PDA

View Full Version : Việt Nam - Phong tục truyền thống


Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:47
:o Mối lái là gì?

Trong xã hội phong kiến xưa "Nam nữ thụ thụ bất thân" nên hôn nhân cần phải người môi giới. Nếu yêu nhau, cưới hỏi không cần mối lái sẽ bị chê trách là "Phải lòng nhau", "Mắc phải bùa yêu". Nguyễn Du đã vạch đường cho Kim Trọng, Thuý Kiều cứ yêu nhau rồi sẽ "Liệu bài mối manh" nên các cụ nhà nho mới kịch liệt phản đối khuyên con cháu rằng:

"Đàn ông thì chớ Phan Trần,
Đàn bà thì chớ Thuý Vân, Thuý Kiều"

Chu Mạnh Trinh vịnh Kiều còn nói: "Chỉ vì một tội mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều; trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi"... Nếu không có "Nhà băng đưa mối" thì nhà trai làm sao biết được người thục nữ trong cửa các phòng khuê.

Trong xã hội cũ, có những người chuyên làm nghề mối lái, nếu đẹp đôi vừa lứa thì bà mối sẽ trở thành ân nhân suốt đời. Lễ tơ hồng xong, tạ bà mối một nửa mâm xôi, nửa con gà kèm theo chiếc áo lụa. Chẵn tháng con đầu lòng thế nào cũng cố mời bà mối đến dự, để tỏ nghĩa tri ân. Nhưng cũng có nhiều tai hoạ do những bà mối có động cơ bất chính gây nên, để đôi trẻ suốt đời mang mối hận vì phận hẩm duyên hiu:

..."Hoặc là bởi "Mẹ thầy lộn quýt", quên những thói mơ tôm mảng cá, qua lại ít nhiều ngọt miệng, ép uổng duyên cô nông nỗi thế, nặng tiền tài mà nhẹ gánh tình chung. Hay vì chưng "Mối lái đèo bòng", chẳng nhằm khi vào lộng ra khơi, nói phô mật ngọt rót vào tai, dỗ dành phận gái ngẩn ngơ tình, già nhân sự để non quyền tạo hoá"... (Trích "Văn tế sống người con gái" - Một bài văn tế khuyết danh được truyền tụng ở Hà Tĩnh vào đầu thế kỷ XX).

Ở xã hội mới cũng cần có bà mối, bà mối thời nay là người cố vấn, người đỡ đầu cho đôi trẻ xây dựng hạnh phúc lâu dài. Trong tương lai, có lẽ vai trò của bà mối là những phương tiện thông tin đại chúng (như quảng cáo trên Đài truyền thanh truyền hình, báo chí, chụp ảnh) và những công ty du lịch, câu lạc bộ những người độc thân...

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:48
Nam nữ thụ thụ bất thân nghĩa là gì?

Đây là câu nói cửa miệng, quen dùng chỉ mối quan hệ nam nữ theo quan niệm của nhà nho.

Người đàn ông và người đàn bà ngày xưa trao cho nhau cái gì, nhận của nhau cái gì, đều không trực tiếp tận tay, sợ bấm nháy, ra hiệu gì với nhau chăng? (Hai chữ "thụ thụ" trái ngược nghĩa: một chữ "thụ" là trao cho, một chữ "thụ" là nhận).

Hai người muốn mời nhau ăn trầu, thì người chủ têm trầu, xếp vào cơi trầu, đặt giữa bàn, khách tự nhặt lấy mà ăn. Lễ giáo phong kiến thật khắt khe, việc tỏ tình yêu trực tiếp khó mà thực hiện được, họa chăng chỉ còn đôi mắt thầm lén nhìn nhau!

Người châu Âu từ nhỏ đến già, theo phép lịch sự bắt tay nhau, nhảy với nhau là chuyện thường. Nhưng người Việt Nam và người Á Đông nói chung, nam nữ vô ý chạm vào da của người khác giới thì coi như có cử chỉ không đứng đắn.

Người đàn ông có thái độ suồng sã sẽ bị đàn bà xa lánh, nhưng không đáng lo bằng người con gái lẳng lơ, bị xã hội dèm pha thì khó mà lấy được tấm chồng cho đáng tấm chồng. Vì vậy các nhà quyền quý thường "cấm cung" con gái. Ngay từ tuổi thơ đã sớm hình thành sự ngăn cách giới tính. Thời phong kiến xưa, chỉ những người có tư tưởng tân tiến mới cho con gái đi học, và có đi học thì con trai ngồi riêng con gái ngồi riêng. Trai gái đi cùng nhau, vui chơi cùng nhau bị bạn bè cùng lứa chế nhạo. Có hội hè đình đám cũng phải phân biệt đàn ông đứng bên trái, đàn bà đứng bên phải.

Ở thành thị, vợ chồng nằm ngủ với nhau một giường là chuyện bình thường, nhưng xin các bạn lưu ý, ở nông thôn đàn bà nằm nhà trong, đàn ông nhà ngoài đã trở thành nếp rồi.

Ngày xưa, phổ biến mọi nơi đều thế, ngày nay lệ đó vẫn còn ở nhiều vùng, nhiều nhà.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:48
Hương ẩm

Những khi kỳ thần bái xã và những khi công việc gì đồng dân hội tụ ăn uống, gọi là hương ẩm. Hương ẩm sổ, dân gian con giai từ sáu, bảy tuổi đã vào sổ hương ẩm. Khi mới vào phải kiếm giầu rượu, trước lễ thần, sau tình với làng, làm nhận giầu rượu rồi biên tên vào sổ, từ đó được vào chiếu tiệc làng và phải đóng góp. Lớn ít tuổi nữa phải biện thủ lợn mâm xôi vọng tư văn hoặc vọng hàng giáp hàng xã, nơi chiết can một vài đồng bạc, rồi dân làng viết giấy ký kết giao cho ngời ấy làm bằng. Hai mươi tuổi lại phải biện dăm ba đồng bạc vọng lên lình gọi là hàng lình. Tình nghiã là đã đến tuổi được vàp chấp lịnh, làm đàn anh cho bọn đó tuỳ việc tang ma.

Các nơi ruộng đầm, đất trồng cây, thường lại lệ vụn vặt như vọng tiền thả cá, vọng tiền trồng cây hoặc một vài quan hoặc một vài tiền kẽm, nghĩa là sắp được theo vào món lợi nào thì trước hết phải vọng lệ ấy.

Đến lượt phải giữ tù cửa đình cửa miếu thì gọi là ông từ hoặc gọi là người thủ từ.

Năm mươi hoặc năm mươi lăm tuổi thì lên lão hạng. Lão hạng phải vọng đến vài ba chục bạc hoặc phải biện lễ con lợn mâm xôi đem ra đình lễ thần, rồi mời về làng uống rượu. Nơi trọng phong thể thì lên lão hạng cũng giở ra cách ăn mừng mời khách khứa.

Sáu bảy mươi tuổi lên đến bực tứ trụ, hoặc bực cụ cả, lại phải vọng lần nữa, cũng phải biện lễ lợn rượu để thân mời làng, bấy giờ mới là người hoàn toàn trong làng.

Từ lúc mới vào làng cho đến lúc lên tứ trụ, mỗi người tất cả phải cắt lần lượt nhau mà chứa trưởng hoặc là chứa đăng cai một lần hoặc nhiều lần. Nơi mỗi người chứa đăng cai một năm, nơi mỗi người chứa đăng cai vài tháng. Khi chứa đăng cai, bao nhiêu lễ vật tế tự và các khoản nhu dụng ăn uống phải thừa biện cả, nơi lấy tiền công giao cho đăng cai đứng biện, nơi đăng cai biện trước, làng xẽ bổ mà thu về sau, nơi đăng cai phải chịu một mình, nơi phần thu biện riêng đồ lễ, đăng cai chỉ phải chịu cái phí tổn dưa tương củi lửa và biện mâm bát, chiếu ngồi mà thôi.

Khi việc hội tụ ăn uống thì cứ chiếu ngôi hương ẩm mà ngồi. Ai đương ngồi dưới mà chân chức sắc chức dịch ngồi vượt lên trên thì phải vọng thăng thứ.

Lễ ngồi, hoặc tại đình, hoặc tại tư gia bao giờ cũng yhàng chức sắc ngpồi gian giữa, làng nào lệ trọng sĩ thì bốn ông tứ trụ cũng được ngồi cùng với chức sắc. Còn một bên thì làng lý dịch, một bên thì làng lão hạng. Hàng phe hàng giáp, phe nào theo hàng dưới phe ấy mà ngồi.

Nhiều nơi trọng hức sắc thì xây riêng một cái bệ cao để ông chức sắc tiên chỉ ngồi một mình một chiếu. Nơi xây riêng một bệ chỉ để ai đỗ tiến sĩ hoặc làm quan đến tam tứ phẩm mới được ngồi, nếu không thì chiếu ấy cứ để không.

Đồ tế thần hoặc lễ vật gì, lễ xong cắt ra biếu bán, rối phá ra làm cỗ, mỗi cỗ bốn người ngồi. Cỗ chia ra làm nhiều thứ, cỗ trợ tế, cỗ quan viên, cỗ hàng phe hàng giáp, ai dự hạng nào thì cỗ ấy. Nhiều người chân nọ, vừa chân kia thì một mình ăn đến ba, bốn phần.

Người làm tiêu chỉ, nào cỗ biếu, thịt biếu, nào phần nọ phần kia, khi đến gánh thịt vào nhà.

Nói tóm lại thì một người lo về ngôi hương ẩm trong làng, từ lúc bé đến lúc già chưa hết nợ, nếu thiếu một ít nào thì kẻ chê người trách, khi không mặt nào mà giám ra đến làng, mà nào như thế đã xong đâu, còn khi ma chay giỗ tết, lo riêng công việc của nhà, khi phu phen thuế má, lo gánh vác việc chung của nước. Thành ra nhất sinh chỉ những lo là lo, vì thế người giầu đến nỗi hao mòn của cải, người nghèo đến nỗi vay công lĩnh nợ, người không sao được nữa thì bỏ làng mà đi. Ấy thực là một tục hủi bại, làm cho người ta vất vả quanh năm mà không được lúc nào sung sướng.

Vậy thì tục này nên cải lương làm sao cho tiện? Thiết tưởng nên bỏ hết lệ lảm nhảm và bớt việc tế tự, việc ăn uống để ho dân làng được chuyên sức về nghề nghiệp làm ăn, mà không phải phiền phí gì thì dân làng có lẽ giàu có được.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:49
Tại sao phải có phù dâu

Tục lệ xưa cần có phù dâu vì hôn nhân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam nam thập lục", con gái mười ba tuổi về nhà chồng đã biết gì đâu! do đó cô dâu phải có người dẫn dắt. Người dắt cô dâu gọi là phù dâu.

Ngày xưa phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu, có khả năng thuyết phục, bày vẽ cho cô dâu, được cô dâu kính nể, mến phục, được bố mẹ cô dâu ủy thác. Người phù dâu phải là người may mắn, tốt phúc, duyên ưa, phận đẹp, con gái lành mạnh ngoan ngoãn, gia đình êm ấm, đề huề có thể truyền kinh nghiệm làm dâu, làm mẹ, làm vợ cho em, cho cháu mình. Phù dâu nhiều khi còn phải ở lại năm bảy ngày sau để cho cô dâu đỡ buồn và để chỉ bảo kinh nghiệm. Thông thường phù dâu cũng trở lại với dâu rể trong lễ lại mặt.

Đám cưới ngày xưa phải có phù đâu, không định lệ, và cũng không có danh từ "Phù rể". Đám cưới ngày nay, nhiều nơi có cả phù dâu, phù rể, có đám mời đến năm sáu đôi phù đâu phù rể toàn là trai thanh, gái lịch, chưa vợ chưa chồng. Có lẽ chủ yếu để cô dâu thêm bạn, chú rể thêm bầu. Hay phải chăng ngày nay chàng rể bẽn lẽn e thẹn hơn xưa, nên phải có người dẫn dắt. Hay đám cưới trước thường sinh ra nhiều đám cưới sau nên phải chăm lo đào tạo những cô dâu, chú rể tương lai.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:50
Chính trị

Chính thể xưa kia là một lối chính thể chuyên chế, quyền chính trong một nước do tự triều đình thi thố, chớ dân không phép nào được dự niết đến. Trên thì có vua chủ trương mọi việc, ở giữa thì có văn võ trăm quan phò tá, ở ngoài thì có các quan tỉnh, phủ huyện thi hành, ở dưới cùng thì có hàng tổng lý thừa lệnh quan mà làm việc. Còn dân thì chỉ biết tuân theo lệnh cấm mà thôi.

Quan chế - Từ tránh nhất phẩm đến từng cửu phẩm, chia làm chín phẩm mười tám cấp, có phẩm phục phân biệt trên dưới, ai có công thì được thăng hàm thăng trật, ai có lỗi thì phải giáng cấp hoặc là truất quan.

Binh chế - năm người gọi là một ngũ, mười người thì gọi là một thập, năm thập gọi là một đội, năm đội gọi là một cơ hay là một vệ. Mỗi đội có bốn đội trưởng, bốn ngũ trưởng, một thơ lại; mỗi cơ có một tránhquản cơ, một phó quản cơ, một điển ty, mười suất đội. Vệ thì có một tránh vệ uý và một phó vệ uý, còn cũng như cơ.

Binh ở kinh chia làm ba hạng: thân binh, cấm binh, tinh binh. Binh ở các tỉnh ngoài thì tuỳ tỉnh to nhỏ mà đặt nhiều ít cơ vệ, mà mỗi tỉnh lại có quân hiệu riêng, ví như Hà Nội thì gọi là cơ trấn, cơ dinh, Nam Định thì gọi là cơ cường cơ tiệp, Hải Dương thì gọi là cơ kiên cơ duệ, Sơn Tây gọi là cơ hùng cơ dũng v.v...

Binh thuỷ thì chỉ chuyên việc phòng ngữ các nơi cửa bể, hoặc đánh thuỷ, hoặc coi việc vận tải. Binh bộ thì coi về việc đánh bộ và phòng ngự các đồn ải. Binh kỵ thì duy trong kinh có hai vệ gọi là kinh kỵ phi kỵ mà thôi.

Khi có việc giặc giã, triều đình sai phái cơ vệ thuộc tỉnh nào đi dẹp thì cơ vệ ấy phải làm lễ tế binh gia tổ sư rồi mới cất quân đi. Nếu có giặc to, cất đại binh đi đánh thì phải đợi cho các đạo họp đủ tại nơi quân thứ, trước hết bày đàn, giàn cắm cờ giáo chung quanh, ông chủ tướng mặc đồ nhung phục lên đàn làm lễ, các tướng tá đều phải nhung trang vào lạy, gọi là tế cờ. Tế xong, chủ tướng đọc mấy lời thệ quân, rồi cất quân đi. Lúc đánh giặc, hễ được trận, lập tức đưa tin báo về kinh, gọi là hồng kỳ cáo tiệp (cờ đỏ báo tin mừng). Đợi khi nào triều đình ban cho dụ chỉ rút quân thì mới đem về, gội là khải hoàn. Về đến nơi mở tiệc khoa thưởng tướng sĩ, gọi là ám chỉ. Nếu khi nào có việc quan thiệp với địch quốc thì thiên tử ban cờ kiếm, tướng ấn cho một đại tướng để thay vua đi đánh gọi là khâm sai. Khi thắng trận trở về, nộp trả kiếm ấn và nộp tù giặc thi Thiên tử họp trăm quan ăn mừng, ngài thân rót chén rượu để an uý công lao đại tướng. Ai được như vậy rất là danh giá vinh hiển. Tục có câu rằng: Thứ nhất đẻ con trai, thứ hai đi đánh giặc có ý trọng về sự lập công như vậy.

Việc tế tự - Tế tự thì trọng nhất là tế Nam Giao (tế trời đất), tế tôn miếu (tế tổ tôn nhà vua) và tế giám (tế Đức Khổng Tử). Các lễ ấy Thiên Tử gặp khánh tiết nào đàm ân thì phong tặng cáo sắc cho cả bách thần. Khi có việc kỳ tình đảo võ hoặc việc gì cần đến kỳ đảo thì Thiên Tử thân tế, hoặc sai quân đến tại đền linh ứng nào mà kỳ đảo, hễ kỳ đảo hiệu, nghiệm thì có lễ tạ hoặc phong thêm chữ mỹ tự cho bách thần.

Tài chính - Thuế đinh, điền thổ gội là chính ngạch, thuế quan tân, thị độ gọi là ngoại ngạch. Việc chi thu không mấy cho nên dân gian đóng góp nhẹ nhàng dễ chịu, nhưng cũng vì ít tiền công khố, mà muôn việc không việc gì chỉnh đốn theo được cách văn minh.

Hình luật - Chia làm năm bực thụ hình là tử, lưu, đồ, trượng, xuy. Tử là tội phải chết, lưu là tội phải đầy, đồ là tội phải giam, trượng là tội đánh trượng, xuy là tội đánh roi. Trong năm bực lại chia làm hơn ba trăm điều, tuỳ theo tội nặng nhẹ mà gia giảm, dân gian không có phép được xem luật, nghĩa là sợ dân biết luật thì dễ sinh ra thói gian, cho nên cấm mà không cho chứa sách luật. Song cũng và đó mà dân quê dễ phạm tội.

Công chính - Công chính là việc tạo lập đền đài thành quách, và sửa sang đồ quân khí, chiến thuyền. Khi có việc tạo tác gì, quan công bộ phải trù tính trước, xem dùng hết bao nhiêu vật liệu và chi phối bao nhiêu tiền, rồi giao cho quan nào đứng hưng công, cứ số ấy mà dùng, không được hơn kém. Lắm khi quan công bộ tính làm một cái đền, hết ban nhiêu tiền, bao nhiêu gạch, bao nhiêu gỗ, bao nhiêu vôi, bao nhiêu công thợ, rồi quả nhiên như thế cả.

Cách dùng người - dùng người trọng nhất là do chân khoa cử, mới gọi là chính đồ, Còn người do dân tập ấm, do chân võ biện, do chân đại liển đều cho là tạp lưu, cho nên ông quan nào có chân đỗ nhoàng giáp, tiến sĩ, cử nhân, làm quan vẫn có danh giá hơn người khác; còn người không có khoa mục, dẫu làm to thế nào mặc lòng, thiên hạ vẫn không tôn quý gì lắm.

Cách giáo dục - ở kinh thì có quan tế tửu, quan tư nghiệp để dạy những hạng cử, tú, ấm sinh, giám sinh. Ở các tỉnh ngoài thì có đốc học, giáo thụ, huấn đạo để giạy học trò trong nước, cách dạy thì ngoài khoa văn chương, khoa luận lý không có khoa học nào nữa...

Thôi nói qua mấy điều đại cương, còn muốn tường cứu thì phải xem đến quốc sử mới biết.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:50
Viên chức

Viên chức là những người trách nhiệm, quyền hành trong làng. Hầu hết một người tiên chỉ, một người thứ chỉ.

Tiên thứ chỉ là những người hưu quan trí sĩ về làng, hoặc người kho trưởng chức sắc, nếu không khoa trưởng chức sắc thì người kỳ cựu già tuổi cũng được dự vào chân ấy. Dân làng việc ký kết gì tất phải tiên thứ chỉ ký đầu giấy. Tiên thứ chỉ quyết đoán mọi việc, và việc gì tất hỏi đến tiên thứ chỉ mới được thi hành.

Song cũng nhiều khi tiên thứ chỉ trông nom việc đại cương mà thôi, đến như các việc hương thôn, phải mặc cho bọn kỳ mục khu xử bàn định. Bọn ấy bàn định xong trình qua với viên thiên thứ chỉ là đủ.

Dưới tiên thứ chỉ là hạng kỳ mục. Kỳ mục là những cựu tránh phó lý hoặc bọn kỳ cựu hay hào trưởng cũng là hạng ấy. Hạng này rất quyền hành trong dân, phàm việc công việc tư gì, bọn thương lý dịch tất phải trình với y tiên thứ chỉ và kỳ mục. Kỳ mục bàn định cùng với tiên thứ chỉ rồi mới thi hành, tiên thứ chỉ nhiều khi không muốn dự đến việc nhỏ nhặt thì kỳ mục chuyên quyết với nhau mà thôi. Nhiều khi việ quan cũng phải trách cứ đến kỳ mục mới xong.

Trong làng ai việc khách điếu gì muốn mời đến làng thì phải tất phải mời đến hạng kỳ mục. Bọn ấy ăn uống xong thường lại dở ra thuốc phiện tổ tôm, các cách chơi bời, người mà chủ cũng phải thờ phụng hết lòng.

Hàng tổng ai việc gì to tát, thường cũng phải mời đến kỳ mục các làng. Mà trong khi bầu cử tránh phó tổng hoặc nghị viên cũng phải kỳ mục.

Kỳ mục hay đảng, chút lợi gì thường phải chia tay với nhau. Ai việc gì yêu cầu cũng phải ở cho được lòng cả đám kỳ mục mới được, nếu một người nào không được lòng thì khi việc không xong. Mà đã động nộp họp đến kỳ mục là tất phải chè chén.

Dưới hạng kỳ mục là hạng lý dịch đương thứ. Ký dịch mỗi làng một người lý trưởng, một người phó lý trưởng, một người phó lý, hoặc làng nào nhiều thôn thì mỗi thôn một phó lý. Lý trưởng, phó lý do dân làng công cử đem trình quan, mà quan cấp bằng cho để thay mặt dân làng mà đối với nhà nước. Lý trưởng lại thêm một cái mộc triện của quan cấp cho nữa. Phàm việc binh lượng thuế má, phó lý phải hiệp trợ lý trưởng mà chịu trách nhiệm. Các việc khai thác gì cũng phải lý trưởng thực hiện. Lại một người hương trưởng để hiệp trợ với tránh phó lý mà đốc biện các tạp vụ, Hương trưởng cũng do dân làng ký kết bầu cử đem trình quan, rồi quan phê chữ vào đơn dân bầu ho làm bằng. Chức phận của hương trưởng thì về việc phu phen đê điều hoặc khi nào nghênh tiếp thượng quan thì phải đem phu đi, hoặc đến vụ thuế thì đốc thuế má v.v...

Ngoại giả lại một vài người khán thủ, trương tuần để coi riêng về việc tuần phòng trong làng. Đêm phải đem tuần phu đi canh gác hỗ nọ chỗ kia, hoặc việc phu phen cũng phải đi độc thúc. Hạng này thì do dân làng cử riêng với nhau chớ quan không biết đến.

Lý trưởng, phó lý, khán thủ, trương tuần đều gọi là đương thứ lý dịch. Làm việc hạn hoặc ba năm hoặc năm, sáu năm. Hễ mãn hạn mà không can cứu gì thì được dự vào chân kỳ cựu. Trong khi làm việc, trừ các việc to đối với quan, với nhà nước, và các việc to tát trong làng thì phải tiên thứ chỉ kỳ mục hội định, còn các việc nhỏ như việc khai báo, việc sử đoán đám đánh nhau, đám trộm cắp xì xằng thì đương thứ lý dịch quyền chuyên quyết định lấy.

Ngoài việc lý dịch nơi lại đặt thêm một người thủ khoán để giữ khoán ước trong làng, khi nào ai trái khoán ước thì chiếu khoán ra mà thi hành. Nơi đến vụ thuế thì kén mỗi họ lấy một người vật lực gọi là phần thu thuế má, hễ trong họ ai thiếu thuế thì người ấy phải chịu trách nhiệm, nơi lại đặ thêm giám trương, chánh xã, để giúp việc cho lý dịch. Hạng ấy gọi là hướng hào và cũng được dự vào chân viên chứ.

Xét những hạng viên chức trong làng, trên tiên thứ chỉ để làm chủ trương cho công việc trong một làng; giữa hạng kỳ mụ để bàn định, quyết đoán, phân xử mọi việc, dưới hạng lý lịch để thi hành các việc, dưới nữa lại hạng trương tuần, khán thủ để giúp việc cho lý dịch.

Cứ như phép cai trị thì nhà nước chỉ biết một mình lý trưởng là người thay mặt chung cho cả làng mà chịu trách nhiệm cho nhà nước, thứ nữa là phó lý, việc gì quan hệ lắm lý trưởng làm không nổi thì mới hỏi đến thiên thứ chỉ kỳ mục, nhưng cũng chuyên trọng vào một lý tưởng mà thôi.

Song cứ thực tình ở trong làng, thì lý trưởng chỉ quyền, xuất đầu ứng tiếp với nhà nước mà sử đoán các việc nhỏ nhặt, chớ động đến việc to tát như việc bổ bán, việc tế tự, việc quan hệ đến đồng tiền phân bạc thì phải trình với tiên thứ chỉ kỳ mục mới xong. Mà thiên sứ chỉ trì ra mấy người hào trưởng, mấy người võ biền và mấy người khoa trưởng chức sắc khi cực hẹp hòi thì mới tranh với bọn kỳ mục mà giữ lấy quyền ăn nói, quyền sử đoán. Còn phần nhiều là bậc hưu quan chí sĩ hoặc những khoa mục, nghĩ đến cách cao xa không muốn đem mình bận đến việc hương thôn thì chỉ gọi là chủ trương, trông qua các việc đại khái, còn thì phó mặc cho bọn kỳ mục lo liệu, miễn là xong việc mà không hại đến làng là đủ, những người bỏ phất mà không nhìn đến việc gì.

Nói rút lại thì công việc trong làng, trên thì tiên thứ chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em hoặc đầy tí các kỳ mục, há miệng mắc quai nón, mà cũng muốn a dua với bọn ấy thì mới kiếm được mồi, mà lại muốn học đòi mấy ngón khôn ngoan nữa, Còn dưới nữa thì gọi là dân đen đầu, biết gì mà giám nói. Vì thế quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng kỳ mục, phải tay hào cường hách dịch, thì là tay gian giảo điêu ngoa. Còn nữa chẳng qua là người chân kỳ mục cũng a dua vào mấy người ấy mà thôi.

Ta cũng vì những người kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt là việc nhỏ nhặt, không thèm hưởng đến, cho nên không mấy nơi cải lương được tục làng cho nên tục hay. Còn bọn kỳ mục thì phần nhiều là chỉ biết ích kỷ, họ thiết gì đến vận dân mai sau, chỉ động chút lợi lộc thì xâu xé với nhau, hoặc dân đàn em hơi chút gì lầm lỗi hì bơi móc hạch lạc, làm cho ra mặt hách dịch với mấy đứa cắn hạt cơm không vỡ là cùng.

Gần nay nhà nước đã soi xét những hủ tục của ta, đã nghị định cải hương chính, mà các người chí cũng đã để lòng vào việc cải lương. Các hội viên thương nghị, muốn đặt ra một hội đồng hàng xã để giúp việc cho lý trưởng, lại đặt ra hương sư, để coi việc dạy học, đặt ra người thủ quỹ để giữ tiền công của làng, đặt ra những thủ bạ để giữ sổ sách, lẽ cũng nhiều điều lợi ích. Song cái quyền nghị định thì ở nhà nước còn cái quyền châm chước thi hành thì ở dân làng. Các bậc kiến thức, đừng nên nghĩ việc hương thôn là việc nhỏ nhặt mà bỏ qua, phải biết vận nước hay dở cốt ở trong hương thôn ma ra, phải lưu ý giúp nhà nước sửa đổi các tục dở, để nên một làng thịnh vượng, ấy là trách nhiệm của các ông kiến thức, chớ không nên trông mong cả vào Nhà nước, Nhà nước không thể soi cho thấu mà sửa hết các tục hủ bại của dân làng được.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:51
Tại sao mẹ cô dâu kiêng không đi đưa dâu?

Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau; mẹ thương con còn thơ dại, cũng mủi lòng sụt sùi khóc. Thế là, trong khi hai họ đang vui mừng yến ẩm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.

Một vài địa phương, cả bố cô dâu cũng không đi đưa dâu với lý do con mình đã gả bán cho người. Tuy rằng trong văn sách có ghi "Giá thú bất luận tài" nghĩa là không bàn đến tiền tài trong việc cưới hỏi, nhưng không hiểu vì sao trong ngôn ngữ Việt Nam lại kết hợp "Gả bán" liền nhau.

Thời nay hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yêu nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, hướng dẫn, vậy thì cha mẹ có nên đến dự lễ vui của hai con không? Đã có nhiều đám cưới ngày nay bỏ tục kiêng này

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:52
Mẹ chồng làm gì khi con dâu bắt đầu về nhà?

Phong tục ở mỗi địa phương một khác, trái ngược nhau nhưng đều có ý nghĩa hay.

Ngày xưa ở nhiều địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh có lệ tục mẹ chồng ra cất nón cho con dâu.

Nhà trai đặt sẵn trước ngõ một cái nồi đồng, một cái gáo, trong nồi đặt sẵn một quan tiền đồng và đựng đầy nước trong. Cô dâu vào đến cổng dùng gáo múc nước rửa mặt mũi, chân tay, mẹ chồng bước ra cất nón cho con dâu. Con dâu, một tay cầm lấy quan tiền, một tay vẫn cầm quạt che mặt. Mẹ chồng dắt con dâu vào nhà đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ, cúi đầu lễ gia tiên (bốn lạy ba vái theo tư thế của nữ). Sau đó mẹ chồng dắt cô dâu cầm cả tiền và quạt vào buồng. Trong buồng đã chuẩn bị sẵn trầu nước hoa quả, giường chiếu mới. Đôi chiếu trải úp vào nhau, do một người thân trong họ có tuổi tác, vợ chồng song toàn, con cháu đông, làm ăn nên nổi, được gia đình mời đến trải chiếu; nếu mẹ chồng có đủ tiêu chuẩn trên thì mẹ chồng trực tiếp dọn giường trải chiếu, nhưng bố chồng thì không được. Khi con dâu nghỉ ngơi xong, khăn yếm chỉnh tề mới bưng hộp trầu ra chào họ. Trường hợp mẹ chồng đã mất thì một bà cô hay bà dì thay thế.

Phong tục này có nhiều ý nghĩa:

- Thời xưa, con dâu trước khi về làm dâu, còn hoàn toàn xa lạ, bỡ ngỡ, chưa biết đâu là buồng đâu là bếp, ai là bố mẹ chồng. Trừ trường hợp xóm giềng quen biết nhau từ trước không tính, là thân phận con gái chưa cưới đã về nhà trai thì bị dư luận gièm pha là con nhà hư đốn. Có người chồng lại rụt rè e lệ, có trường hợp trước lễ cưới chưa hề tỏ mặt nhau, vậy nên mẹ chồng niềm nở ra đón dâu, dắt dâu vào nhà là hay, là phải lẽ. Mới bước về nhà chồng đã được tổ tiên, ông bà, cha mẹ chồng ban phước lộc, dồi dào như nước quan tiền là biểu tượng vốn liếng của riêng mà mẹ chồng trao cho.

Nhiều địa phương lại có tục khác: Khi con dâu vừa vào đến nhà thì mẹ chồng cầm chiếc bình vôi tạm lánh sang hàng xóm ít phút.

Tục đó cũng có ý nghĩa hay: Tức là mẹ chồng đã xác định vai trò, trách nhiệm con dâu sẽ về làm chủ, mẹ chồng sẵn sàng trao quyền công việc trong nhà trong cửa cho con dâu, nhưng không phải trao toàn quyền đẩy hết trách nhiệm mà bà vẫn là người nắm quyền điều hành, vì bình vôi là vật tượng trưng cho bà Chúa trong nhà.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:55
Nghệ Thuật Truyền Thống

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:56
Độc đáo kiến trúc nhà ở Tây Nguyên

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở. Nhà rông của các dân tộc Bana và Sêđăng được coi là biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên. Hình ảnh thường thấy là những mái nhà hình lưỡi rìu hoặc mái tròn cao hàng vài chục mét, chỉ hoàn toàn làm bằng tre nứa và lạt buộc. Kết cấu càng lên cao càng nhỏ lại đòi hỏi người thợ dựng nhà phải hết sức khéo léo mới không để xảy ra tai nạn. Tranh dùng để lợp không đánh thành tấm mà được người lợp nắm lại thành từng nắm, kết hợp với nhau rất phẳng phiu, không cần có lạt buộc mà đơn giản chỉ là bẻ gập đầu những nắm tranh quặp vào những chiếc rui mè. Các tấm liếp, vách, đầu hồi bằng tre nứa... được các nghệ nhân tạo nên những đường nét hoa văn trang trí dày đặc rất độc đáo.

Có thể phân biệt sự khác nhau của nhà rông Jrai, Bana và Sêđăng bằng cách xem xét độ cong của vòm mái, nhất là những hình trang trí ghép bằng nứa hoặc bằng gỗ trên đỉnh nóc. Nhà sàn dài của người êđê, theo trường ca sử thi Đam San, có thể "dài một hơi ngựa chạy", hoặc "dài như một tiếng chiêng". Hệ thống xà dọc, gồm toàn những cây gỗ to một vòng tay ôm, dài tới hàng chục mét được dùng rìu gọt nhẵn đến bóng láng, kê gác lên nhau không có đinh mà vẫn đứng vững hàng chục năm giữa cao nguyên lộng gió.

Thậm chí nếu cây không đủ độ dài của nhà thì cũng khó mà tìm ra điểm ghép nối giữa hai thân gỗ. Trong nhà dài của người êđê có một hiện vật không thể thiếu. Đó là chiếc ghế dài (kpan) để các nghệ nhân ngồi khi đánh chiêng. Chiếc kpan này được làm từ nguyên một thân cây cổ thụ lớn, có thể dài đến hơn 10 mét, rộng từ 0,60 đến 0,80 mét. Một đầu thân ghế cong lên như hình dáng mũi thuyền, chân ghế liền vào thân, không hề có đục, gá. Những chiếc Kpan điêt (ghế nhỏ) cùng với chiếc Jhưng (giường nằm của riêng ông chủ nhà), cũng bằng cả một thân gỗ liền nhau như thế và những bộ chiêng, ché quý làm nên biểu tượng của sự giàu có và sang trọng của một gia đình êđê.

Người Jrai vùng A Yun Pa thường dựng nhà sàn có hệ thống chân cột to lênh khênh, phù hợp với đặc điểm thiên nhiên 6 tháng mưa và miền sông nước bao quanh. Người Lào vùng buôn Đon (Đắc Lắc) còn lợp nhà bằng hàng trăm mảnh gỗ nhóm 1 xếp lớp lên nhau, mỗi mảnh to bằng một viên gạch. Những tấm "ngói gỗ" này đã tồn tại hàng trăm năm, trong sự khắc nghiệt của mưa nắng cao nguyên. Hàng cột, nhất là cột chính của gian đầu tiên, hay xà ngang ở hàng hiên, xà ngang đầu tiên trong nhà rông, nhà sàn, là nơi để nghệ nhân thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, với những hình khắc nổi các loại thú rừng (hươu, voi, cheo, thỏ...), thủy sản (thuồng luồng, rùa, cá... ), chim muông, hình mặt trăng, mặt trời, những đường nét hoa văn chủ đạo thường thấy xuất hiện trong thổ cẩm của từng dân tộc...

ở vùng người Bana, Chăm tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định còn có một loại phên dùng để lót sàn nhà rất đặc biệt. Đó là những thỏi gỗ hoặc mảnh nứa dày nhỏ như đầu ngón chân cái được nối với nhau thành tấm theo cách khớp từng mảnh lại, gác lên các thanh dầm gỗ sàn nhà. Trên sàn có trải chiếu ở chỗ mời khách ngồi, hoặc chỗ nghỉ ngơi của chủ nhà...

Gần đây, ở một số vùng dân tộc Tây Nguyên có đời sống kinh tế phát triển đang rộ lên phong trào xây dựng nhà theo kiểu biệt thự trong các buôn làng. Tuy nhiên, cũng có một số buôn êđê, điển hình như buôn Đinh, xã Dliê Mông, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắc Lắc, bà con vận động gần như cả thôn làm nhà xây nhưng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, rất sáng tạo. Song kiến trúc nhà biệt thự đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng Tây Nguyên. Có một nhà dân tộc học người Nga đã nói: "Đến các vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, tôi khâm phục việc tổ chức điều kiện sống rất thông minh, rất phù hợp với thiên nhiên và môi trường của bà còn".

Việc đầu tư gìn giữ những nét độc đáo đặc trưng trong Kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tây Nguyên trong hiện tại sẽ là một việc làm rất có giá trị văn hóa, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:57
Truyền thống làng nghề của Hà Nội

Thăng Long với 13 trại, 61 phường thời Lý-Trần, 36 phố phường thời Lê-Nguyễn là nơi tụ hội các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, bạn bè họ hàng làng xóm lên mở nhà, lập phố. Bằng sức lao động cần cù và tài năng khéo léo đã làm ra được sản phẩm hàng hoá tinh xảo cung cấp cho dân chúng kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất.

Hơn đâu hết đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn đóng góp quan trọng trong đời sống, là dấu ấn truyền thống văn hoá dân tộc tại mỗi thời kỳ dựng nước và giữ nước. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề. Ða phần đều được di dời từ nơi khác về...

Những người làng Hòe Thị (Từ Liêm) và Ða Sỹ (Hà Ðông) không chỉ đưa hàng hoá ra Hà Nội bán mà họ còn kéo nhau ra thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương mở lò rèn sắt, bán nhiều loại bừa nên đổi thôn thành phố Hàng Bừa. Về sau không chỉ có bừa mà còn rèn ra nhiều loại sản phẩm khác nên đổi thành phố Lò Rèn. Thợ Hòe Thị còn mở Lò Rèn ở phố Sinh Từ, Kim Mã, Ðê La Thành... nay vẫn còn một số nhà ở phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ), sản xuất các loại dao kéo Sinh Tài nổi tiếng. Các lò rèn không chỉ đỏ lửa trong phố Sinh Từ, Lò Rèn... do người Ða Sỹ, Hòe Thị lập nên mà còn có cả ở phố Lò Sũ do tốp thợ làng Ða Hội (Ðông Anh) kéo đến chuyên làm các loại gươm đao, giáo mác. Gần phố Lò Rèn là phố Hàng Thiếc, xưa chuyên sản xuất và bán các loại hàng thiếc như đèn dầu, ấm trà... Ngày nay, sản phẩm được thay bằng các loại nhôm kính, bể nước treo... ở gần phố Hàng Thiếc có phố Hàng Ðồng nguyên là đất thôn Yên Phú tổng Tiền Túc do dân làng Cầu Nôm (Mỹ Hào, Hưng Yên) đến đây mở hiệu buôn bán các loại đồ đồng. Phố Hàng Quạt trước đây sản xuất và bán các loại quạt do thợ làng Vác (Canh Hoạch, Hà Tây) làm ra, nay chuyển sang sản xuất và bán các loại bàn thờ, đồ thờ, câu đối...

Cuối thế kỷ XIX, một số người dân làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm), sang mở hiệu đóng yên ngựa giầy da, guốc dép, lập nên phố Hà Trung. Hiện nay phố này vẫn làm và buôn bán hàng da và giả da khá nhộn nhịp. Nghề làm tàn lọng và thêu ren do thợ từ làng Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Tây) ra lập nghiệp ở các phố Hàng Lọng (nay là đoạn đầu đường Lê Duẩn) và Hàng Thêu (nay ở đoạn giữa phố Hàng Trống). Người thợ làng Chắm (Tứ Lộc, Hải Dương) đã đưa nghề làm đồ da, đóng giầy, dép đến Thăng Long lập nên thôn Hài Thượng (thợ giầy) sau đổi là phố Hàng Giầy và ngõ Hài Thượng. Ông tổ nghề giầy được thờ ở đình phả Trúc Lâm nằm trên phố Bảo Khánh.

Nghề làm đồ vàng bạc, kim hoàn hiện đang tập trung ở phố Hàng Bạc chính là do thợ làng Ðịnh Công (Thanh Trì), thợ làng Ðồng Sâm (Thái Bình) kéo nhau ra lập nghiệp. Cuối thế kỷ XV một số người làng Châu Khê (Hải Dương) cũng kéo nhau ra mở xưởng đúc tiền, làm cho phường vàng bạc càng trở nên nhộn nhịp. Hàng Tiện là nơi buôn bán các hàng tiện gỗ như mâm bồng, ống hương, đài rượu, khuôn oản, chân bàn... do người làng Nhị Khê làm nay trở thành các phố Hàng Hành, Tô Tịch và một đoạn Hàng Gai, và vẫn còn một vài nhà ở phố Tô Tịch làm nghề dũi gỗ. Phố Hàng Khay bán các sản phẩm vẽ làng Nhót (Ðông Mỹ, Thanh Trì), sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây), đồ gỗ Ðồng Kỵ (Bắc Ninh)...

Không chỉ nghề thủ công, Hà Nội còn là một trung tâm văn hoá ẩm thực nổi tiếng, đồng thời là nơi sản xuất và chế biến các món ăn hấp dẫn. Chả cá Lã Vọng nổi tiếng đến mức phố Hàng Sơn có quán chả cá của gia đình họ Ðoàn, trước cửa có tượng Lã Vọng ngồi câu cá nên dân quen gọi là chả cá Lã Vọng. Tên phố cũng bị đổi thành phố Chả Cá. Phở Hà Nội, một món ăn bình dân được tả rất thi vị trong văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng... Rồi bánh quấn Thanh Trì, bánh Tôm Hồ Tây, bún Tứ Kỳ, bún Phú Ðô, cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì... Qua thời gian, trên các phố phường xưa nay có phố mở thêm nghề sản xuất mới như: nghề khắc bia mộ ở phố Hàng Mắm, nghề may ở phố Hàng Trống, phố Khâm Thiên. Về ẩm thực thì các phố Hàng Mành đã thành phố bún chả, Hàng Hành thành phố cà phê...

Ða số những phố xưa đã mất đi nhiều, trở thành các phố buôn bán dịch vụ, du lịch... Nghề xưa cũng đã thay đổi, xuất hiện thêm những ngành nghề mới hiện đại. Ngày trước sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề, phố nghề, nay sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại. Duy chỉ còn cái tinh thần "khéo tay hay nghề" là chẳng bao giờ mất. Qua khảo sát tại các phố nghề thì hiện nay các nghệ nhân cao tuổi ngày càng thưa vắng, lớp trẻ ít gắn bó với nghề truyền thống lại không được đào tạo đến nơi đến chốn đã làm giảm sút hàm lượng văn hoá trong sản phẩm nghề truyền thống. Sản phẩm không còn được chú ý khắt khe về chất lượng như trước đây, bị cuốn hút bởi cơn lốc thương mại hoá.

Người Hà Nội phải gắng giữ nghề quý của cha ông để lại, hun đúc thêm truyền thống, nâng thêm nghị lực và tài hoa cho lớp cháu con. "Hà nội - phố nghề" là sự hội tụ tại năng, bản sắc văn hoá và từ lâu đã trở thành niềm tự hào của cả nước. Có thể, giá trị vật chất của mỗi sản phẩm trong phố nghề sẽ dần không thích hợp nữa nhưng giá trị văn hoá thì mãi mãi in đậm trong lòng những người yêu Hà Nội.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:57
Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản văn hóa đặc sắc của nền văn minh Chăm-Pa

Thung lũng làng Mỹ Sơn (thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm ở phía nam một đoạn trung lưu sông Thu Bồn, có bề ngang 1.000 mét, chiều dài 1.800 mét. Vào thế kỷ IV, vua nước Chăm-pa là Bla-dra-xvac đã chọn nơi đây để xây dựng một thánh đường thờ các vị thánh Ấn Ðộ giáo. Các triều vua kế tiếp đã xây dựng thêm đền tháp, lăng mộ cho đến thế kỷ X.

Khi kinh đô Chăm-pa chuyển vào Trà Bàn (Quảng Ngãi) thi ở Mỹ Sơn vẫn còn những công trình tiếp tục được xây cất cho đến thế kỷ thứ Xll. Tên tuổi vương hiệu, công tích của các vị vua và các quan có công xây dựng hệ thống đền tháp này đều có bia khắc ghi và dựng tại các lăng ở Mỹ Sơn. Bên cạnh việc thờ thấn Ấn Ðộ Giáo, thung lũng Mỹ Sơn còn là nơi thờ các vương tộc Chăm- pa. Vì vậy, các nhà sử học Pháp gọi nơi đây là "Thánh địa Mỹ Sơn" hay "Thung lũng các triều vua".

Khu di tích Mỹ Sơn là một công trình kiến trúc vào loại đẹp của thế giới. Ðó là một tổng thể bao gồm một ngôi đền chính gọi là Kalan (tiếng Chăm). Bao quanh Kalan có những ngôi tháp nhỏ, những công trình phụ và tường rào. Chính điện của ngôi đền Kalan là một căn phòng hẹp hình vuông có mái chóp nhọn, nơi đây thờ hình tượng của một vị thần hoặc một bộ Linga-Yoni.

Kalan có ba phần: Ðế tháp tượng trưng cho thế giới trần tục; thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh; mái tháp tượng trưng cho thế giới thần linh. Kalan tượng trưng cho tiểu vũ trụ linh thiêng của thế giới.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn đều được xây bằng gạch nung đỏ, kết cấu theo hình tứ giác. Gạch của người Chăm nung nhẹ, không cứng lắm, có nhiều quy cách khác nhau. Những ngôi tháp xây bằng gạch không có mạch hồ, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch như khung cửa, trụ cửa, lanh tô... đứng vững qua nhiều thế kỷ đã nói lên tài năng sử dựng gạch của dân tộc Chăm xưa kia.

Mặt ngoài tường của đền tháp đều chạm nối nhiều hình người mặt quỷ hay động vật hết sức tinh tế. Ở đây, tháp lớn nhất có chiều cao trên 20 mét, chân tháp mỗi cạnh 13 mét. Mái tháp có nhiều tầng chồng lên nhau, càng lên cao càng nhỏ và đỉnh cao nhất có hình đài sen. Xung quanh ngôi tháp lớn có bốn ngọn tháp nhỏ ở bốn góc, đã tạo thêm bề thế cho tháp lớn. Ở trong tháp có tượng các thần bằng đá, lúc đầu có nhiều pho tượng được đúc bằng vàng. Ngoài ra, còn có nhiều các vật thờ bằng vàng, bạc, ngọc, ngà. Tượng thờ được đặt ở tầng dưới cùng, các tầng tháp ở giữa rỗng, các tầng nhỏ trên đỉnh tháp xây đặc. Những tượng đá có giá trị của hệ thống đền tháp ở Mỹ Sơn đã bị người Pháp trước đây mang đi tất cả.

Các đền tháp ở Mỹ Sơn đều được xây bám theo hai bên bờ một dòng suối nhỏ chảy từ nam lên bắc, rồi đổ vào sông Thu Bồn. Những ngôi đền tháp được xây dựng từ thế kỷ Vl, Vll và Vlll - thời kỳ thịnh vượng của vương quốc Chăm- pa là những ngôi đền tháp đẹp nhất đều ở về phía nam hai bên suối. Ngôi đền thờ thần Xi-va hiện nay vẫn còn bức tượng thần mười tay đang múa trên bệ hình khối lập phương, trước mặt phủ phục con bò đực Nan-din mà vị thần này thường cưỡi.

Lần đầu tiên, vào năm 1885, một toán quân Pháp đã đến vùng này và phát hiện thung lũng Mỹ Sơn. Năm 1899, các nhà khảo cổ học người Pháp là các ông Phi-nô, La giông-ki-e và Hăng-ri-pac-măng-chi-ê, sau khi tiến hành khảo cứu đã xác định niên đại của các công trình. Năm 1903-1904, thêm một số công trình được tiếp tục phát hiện, lên tới hơn 70 công trình kiến trúc, nhưng đến nay còn 20 tháp và nhiều tác phẩm điêu khắc còn giữ được vẻ ban đầu.

Rõ ràng, Mỹ Sơn là một quần thể di tích quan trọng nhất về nghệ thuật kiến trúc và tôn giáo của vương quốc Chăm-pa trước đây, hội đủ hai tiêu chuẩn mang giá trị toàn cầu. Khu di tích Mỹ Sơn điển hình cho sự giao lưu, hội nhập giữa văn hóa bản địa của dân tộc Chăm và những giá trị tiếp thu văn hóa bên ngoài, nhất là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Ðộ, mặt khác phản ánh sinh động nền văn hóa Chăm-pa trong lịch sử văn hóa Ðông Nam Á.

Hiện nay, nhà trưng bày Mỹ Sơn đã mở cửa thường xuyên để đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan một khu di tích kỳ vĩ, một di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Bach-Dien-Thu-Sinh
12-01-2003, 15:58
Kiến trúc làng Việt Nam

Nền văn hoá Việt Nam được tạo dựng trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp. Cuộc sống của người Việt Nam gắn bó với làng quán quê hương. Hình ảnh làng quê Việt Nam có luỹ tre xanh, có mái nhà tranh, có người cày cấy đã trở nên rất thân thuộc trong tâm hồn người Việt Nam.

Từ rất xa xưa, người nông dân Việt Nam xem làm nhà là một trong 3 việc lớn của cuộc đời: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà và có an cư mới lạc nghiệp, điều đó có nghĩa là chỗ ở có ổn định mới lo được sự nghiệp. Quan niệm ấy đến nay vẫn tồn tại, vì vậy, khi trưởng thành ai ai cũng lo cho mình một chỗ ở, một cơ ngơi riêng. Ðã bao đời nay kiến trúc ở nông thôn Việt Nam luôn đồng nghĩa với nét văn hoá làng, xã.

Lật lại những trang sử của ngành kiến trúc Việt Nam, người ta thấy rằng kiến trúc Việt Nam ra đời rất sớm, có thể đã xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước, cách nay khoảng 4000 năm. Làng xóm cũng xuất hiện vào thời kỳ này. Người Việt cổ lúc bấy giờ đã biết bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Trên các trống đồng có thể thấy 2 loại hình nhà sàn chủ yếu là nhà sàn hình thuyền và hình mai rùa.

Theo các nhà kiến trúc cho rằng làng xã Việt Nam có tính quần thể cao, có kiểu kiến trúc đơn giản nhẹ nhàng phù hợp với khí hậu và tập quán của người Việt Nam. Làng luôn được bao quanh bằng những luỹ tre xanh, sau luỹ tre xanh đó là những mái nhà tranh ấm cúng, cưu mang che chở cho con người. Hầu hết các nhà nông thôn điển hình đều xây dựng theo kiểu có dãy nhà trên và dãy nhà ngang thường là ba gian hai chái. Có sân trước, vườn sau dàn hoa cây cảnh. Bao quanh nhà là hàng rào cúc tần, hay hàng hoa dâm bụt. Có gia đình mà chủ nhà là người nho nhã thích cuộc sống thanh tao thì họ chau chuốt hàng rào cây xanh rất cẩn thận. Ngày ngày cắt tỉa, chăm sóc như một thú vui nhằm trang trí thêm cho phần ngoài ngôi nhà ấm cúng, lịch lãm. Trước đây, khi cuộc sống của người nông dân còn khó khăn, gia đình nào xây sân, bó hè bằng gạch Bát Tràng, trồng bên nhà một gốc mít chĩu quả - được coi là một gia đình nông thôn giàu có. Ngôi nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được bảo tồn gìn giữ tại làng Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, vẫn giữ nguyên nét kiến trúc điển hình của một ngôi nhà nông thôn Việt Nam như thế. Xưa hầu hết các nhà đều được làm bằng tranh tre nứa lá, gỗ. Nay, trong thời đại có tốc độ đô thị hoá nhanh, thì nhiều làng quê Việt Nam đã biến đổi có những dãy phố trong làng; phong cách xây dựng cũng theo kiến trúc đô thị mới.

Nhà ở của người nông dân Việt Nam ở các vùng khác nhau cũng có những nét đặc trưng khác nhau. Nếu ai có dịp đi dọc chiều dài đất nước, hẳn sẽ rất thú vị khi thấy rằng nhà cửa làng mạc ở Việt Nam tuy bình dị, dân dã nhưng không vùng nào giống vùng nào. Ðiều đó xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh sống của từng vùng, phản ánh cả tâm tính của con người của vùng đó.

Nam bộ ít có bão tố, lại nhiều kênh rạch, con người phải dồn sức vào chăm chút ghe xuồng và vườn tược, nhà cửa rất đơn sơ. Mấy cây que làm cột, làm kèo, một ít lá dừa nước vừa lợp mái vừa thưng vách.

Lên Tây Nguyên, nắng lửa, mưa ngàn, mái nhà được làm theo kiểu nhọn vút, kèo cột vững chãi, hoa văn và tượng gỗ trang trí cho nhà của người sống và nhà mồ của người chết.

Vùng miền Trung Việt Nam cát trắng, đất sỏi, gió Lào, mưa nhiều, bão lắm nên mái nhà thấp. Mái lợp dày, cột lớn. Chân cột kê đá tảng, mộng mạng chắc chắn như đúc, nhà có thể khiêng đi nơi khác mà không hư hỏng.

Ðồng bằng Bắc bộ là vùng đất cổ, làng cổ. Nhà cửa ý thức được truyền thống cha truyền con nối rất rõ. Nhà ngói, sân gạch, cây mít, tường vôi là một công thức để con người đủ yên tâm cho đời mình và cho con cháu đời sau.

Lên Tây Bắc, Việt Bắc xa biển gần rừng, sẵn mưa nhưng ít bão nên nhà sàn cao, mái doãng, lợp ngói máng (thứ ngói xếp tiếp vào nhau không cần ràng buộc). Hoặc lợp bằng những mảng gỗ pơ mu, gỗ hoàng la chẻ mỏng. Hầu như nhà nào cũng có một hàng rào nứa vót nhọn cao vây quanh để chống thú dữ.

Ở Huế, ngoài thành quách, thì nhà cửa có một nét rất đặc trưng mang tính cách Huế - đó là nhà vườn. Kiến trúc nhà vườn Huế độc đáo đã làm phong phú thêm cho bức tranh kiến trúc Việt Nam.

nghuyenthithanhhieu
12-01-2003, 16:03
đọc cái này đến ngày mai mới xong
huynh viết ít thôi

LSB-KiepDocThan
12-01-2003, 19:27
Sao lại không khuyến khích người khác viết tiếp những bài có giá trị như thế này mà lại đi xui người ta "viết ít thui" vậy nè?
Những bài viết này hay và có giá trị tham khảo lắm đó... rất mong BẠch Diện huynh sẽ post tiếp những bài thế này cho mọi người cùng đọc nhé.

thân tạ.

Bach-Dien-Thu-Sinh
13-01-2003, 11:33
Đa tạ KDT huynh :) :) :) :) :) !! Tại hạ xin được tiếp tục giới thiệu về các mảng đề tài văn hoá truyền thống của Việt Nam !


Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội

Nghệ thuật tuồng ở Bình Định nói chung và ở Quy Nhơn nói riêng từ nhiều thế kỷ qua đã tồn tại và phát triển rất mạnh, trở thành món ăn tinh thần đặc biệt và quen thuộc của nhân dân vùng đất này. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, những người dân Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Quy Nhơn vẫn là điểm hội tụ tài năng hát bội, rồi từ Quy Nhơn tỏa đi khắp các địa phương khác.

Sự kiến đáng ghi nhớ trong lịch sử sân khấu tuồng là cuộc họp mặt các diễn viên, nghệ sĩ tuồng toàn quốc đầu tiên tại TP. Quy Nhơn giữa năm 1976. Từ đó Quy Nhơn trở thành điểm hội tụ thường xuyên của nghệ sĩ tuồng cách mạng kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Quy Nhơn hiện có nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn - nhà hát đang gìn giữ và phát huy di sản tuồng đồ sộ của vị hậu tổ tuồng, danh nhân Đào Tấn. Nơi đây đã từng làm ra những công trình nghệ thuật tuồng mẫu mực về hát, múa, về biểu diễn tuồng truyền thống nói chung và đã giành được tiếng vang lớn như "Quang Trung đại phá quân Thanh", "Sao Khuê trời Việt", "Sáng mãi niềm tin", "Bùi Thị Xuân"... Đặc biệt, những vở tuồng cổ điển mẫu mực về văn học và nghệ thuật biểu diễn của Nguyễn Văn Diêu và Đào Tấn đã và đang được phục hồi ở Quy Nhơn để làm tài sản chung cho ngành tuồng cả nước nghiên cứu, học tập. Ngoài nhà hát tuồng Đào Tấn, ở Quy Nhơn còn rất nhiều câu lạc bộ tuồng truyền thống hoạt động thường xuyên. Ở Quy Nhơn, xem tuồng là một tập tục hay một sự đam mê hiếm thấy.

Cho đến hôm nay, Quy Nhơn (Bình Định) vẫn được coi là trung tâm của nghệ thuật hát bội (tuồng). Nói tới tuồng là người ta nghĩ đến Bình Định, và muốn được xem những vở tuồng đích thực của Đào Tấn, Nguyễn Văn Diêu... thì phải đến Quy Nhơn.

Bach-Dien-Thu-Sinh
13-01-2003, 11:34
Kiến trúc độc đáo của Phủ Giày

Từ Nam Định, qua những cánh đồng xanh mướt, xen lẫn rặng thông ngút ngàn đến huyện Vụ Bản, rẽ phải, đoạn đường ngắn dẫn ta đến với quần thể di tích văn hóa Phủ Giày. Cấu trúc Phủ Giày gồm Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng chúa, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn... các di tích mang tính chất thờ thần linh nông nghiệp.

Phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát nằm ở bìa làng trong khoảng không gian vừa thoáng đãng lại vừa gợi lên trong lòng du khách sự trầm mặc. Trước khi bước vào tiền sảnh của Phủ Tiên Hương ta gặp một giếng tròn mang ý nghĩa tự thủy để tự phúc. Giữa giếng là một ụ đất làm nơi cắm cờ. Qua khoảng sân rộng, du khách gặp hệ thống nghi môn trụ. Đình trụ có gắn hình lân. Tiếp đó là ba phương đình dàn hàng ngang bao gồm Phương du Nhà bia và trống, Nhà bia và chiêng. Mỗi tòa đều bố trí hai tầng với tám mái cong cân xứng. Từ Phương du đi xuống, qua hai hệ thống bậc đá xen giữa và bốn con hổ hướng đầu chầu phủ. Vượt qua nơi này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi gặp một đường bao lát đá ôm lấy hồ bán nguyệt. Phía trước hồ có một bức bình phong to lớn bằng đá thiết kế theo kiểu cuốn thư sừng sững trong không gian. Bức thư đá mang những nét hoa văn khá công phu, đậm nét bản sắc dân tộc. Nối hai bên là hàng lan can đá từng quãng bổ trụ, phía trong có hai cầu nước lát đá với hai con rồng cuồn cuộn hướng lên chầu vào cửa phủ.

Khác với Tiên Hương, phủ Vân Cát nằm trong không gian ấm cúng. Mùa hoa gạo nở, phủ Tiên Hương chìm trong màu hoa đỏ thắm của cây gạo. Đi sâu hơn, khách hành hương gặp Ngũ Môn, nơi đặt những tấm bia đá cổ. Trên năm cổng là năm tòa lầu, ba tòa giữa kết thành Tam Sơn. Trên nóc trụ là những con phượng kiểu đá lật mang đậm nét phong cách kiến trúc truyền thống. Nối liền với Ngũ Môn là Nghi Môn của đền thờ Lý Nam Đế (bên phải) và Tam Quan của chùa (bên trái). Điện chính gồm ba lớp. Tòà Tiền Bái bảy gian rực rỡ sơn son thiếp vàng, với nét chạm khắc hổ phù công phu, hình rồng được tạc ở nhiều tư thế sống động. Bên cạnh long, ly, quy, phượng còn có họa tiết cành tùng, cành trúc, cành mai, thanh tao, cành trúc quân tử. Tất cả những chi tiết đó liên kết lại trong một công trình kiến trúc vừa thể hiện tính cộng đồng của dân tộc vừa thấy được mong muốn hướng tới "chân, thiện, mỹ" của cha ông ta. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để minh chứng sự tài hoa, điệu nghệ của người thợ thành Nam. Ngoài ra, trong phủ Vân Cát còn bảo tồn nhiều sập, nhang án, bài vị, ngai, kiệu từ đầu thế kỷ XVIII.

Cùng với hai phủ, lăng bà Liễu Hạnh được xây vào năm 1938, năm giữa cánh đồng thôn Tiên Hương trên một gò đất cao với năm vòng tường bao bọc. Hướng chính của cửa lăng là hướng tây, các phía còn lại đều có cửa, các cửa đều có bổ trụ, mỗi mặt tường có bốn cột đồng trụ vuông cao bằng nhau, hai cột chính có khắc câu đối ở ba mặt, hai cột phía ngoài có khắc câu đối ở hai mặt. Trên cùng là lăng mộ xây hình bát giác với đồ hình bát quái, chung quanh có đường viền làm nổi bật 60 búp sen.

Hội tụ tất cả những giá trị văn hóa đã ra đời và tồn tại qua nhiều thế kỷ, di tích Phủ Giày góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Bach-Dien-Thu-Sinh
13-01-2003, 11:35
Tượng gỗ Võ Lăng

Nét đặc biệt là người làm tượng không cần nhìn mẫu, không một nét phác chì mà hoàn toàn làm theo trí nhớ. Dưới bàn tay người thợ Võ Lăng hiện ra những đức ông phương phi, đầy đặn những phật bà Quan Âm phúc hậu, từ bi, những tượng cô tươi tỉnh sắc sảo, những ông thiện hiền lành, những ông ác dữ tợn...

Nghề làm tượng Phật ở Việt Nam có từ thế kỷ XVI và đã xuất hiện nhiều làng chuyên làm nghề tượng gỗ, nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là làng Võ Lăng, xã Dân Hoà huyện Thanh Oai (Hà Tây), cách Hà Nội khoảng 22 km đi theo đường quốc lộ 22.

Từ những khúc gỗ trở thành những pho tượng linh thiêng toạ ở các chùa phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu. Tuỳ theo kích thước của pho tượng mà cắt gỗ, có khi phải chắp 2, 3 mảnh mới thành. Các tượng hầu hết được làm bằng gỗ mít. Dân làng đến bây giờ vẫn còn truyền lại về sự tích cây mít thường được trồng trong chùa - hoá thân của một người sống có tâm, thuỷ chung được các vị Phật độ trì. Gỗ mít dùng làm tượng không những mềm, mà còn không mối mọt, không nứt nẻ mà lại có mùi thơm.

Nét đặc biệt là người làm thợ không cần nhìn mẫu, không một nét phác chì mà hoàn toàn làm theo trí nhớ. sau khi sấy khô, tượng được đánh bóng, dùng "khò" sửa sang cho đường nét thêm sắc sảo, mềm mại, rồi mới đến công đoạn sơn. Trước khi sơn tượng được bó một một lớp mỏng bằng sơn ta chộn với đất sét và mùn cưa. Mỗi bức tượng thường được quét mười lần sơn ta. Cuối cùng là việc tạo dáng cho bức tượng. Đây là phần đòi hỏi kỹ thuật và mỹ thuật cao, cả bí quyết nhà nghề nữa, vì làm sao để các pho tượng trở nên có hồn. Trước khi dùng sơn, các phần của tượng thường được thếp vàng hoặc bạc. Độ trong của sơn, độ bóng của kim loại tạo mầu sắc độc đáo, óng ả. Dưới bàn tay người thợ Võ Lăng hiện ra những đức ông phương phi, đầy đặn, những Phật bà Quan Âm phúc hậu, từ bi những tượng cô tươi tỉnh, sắc sảo, những ông Thiện hiền lành những ông ác dữ tợn... Sản phẩm của làng được cung cấp cho nhiều chùa ở các tỉnh. Tượng gỗ Võ Lăng còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và các bạn hàng ưa chuộng.

Bach-Dien-Thu-Sinh
13-01-2003, 12:31
Tượng nhà mồ - Tây nguyên

Theo lời kể của tộc người Banar thì tượng nhà mồ là để đưa tiễn người sang thế giới xa xăm. Bởi vậy, khi sống cuộc đời ra sao thì khi chết đi, con người chỉ đi xa nhưng cũng là một cuộc sống không khác gì thế giới bên này. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí và đương nhiên, những súc vật cũng cần mang theo. Đến lễ hội Bỏ mả (lễ hội Pthi), chúng ta ngập trong rừng tượng. Tượng nhà mồ hiện lên sống động quanh những nhà mồ, thể hiện một nền nghệ thuật cổ, rực rỡ.

Tượng nhà mồ có thể xếp làm 3 lớp. Đó là thế giới sinh thành con người, có bào thai trong bụng mẹ, có giao hoan, giao phối âm dương, có bụng mang dạ chửa. Con người thuở nguyên sơ, phô bầy trong dáng khỏa thân, minh chứng sức mạnh truyền đời của loài người với nét đẽo khô ráp nhưng được cường điệu những bộ phận người cần được phô trương, bởi thế đường nét mạnh mẽ, gây ấn tượng rất mạnh, rất khác thường. Nhóm tượng thứ hai là những con vật gần gũi với người như voi, chó, trâu, bò... và nhóm thứ ba là những sinh hoạt cộng đồng như thể thao, săn bắn. Nhưng khi đến nhà mồ, lớp tượng cổ sơ nhất vẫn là tiêu biểu cho nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên.

Nghệ nhân đẽo tượng bằng chiếc rìu cứng cáp. Chỉ trên một khúc gỗ, không phác thảo và ngày này sang ngày khác, những cây gỗ to sù sì cứ hiện dần lên những dáng dấp, hình người, những tư thế cùng những chi tiết đa dạng của người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ... dường như tất cả đã nằm trong đầu nghệ nhân. Họ lặng lẽ từng nhát chắc chắn bổ xuống để nên hình, nên tượng, nên hồn.

Những bức tượng thực đó mà cũng hư hư huyền huyền đó như chính cõi "tối tăm" âm thế. Bởi thế mà trong ngôn ngữ người Banar các tượng mồ được gọi là "Mêu" với người Gia rai gọi là "Rup", nghĩa là hình tượng, chứ không gọi là hình ảnh, cũng không gọi rõ là tượng, nó cụ thể quá.