chỉ trong chốc lát, thì mất hết quyền phép ngay.
Đặng Cao thấy kỳ lân xuất hiện ra trao báu vật cho mình là điềm của thần linh mác bảo thời cơ thuận tiện để dấy nghiệp, nên hăng hái phất cờ dóng trống ra quân.
Thắng trận liên tiếp, Đặng Cao giải phóng được châu nhà rồi tiến quân quyết tâm đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi xứ sở. Trong một trận quyết liệt gần biên giới, Đặng Cao gặp một tướng tài của đối phương gởi đến tiếp viện. Đôi bên tranh hùng bất phân thắng bại, chẳng may ngựa vấp ngã, Đặng Cao bị đối thủ thừa cơ vung kiếm chém đứt đầu. Một vị thần bỗng hiện ra nhặt lấy đầu Đặng Cao lắp lại vào cổ mà bảo rằng: "Ngươi hãy quay về đi và hỏi ba đường gặp trên đường xem là ngươi đã chết chưa? Nếu tất cả đều trả lời "chưa" thì ngươi sẽ sống lại".
Đặng Cao vội quay lui, chạy thẳng về nhà cho mẹ yên tâm vì có lẽ bà đã được tin báo là con đã tử trận. Trên đường về, người thứ nhất Đặng Cao là một ông lão, liền hỏi: "Thưa cụ, tôi đã chết chưa"? Ông lão trả lời: "Thôi cậu đừng chế diễu lão già cả mà tội nghiệp, sao cậu lại hỏi lão ngớ ngẩn như vậy? Khỏe mạnh như thế rồi cậu cũng được trời phật phù hộ cho sống lâu như lão đây". Đi một quãng xa, gặp một người lính, Đặng Cao nhắc lại câu hỏi trên, nghe đáp: "Người đã chết rồi thì không còn hỏi han gì được nữa". Đặng Cao mừng thầm, về đến gần nhà nghe tiếng than khóc thảm thiết. Bà mẹ được tin báo là con mình đã tử trận và chiếc kiềng thần binh sĩ lượm đượ cũng đưa về trao tận tay bà. Bà đang vật vã thương khóc thì thấy Đặng Cao về hỏi đã chết hay chưa, nên tưởng là con trai hiện hồn về, mới nói: "Con đã chết rồi, người ta vừa trao cho mẹ chiếc kiềng đẫm máu con vẫn đeo ở cổ đây".
Nghe mẹ nói như vậy, Đặng Cao bủn rủn cả người, biết là mình sắp phải chết, mới vội thuật lại việc thần hiện ra cứu, và cho mẹ hay là câu trả lời của mẹ đã giết hại đời con.
Vừa dứt lời, Đặng Cao ngã ra chết. Dân chúng nhớ ơn chôn cất rất trọng thể và lập đền thờ ở làng Đình Lập. Còn bà mẹ chỉ vì một câu nói vô tình mà chết con, bị mọi người ghét bỏ, phải đi ăn xin rồi chết vì đói khát, đau khổ.
Về sau, mỗi năm cứ đến ngày húy của Đặng Cao, dân chúng làm lễ cúng long trọng ở đền Đình Lập để nhớ ơn vị anh hùng dân tộc, đồng thời còn dọn thêm một bát cơm thừa canh cặn cho hồn bà mẹ bất hạnh bị thiên hạ nguyền rủa

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:20
[center:d1a149febe]Trạng Giáp Hải[/center:d1a149febe]
Ngày xưa, về đời Lê, có người Giáp Hải, quê làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cha mất sớm, bị bắt làm con nuôi một phú thương ở vùng khác.
Khi ra kinh để học tập, ông đi qua bến đò Bồ Đề thấy người thuyền chài bắt được một con rùa khá lớn, sắp mổ để nấu ăn, bèn hỏi mua rồi mang con rùa đến kinh đô, vào trọ ở nhà ông Lãnh Binh. Ngày ngày ông vẫn nuôi nấng con rùa cẩn thận.
Ông chỉ có một thày một trò, mỗi bữa cứ sáng sớm thì khóa cửa lại, cả hai thày trò cùng đến trường Quốc Tử Giám học tập mãi đến chiều mới về. Cửa vẫn khóa nguyên, mở cửa vào trong nhà thì thấy đã có mâm cơm sắp sẵn tươm tất. Ông không hiểu ra sao, nhưng thày trò có ăn hàng tháng như thế, bèn lập tâm dò xét. Một hôm ông dậy thật sớm, dặn người học trò cứ đe6'n trường học tập, còn ông thì đi có việc riêng rồi quay về nấp ở sau nhà để rình. Một lúc lâu thấy có người con gái rất đẹp từ trong con rùa hiện ra, tuổi trạc chừng mười bảy, mười tám, quần áo chỉnh tề, vẻ người khuê các, rồi thấy xuống đốt lửa nấu ăn. Thừa lúc cô gái đang mải ở dưới bếp, ông lẻn vào nhà trên mang cái vỏ rùa giấu vào trong rương và khóa kín lại, đoạn ôn chạy xuống bếp ôm ngay lấy người đẹp. Cô gái trách: "Cậu không nên làm thế, thiếp vốn là con gái bà Nam Hải Long Vương, nhân đi chơi xa lạc đường chưa về kịp, bị người thuyền chài bắt được, nếu không gặp cậu cứu cho thì cái thân hèn mọn này đã không còn nữa. Vì cảm tấm lòng nghĩa hiệp của cậu cứu thoát sinh mạng thiếp trong lúc hiểm nghèo nên thiếp phải hy sinh để đáp lại cái ơn nghĩa lớn lao đó, mong cậu thương đến thiếp là một kẻ lạc loài mà kết nghĩa trăm năm thì thiếp lấy làm hân hạnh lắm". Từ đó hai người ăn ở với nhau rất đằm thắm, vui vẻ.
Được ít lâu, cô gái bảo với chồng rằng: "Từ khi em lỡ bước lạc đường may sao nhờ cậu cứu thoát, lại được cùng cậu kết làm vợ chồng thật là vinh hạnh cho em lắm. Song còn mẹ và gia quyến em bấy lâu chẳng biết tin tức của em ra sao, em vẫn hằng ngày băn khoăn thương nhớ. Vậy em muốn mời cậu xuống chơi thủy cung để em được gặp mẹ già". Giáp Hải nói: "Anh hiện đang cố học tập để sang năm đi thi, nếu theo em về Thủy cung, thì bỏ dở cả việc học". Cô gái nói: "Xin cậu đừng ngại điều đó. Cạnh nhà em ở dưới Thủy cung cũng có trường học của cụ Trạng Lường, người làng Cao Lương huyện Thiên Bản, rất tiện việc học cho cậu". Giáp Hải nghe nói có ý lấy làm ngần ngại không muốn đi, nhưng cô gái hết sức khuyên nài, vả lại vợ chồng hương lửa đương nồng, nên ông cũng đành nghe theo. Hỏi đường lối xuống Thủy cung, cô gái nói: "Cậu cứ trả lại xác rùa cho em, rồi đem nó đến chỗ đã mua rùa khi trước, hễ em đi lối nào thì cậu cứ theo em mà đi, tức khắc sẽ đến Thủy cung". Giáp Hải liền mở rương trả lại xác rùa, cô gái nhập vào con rùa. Theo lời đã dặn, ông lại mang rùa đến bến Bồ Đề cho rùa bò xuống sông, bỗng thấy mặt nước rẽ tách ra làm đôi thành đường đi. Ông cứ theo rùa mà đi, đến một nơi thấy có mấy tòa cung điện nguy nga. Bỗng thấy cô gái lại hiện ở trong rùa mà ra, đưa ông vào chào thân mẫu và kể lại đầu đuôi về sự gặp gỡ của hai người. Cha đã mất, mẹ là Long Thái Hậu thấy con gái trở về lại có chồng rất lấy làm mừng, bèn nhận ông là rể và mở tiệc làm lễ cưới cho con gái rất trọng thể, rồi cho hai vợ chồng ở riêng một cung điện.
Được mấy hôm ông nhắc đến việc học, vợ sai người đưa ông sang thăm trường của cụ Trạng Lường. Ông thấy học trò rất đông và cụ Trạng đang ngồi trên giảng văn chẳng khác gì trên trần vậy. Đến gần vái chào, cụ trỏ tay vào mặt ông mà nói: "Anh này trông tinh thần kiện vượng, hẳn là người trần gian. Tại sao lại xuống đây"? Ông cứ thật sự trình bày. Cụ mời ông ngồi và kể chuyện: "Thuở bình sinh tôi đỗ Trạng Nguyên về đời vua Lê Thánh Tôn, được ở hàng nhị thập bát tú hội Tao Đàn, cũng không đến nỗi phụ đèn sách. Còn về phần anh sau này cũng được vinh hiển. Có lần tôi lên chầu Thượng Đế được dự hội đồng Nam Tào, khi thảo luận về văn chương và đạo đức của người Việt, có nghe nói đến Giáp Hải và đã thấy định cho anh đỗ Trạng Nguyên về khoa thi sang năm".
Được ít lâu Giáp Hải nói với vợ xin phép nhạc mẫu cho về trần gian để đi thi. Long Thái Hậu dặn rằng: "Anh là người học thức uyên thâm và đức hạnh, ắt sẽ đỗ cao. Đến khi công thành danh toại tôi sẽ cho người đón anh xuống để cùng đoàn tụ". Rồi bà sai mở tiệc tiễn biệt. Tiệc xong vợ ông và mấy sứ giả thủy cung đưa ông lên cõi trần.
Khi về tới kinh thành thì kỳ thi sắp tới, nên ông không về mà phải ở lại đây để kịp kỳ thi. Khoa ấy vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, lấy đỗ ba mươi sáu tiến sĩ, Giáp Hải đỗ đầu tức là Trạng Nguyên. Ông vinh quy về làng bái yết tổ tiên và cha mẹ nuôi rồi sang làng Cao Hương để viếng mộ cụ Trạng Lường. Thiên hạ chẳng hiểu nguyên nhân ra sao.
Từ khi ông về làng, thấy người cha nuôi thường làm những sự phi nghĩa, ức hiếp kẻ nghèo khó, ông hết sức khuyên ngăn. Một buổi về chiều, ông ra vườn sau bỗng nghe có tiếng người bên láng giềng nói: "Mồ cha chẳng khóc, khóc đống mối". Nhìn lại thì thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang đứng ở sân, hỏi ra mới biết là viên Huấn Đạo họ Phan đã về trí sĩ nhà ở liền bên cạnh. Đêm ấy ông băn khoăn nghĩ ngợi về câu nói ban chiều, tự nghĩ bấy lâu mình chỉ biết cha mẹ nuôi, còn người sinh thành thì chẳng biết tông tích ở đâu.
Sáng ngày lại, ông khăn áo chỉnh tề sang yết kiến viên Huấn Đạo. Cụ Huấn ra tận cổng mời ông vào nhà cùng nhau đàm đạo. Ông hỏi: "Hôm qua trộm nghe thấy lời vàng ngọc của đại nhân, khiến tôi bối rối nghĩ đến cha mẹ sinh thành, tôi chắc đại nhân có thể dạy bảo cho được". Cụ Huấn nói: "Thấy ngài là bậc đồng đạo, đường đường một vị Trạng Nguyên mà phải làm con nuôi một nhà phú thương bất nghĩa nên tôi thương ngài mà muốn chỉ nẻo đưa đường giúp ngài đó thôi. Ba mươi năm về trước, tôi được nghe rằng nhà phú thương này đi buôn, một hôm thuyền đỗ bến Bát Tràng, có một người đàn bà nhà ở gần sông, có một đứa con trai ba tuổi ra chơi bờ sông bị nhà phú thương kia sai người bế đứa bé xuống thuyền chở đi. Nếu người đàn bà ấy còn sống thì chắc bây giờ vào khoảng bảy mươi tuổi rồi, không rõ cậu bé ấy có phải là ngài không? Ngài tự liệu mà tìm manh mối". Ông cám ơn cụ Huấn ra về, quyết chí đi tìm mẹ đẻ.
Vài hôm sau ông xin phép cha mẹ nuôi để đi chơi và thăm các bạn hiền. Rồi thuê một chiếc thuyền đem theo hành lý, thuận giòng xuôi Nhị Hà xuống thẳng Bát Tràng đỗ lại. Ông lên bến tìm tòi dò hỏi thì thấy một nhà có một bà già trạc ngoài bảy mươi tuổi. Ông vào nhà tò mò hỏi thăm về gia đình bà lão. Bà kể lể: "Nay tôi bảy mươi mốt tuổi, tôi ở đây đã ngoài ba mươi năm trời. Chồng tôi vốn là người làng Bát Tràng này, làm bạn với tôi mới được sáu tháng thì mất. Khi chồng tôi mất thì tôi có thai được ba tháng, sau sinh được đứa con trai. Năm nó lên ba tuổi, một hôm tôi đi chợ vắng, nó ở nhà chơi với trẻ hàng xóm, không may nó ra đi đâu mất. Từ đó đến nay tôi không hề được tin tức gì. Không biết con tôi còn sống hay đã chết, mà ví phỏng nó còn sống thì nó cũng chẳng biết cha mẹ nó là ai và quê quán ở đâu"? Giáp Hải hỏi: "Cụ còn nhớ được hình dạng vết tích của con cụ không"? Bà già đáp: "Tôi còn nhớ con tôi có cái vết đỏ bằng đồng tiền ở sau lưng, và bên tả có nốt ruồi to và đen ở vai. Bấy giờ có người thày tướng xem bàn tay cho nó nói rằng: "Thằng bé này có dị tướng, sau này có lẽ danh giá lớn". Nghe bà lão kể, ông nhận thấy thật đúng là mình, vì trong người cũng có các vết như vậy. Ông bèn cởi áo ngay ra hỏi bà cụ: "Cụ thử coi kỹ mình tôi có vết giống như con cụ không"? Bà lão nhìn xem từ vai đến lưng rồi hai bàn tay. Giáp Hải ôm choàng lấy bà khóc òa lên. Hai mẹ con gặp nhau mừng rỡ không cùng. Ông liền rước mẹ về ở chun với cha mẹ nuôi. Được ít lâu bà Thái Hậu Long cung sai sứ lên mời ông xuống nhưng ông vừa được bổ làm quan, mới dặn sứ giả về thưa với nhạc mẫu tha lỗi cho và xin cho vợ ông lên dương gian để đoàn tụ với ông. Sau ông làm đến Thượng Thư, được phong chức Đế Quốc công.
Người vợ Thủy Cung của ông sinh được một đứa con trai, đặt tên là Giáp Phong, học đỗ tiến sĩ. Con cháu ông về sau đều thịnh đạt.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:20
[center:8881d361ef]Trạng Trình[/center:8881d361ef]
Ngày xưa, về đời Hồng Đức nhà Lê, ở làng Trung An huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) có nhà nho sĩ Văn Định kết duyên cùng con quan thượng Nhữ Văn Lan.
Tiểu thư họ Nhữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, giỏi văn chương, tinh tướng số, kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử mới nhận lời trao hôn. Hai người lấy nhau sinh được một con trai mặt mũi tinh anh, đặt tên là Bỉnh Khiêm, chưa đầy tuổi đã biết nói. Được mẹ dạy bảo, mới lên bốn tuổi Bỉnh Khiêm đã thông kinh truyện, học đến đâu thuộc lòng đến đó, nhớ đọc một lúc mấy chục bài thơ nôm.
Khi tóc còn để trái đào, một hôm Bỉnh Khiêm cùng bọn trẻ đi tắm bến Hàn, có kể thuật sĩ đi thuyền trông thấy nói rằng: "Cậu bé này có tướng làm vua, tiếc là da thịt dày quá, chỉ làm đến Trạng nguyên, Tể tướng là cùng"!
Mồ côi sớm, Bỉnh Khiêm được một tay hiệp khách giang hồ tên là Lý Hưng Chi nhận làm con nuôi rồi giao cho một người bạn trụ trì đem về dạy dỗ ở một ngôi chùa.
Lớn lên, Bỉnh Khiêm theo học ông Bảng nhỡn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa. Lương tiên sinh hồi sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ ngụ cư bên Tàu là Lương Nhữ Hốt có tặng cho quyển Thái Ất thần kinh, đem về học tập rất tinh lý số, tiên tri. Bỉnh Khiêm được thày truyền lại phép thuật tinh vi, và khi sắp mất cụ Lương trao cho quyển kinh Thái Ất, tác phẩm của đạo sĩ Triệu Nga đời Tống (thế kỷ thứ X).
Bấy giờ trong nước đang biến loạn, Bỉnh Khiêm bèn đi ở ẩn, lấy việc ngao du sơn thủy làm thú ở đời. Ông lên chơi chùa Bội Sơn, gặp lại nhà sư đã dạy dỗ mình thuở bé đang cầm đầu đảng cướp Hồng Nhật. Các tham quan ô lại cũng như các nhà giàu độc ác đều bị đảng cướp này trừ diệt, lấy của để giúp cho người nghèo khó. Quan phủ Vương Liêu Thăng là kẻ sâu dân mọt nước bị Lý Hưng Chi ra tay hạ sát, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu họ Lý.
Bị tập nã ráo riết, Lý Hưng Chi tìm đường trốn sang Tàu, đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng vài bộ hạ tâm phúc. Vượt núi, băng rừng nhiều ngày, đến giáp giới Trung Quốc, Lý Hưng Chi ghé lại trại một người bạn cũ, giữa một vùng núi non với hai ngàn thủ hạ.
Chủ trại là Hoàng Mưu mất vợ sớm, có một người con gái đến tuổi lấy chồng, thấy Bỉnh Khiêm là người lỗi lạc, bèn ngỏ ý với Lý Hưng Chi muốn gả cho. Đính hôn sau, Lý Hưng Chi và Bỉnh Khiêm cùng đám tùy tùng nhờ Hoàng Mưu giúp vượt qua biên giới.
Tiến vào nội địa Trung Hoa, giữa đường họ gặp một toán cướp lớn chặn đánh, chỉ có Lý Hưng Chi thoát được, còn Bỉnh Khiêm cùng đám người đi theo đều bị bắt. Tướng cướp là Lý Lăng Tử tra hỏi, thấy Bỉnh Khiêm là người thông thái, giỏi lý số, tiên tri, bèn giữ lại tôn làm quân sư.
Trại ở trên một ngọn núi kỳ vĩ, chung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc như những thành lũy thiên nhiên. Bỉnh Khiêm miễn cưỡng phải ở lại đây, suốt ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Một hôm, có một ông già ăn mặc nâu sồng, đeo khăn gói đỏ, tay chống gậy trúc lần mò đến cổng trại. Bị quân canh đuổi đi, ông già trở đi, trở lại đến lần thứ ba, nằn nì đòi xin gặp chủ trại. Bỉnh Khiêm đang đi dạo, trông thấy ông già cốt cách khác thường, gọi hỏi chuyện thì ông ta nói: "Tôi là kẻ ngao du sơn thủy, đi đó đây khảo sát địa lý để tìm một nơi gửi nắm xương tàn, đến chốn này thấy có khí lạ, mới dừng bước lại".
Rồi ông già ngắm Bỉnh Khiêm mà bảo rằng: "Tôi đoán ông không phải là người ở vùng này, mà chỉ là thượng khách của chủ trại. Nhưng chốn này sắp bị quân triều đình đến đánh nay mai"...
Hỏi thêm, ông già không nói, chỉ bảo rằng có biết lý số, thiên văn, và đã mấy năm trời nay đi tìm một quyển sách để thông suốt quá khứ vị lai mà chưa được gặp. Bỉnh Khiêm tò mò hỏi: "Cụ bảo quyển sách gì mà thần diệu như thế"? Ông già đáp: "Đó là một quyển sách thần, có đủ những phép tắc dạy cho biết rõ việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Quyển sách này trước ở tay thày dạy tôi nay đã qua đời, tặng cho một người cùng dòng họ làm sứ thần nước Việt, rồi nghe ông này trao lại cho một môn đệ. Đó là quyển kinh lấy tên là Thái Ất. Nhưng tôi biết chắc rằng vị sứ thần cũng như môn đệ của ông ta không thể nào dùng được quyển sách ấy, vì trong đó toàn là những câu kinh kỳ bí, mà họ không có lời giải. Tôi thì có lời giải mà không có quyển kinh Thái Ất".
Bỉnh Khiêm hỏi tới: "Sao thày dạy cụ lại chỉ truyền cho cụ biết lời giải mà không cho cụ quyển sách"? Ông già đáp: "Theo lệ cổ truyền thì không ai có thể giữ nổi cuốn kinh này lâu đời được. Sứ thần Việt được cuốn kinh, nhưng không có phần giải. Khi thày dạy tôi sắp mất, có trao phần giải cho tôi mà không dặn rõ là tôi phải mất công hai năm mới tìm ra cuốn kinh. Tôi tính đến hôm nay vừa đúng là hai năm". Bỉnh Khiêm vội đi lấy ở trong hành lý ra một cuốn sách bọc vải điều trao tận tay ông già. Vừa lật xem qua mấy trang, ông già không giấu được nỗi ngạc nhiên sung sướng, trang trọng đặt cuốn sách lên trước mặt rồi sụp lạy. Cả hai người mặc dầu tuổi tác cao thấp chênh lệch, làm lễ đồng môn với nhau, rồi bắt đầu trao đổi nghiên cứu kinh Thái Ất. Trong vòng bảy hôm, họ đã thuộc lòng cả cuốn kinh cùng những lời giải đáp, rồi vội vã chia tay, sợ xúc phạm đến thiên cơ, vì cả hai đều thành tiên tri, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ông già tức là Hoàng Thạch Lâm đi về phương b('c, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi về phía nam. Trở về nước, gặp lúc nhà Mạc đang ở ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ Trạng nguyen, được vua phong làm Đông các đại học sĩ. Làm quan tám năm ông dâng sớ xin chém đầu mười tám tên nịnh thần, vua Mạc không nghe, ông bèn cáo bệnh từ quan.
Khi ông về trí sĩ, dựng nhà chơi mát ở làng gọi là am Bạch Vân, lại làm một cái quán ở bên sông Tuyết Giang, dựng bia ký sự mình. Lúc thì bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc Hải, lúc thì cùng vài nhà sư dạo chơi núi An Tử, núi Ngọc Vân và núi Đồ Sơn. Đi đến đâu đều làm thơ ngâm vịnh, gặp chỗ nào phong cảnh đẹp thì dừng lại, thường ngày không để ý gì đến việc đời, sống nhàn tản theo chủ trương của Lão, Trang.
Triều Mạc vẫn quý trọng, lấy lễ sư phó đãi ông, hễ có việc gì thì sai sứ tìm đến hỏi ý kiến hoặc mời về kinh để thương nghị các chính sự trọng yếu. Vua Mạc phong ông làm Thái phó Trình Quốc công. Người đương thời gọi ông là Trạng Trình.
Học trò của Trạng Trình tác thành rất nhiều, nổi danh có Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử.
Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, vua Mạc ngự giá đến nhà ông hỏi các kế công thủ, Trạng Trình bảo rằng: "Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời". Sau bảy năm, nhà Mạc mất, lui về giữ đất Cao Bằng, quả nhiên truyền được ba đời, bảy mươi năm mới tuyệt.
Khi vua Lê Trung Tông mất, không có con kế vị, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, sai Phùng Khắc Khoan đến hỏi ý kiến ông, ông không nói gì, chỉ quay lại bảo người nhà rằng: "Năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo mạ". Phùng Khắc Khoan về nói lại, Trịnh Kiểm hiểu ý ông, tìm Lê Duy Bang là dòng nhà Lê về, lập lên làm vua.
Một lần Trịnh Tùng có ý chiếm ngôi vua, sai sứ đến hỏi ông, ông cũng không nói gì, chỉ đưa đi chơi trong một cái chùa trên núi, bảo tiểu rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì mới có oản ăn". Sứ giả về nói lạị Trịnh Tùng biết ý ông khuyên phải giữ đạo làm tôi thì mới được hưởng phúc, nên mới thôi manh tâm bội nghịch.
Vào lúc Trịnh Kiểm có ý hại Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn lấy làm lo, mật sai người đi cầu ông bày cho kế lánh họa. Ông đang chống gậy chơi trong vườn cảnh, có mấy dãy đá xếp lại làm non bộ quanh co đến trước sân, có đàn kiến đương bò trên đá, ông đưa mắt nhìn theo đàn kiến mà nói rằng: "Một dải núi Hoành Sơn kia có thể nương thân đến muôn đời". Người sứ về thưa lại, chúa Nguyễn mới quyết tâm xin vào trấn thủ trong xứ Thuận, Quảng (miền Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn lâu dài.
Trạng Trình tinh về thuật số, đoán trước được nhiều việc đúng, còn để lại được một số sấm ký về sau, người ta truyền là rất ứng nghiệm.
Trước khi mất, ông có viết một tờ chúc thư gửi cho viên tri huyện ở vùng ông đời sau, có câu: "Tôi cứu cho ông khỏi chết vì sà nhà đổ, ông sẽ cứu cho cháu tôi đang nghèo khổ". Ông trao cho cháu bức thư này dặn đến ngày tháng ấy, giờ ấy mang đến đưa cho quan huyện, và nhớ gọi ra khỏi công đường mà trao. Quả nhiên đúng ngày giờ nói trên, viên tri huyện nghe có cháu ông Trạng Trình đến kiếm, bước ra tiếp, vừa đi khỏi thì cột sà ngang lớn bị mọt đục gãy rơi ngay chỗ ghế ngồi. Thoát chết, ông huyện nọ xem thư hết lòng cảm phục, liền đưa cháu ông Trạng Trình về nhà hết lòng nuôi cho ăn học.
Trạng Trình còn để lại cho đời mấy trăm bài thơ nôm gọi là Bạch Vân Am thi tập, sống đến 95 tuổi mới mất. Những sấm ký của ông truyền lại, người đời sau đem các việc xảy ra để đối chiếu, giải thích cho đến gần đây, còn được chứng nhận là đúng.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:20
[center:0258b10472]Từ Ðạo Hạnh[/center:0258b10472]
Ngày xưa, ở ngôi chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (Sài Sơn), gần tỉnh Sơn Tây, có một nhà sư trứ danh tên Lộ, người đời vẫn gọi là sư Đạo Hạnh. Cha Lộ là Từ Vinh làm quan đô sát ở triều nhà Lý, đến chơi làng An Lãng, lấy vợ người họ Tăng rồi sinh ra Đạo Hạnh.
Khi còn nhỏ, Lộ chỉ thích ngao du, tỏ ra chí lớn, thường đi lại với nhà nho Mao Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhạc sư Phan Ất. Cha mẹ thấy Lộ suốt ngày chơi bời, đá cầu, lêu lổng cùng bạn bè, nên thường trách mắng luôn, không biết rằng đêm đến, còn lại một mình, Lộ chăm chỉ vùi đầu trong sách vở. Một hôm người cha dòm vào buồng con, thấy đèn le lói, Lộ vùi đầu vào bàn ngủ, tay vẫn còn cầm sách, từ đó mới không lo ngại về con nữa.
Đến kỳ thi tăng đồ thì Lộ trúng cử khoa Bạch Liên. Được ít lâu cha Lộ bị Duyên Thanh Hầu nhờ pháp sư Đại Diệu dùng tà thuật làm hại. Xác quẳng xuống sông Tô Lịch, trôi đến cầu Quyết Kiều, ngay trước nhà hầu rồi đứng thẳng lên không đi nữa. Hầu sợ hãi báo với Đại Diệu đến, đọc chú và bắt quyết thì xác ngã xuống theo giòng nước cuốn đi.
Lộ thề báo thù cho cha, một hôm thấy Đại Diệu liền đuổi đánh, bỗng nghe trên không có tiếng bảo "Đừng", Lộ quăng gậy bỏ chạy.
Lộ tìm đường sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để học phép về chống với Đại Diệu, đi đến xứ Mán Răng Vàng bị cản trở phải quay lại. Lộ đến ẩn mình ở núi Phật Tích, ngày đêm chuyên chú tu luyện, đọc đủ mười tám vạn tám lần Đại Bi tâm kinh đà la ni. Một hôm có vị thần hiện ra bảo: "Ta là Trấn Thiên Vương cảm công đức trì tụng của thày nên đến đây ra mắt". Lộ mừng rỡ, biết là công tu luyện của mình đã đạt, có thể báo thù được cho cha, bèn đến bến Quyết Kiều, thử lấy chiếc gậy phép đang cầm ở tay mà ném xuống giòng nước đã cuốn xác cha, thì thấy gậy rẽ giòng nước mà đi ngược lên, đến cầu Tây Dương thì dừng lại.
Lộ tin ở phép thuật của mình, tìm đến nhà Đại Diệu hỏi: "Mày có nhớ đến việc ngày trước không"? Rồi ngước mắt trông lên trên không, chẳng thấy gì liền cầm gậy đánh luôn Đại Diệu một cái. Đại Diệu phát bệnh mà chết.
Thù cha đã trả xong, Lộ muốn thoát vòng tục lụy, đi tìm các nơi thanh vắng ở rừng núi mà tu hành, gặp thiền sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình và pháp sư Phạm Hợi ở chùa Pháp Vân dạy cho nhiều phép thuật cao cường, các loài ác thú đều hàng phục. Trong đêm tối ông đốt ngón tay để làm đèn, phun nước để chữa mọi bệnh rất linh nghiệm.
Vào hồi bấy giờ vua Nhân Tôn nhà Lý không có con trai. Có người ở Thanh Hóa dâng sớ tâu: "Tại miền duyên hải, có một đứa trẻ linh dị mới lên ba tuổi, xưng là Thần Đồng, cho mình là con vua, người ta gọi là Giác Hoàng". Vua cho người đi dò xét, rồi rước về kinh đô cho ở tại chùa Báo Thiên. Thấy đứa trẻ thông minh xuất chúng, vua rất yêu mến, muốn lập làm Thái Tử. Triều đình can gián: "Đứa trẻ này thông minh linh dị phải để nó thác sinh vào cung cấm mới nối ngôi Hoàng Đế được". Vua nghe theo sai lập đàn bảy ngày bảy đêm, để cầu phép thác sinh hoàng tử.
Sư Lộ đoán biết đứa trẻ kia là Đại Diệu thác sinh, mới bảo cùng người chị: "Thằng bé kia là một tên sát nhân thác sinh muốn lên làm vua, ta phải ra tay ngăn trừ để tránh hậu hoạn cho nước nhà". Bèn làm một đạo bùa giao cho chị giả làm người đến xem đám lễ rồi thừa cơ giấu lá bùa vào một chỗ trong đàn tế. Đến ngày thứ ba, các đạo sĩ đang cúng tế thì Giác Hoàng bỗng sinh bịnh nặng, rồi tự miệng thốt ra: "Khắp trong khu vực này toàn lưới sắt bao vây cả, tôi còn lối nào mà thác sinh được"?
Vua cho tra xét, biết sư Lộ đã làm phép ếm, bèn sai bắt giam Lộ vào Hưng Khánh, rồi giao cho các quan hội nghị định tội. Lúc ấy có Sùng Hiền Hầu đi qua, Lộ gọi Hầu nói: "Hầu có lòng cứu cho tôi được khỏi tội thì tôi sẽ thác sinh vào cung để trả ơn Hầu". Hầu không có con, nhận lời ngay. Tới khi hội nghị, các quan đều nói: "Bệ hạ chưa có hoàng tử nên cầu cho Giác Hoàng được thác sinh vào cung mà Từ Lộ lại dám làm phép để ngăn trở thì đáng phải tội chết". Sùng Hiền Hầu mới tâu lên vua: "Nếu Giác Hoàng quả là bậc linh dị thì sao Từ Lộ làm phép lại không có phép gì để giải cứu được, có phải là Giác Hoàng còn kém tài Từ Lộ xa không? Thần trộm nghĩ bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ để bắt Lộ phải thác sinh vào cung thì tốt hơn". Vua ngẫm nghĩ cho là phải, ra lệnh tha cho Lộ. Lộ tạ ơn Hầu cứu sống và dặn rằng: "Nếu phu nhân có thai, khi sắp lâm bồn thì Hầu báo cho tôi biết". Mấy tháng sau, Hầu phu nhân có thai, đến khi lâm bồn, quằn quại mấy ngày chưa sinh được. Hầu sai người đi báo tin cho Lộ biết. Lộ tắm rửa sạch sẽ rồi vào trong ghềnh núi thoát xác lại mà chết. Lộ vừa mất thì Hầu phu nhân sinh ra con trai, đặt tên là Dương Hoán, năm lên ba thì vua Nhân Tông nhận làm con nuôi, lập làm Thái Tử. Đến khi vua Nhân Tôn mất, Thái Tử lên nối ngôi gọi là Thần Tông, tức là hậu thân của Từ Lộ thác sinh.
Nơi Từ Lộ thoát xác ở ghềnh núi Phật Tích, cạnh chùa Thiên Phúc, người ta lập đền thờ ngay tại đó.

LSB-AnhHungThoiBinh
26-01-2003, 22:22
[center:05336f0be1]Vũ Công Duệ[/center:05336f0be1]
Ngày xưa, vào đời Lê có Vũ Công Duệ người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây. Hồi còn nhỏ, cha mẹ đi cày vắng nhà, Duê chơi với bọn trẻ con trong xóm, nặn đất làm con voi, bắt hai con bướm làm hai tai, cầm con đỉa làm vòi, lấy bốn con cua làm chân, thành ra voi đất mà vẫy được tai, vòi co lên quắp xuống và chân đi được, ai trông thấy cũng cho là tinh quái.
Một lần, có người đến đòi nợ hỏi: "Bố mày đâu"? Công Duệ đáp: "Bố tôi đi chém cây sống, trồng cây chết". "Mẹ mày đâu"? "Mẹ tôi đi bán gió, mua que". Người đòi nợ lấy làm lạ, không biết cha mẹ nó làm gì mà nó nói thế, hỏi căn vặn nó mãi thì nó cười mà không đáp. Chủ nợ mới dỗ dành bảo nó: "Mày cứ nói thật, ta sẽ tha nợ cho mày, không đòi nữa". Duệ cầm một cục đất dẻo, bảo chủ nợ in tay vào làm tin, người kia cũng in tay vào xem sao. Duệ bèn nói: "Cha tôi đang nhổ mạ cấy lúa, còn mẹ tôi đi bán quạt". Người kia lấy làm kỳ dị. Hôm khác lại đến đòi nợ. Duệ đưa hòn đất có vết tay in mà nói: "Tay ông ký vào đây còn đòi gì nữa"? Người kia đứng ngẩn mặt ra, không biết nói làm sao, nhân khuyên cha mẹ Duệ cho đi học và giúp món nợ ấy để lấy món tiền mua sách.
Duệ học rất thông minh, các sách chỉ đọc qua một lần là thuộc. Đến năm Hồng Đức 23 đời vua Thánh Tôn nhà Lê, Duệ thi đỗ Trạng nguyên vào hồi 20 tuổi. Đến khi làm quan, tính khí cương trực, vua cất lên làm đô ngự sử, các quan ai cũng kính nể.
Khi nhà Mạc cướp ngôi vua Lê, đình thần nhiều người a dua về Mạc Đăng Dung, ai không nghe đều bị giết. Đăng Dung sai người dụ Công Duệ về làm quan với mình. Công Duệ nhất định không theo kẻ tiếm vị, nhưng liệu cũng không yên, bèn đeo cả quả ấn ngự sử đâm đầu xuống cửa bể Thần Phù mà chết.
Cách 60 năm sau, nhà Lê trung hưng, khôi phục được thành Thăng Long, sai đúc ấn ngự sử, đúc mãi không thành, mới sai người xuống cửa bể tìm quả ấn trước. Người lặn xuống đến nơi thấy Công Duệ vẫn còn đội mũ áo chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy bể như còn sống.
Người ấy sợ hãi lên kể lại, chuyện đến tai vua. Vua lấy làm lạ, chắc là khí tinh anh của Công Duệ kết lại, mới sai quan làm lễ cúng bái, rồi sai người vớt xác Công Duệ lên, dùng lễ khâm liệm trọng thể rồi đưa về làng Trinh Xá an táng, phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần.

SonBacMinh
10-11-2010, 06:41
Như thế Hà Ô Lôi chính ra phải là Ông Tổ nghề Hát Việt Nam. Các ca sĩ VN cần suy gẫm mà định ngày làm lễ cúng Tổ nghề cuả mình phải không ??Các Ca Sĩ phải cám ơn LSB_AnhHungThoiBinh nha.
Trong Nam Hải Dị Nhân cuả VN ta còn rất nhiều danh nhân danh tiếng khác như Tả Ao Tổ nghề xem Phong Thuỷ chẳng hạn.

canhhoamongmanh
12-11-2010, 12:16
Nổi tiếng VN đều chung 1 mẫu ng.

_Trẻ: Học jỏi đỗ đạt
_Trung: Õng ẹo với triều đình ứ ra làm quan,ở nhà vợ nuôi
_Già: Chết đc đặt tên cho nhg con fố